Tuổi già tìm việc có ích cho xã hội
Hà Nội - Thủ đô văn hiến bên cạnh những nét đẹp thanh lịch, cổ kính và phát triển thì vẫn còn nhiều điều làm du khách ái ngại và làm xấu đi hình ảnh của Thủ đô như: Trên cao thì hệ thống dây điện, điện thoại, cáp mạng… chằng chịt như mạng nhện; dưới mặt đất thì giao thông lộn xộn, hàng quán ngổn ngang trên vỉa hè, dưới lòng lề đường; còn trên các bức tường, cột điện thì rác quảng cáo, tờ rơi nham nhở làm xấu cả bộ mặt thành phố...
Biết mình cũng chẳng thể làm được gì lớn lao ở cái tuổi thất thập cổ lai hy rồi, nên ông Nguyễn Văn Minh ở Khu tập thể Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông (Thanh Xuân - Hà Nội) đã quyết định thực hiện một việc mà theo ông là "nho nhỏ" để mong góp phần làm đẹp cho phố phường, đó là bóc "rác" quảng cáo, tờ rơi.
Ông Nguyễn Văn Minh dùng dao rạch giấy để từ từ bóc những tờ rác quảng cáo.
Chúng tôi tới thăm ông trong căn hộ tập thể cũ, đơn sơ vào một ngày đầu thu, ông Minh hồ hởi lắm. “Nếu tính cả tuổi mụ thì bác năm nay đã 74 tuổi rồi, từng làm công nhân ở Nhà máy Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông (nay là Công ty Cổ phần Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông-PV), rồi nghỉ hưu ở đây luôn”. Ông mở đầu câu chuyện bằng cách xưng hô thân tình, gần gũi như vậy với chúng tôi.
"... Hơn 10 năm nghỉ hưu nhàn hạ, được vợ cùng con cháu chăm lo, nên sợ mình cũng sẽ bị “nhàn cư vi bất thiện”. Ở tuổi bác, nhiều người ngày ngày "đốt" thời gian ở vỉa hè bên bàn cờ tướng thật vô bổ. Chính vì thế bác cũng học theo mọi người đi bộ thể dục vài tiếng trong ngày để duy trì sức khỏe. Nhưng đi bộ mãi rồi cũng thấy thật nhàn hạ và chỉ được cho bản thân, cần phải làm gì vừa khỏe người, vừa có ích cho xã hội. Hàng ngày, nhìn những chị lao công vất vả quét và nhặt từng tờ rơi quảng cáo vứt dọc đường, bác nghĩ trong đầu, mình cũng đi bộ chả bận việc gì tại sao không mang theo một cái túi để nhặt lại những tờ rơi ấy. Rồi không chỉ ở đường mà trên tường, cột điện cũng có vô số tờ rơi, rao vặt dán chằng chịt. Thế là bác quyết định mua một con dao chuyên dùng dọc giấy để bắt đầu "cuộc chiến" với "rác" quảng cáo, rao vặt vào mỗi buổi chiều hàng ngày. Sợ bà xã và các con không đồng ý, chê trách, cản trở nên bác âm thầm "tác nghiệp". Thời gian gần đây, mọi người trong gia đình mới biết nhưng cũng không ai phản đối. Thế mà cũng được gần 14 năm rồi đấy…” , ông Minh tâm sự.
Ông bảo với chúng tôi rằng, cuộc đời mỗi người, nếu có ý định làm một việc gì tốt thì hãy cứ lặng lẽ mà làm. Chỉ có thời gian mới chứng minh được cho việc làm của mình, chứ bàn trước chỉ khiến lời ra tiếng vào mệt người thôi...
Mỗi ngày gom được một bao giấy
Hằng ngày cứ từ 17 đến 19 giờ vào mùa hè, hoặc 16 đến 18 giờ vào mùa đông, đi dọc trên con đường Nguyễn Trãi, Phùng Khoang, phố Vũ Hữu, Khuất Duy Tiến..., quận Thanh Xuân, nếu chịu quan sát ta sẽ bắt gặp hình ảnh ông Nguyễn Văn Minh với chiếc mũ lưỡi trai, áo màu xanh cỏ úa giản dị cùng chiếc bao tải nhỏ đang dùng dao bóc gỡ những tờ quảng cáo dán trên các bức tường, cột điện… Công việc ấy kéo dài trên một quãng đường gần 10km (tính cả hai chiều đi và về).
Theo ông Minh thì khu vực này có rất nhiều nhà máy, xí nghiệp và các trường học như: Nhà máy Thuốc lá Thăng Long (nay là Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long); Nhà máy Cao su Sao Vàng (nay là Công ty CP Cao su Sao Vàng); Công ty CP Xà phòng Hà Nội; Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học KHXH&NV, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Kiến trúc, Học viện An ninh Nhân dân… Chính vì vậy, các đối tượng phát tờ rơi, dán quảng cáo thường tập trung dán vào buổi sáng sớm với các nội dung như: Tìm nhà trọ, môi giới việc làm, bán quần áo, dạy đàn, nhạc cho đến thông bể phốt, sơn sửa lại nhà cửa… “Có nhiều lần bác đang bóc tờ rơi ở một cột điện thì bỗng nghe thấy giọng một gã thanh niên quát rất to: "Lão già kia! Làm gì thế?". Bác quay lại thì thấy ánh mắt hằn học của hắn đang nhìn về phía mình. Nhưng giữa đường sá đông người, hắn ta cũng không dám làm gì, chỉ chửi đổng vài câu rồi bỏ đi. Sau đó, bác nhận ra tên này thường hay đi dán quảng cáo tờ rơi lên tường, cột điện cho các cửa hàng, trung tâm môi giới. Khi bác đang vất vả bóc từng tờ rơi thì một số cô, cậu học sinh, sinh viên đứng chờ xe bus nhìn bác như thể người mới từ trên trời rơi xuống… Thậm chí họ còn buông những lời mỉa mai, châm chọc công việc bác làm. Rồi những tờ rơi nhận được từ người phát dọc đường, họ cũng không vứt đúng vào thùng rác mà xả luôn ra đường. Cứ nhìn thấy, nghe thấy những điều đó mà bác buồn. Có khi suy nghĩ suốt đêm không ngủ được. Bác không hiểu tại sao một số học trò bây giờ ý thức, văn hóa công cộng lại kém đến vậy?”. Kể đến đây, giọng ông chùng xuống, gương mặt nhân hậu và đáng kính của ông như hằn thêm bao nếp nhăn...
Chúng tôi xin đi cùng ông một buổi. Ra đến đầu ngõ, đã có mấy chị bán nước, mấy anh xe ôm nhanh miệng niềm nở chào hỏi: “Bác Minh hôm nay đi bóc giấy sớm thế?”. Có lẽ ông Minh phải mất bao năm âm thầm làm công việc tốt đẹp ấy mới được những người hàng xóm, nhân dân ở đây nhìn với con mắt thiện cảm, thân tình đến vậy.
Theo chân ông trên một hành trình dài gần 5km, thấy vẫn có rất nhiều người đi đường nhìn về phía mấy bác cháu chúng tôi với con mắt tò mò, xét nét. Với thâm niên 14 năm và cũng không còn sự ngại ngùng như những lần đầu, ông Minh thoăn thoắt lấy dao lách vào mép những tờ quảng cáo dán trên tường để bóc đi chất dính rồi mới nhẹ nhàng xé. Ông bảo, có nhiều tờ rơi được dán rất chặt, nếu mình xé nhanh có thể bong cả mảng vôi trên tường, như thế tường sẽ bị loang lổ rất mất mỹ quan. Chỉ đi một đoạn vài ki-lô-mét mà thành quả của ông Minh cùng chúng tôi đã có khoảng gần 2kg giấy. Ông chia sẻ: “Thường mỗi ngày bác bóc và nhặt được khoảng 3-4kg giấy quảng cáo. Bác gấp lại cho vào một chiếc túi hoặc bao tải, rồi lặng lẽ mang về cất trong góc nhà để bán đồng nát”.
Anh Nguyễn Chí Dũng, con trai ông Minh, chia sẻ: “Chúng tôi hiểu tính bố tôi và đồng tình với việc làm của ông. Cũng có người bảo, bố tôi làm thế cũng chỉ như công dã tràng mà thôi. Nhưng đó là niềm vui của ông và là việc làm có ích cho xã hội nên chúng tôi ủng hộ". Một tấm thân già với đôi bàn tay trần, cùng con dao dọc giấy thì sao chống lại được với đội quân hùng hậu sáng sáng đi dán quảng cáo khắp các phố phường. Nhưng ông khẳng định chắc chắn rằng, còn sức, còn tinh nhanh, còn đi ra phố được là vẫn sẽ còn "chiến đấu" với "rác" quảng cáo.
Chia tay, chúng tôi thầm cảm ơn và khâm phục ông. Thủ đô ta rất cần những con người như ông để cho phố phường ngày càng sạch đẹp và phát triển!
Bài và ảnh: NGUYỄN THỊ HƯỜNG