Chiến đấu ngoan cường, hết lòng vì đồng đội
Thương binh Nguyễn Thị Huệ là con gái của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Sáng. Ngày 20-4-1960, noi gương anh chị trong gia đình, Nguyễn Thị Huệ tình nguyện nhập ngũ vào Phòng Quân lực, Bộ Tham mưu Miền. Từ đó đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Huệ đã vượt qua muôn vàn gian khổ, khó khăn, kiên cường chiến đấu và phục vụ chiến đấu, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương.
Thương binh Nguyễn Thị Huệ (thứ hai, từ trái sang) cùng đồng đội.
Trong không khí ấm áp của buổi họp mặt truyền thống Bộ Tham mưu Miền năm 2016, tại TP Hồ Chí Minh, cựu chiến binh (CCB) Lê Thị Lợi, nguyên y tá, Phòng Quân lực, Bộ Tham mưu Miền, ngụ tại quận 12 (TP Hồ Chí Minh) đã nhớ lại những kỷ niệm sâu sắc với người bạn chiến đấu Nguyễn Thị Huệ. Bà Lợi kể: “Sau Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân năm 1968, căn cứ Trung ương Cục miền Nam liên tục bị địch vây ép, càn quét, đánh phá. Đời sống thiếu thốn mọi thứ, việc tiếp tế của hậu phương gặp rất nhiều khó khăn. Đúng thời điểm ấy, y sĩ Nguyễn Thị Huệ đã anh dũng bắn rơi tại chỗ một máy bay trực thăng của địch. Đây thực sự là niềm tin, nguồn động viên lớn để chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, thử thách, mưu trí chiến đấu, bảo vệ an toàn căn cứ kháng chiến”.
Đã gần 48 năm trôi qua, nhưng câu chuyện bắn rơi máy bay trực thăng địch vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức bà Huệ. Bà kể: “Ngày 9-9-1968, tôi xuống đội sản xuất của Bộ tư lệnh Miền hái rau về lo bữa ăn cho thương binh. Khi vừa đến nơi thì bất ngờ một tốp máy bay địch ập đến. Tôi nhanh chóng lấy một khẩu súng CKC của đội sản xuất chạy đến khu vực kho xăng của Bộ tư lệnh Miền đón lõng, vì nhiều lần thấy máy bay địch thường hạ thấp độ cao để trinh sát, đánh phá khu vực này. Súng chỉ có 7 viên đạn. Tôi chọn vị trí, tư thế bắn, quan sát bám theo một chiếc trực thăng, đợi đúng lúc nó hạ thấp độ cao thì nhả đạn. Chiếc máy bay lảo đảo rồi rơi tại chỗ”. Lập chiến công xuất sắc, ngày 10-9-1968, Nguyễn Thị Huệ vinh dự được kết nạp Đảng và được cấp trên tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng hai.
Chiến công ấy đã tiếp thêm nghị lực cho Nguyễn Thị Huệ. Cô không quản ngại hy sinh, hăng hái xung phong bám sát bộ đội trong các trận đánh để cứu chữa thương binh. CCB Nguyễn Quốc Việt, ngụ tại quận 10, TP Hồ Chí Minh, đồng đội cũ của bà Huệ, nhớ lại: “Đầu tháng 1-1969, trong trận chiến đấu chống địch càn quét vào căn cứ Trung ương Cục miền Nam, chiến sĩ Võ Văn Huỳnh (sinh năm 1933) bị thương ở chân và bên sườn, máu ra nhiều, không thể đi được. Vượt qua làn mưa bom, bão đạn, Nguyễn Thị Huệ kịp thời băng bó vết thương cho anh Huỳnh. Mặc dù sức yếu, song Huệ đã cõng anh Huỳnh gần 2km đường rừng về Trạm Quân y, Bộ Tham mưu Miền, kịp thời phẫu thuật. Nhờ vậy, anh Huỳnh đã được cứu sống…”. Kể lại kỷ niệm ấy, bà Huệ xúc động: “Khi cõng anh Huỳnh, thỉnh thoảng tôi phải dừng lại đưa tay sờ vào tim anh xem có còn đập không, rồi phải băng bó kỹ lại vết thương để tránh mất nhiều máu. Khi có máy bay gầm rú, đạn pháo bay ngang đầu, tôi nhanh chóng tìm gốc cây, bờ đất để đưa anh vào ẩn nấp. Về đến đơn vị, người tôi bê bết máu, lịm đi vì mệt và đói”. Lần khác, vào đêm 25-4-1969, tại Trạm Quân y, Phòng Quân lực, chị Huệ đón nhận thương binh Nguyễn Văn Hải (tỉnh Mỹ Tho cũ) bị vỡ lá lách, mất máu nhiều, nguy cơ tử vong cao. Máu cấp cứu cho thương binh không có, mặc dù sức khỏe yếu, song chị đã quyết định hiến máu mình để cứu anh Hải.
Nhiệm vụ chiến đấu cứ cuốn chị đi từ trận đánh này đến trận đánh khác. Anh dũng chiến đấu, bám sát bộ đội cứu chữa thương binh, bà Huệ hai lần bị thương. Nhớ lại lần đầu bị thương, bà kể: “Đầu tháng 7-1969, tôi cùng cán bộ, chiến sĩ Đoàn 86 (Cục Hậu cần, Quân Giải phóng miền Nam) vận tải lương thực, thuốc men, khi đến giáp biên giới Cam-pu-chia thuộc địa phận tỉnh Xiêm Riệp, đơn vị bất ngờ bị địch càn quét. Chỉ có khẩu súng AK, trong khi phía trước, địch có nhiều xe tăng và bộ binh đang tràn đến, tôi giương súng ngắm bắn tiêu diệt 3 tên địch. Bỗng thấy thân mình đau nhói, tôi ngả mình lên bờ đất, đưa tay sờ xuống vùng bụng thấy máu ra nhiều. Biết mình bị thương, tôi cố gượng tỳ lên bờ đất và tự băng tạm vết thương. Lúc ấy, đồng đội kịp đến đỡ lấy tôi. Trên đường đồng đội cáng tôi về đơn vị lại bị địch phục kích. Tôi đã ngất đi...”.
Trong những năm tháng kiên cường bám trụ chiến trường, tình yêu đẹp đã đến với bà. Cuối năm 1969, bà kết hôn với Đại úy Phạm Văn Rỡ, quê ở xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, là đồng đội cùng công tác tại Bộ Tham mưu Miền. Giữa năm 1972, bà sinh chị Võ Thị Kim Dung. Từ đây, cuộc sống của bà càng khó khăn gấp bội vì vừa nuôi con vừa chiến đấu. Song, đây cũng là động lực để bà hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc. Mỗi lần đi làm nhiệm vụ, bà gửi con cho đồng đội chăm sóc.
Cầu nối giữa chính quyền với nhân dân
Đến xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, bên cạnh được nghe những câu chuyện dũng cảm, mưu trí của quân, dân vùng “đất thép” trong kháng chiến, chúng tôi còn được nghe nhiều câu chuyện cảm động về nghĩa tình của thương binh Nguyễn Thị Huệ. CCB Võ Văn No là một trong những người vừa được tặng nhà tình nghĩa do bà Huệ vận động, xây tặng. Do đông con, việc làm không ổn định nên nhiều năm qua, hoàn cảnh gia đình ông No rất khó khăn, phải ở trong căn nhà mái tôn dột nát, xiêu vẹo, ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Thấu hiểu hoàn cảnh của đồng đội, bà Huệ đã vận động các nhà hảo tâm xây tặng CCB Võ Văn No căn nhà với diện tích 45m2, tường xây, mái lợp tôn. Đây là một trong số 45 căn nhà tình nghĩa, tình thương do thương binh Nguyễn Thị Huệ vận động các nhà hảo tâm xây tặng đồng đội, người dân nghèo trong nhiều năm qua. Tâm huyết và việc làm của người nữ thương binh giàu lòng nhân ái đã được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Phú Mỹ Hưng hết sức trân quý, coi bà là tấm gương sáng để mọi người noi theo.
Từ năm 1992 đến nay, bà Huệ được bà con tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ dân phố, Chủ nhiệm Câu lạc bộ kháng chiến chiến sĩ Đồng Khởi, Chủ tịch Hội CCB ấp Phú Lợi, xã Phú Mỹ Hưng. Để có điều kiện giúp đỡ đồng đội có hoàn cảnh khó khăn, bà luôn gần gũi, nắm chắc hoàn cảnh, nguyện vọng của các gia đình chính sách, hộ nghèo, từ đó xây dựng chương trình hành động phù hợp. Bà Huệ luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào ở địa phương.
Do vết thương cũ thường xuyên tái phát, sức khỏe không tốt nên bà Huệ nhiều lần đổ bệnh. Mới đây, bà không may bị tai nạn giao thông. Dù sức khỏe còn yếu nhưng khi biết gia đình ông Võ Văn Nguyên, cùng xã, thuê người khoan giếng nhưng làm xong thì không còn tiền để mua máy bơm, bà đã trao tặng ông Nguyên hai chỉ vàng từ tiền tiết kiệm lương hưu của bà để giúp ông Nguyên khắc phục khó khăn. Từ năm 2010 đến nay, bà Huệ đã tiết kiệm gần 40 triệu đồng tặng đồng đội, người dân nghèo, trong khi đó gia đình bà vẫn ở trong căn nhà cấp 4 giản dị. Hằng ngày, bà cần mẫn nuôi heo, gà, làm ruộng vườn...
Không chỉ lo vận động, xây nhà tình nghĩa, bà Huệ còn vận động các nhà hảo tâm, phối hợp các ban, ngành hỗ trợ vốn, kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn cho những hộ nông dân nghèo, gia đình chính sách. Từ gần gũi nhân dân, bà nắm chắc cơ sở, nêu cao tính đấu tranh, tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng, kịp thời phát hiện, kiến nghị với các cấp chính quyền, giải quyết nhiều vấn đề bất cập tại cơ sở trong thực hiện các nghị quyết của Đảng. Mới đây, trong xây dựng nông thôn mới, người dân bức xúc vì Trạm xá xã Phú Mỹ Hưng tuy xây dựng khang trang nhưng chất lượng khám, chữa bệnh lại hạn chế; việc thăm, hương khói các Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã qua đời tại một số địa phương thiếu chu đáo. Bà đã kiến nghị lên các cấp ủy, chính quyền và Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã kịp thời chỉ đạo, giải quyết dứt điểm những vướng mắc, xây dựng lòng tin trong nhân dân đối với Đảng. Bà Huệ trở thành trung tâm đoàn kết, cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với nhân dân. Bà đã được các cấp thành phố tặng nhiều bằng khen, giấy khen.
Bài và ảnh: NGUYỄN DUY HIỂN