Người đảng viên gương mẫu

Các cụ cao niên trong thôn chỉ đường cho chúng tôi đến một ngõ ở cuối làng, nơi có cây đa sừng sững tỏa bóng mát. Ngôi nhà cấp bốn tuềnh toàng ở đầu ngõ chính là nhà bà Phột, cánh cổng và cửa nhà đều không khóa. Chúng tôi vào nhà mới biết bà đang ốm. Tuy vậy, bà vẫn nhiệt tình dậy tiếp đón chúng tôi.

Bà Phột năm nay tròn 80 tuổi. Bà có ba người con gái và các con đều đi lấy chồng xa. Ông nhà đã mất gần 20 năm, một mình bà sống trong căn nhà vắng, trên tường treo bằng chứng nhận được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến của hai ông bà và Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng của bà.

 Bà Phột (bên trái) trò chuyện với hàng xóm trên con ngõ khang trang mà bà đã hiến đất để mở rộng.

Thời thanh xuân, cả ông và bà đều tham gia quân đội, sau khi đất nước thống nhất năm 1975, ông phục viên về làm công nhân tại một nhà máy ở Hà Nội, còn bà trở về thôn Đại Định làm công tác an ninh và đưa công văn. Vì những thành tích và công lao đóng góp cho cách mạng, ông được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhì; bà được tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng ba. “Tôi và ông nhà luôn cảm thấy vinh dự vì đã cống hiến, đóng góp cho công cuộc giải phóng dân tộc, chỉ tiếc nhất là cả tôi và ông nhà chưa từng được gặp Bác Hồ”-bà Phột bồi hồi nhớ lại.

 Được đứng trong hàng ngũ của Đảng khi vừa tròn 20 tuổi. Với vinh dự đó, khi trở về quê hương, bà Phột luôn nêu cao tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” trong mọi hoạt động của thôn, xã, từ việc đóng góp các khoản thu, rồi đi đầu trong công tác dồn điền đổi thửa, xóa đói giảm nghèo… Nữ đảng viên Phạm Thị Phột luôn là tấm gương để nhiều người học tập, noi theo.

Nay tuổi cao, sức yếu nên không tham gia sinh hoạt Đảng được, bà Phột rất buồn. Bà bộc bạch: “Tôi già rồi, năm nay đã 60 năm tuổi Đảng, tôi vẫn mong muốn đóng góp gì đó, nhưng sức yếu, nên đành chịu vậy”. Nghe bà nói, chúng tôi không khỏi xúc động về tấm gương một đảng viên kiên trung, nhiệt tình, khi ở  tuổi thanh xuân đã cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước, nay tuổi cao sức yếu vẫn luôn gương mẫu, đi đầu trong nhiều hoạt động ở địa phương.

Bất chợt có người hàng xóm đi qua gọi bà Phột. Cô hàng xóm tươi cười bước vào nhà, trên tay cầm nải chuối chín biếu bà. Hỏi ra chúng tôi được biết, đó là cô hàng xóm ở cuối ngõ làm nghề buôn chuối.

Hai lần tự nguyện phá bờ rào, hiến đất

Bà Phột nhớ lại cảnh thôn quê ngày xưa thật khác xa so với bây giờ. “Ngày đó, mỗi nhà mỗi ngõ, nhà cửa xây không có quy củ, chỗ lồi ra, chỗ thụt vào; sau này dân số tăng lên, nhà cửa mọc lên san sát, nhà tôi lại ở sát trục đường lớn, nên tôi liền phá cái bếp nhà mình đi, lui vào 70cm; nhà đối diện lui vào hơn 20cm, một số gia đình cũng làm theo, dịch bờ rào vào phía trong chút ít, thế là có cái ngõ đi lại khá thuận tiện các chú ạ”-bà kể. Đó cũng là lần hiến đất mở đường đầu tiên của bà Phột khoảng đầu năm 1990, khi ông nhà vẫn còn sống. Nhưng xã hội ngày càng phát triển, dân số của làng tăng nhanh, trong cái ngõ ngày nào chỉ có vài ba hộ dân, giờ đã tăng lên hơn 30 hộ với tổng số hơn 100 nhân khẩu; rồi người trong thôn đi buôn đi bán, làm ăn ngày một đông hơn, các loại xe chở hàng ra vào hằng ngày cũng nhiều hơn, làm ngõ thường bị ùn tắc.

Ngõ cũ chỉ đủ rộng cho 2 xe gắn máy, xe đạp tránh nhau, chứ nếu ai thồ hàng cồng kềnh vào là rất khó quay ra. Thấy cảnh người dân khó khăn, tuy không ai nói ra, nhưng bà Phột, với bao năm làm công tác ở địa phương đã sớm nhận ra nỗi lòng của họ. Trong đầu bà lại nhen nhóm ý định hiến đất thêm một lần nữa, nhưng lần này khác so với lần trước, vì lần trước quanh ngõ nhà bà chỉ là bờ rào bằng cây, có lùi vào cũng không khó khăn, thiệt hại gì lớn, còn lần này là tường xây kiên cố, nhà bà lại ở đầu ngõ… Bà Phột suy nghĩ nhiều đêm rồi quyết định cho gọi mấy cô con gái đến để bàn “chuyện lớn”. Bà rất vui khi mấy cô con gái của bà đều ủng hộ mẹ hiến đất mở rộng đường đi, mặc dù biết rằng gia đình phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để xây lại một phần tường bếp, cổng và tường bao.

Còn một lý do nữa khiến bà Phột do dự việc hiến đất, lý do này chỉ có bà thấu hiểu. Ngồi tâm sự mãi, cuối cùng bà cũng bộc bạch cho chúng tôi biết, đó là: Tường rào và chiếc cổng cũ, do chính tay ông nhà xây khi ông còn sống. Đó như là một “nhân chứng”, vật kỷ niệm vô giá còn lại cuối cùng của ông với bà. Bà còn nhớ như in cái ngày “bà phụ vôi, ông đứng giáo xây” hôm nào. Rồi ông còn viết tên ông và tên bà lên bờ tường phía trong nhà, như một sự khẳng định tình yêu của ông đối với bà. Nay phải phá cổng, phá tường, nhất là “xóa” kỷ vật cuối cùng của ông để lại, bà thấy rất xót xa. Nhưng bà lại nghĩ: “Dù thế nào, tình yêu của ông bà vẫn sẽ sống mãi cùng năm tháng, cho dù không còn bờ tường và dòng chữ ông viết trên tường. Thêm nữa, bà con lối xóm sẽ rất vui khi chứng kiến việc làm đáng quý, vì việc chung của mình…”.

Thế rồi, cuối năm 2015, bà Phột đến gặp Trưởng thôn Lê Thị Lan và thông báo quyết định của mình về việc phá tường, dỡ cổng để mở rộng đường làng. Mọi người trong con ngõ rất vui, vì ai cũng biết, mảnh đất của bà đã có sổ đỏ từ nhiều năm trước; biết là đường làng chật, nhưng không ai dám phàn nàn hay đề đạt bà hiến đất mở đường, chỉ có tấm lòng thơm thảo của bà đã thôi thúc người nữ đảng viên già đi đến quyết định này.

Và thế là mọi người trong thôn giúp bà, mỗi người một tay phá tường, dỡ cổng để mở đường trong tiếng cười rộn rã và nét mặt vui mừng của dân làng và bà Phột. Chiều dài nhà và bếp của bà Phột là 24m, bà lui vào hơn 30cm, tổng cộng gần 75m2, tuy diện tích đất không nhiều, nhưng đó là tấm lòng của bà với hàng xóm láng giềng. Bà con mỗi người đóng góp thêm để đổ bê tông cho con ngõ mới sạch đẹp. Nhiều người, nhất là bọn trẻ con nôm na gọi con ngõ là “ngõ bà Phột”, làm bà cảm thấy thêm vui.

Nhưng bờ tường và cổng nhà bà Phột cũng cần phải được xây lại. Bà tiếp tục bỏ những đồng tiền mà bà tích cóp được bấy lâu, cùng với đóng góp của các con bà xây lại bờ tường và cổng. Số tiền xây lại cũng mất cả chục triệu đồng, nhưng bà không nhận một đồng đền bù nào của thôn hay đóng góp của người dân trong ngõ. Bà tâm sự: “Tôi hiến đất, chứ không bán đất. Bà con trong xóm cũng định xây lại cổng, tường rào cho tôi, nhưng tôi bảo tôi cũng tích cóp qua nhiều năm được ít tiền; bà con cứ để tôi và các con tự xây lại, cảm ơn tấm lòng của mọi người. Giờ tôi già rồi, tài sản chết cũng không mang theo được. Hiến đất để mở rộng ngõ, để bà con đi lại thuận lợi, thôn xóm đẹp hơn; tình làng nghĩa xóm thêm đậm đà, ấm áp là tôi vui nhất rồi!”.

Gương sáng cho con cháu

Năm nay đã bước sang tuổi “bát tuần”, sống một mình trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng; những bước đi của bà phải nhờ vào gậy, hoặc có người giúp đỡ, nhưng bà Phột hằng ngày vẫn cố đi đến nhà hàng xóm chơi cho khuây khỏa, thăm hỏi, đông viên mọi người, nhất là các cháu nhỏ học hành... Bao năm làm cán bộ địa phương, làm công tác khuyến học, rồi tham gia điều hành, quản lý hợp tác xã nông nghiệp, đã hun đúc trong bà động lực to lớn làm những việc “vác tù và hàng tổng”. Tuy không được học hành nhiều, nhưng bà rất yêu sách báo. Bà thường lưu giữ những tờ báo, bài báo nói về cách mạng, về Bác Hồ để đọc cho lũ trẻ trong xóm nghe.

Chị Lê Thị Nhung, con gái thứ hai của bà cho biết, hiện bà bị bệnh tiểu đường, sức khỏe yếu, nhưng hằng ngày bà vẫn cố gắng tập luyện, nhất là đi bộ, một mình bà vẫn tự lo ăn lo uống, nuôi gà và trồng rau. Mấy chị em tôi lấy chồng xa, ít có thời gian về thăm mẹ, nhưng con cháu ai cũng kính trọng bà và mong bà sống trường thọ”.

Được biết, bà Phột còn nhận thờ cúng Bà mẹ Việt Nam anh hùng Tạ Thị Ơn, là người thím của bà, vì bà thấu hiểu  sự hy sinh to lớn của các mẹ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Bà Lê Thị Lan, Trưởng thôn Đại Định, khẳng định: “Bà Phột là một đảng viên gương mẫu, suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp chung. Hai ông bà đều là người có công với cách mạng, khi về già vẫn phát huy tinh thần kiên trung, tiên phong của người đảng viên, nhất là gia đình đã hai lần hiến đất mở đường, khiến bà con trong thôn rất cảm kích, quý mến; cũng từ đó phong trào đóng góp tiền của, công sức xây dựng NTM ở địa phương thêm phát triển, đạt nhiều kết quả tích cực”.

Chúng tôi được biết tin vui, đầu năm 2016, thôn Đại Định đã đạt các tiêu chí xây dựng NTM, trong đó tiêu chí xây dựng đường giao thông trong thôn có sự đóng góp không nhỏ của bà Phạm Thị Phột-một công dân, đảng viên gương mẫu, một “cây cao bóng cả” với tấm lòng thơm thảo.

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CÔNG