Nhật ký hành quân chiến đấu bằng thơ

Tôi đã được đọc khá nhiều cuốn nhật ký chiến trường, nhật ký cuộc đời quân ngũ bằng văn xuôi, nhưng với nhật ký hành quân chiến đấu hoàn toàn bằng thơ thì lần đầu tiên tôi được đọc, đó là của Đại tá, CCB đặc công Bùi Minh Hiếu.

leftcenterrightdel
Vợ chồng Đại tá, cựu chiến binh Bùi Minh Hiếu đọc Báo Quân đội nhân dân. 
Trong ngôi nhà nhỏ của ông tại xã Mỹ Hà, huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang), ông Hiếu đã mở cho tôi xem “kho tài sản vô giá” như nhận định của ông-gần 30 cuốn nhật ký hành quân chiến đấu với hàng nghìn bài thơ. Đó là chưa kể 4 cuốn nhật ký bằng thơ đã được đặt trong Bảo tàng Binh chủng Đặc công. Lý giải về việc viết nhật ký bằng thơ, ông Hiếu bộc bạch: “Trên chặng đường hành quân chiến đấu, thời gian, bút mực để ghi nhật ký rất eo hẹp, khó khăn. Tôi đã chọn cách ghi nhật ký bằng thơ để gói ghém những tâm tư, tình cảm chung-riêng vào đó”. Qua thời gian, hầu hết các trang giấy đã ngả màu vàng, nhưng những dòng chữ rắn rỏi thì vẫn còn rõ nét. Mở đầu một cuốn nhật ký, ông viết: Nhật ký hành quân chiến đấu/ Ghi thời gian và dấu chân đi/ Vững niềm tin dưới ánh quân kỳ/ Trong gian khó luyện thành gang thép. Chính do cách ghi nhật ký độc đáo bằng thơ mà ông có thể nhớ như in những kỷ niệm chiến trường, những trận đánh quan trọng trong lịch sử chiến tranh của dân tộc mà ông là nhân chứng. Đây là yếu tố rất quan trọng để ông có thể “truyền lửa" cách mạng cho thế hệ trẻ một cách sinh động. Tôi đã hào hứng gần ba tiếng đồng hồ khi nghe ông kể về cuộc tấn công bất ngờ bằng cách đánh đặc công hiểm hóc ở Buôn Ma Thuột, mở màn cho Chiến dịch Tây Nguyên mùa xuân năm 1975 và trận tấn công mở cửa cho quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn ngày 29-4-1975. Khi ấy, ông là Đoàn trưởng Đoàn Đặc công 198. Đơn vị ông có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong Chiến dịch Tây Nguyên, đó là “đánh chiếm sân bay quân sự và tổng kho Mai Hắc Đế nhưng không được hủy máy bay, không được đốt kho”. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đoàn Đặc công 198 có nhiệm vụ luồn phía sau lưng địch, đánh chiếm, giữ cầu Bông, cầu Sáng và thành Quan Năm để các cánh quân của ta tiến vào đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu ngụy. Xen giữa lời kể, thỉnh thoảng, ông lại đọc những câu thơ trích trong nhật ký như: Đẹp gì hơn khi được làm người lính xung kích/ Là mũi tên đâm phập quân thù; Ơi anh chiến sĩ đặc công/ Trí dũng song toàn/ Độc đoản luồn sâu/ Táo bạo ngoan cường/ Đánh hiểm, đánh đau/ Quân thù khiếp sợ...

Các nhà trường vẫn thường xuyên mời ông đi nói chuyện truyền thống cho học sinh; các cơ quan, đơn vị cũng mời ông đến nói chuyện nhân những ngày lễ lớn của dân tộc. Dù đã thuộc làu các tư liệu lịch sử nhưng trước mỗi lần như vậy, ông đều soạn lại đề cương chi tiết, trong đó lồng ghép những chuyện thời sự, chuyện địa phương, cơ quan, nhà trường nơi ông được mời đến để buổi nói chuyện “tiếp lửa truyền thống” thực sự đi vào lòng người. Chuẩn bị kỳ công như vậy nhưng ông không bao giờ đòi hỏi thù lao. Ông coi đó là trách nhiệm của mình và còn sống ngày nào, ông còn tham gia giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Còn sống ngày nào vẫn thiết tha gắn bó với Đảng

Đó là khẳng định của Đại tá, CCB Bùi Minh Hiếu với chúng tôi. Ông kể rằng, ông có vinh dự được nhập ngũ rất sớm khi mới 13 tuổi, đến khi 21 tuổi (năm 1954) được kết nạp Đảng. Vợ ông, bà Dương Thị Chanh, nguyên là thanh niên xung phong, nguyên Chủ tịch UBND xã Mỹ Hà, nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mỹ Hà, kém ông 4 năm tuổi đời, 3 năm tuổi Đảng. Gần 30 năm qua, kể từ khi được nghỉ hưu, hai vợ chồng ông Hiếu dù công việc gia đình bận rộn thế nào cũng sắp xếp tham dự các buổi sinh hoạt của chi bộ Đảng. Ông bà có 5 người con, trong đó 2 người con trai đã mất do ảnh hưởng của chất độc da cam/đi-ô-xin từ bố, còn lại 3 người đều là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại đa số các cháu của ông bà cũng là đảng viên. Nói đến Đảng, ông đọc cho tôi nghe bài thơ "Tự hào" ông viết trong nhật ký hành quân chiến đấu. Bài thơ có đoạn: Đã là con cháu dõi Lạc Hồng/ Mang trong huyết quản một sắc nồng/ Ta đi vững bước theo cờ Đảng/ Sắt son một dạ với non sông.

Để có được những thông tin chính thống của Đảng và Nhà nước, hai ông bà đặt mua Báo Quân đội nhân dân và Báo Bắc Giang, đồng thời được con gái gửi biếu Báo Quân khu 1. Trên cơ sở chắt lọc tin tức thời sự và những bài viết từ các báo này, ông thông báo lại cho các đảng viên của chi bộ trong mỗi cuộc họp, góp phần làm sinh động hơn những buổi sinh hoạt chi bộ.

Thấy ông tuổi đã cao, cấp ủy chi bộ có ý kiến đề nghị cho miễn sinh hoạt Đảng, nhưng ông không đồng ý, bảo rằng: “Tôi tuổi cao nhưng sức không yếu, còn sống ngày nào tôi vẫn thiết tha gắn bó với Đảng”. Thấy ai chưa thông về đường lối của Đảng, ông kiên trì giải thích, thuyết phục. Ai nói xấu Đảng, ông phản bác lại ngay. Ông luôn nhắc nhở các đảng viên trong chi bộ nói phải đi đôi với làm. Đã là đảng viên phải chấp hành Điều lệ Đảng, hành động theo đường lối của Đảng và thực hiện đúng nghị quyết của Đảng. Trong các phong trào thi đua của địa phương, đảng viên phải đi trước để làng nước theo sau.

Bà Dương Thị Chanh, vợ ông Hiếu, cũng thiết tha gắn bó với Đảng như chồng. Hai ông bà hiện là cặp vợ chồng đảng viên cao tuổi nhất còn tham gia sinh hoạt Đảng ở Đảng bộ xã Mỹ Hà. Không những tham gia sinh hoạt Đảng đều đặn, hai ông bà còn gương mẫu đóng góp nhiều ý kiến cho Đảng, đặc biệt là các dự thảo văn kiện đại hội Đảng của Đảng bộ huyện, Đảng bộ tỉnh và dự thảo văn kiện đại hội Đảng toàn quốc. Trong cuộc sống hằng ngày, hai ông bà luôn hòa thuận, sống chan hòa với hàng xóm, láng giềng, là tấm gương sáng cho nhiều đảng viên trong chi bộ noi theo.

Trả nghĩa quê hương

Sau hơn 40 năm xa quê hương, sống trong quân ngũ, tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến đấu giúp nước bạn Cam-pu-chia thoát khỏi thảm họa diệt chủng và chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, đến năm 1987, Đại tá Bùi Minh Hiếu, Trưởng phòng Đặc công (Bộ Tham mưu Quân khu 1) được trở lại với quê hương. Chia tay với cây súng và những trang giáo án về cách đánh đặc công hiểm hóc, táo bạo, bất ngờ, Đại tá Bùi Minh Hiếu bắt tay ngay vào trận tuyến mới tại quê nhà để chiến đấu với đói nghèo và lạc hậu.

Hình ảnh một ông già mặc bộ quân phục cũ, đạp xe đi khắp làng, khắp xã vận động bà con ăn ở vệ sinh, nhắc nhở các thanh niên đi khám nghĩa vụ quân sự, động viên các cháu nhỏ đến trường đã trở nên quá quen thuộc với người dân ở xã Mỹ Hà. Ông Hiếu cũng là CCB đầu tiên trong xã đứng ra vận động thành lập hội CCB của xã và đã được đồng đội tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội CCB xã hai khóa liên tục. Ông còn được các CCB bầu vào Ban Chấp hành Hội CCB huyện Lạng Giang. Với tác phong công tác sâu sát như thuở còn làm Đoàn trưởng Đoàn Đặc công 198, Chủ tịch Hội CCB xã Mỹ Hà đã là đầu tàu cho nhiều phong trào như: “CCB giúp nhau làm kinh tế”, “CCB chung tay xây dựng nông thôn mới”... Hội CCB xã Mỹ Hà do Đại tá đặc công Bùi Minh Hiếu làm Chủ tịch nhiều năm được công nhận là lá cờ đầu trong phong trào thi đua yêu nước của huyện Lạng Giang và tỉnh Bắc Giang.

Giờ đây, tuy ông Hiếu không còn là Chủ tịch Hội CCB của xã nhưng hằng ngày, người dân xã Mỹ Hà vẫn thấy ông bộ đội đặc công nhỏ nhắn, tóc bạc phơ, đi thoăn thoắt trên con đường làng. Thấy gia đình nào bất hòa, ông đi ngay vào phân giải. Thấy đứa trẻ nào có biểu hiện chưa ngoan, ông nhắc nhở ngay. Tuy đã ngoài 80 tuổi nhưng chất lính đặc công của ông vẫn còn nguyên vẹn, ông sẵn sàng lăn xả vào can thiệp những vụ xô xát do xích mích của người dân trong làng. Nhiều người dân trong xã Mỹ Hà coi Đại tá đặc công Bùi Minh Hiếu là chỗ dựa tinh thần cho gia đình mình, bởi ông đã từng gắn kết nhiều cặp vợ chồng có nguy cơ hôn nhân tan vỡ, giáo dục nhiều thanh, thiếu niên ương bướng, hư hỏng trở thành ngoan... Ông nói với tôi rằng, sở dĩ ông về hưu mà không nghỉ là do ông muốn trả nghĩa với quê hương đã cho ông khôn lớn và là chỗ dựa tinh thần cho ông trong những tháng ngày "vào sinh ra tử" trên khắp các chiến trường.

Bài và ảnh: ĐỖ PHÚ THỌ