Giờ học… không buồn ngủ!

Với tác phong nhanh nhẹn, cách nói chuyện thân thiện, gần gũi, mang đậm chất khoa học, Trung tá, PGS, TS Phan Đức Nhân đã thực sự cuốn hút chúng tôi khi anh nói về công việc của mình-giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở một cơ sở đào tạo kỹ sư quân sự hàng đầu của quân đội và cả nước.

Những năm gần đây, HVKTQS thực hiện chuyển đổi phương thức đào tạo từ niên chế sang tín chỉ; tập trung đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng tích cực, nâng cao tính chủ động, vai trò trung tâm của người học… Cách học “thầy đọc, trò chép” vốn tồn tại lâu nay ở không ít nhà trường, ở HVKTQS nói chung và Khoa Vũ khí nói riêng cũng ít nhiều còn ảnh hưởng. Vì vậy, thay đổi phương pháp giảng dạy, học tập theo hướng tích cực thực sự như một “cuộc cách mạng” đầy khó khăn và càng khó hơn đối với một khoa “vừa khó, vừa khô” như Khoa Vũ khí. Làm gì để thực hiện thành công chủ trương này? Trung tá Phan Đức Nhân luôn trăn trở và đã sớm tìm ra câu trả lời: Bên cạnh việc thường xuyên cùng tập thể lãnh đạo, chỉ huy khoa nghiên cứu, rút kinh nghiệm tìm ra các giải pháp tốt nhất thì bản thân phải gương mẫu thực hiện tốt việc thay đổi phương pháp giảng dạy thông qua mỗi giờ lên lớp.

leftcenterrightdel
Trung tá, PGS, TS Phan Đức Nhân (bên phải) cùng đồng nghiệp triển khai chế thử thuốc phóng tại nhà máy. Ảnh: TRUNG HIẾU 

Trung úy Vũ Mạnh Hùng, nguyên học viên Lớp Thuốc phóng, thuốc nổ K46, HVKTQS còn nhớ rất rõ những giờ học chuyên ngành do thầy Phan Đức Nhân giảng dạy mang đầy cảm xúc. “Buổi học nào thầy cũng “mang” thực tiễn vào lớp học khiến ai cũng thích thú”-Hùng nói. Tôi hỏi một buổi học ấn tượng nhất đối với Hùng? Chàng trung úy trẻ trả lời: “Có nhiều buổi học như thế lắm anh ạ. Điển hình như một lần thầy đưa ra tình huống thuốc phóng sau sản xuất bắn thử nghiệm không đạt, một số chỉ tiêu kỹ thuật nằm ngoài tiêu chuẩn cho phép. Từng học viên trên cương vị người kỹ sư đưa ra phương án khắc phục”. Hùng chia sẻ: Buổi học đó không chỉ cung cấp cho tôi kiến thức thực tế mà còn giúp tôi hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của một kỹ sư quân sự, góp phần xây dựng động lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Tôi vừa tốt nghiệp ra trường, tiếp xúc với công việc ở đơn vị càng thấy phương pháp giảng dạy của thầy rất bổ ích.

Nếu ai đã từng là học viên ngành vũ khí nói chung, chuyên ngành thuốc phóng, thuốc nổ nói riêng, đều ít nhiều cảm thấy các môn học chuyên ngành rất “khó và khô”. Bởi thế trong mỗi giờ học, nếu giảng viên không biết cách khơi gợi thì học viên rất dễ… buồn ngủ. Học viên Vilayphone-nguyên Lớp trưởng Lớp Thuốc phóng, thuốc nổ K46 nước bạn Lào tại HVKTQS bày tỏ sự cảm phục: Trong các giờ lên lớp, thầy Nhân luôn tạo không khí học tập sôi nổi thông qua các câu hỏi thực tiễn kích thích trí tò mò và ước mơ khám phá khoa học của học viên. Đặc biệt, mỗi giờ học, 100% học viên đều phải phát biểu ý kiến xây dựng bài hoặc trả lời câu hỏi của thầy, trao đổi thảo luận với cả lớp… nên giờ học rất sôi động. Cuối mỗi buổi học, thầy gợi ý những nội dung quan trọng của bài học hôm sau để học viên nghiên cứu trước, đến lớp, thầy hướng dẫn, trao đổi thảo luận, qua đó tìm được chân lý chung. Chúng tôi rất thích các giờ học của thầy. Đây là những giờ học không thể… buồn ngủ!

Say mê nghiên cứu khoa học

Sinh ra và lớn lên trên một miền quê nghèo của tỉnh Vĩnh Phúc, ước mơ thuở học sinh của cậu học trò Phan Đức Nhân là thi đỗ vào HVKTQS chỉ đơn giản để gia đình bớt đi nỗi lo "cơm áo gạo tiền". Thế nhưng vào học tại trường, càng học Phan Đức Nhân càng thấy lựa chọn của mình là đúng. Anh yêu màu xanh áo lính, say mê với những giờ học, khát khao khám phá thế giới bí ẩn của các loại thuốc phóng, thuốc nổ… Tốt nghiệp HVKTQS chuyên ngành thuốc phóng, thuốc nổ với thành tích xuất sắc, anh được giữ lại trường, sau đó tiếp tục được cử đi học và lấy bằng Tiến sĩ Hóa học tại Trường Đại học Công nghệ hóa học mang tên D.I.Mendeleev, LB Nga.

Thuốc phóng sản xuất từ nitroxenlulo (NC) là loại vật tư không thể thiếu trong quốc phòng, dùng để tạo năng lượng đẩy đầu đạn đến mục tiêu. Từ trước đến nay, để sản xuất NC-nguyên liệu chính trong chế tạo thuốc phóng keo, chúng ta phải nhập ngoại bột gỗ và bông tinh, sau đó nitro hóa tạo NC. Làm thế nào để chủ động nguồn nguyên liệu trong nước, tự chủ trong sản xuất thuốc phóng luôn là câu hỏi lớn thường trực trong Phan Đức Nhân. “Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và quân đội về từng bước chủ động sản xuất vũ khí trang bị từ nguồn nguyên liệu và công nghệ trong nước, nhiều chương trình, đề tài khoa học nghiên cứu sản xuất NC từ nguồn nguyên liệu trong nước đã được xây dựng, triển khai. Tuy nhiên, để có thể thu được kết quả khả quan, công trình nghiên cứu phải bảo đảm hai yếu tố: Tính khoa học và tính khả thi, vì thực tế cho thấy có những nghiên cứu rất thành công về mặt khoa học nhưng lại gặp khó khăn khi triển khai sản xuất ở quy mô công nghiệp”-Trung tá Phan Đức Nhân cho biết.

Năm 2010, nhóm nghiên cứu do Phan Đức Nhân chủ trì bắt đầu nghiên cứu tinh chế xenlulo gỗ Việt Nam ở quy mô phòng thí nghiệm, sản phẩm đạt các yêu cầu kỹ thuật làm nguyên liệu chế tạo NC. Năm 2012, trên cơ sở kết quả nghiên cứu được đánh giá tốt, nhóm nghiên cứu được Bộ Khoa học và Công nghệ giao thực hiện Đề tài tiềm năng “Nghiên cứu sử dụng nguồn xenlulo gỗ Việt Nam để điều chế NC cho sản xuất thuốc phóng thay thế xenlulo gỗ nhập ngoại”, mã số KC.02.TN12/11-15. Kết quả nghiên cứu đã khẳng định, hoàn toàn có thể tinh chế nguyên liệu xenlulo gỗ Việt Nam thành sản phẩm (bột gỗ tinh chế) thỏa mãn các yêu cầu kỹ thuật đối với bột gỗ dùng để sản xuất NC thay thế bột gỗ nhập ngoại.

Để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm và công nghệ, mở rộng nghiên cứu tinh chế nguyên liệu xenlulo gỗ Việt Nam ở quy mô sản xuất thành bột gỗ Việt Nam đạt các yêu cầu kỹ thuật làm nguyên liệu chế tạo NC, cũng như sử dụng sản phẩm bột gỗ tinh chế để chế tạo NC và thuốc phóng ở quy mô sản xuất, năm 2014 nhóm nghiên cứu tiếp tục được Bộ Khoa học và Công nghệ giao thực hiện Đề tài “Nghiên cứu chế tạo NC để sản xuất thuốc phóng từ bột gỗ Việt Nam thay thế bột gỗ nhập ngoại” thuộc chương trình khoa học công nghệ cấp Nhà nước, mã số KC.02.10/11-15.

Nói về các kết quả nghiên cứu, Trung tá, PGS, TS Phan Đức Nhân cho biết thêm: Bột gỗ Việt Nam sau tinh chế có chất lượng tốt, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật đối với bột gỗ để chế tạo NC, hoàn toàn có thể thay thế bột gỗ nhập ngoại. Trên cơ sở đó, nhóm đề tài đã nghiên cứu chế tạo thành công NC số 1 và NC số 2 từ bột gỗ Việt Nam ở quy mô sản xuất trên thiết bị công nghệ tại nhà máy; xây dựng quy trình công nghệ chế tạo NC số 1 và NC số 2 từ bột gỗ Việt Nam; đã sử dụng NC thu được để sản xuất thuốc phóng mác 11/7 đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đã thu được nhiều kết quả tích cực dưới dạng sáng chế, bài báo, như đã đăng ký sáng chế “Phương pháp sản xuất bột gỗ tinh chế để sản xuất NC trong quốc phòng”, được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chấp nhận. Trong quá trình nghiên cứu, nhóm cũng đã đóng góp tích cực công tác đào tạo đại học và sau đại học tại trường. Đề tài đã được nghiệm thu đạt kết quả khá vào tháng 4-2016.

Tính đến nay, trong suốt hơn 16 năm gắn bó với HVKTQS, với lĩnh vực thuốc phóng, thuốc nổ, Trung tá, PGS, TS Phan Đức Nhân đã chủ trì và tham gia thực hiện hàng chục công trình, đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị, sản phẩm của một số đề tài đã giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra, góp phần bảo đảm kỹ thuật cho các đơn vị, nâng cao khả năng SSCĐ. Một trong những thành công gần đây của anh là các nghiên cứu chế tạo thuốc nổ dẻo giảm nhạy PBX dưới dạng đề tài cấp Tổng cục Kỹ thuật. Mặc dù công nghệ chế tạo thuốc nổ dẻo khá phức tạp, hiện chưa được nghiên cứu nhiều ở trong nước, nhưng nhờ sự nỗ lực, cố gắng không ngừng, sau gần hai năm thực hiện, nhóm nghiên cứu do anh đứng đầu đã chế tạo thành công thuốc nổ dẻo giảm nhạy PBX trên cơ sở polystiren và hexogen. Sản phẩm có đặc trưng năng lượng tương đương thuốc nổ dẻo C-4 của Mỹ, có độ nhạy va đập thấp, độ an định hóa học cao, biểu hiện tính dẻo tốt ở điều kiện thường… có thể dùng để thay thế các thuốc nổ dẻo khác đã xuống cấp, phục vụ công tác bảo đảm kỹ thuật và SSCĐ…

Đạt được nhiều thành tích trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nhưng Trung tá, PGS, TS Phan Đức Nhân rất ít nói về bản thân. Chia sẻ “bí quyết” giúp anh có được một số thành công như hôm nay, Trung tá, PGS, TS Phan Đức Nhân nói: “Thứ nhất, nghiên cứu khoa học phải xuất phát từ thực tiễn và quay lại phục vụ thực tiễn; thứ hai, chưa lúc nào tôi bằng lòng với chính mình, tôi luôn xác định phải phấn đấu nhiều hơn nữa mới có thể hoàn thành nhiệm vụ, đáp lại tình cảm, sự quan tâm, lòng mong mỏi của cấp trên và đặc biệt là với các học viên thân yêu…”.

PHƯƠNG HIỀN