Giàu lòng nhân ái, tình yêu thương
Chúng tôi bước vào khuôn viên ngôi chùa đang xây dựng, thấy mỗi người một việc. Trong số những người đang chuyển gạch, vữa có một người vận áo nâu, lưng áo đẫm mồ hôi. Đó là một sư thầy khá trẻ, chạc ngoài 30 tuổi; chúng tôi không nghĩ đó là sư trụ trì chùa Mễ Sơn, cho đến khi một anh thợ xây gọi to: “Thầy ơi! Có khách đến lễ chùa, thầy nghỉ tay đi!”. Sư thầy vội dừng tay và ra đón chúng tôi - những du khách hành hương. Trong gian tiếp khách nhỏ của nhà chùa, chúng tôi được nghe sư thầy kể lại những câu chuyện đáng nhớ và cảm động khi sư thầy cùng các phật tử đi làm từ thiện tại Hà Giang.
Sư thầy Thích Nguyên Kiền (ngoài cùng bên phải) thay mặt Trường Trung cấp Phật học Hà Nội trao quà từ thiện cho đại diện các xã của huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.
Đến với cửa Phật khi mới 13 tuổi, thời gian đầu tu tại chùa Sóc (xã Hà Hồi, huyện Thường Tín) đến năm 2006, sư thầy Thích Nguyên Kiền được mời về trụ trì chùa Mễ Sơn và gắn bó với chùa cho đến nay. Tiếp chúng tôi bên ấm trà xanh, chốc chốc sư thầy lại chạy ra đôn đốc, giúp đỡ mấy anh thợ đang xây nhà Tổ. Sư thầy kể rằng, trước khi sư về trụ trì, chùa Mễ Sơn khá nhỏ, cây cối rậm rạp, quạnh vắng, nên đã đứng ra vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp ủng hộ để xây dựng chùa khang trang. “Tòa Bái đường mới khánh thành năm ngoái mấy chú ạ, còn nhà Tổ thì chắc là năm sau sẽ xong”- sư thầy rất vui tâm sự với chúng tôi.
Bỗng nhiên, có mấy đứa trẻ chạy vào chào khi chúng tôi đang trò chuyện. Tìm hiểu chúng tôi được biết, cuối tuần sư thường tổ chức một buổi thuyết giảng kinh Phật cho người dân trong làng, với mong muốn những giáo lý nhà Phật sẽ góp phần giúp mọi người, nhất là những người trẻ làm nhiều việc thiện, sống có đạo đức và yêu thương đồng loại.
Lướt quanh bốn bức tường với nhiều tranh ảnh, giáo lý nhà Phật, chúng tôi tình cờ thấy tấm Bằng khen và Kỷ niệm chương của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng nhà sư năm 2012, được treo trang trọng. Hỏi đến những việc làm từ thiện của sư, sư chỉ cười, nhỏ nhẹ nói: “Có gì đâu mấy chú, người xuất gia làm từ thiện là lẽ thường thôi mà!”
Trước sự từ tốn của sư, chúng tôi càng tò mò tìm hiểu về những chuyến thiện nguyện của sư tại các nẻo đường vùng cao. May sao, sư đã nhiệt tình kể cho chúng tôi về những chuyến hành trình lên vùng cao biên giới phía Bắc để làm nhiều việc thiện.
Những chuyến xe chở nặng nghĩa tình
Năm 2006, những ngày đầu về trụ trì chùa, sư thầy Thích Nguyên Kiền đã nung nấu tâm nguyện vận động các nhà hảo tâm chung tay giúp sức để làm từ thiện tại tỉnh miền núi Hà Giang, mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Thời gian đầu đi vận động từ thiện rất khó khăn, nhưng sư không nản lòng, vì sư hiểu rằng, nếu mình bỏ cuộc thì sẽ có thêm những trẻ em nghèo, gặp hoàn cảnh không may mắn bị đói cơm, khát chữ…
Tuy chuyến hàng đầu tiên chuyển lên giúp Hà Giang (tháng 3-2006) chỉ có một xe ô tô, nhưng đó là biết bao nỗ lực, cố gắng. Sư thầy nhớ lại: Chuyến xe hàng khi tới huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, chúng tôi thấy có rất nhiều trẻ em ra đón trong thời tiết giá lạnh. Tôi thấy thương quá nên chạy lại ôm các em rồi vội bảo mọi người trong đoàn chuyển nhanh quần áo, bánh kẹo, gạo… vào nhà văn hóa xã.
Những năm sau, sư thầy quyết tâm: “Đã mất công lên Hà Giang xa xôi thì phải vận động được nhiều hàng hóa, vật dụng, vì bà con, trẻ em nơi này còn nhiều khó khăn, thiếu thốn quá!”. Vậy là sư thầy lại một mình hằng ngày đi vận động tại các doanh nghiệp, nhà hảo tâm ở nhiều nơi, mong sao có được nhiều nhu yếu phẩm cần thiết. Sư thầy tâm tình: Nhiều đêm nằm ngủ thấy nhớ mấy em nhỏ ở Hà Giang không có quần áo để mặc, không được đến trường, lòng tôi quặn thắt, thế là sáng hôm sau tôi lại đi vận động từ thiện”.
Năm 2007, số chuyến xe hàng lên tặng các em nhỏ ở Hà Giang do sư thầy Thích Nguyên Kiền đứng ra vận động được đã tăng lên 5 xe, mặt hàng để làm từ thiện cũng đa dạng hơn, như: Sách vở, bàn học, giường, phản, xe đạp cũ… Nhiều nhất là năm 2009, số xe hàng lên tới 15 xe ô tô. Sư ông nhớ lại: "Năm đó thật tuyệt vời, các cá nhân, tập thể ủng hộ được 15 xe hàng, vậy là tôi đi liền mấy huyện: Quản Bạ, Lũng Cú, Yên Minh…Về đến nhà tuy hơi mệt, nhưng tôi thấy lòng thật thanh thản mấy chú ạ!".
Chưa yên lòng với những khó khăn của trẻ em vùng cao và mơ ước đến trường của chúng, sư đã về nhà và xin mẹ bán phần đất được chia. Số tiền bán đất được hơn 200 triệu đồng, sư dành hết cho việc tu sửa chùa Mễ Sơn và làm từ thiện, không giữ lại chút nào cho riêng mình. Sư bảo, chỉ tiếc là số tiền bán đất không được nhiều, nên chưa giúp được nhiều cho các em.
10 năm qua, những chuyến xe nghĩa tình vẫn được sư thầy Thích Nguyên Kiền duy trì đều đặn hằng năm lên vùng biên cương Hà Giang; có năm nhiều nhất đoàn làm từ thiện tới 3 đợt, với mong muốn tốt đẹp ai cũng có cơm ăn áo mặc, các em nhỏ đều được đến trường.
Ngoài những chuyến xe tình người với mảnh đất Hà Giang, sư thầy Thích Nguyên Kiền còn phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Thường Tín xây nhà tình nghĩa tặng người nghèo tại các xã Chương Dương, Thống Nhất (huyện Thường Tín). Gần đây nhất, cuối tháng 3- 2016, sư đã vận động, quyên góp giúp hơn 100 người già trong huyện đi mổ mắt tại Bệnh viện Mắt Trung ương, với tổng chi phí gần 100 triệu đồng. Sư bày tỏ: “Tôi sẽ nỗ lực hết mình làm từ thiện và mong rằng các nhà hảo tâm sẽ tiếp tục đồng hành với chúng tôi làm việc nghĩa này”.
Chúng tôi đang trò chuyện với sư thầy thì ông Nguyễn Xuân Tĩnh, Bí thư chi bộ thôn Mễ Sơn đến thăm chùa. Ông Tĩnh chia sẻ: “Sư thầy Thích Nguyên Kiền không chỉ đi vận động làm thiện nguyện, sửa sang chùa Mễ Sơn mà sư còn góp phần tích cực trong việc đoàn kết nhân dân, nhiều lần cùng chính quyền hòa giải các vụ tranh chấp, xích mích trong thôn”. Được biết, năm 2015, sư được nhận Bằng khen của UBND huyện Thường Tín vì có thành tích xuất sắc trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
Đức Phật đã dạy: “Hương của các loài hoa không bay ngược chiều gió, hương của người đức hạnh bay khắp muôn phương”. Quả đúng như vậy, khi các nhà hảo tâm, tăng ni, phật tử chủ động đến tìm sư thầy để ủng hộ, quyên góp là sư lập kế hoạch đi làm từ thiện tại địa bàn miền núi, biên giới. Như phật tử Lê Thị Hảo, ở xã Hà Hồi, huyện Thường Tín ủng hộ 2 tấn gạo; phật tử Nguyễn Thị Kim Liên, ở khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai ủng hộ 3 tấn gạo, 1 tấn muối… Ai cũng mong sư thầy sẽ đưa nhanh những hạt gạo, hạt muối, tấm áo nghĩa tình đến tận tay các hộ nghèo, trẻ em khó khăn ở các địa bàn biên giới tỉnh Hà Giang.
Tạm biệt sư thầy khi chiều muộn, tiễn chúng tôi, sư không quên dặn: “Các chú viết bài đừng nhắc đến tôi nhiều nhé. Việc làm của tôi chỉ như giọt nước giữa đại dương, khen nhiều là không đúng với những gì kinh sách đã dạy”.
Biết là vậy, nhưng những việc làm thiện nguyện của sư trong suốt nhiều năm qua đã nói lên tất cả. Tiễn chúng tôi, sư thầy lại vội đi vào tiếp tục cùng mấy anh em thợ xây làm nốt những công việc đang dang dở của nhà chùa...
Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CÔNG