Tuy nhiên, mong muốn của anh là chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp căn bản để bảo vệ an toàn loài động vật được xếp vào mức nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới.

Không ngại “vác tù và hàng tổng”

Từ TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, tôi phóng xe gắn máy vượt chặng đường hơn 80km tìm đến nhà anh Nguyễn Thanh Tú. Vừa đến nhà, tôi được anh Tú dẫn ngay vào rừng. Trò chuyện với anh, tôi được biết voọc đen là loài linh trưởng đặc hữu của vùng núi đá vôi Việt Nam; được xếp vào mức nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới; nằm trong Phụ lục II của Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp. Người dân địa phương yêu mến đặt cho anh Tú cái tên rất dân dã: “Tú voọc”.

Vượt đèo, leo núi, đến nơi vẫn đang thở dốc, anh lấy ngay ống nhòm ra quan sát xung quanh lèn đá và chỉ tay về phía trước nói: “Anh quan sát kỹ sẽ thấy đàn voọc đang đu cành cây đó!”. Chăm chú nhìn hồi lâu, tôi mới phát hiện ra đàn voọc đen gáy trắng trên lùm cây ở lèn đá cách tôi vài trăm mét. Bên lùm cây phía trước, tiếng người gọi nhau í ới đến chụp ảnh đàn voọc. Tôi quan sát thì thấy có 5 người (3 nam, 2 nữ), trên vai họ đều mang máy ảnh với ống kính tele, đang rẽ cây leo lên lèn đá. Khi họ đến gần, tiếng cành cây xào xạc cùng tiếng chụp ảnh tanh tách vang lên làm đàn voọc thấy động chạy trốn vào các hốc đá. Mọi người rời “trận địa”, trở về nhà anh Tú khi đã giữa trưa.

 Đồng chí Phạm Hồng Thái, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình (bên phải) trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng anh Nguyễn Thanh Tú. Ảnh: Thành Vương.

Thấy đoàn chúng tôi về nhà, chị Tâm, vợ anh Tú, nét mặt hồ hở chào hỏi và dọn cơm mời chúng tôi. Mặc dù đã quá trưa, nhưng mọi người dường như không thấy đói, hăm hở mở máy ảnh ra xem những hình ảnh sinh động về đàn voọc vừa chụp được trong rừng.

Tôi được xem gần 50 bức ảnh về đàn voọc đen gáy trắng ở thôn Thiết Sơn. Bức ảnh nào cũng sắc nét, sống động. Tìm hiểu tôi được biết, họ là những người yêu thích cảnh vật thiên nhiên, là những tay săn ảnh, đã đạt nhiều giải thưởng ở trong nước, quốc tế. Nghe tin ở quần thể dãy núi đá vôi thôn Thiết Sơn có đàn voọc đen gáy trắng, họ vượt gần 400km tìm đến, mong muốn chụp được ảnh đàn voọc quý hiếm, nhằm bổ sung thêm tư liệu ảnh về đàn voọc mà họ chụp được trước đó ở TP Đà Nẵng. Mong muốn của các nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng trùng hợp với mong muốn của gia đình anh Tú.  

Anh Nguyễn Thanh Tú, sinh năm 1962, tại thôn Thiết Sơn, xã Thạch Hóa. Từ tháng 11-1983, anh vào công tác trong lực lượng Công an vũ trang, sau này là Bộ đội Biên phòng; đến tháng 6-2012, sau 29 năm công tác, anh nghỉ hưu với quân hàm trung tá, về sinh sống tại quê nhà. Anh là một trong những người đầu tiên phát hiện có đàn voọc đen gáy trắng; rồi tự đứng ra vận động thành lập tổ bảo vệ đàn voọc này khi chưa có sự chỉ đạo của chính quyền địa phương. Khi đó, nhiều người gièm pha anh là: “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng!”.

Nghỉ hưu về địa phương, thấy người dân địa phương chặt cây, đốt cỏ, khai hoang làm nương, ảnh hưởng đến môi trường sống của đàn voọc; một số người ngày đêm săn bắn, giết hại đàn voọc, anh Tú đã tìm mọi cách can ngăn, khuyên giải. Thấy vậy, không ít người dân trong thôn và các tay đi săn dè bỉu rằng: Của rừng chứ có phải của anh đâu. Anh có quyền gì ngăn cấm. Đó là của trời cho, ai có công, có tài thì được hưởng. Có người còn dọa dẫm anh “Thử xem “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” được mấy bữa nữa!”…

Bất chấp những lời không hay, để bảo vệ đàn voọc khỏi bị săn bắn, anh Tú đã quyết định thành lập tổ bảo vệ tự nguyện. Việc đầu tiên của anh là dành nhiều thời gian gần gũi, quan tâm tới các thợ săn có tiếng trong vùng. Họ là những người thông thạo đường rừng, nắm bắt được quy luật, thói quen sinh hoạt của voọc và biết chỗ nào voọc thường trú. Thấy anh cứ bám riết vận động, thuyết phục, hơn nữa ai vào tổ bảo vệ là được anh cho tiền điện thoại hằng tháng, thỉnh thoảng lại về nhà anh tâm tình, nên bốn người được anh vận động đều đồng ý vào tổ bảo vệ. Tuy nhiên, để vận động và thành lập được tổ bảo vệ, anh Tú phải rất kiên trì tuyên truyền, thuyết phục. Anh Tú kể: “Một phụ nữ ở thôn Cao Sơn, xã Thạch Hóa có chồng và con trai chuyên đi bắn chim, săn voọc vừa như một thú vui, vừa làm nghề sinh sống. Khi tôi đến vận động, nhờ chị can ngăn chồng, con thì chị lại to tiếng. Nhưng với tinh thần vượt khó của Bộ đội Cụ Hồ cùng với nghiệp vụ dân vận mà tôi đã học tập được khi còn trong quân ngũ, tôi kiên trì thuyết phục, cuối cùng chị ấy cũng nghe theo tôi và khuyên can chồng, con từ bỏ nghề săn bắn. Từ đó đến nay, chồng, con chị không còn săn bắn, giết hại thú rừng nữa”.

Mong muốn của người trong cuộc…

Sau khi biết có đàn voọc đen gáy trắng xuất hiện tại địa bàn thuộc loại động vật hoang dã quý hiếm trong Sách đỏ thế giới, anh Tú đã báo cho anh Phương-kiểm lâm viên ở Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và đề nghị Chi cục Kiểm lâm tỉnh về điều tra, khảo sát để có biện pháp bảo vệ. Đồng chí Phạm Hồng Thái, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình đã trực tiếp về điều tra, xác minh; qua đó, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã công nhận vùng dãy núi đá vôi thuộc 4 xã Thạch Hóa, Đồng Hóa, Nam Hóa, Đức Hóa, tổng diện tích 174ha, có đàn voọc đen gáy trắng đang sinh sống và đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cử cán bộ về nghiên cứu, tiến hành kiểm đếm và đã xác định có 86 con voọc đen gáy trắng; dự kiến thời gian tới, số lượng voọc kiểm đếm được sẽ nhiều hơn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tổ chức Hội thảo khoa học về loài voọc đen gáy trắng ở xã Thạch Hóa. Cũng trong dịp này, Tiến sĩ Lê Trọng Tải-cán bộ bảo tồn thiên nhiên đã tặng anh Tú chiếc ống nhòm để anh thuận lợi khi quan sát đàn voọc.

Tháng 11-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định tặng Bằng khen cho anh Nguyễn Thanh Tú vì có thành tích phát hiện và bảo vệ đàn voọc đen gáy trắng tại xã Thạch Hóa. Cũng từ đó, lãnh đạo các cấp quan tâm chỉ đạo bảo vệ loài động vật này. UBND xã Thạch Hóa ban hành Quyết định số 52/QĐ-UBND, ngày 8-7-2015, về việc thành lập Tổ bảo vệ gồm 7 người, do đồng chí Phạm Ngọc Thanh, Phó chủ tịch UBND xã Thạch Hóa làm tổ trưởng. Mặc dù vậy, công việc bảo vệ đàn voọc vẫn gặp không ít khó khăn, do các yếu tố chủ quan và khách quan.

Mới đây, đồng chí Trần Công Thuật, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình đã đến xã Thạch Hóa thăm và tặng quà cho những người có công bảo vệ đàn voọc đen gáy trắng ở xã miền núi Thạch Hóa. Đồng chí có ý kiến: “… UBND huyện Tuyên Hóa cần chỉ đạo 4 xã trong khu vực là Thạch Hóa, Đồng Hóa, Nam Hóa, Đức Hóa đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết ý nghĩa và tính nguy cấp phải bảo vệ đàn voọc cũng như các chế tài xử lý liên quan đến việc bảo vệ loài linh trưởng có trong Sách đỏ Việt Nam. Trong trường hợp đàn voọc xâm hại tài sản của nhân dân, UBND xã tuyên truyền người dân áp dụng các biện pháp xua đuổi, không gây tổn thương đến loài động vật nguy cấp, quý hiếm cần được ưu tiên bảo vệ này”.

Thiết nghĩ, để bảo vệ đàn voọc đen gáy trắng đang sinh sống trên địa bàn 4 xã, UBND huyện Tuyên Hóa cần thành lập đội bảo vệ với các thành viên là người dân của 4 xã có voọc sinh sống; cần xây dựng quy chế hoạt động cụ thể cho đội và trang bị công cụ hỗ trợ cần thiết phục vụ việc tuần tra, bảo vệ đàn voọc.

Địa bàn của 4 xã có đàn voọc sinh sống là địa bàn đặc biệt khó khăn thuộc diện xã 135, người dân sinh sống chủ yếu bằng vào nghề đốn củi, trồng cây, làm nương, chăn nuôi gia súc. Việc người dân đốn củi, chăn nuôi, tìm kiếm dược liệu, cây cảnh… trên lèn đá vôi gây ảnh hưởng đến việc kiếm ăn và môi trường sống của đàn voọc; rất cần hoạt động hiệu quả của Đội bảo vệ và có chế tài xử lý nghiêm những người cố tình vi phạm.

Chúng tôi bịn rịn chia tay gia đình anh Tú và mong muốn được chuyển lời nhắn gửi chân thành của anh tới các cấp chính quyền và cơ quan chức năng: “Cần sớm có giải pháp căn cơ bảo vệ đàn voọc đen gáy trắng quý hiếm, vì đó là tài sản vô giá, được xếp vào mức nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới”.

TRẦN VĂN BÌNH