Hơn 11 giờ, bà Đeo về đến nhà bằng xe ôm. Nhận ra nhà có khách, bà vui vẻ tiếp chuyện: "Họp xong sớm, nhưng cô ghé qua động viên anh em dân quân đang huấn luyện. Anh em ra quân huấn luyện hơn một tháng rồi nhưng hôm nay cô mới có thời gian ghé thăm được".
Bà Lê Thị Đeo thăm hỏi, động viên dân quân xã Mỹ Thạnh Đông trong mùa huấn luyện.
Câu nói của bà Đeo càng khẳng định cho “tiếng lành” về người phụ nữ mà tôi đang được trực tiếp trò chuyện. Tiếng lành, rằng: Dù trời nắng hay mưa, bà Lê Thị Đeo, với dáng hình nhỏ nhắn, ăn vận giản dị, đội mũ tai bèo... khi thì đi vận động bà con hiến đất làm đường, làm cầu; khi thì đến hòa giải chuyện vợ chồng lục đục, hay khuyên nhủ những thanh niên trong xóm ham chơi; rồi vận động các mạnh thường quân giúp đỡ người nghèo, tặng quà chiến sĩ mới… Theo nhiều người dân ở xã Mỹ Thạnh Đông, không có cuộc họp nào của xóm, ấp hay hội cựu chiến binh (CCB), hội phụ nữ... mà bà vắng mặt. Không biết đi xe gắn máy, nơi nào gần thì bà đi bộ, nơi xa thì đi xe ôm. Hằng tháng, bà sống nhờ vào khoản trợ cấp thương binh (hạng 4/4) và thu nhập từ mấy công đất trồng đậu phộng (lạc)..., thế nhưng, bà phải gánh gồng nuôi hai cháu ngoại và người con gái út bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin, không may mắn trong hôn nhân. Căn nhà tình nghĩa đã xuống cấp trầm trọng chưa có tiền để sửa lại, vậy mà với trách nhiệm của Phó chủ tịch Hội CCB, thành viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Mỹ Thạnh Đông, cùng với suy nghĩ “còn sức còn đóng góp”, bà Đeo luôn nhiệt tình cống hiến, không tính thiệt hơn. Bà vui vẻ chia sẻ: "Nhiệm kỳ còn 2 năm nữa, cô mong mình có sức khỏe, đóng góp được gì hay việc đó. Ngày trước, tham gia cách mạng gian khổ hy sinh không ngại, thì trong cuộc sống hôm nay mình phải vượt lên, góp phần xây dựng quê hương, xứng đáng với truyền thống Đội nữ Pháo binh Long An".
Dù vẫn còn gian truân với cuộc sống thường ngày, nhưng “chất lửa” trong bà Đeo vẫn luôn cháy sáng cả trong suy nghĩ và hành động. Qua hơn 10 năm làm công tác hòa giải, bà Lê Thị Đeo đã giúp hàn gắn tình nghĩa vợ chồng, tình láng giềng, anh em của rất nhiều gia đình trong ấp, trong xã. Hỏi về bí quyết thành công, bà bảo không có bí quyết gì đặc biệt, chủ yếu là chân thành khuyên nhủ, chỉ rõ đúng sai, như người mẹ, người chị khuyên nhủ con em mình. Ba năm liền (2012-2014), bà Lê Thị Đeo được Chủ tịch UBND tỉnh Long An tặng bằng khen vì có thành tích vận động xây dựng 3 cây cầu bắc qua kênh; vận động bà con hiến đất mở đường liên ấp, quyên góp giúp đỡ người nghèo… với kinh phí gần 1 tỷ đồng. Nhận xét về bà, ông Huỳnh Thanh Tâm, Phó bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thạnh Đông, nói: "Tinh thần, trách nhiệm của đồng chí Lê Thị Đeo là tấm gương sáng cho người dân và thế hệ trẻ của địa phương noi theo. Không nề hà, việc gì có ích cho dân, cho địa phương là đồng chí luôn gắng sức".
Đặc biệt, trong các đợt tuyển quân, bà Lê Thị Đeo luôn có mặt động viên thanh niên lên đường nhập ngũ bằng cách tổ chức nói chuyện truyền thống, quyên góp tặng quà, hoặc đến tận nhà một số thanh niên để tuyên truyền, thuyết phục... Nhờ sự “truyền lửa” thông qua chính cuộc đời của mình, bà Đeo đã góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyển quân hằng năm của xã Mỹ Thạnh Đông. Hiện tại, bà còn được chính quyền, nhân dân tín nhiệm cử tham gia Ban giám sát thi công xây dựng khu dân cư của xã.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Lê Thị Đeo cho rằng: Chính chiến trường khắc nghiệt đã làm nên tính cách và lẽ sống cho bà. Và thời hoa lửa của hơn 40 năm về trước vẫn vẹn nguyên trong ký ức người nữ pháo binh này; đó là các trận đánh vào chốt Mỹ Cần Đốt (thị xã Tân An), vành đai Rạch Kiến, Bình Tịnh, Hiệp Thạnh… gây cho địch nhiều thiệt hại...; đó là các trận nã pháo trúng dinh tên tỉnh trưởng Hậu Nghĩa; bẻ gãy trận càn của địch vào Đức Lập, diệt 30 tên Mỹ. Xuân Mậu Thân 1968, Đội nữ Pháo binh Long An đã đưa pháo vào nội đô, nã vào sân bay Tân Sơn Nhất. Trong 3 năm (1968-1970), Đội nữ Pháo binh Long An đã đánh vào Đức Hòa hàng trăm trận lớn, nhỏ, diệt hàng chục xe tăng, tiêu diệt và làm bị thương hàng nghìn tên Mỹ-ngụy. Riêng Đội nữ Pháo binh huyện Đức Huệ tham gia gần 100 trận đánh, vừa phối hợp bộ binh đánh đồn bốt, vừa tập kích đánh dã ngoại, pháo kích vào các cụm pháo địch ở Quéo Ba, Hiệp Hòa, Hậu Nghĩa, Kinh Xáng…
Đang sôi nổi kể về những chiến công của Đội nữ Pháo binh Long An, bỗng giọng bà chùng xuống, ánh mắt như lắng lại. Bà nhớ về thời điểm đầu năm 1968, khi diễn ra trận đánh bi hùng của một tổ thuộc Đội nữ Pháo binh Long An ở kênh Bo Bo, huyện Đức Huệ. Những nữ pháo binh tuổi trăng tròn chiến đấu với bầy máy bay hung hãn của địch. Trong trận chiến “đất đối không” vô cùng ác liệt trên chiến trường sông nước, các cô, các chị đã giương nòng pháo bắn máy bay địch cho đến viên đạn cuối cùng và tất cả nữ chiến sĩ trong tổ pháo binh đã anh dũng hy sinh… Vì vậy, bây giờ cứ vào ngày 30-4 hằng năm, bà Đeo lại làm một mâm cơm cúng đồng đội cho “đầy thương, vơi nhớ”. Cựu nữ pháo binh dân quân Lê Thị Đeo, hơn 40 năm trở về với cuộc sống đời thường nơi vùng biên giới Đức Huệ, vẫn là một “hoa pháo” luôn tỏa sáng.
Bài và ảnh: THÙY TRANG