Có dịp tham dự lễ khánh thành nhà nội trú chăm sóc trẻ em bại liệt của NNCĐDC/đi-ô-xin TP Đà Nẵng (tại Trung tâm Bảo trợ NNCĐDC/đi-ô-xin và trẻ em bất hạnh, cơ sở 3, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang), chúng tôi được chứng kiến niềm vui của thân nhân các gia đình NNCĐDC/đi-ô-xin cũng như cán bộ, hội viên. Trong niềm vui chung ấy, bà Nguyễn Thị Hiền đã kể cho tôi nghe về những kỷ niệm khó quên từ khi bà gắn bó với các NNCĐDC/đi-ô-xin.

Day dứt “nỗi đau da cam”

Thời trẻ, Nguyễn Thị Hiền ước mơ trở thành cô giáo và ước mơ đó đã trở thành hiện thực; năm 1981, sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm Mẫu giáo Trung ương, Nguyễn Thị Hiền về công tác tại ngành giáo dục tỉnh Quảng Nam. Từ một cô giáo mầm non, với sự phấn đấu nỗ lực, Nguyễn Thị Hiền được phân công làm Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo xã Quế Xuân (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam).

Bà Hiền nhớ lại: “Có lần đi thăm một gia đình có người mù do di chứng của chất độc da cam/đi-ô-xin, chứng kiến hoàn cảnh của gia đình, tôi nghĩ rằng không có nỗi bất hạnh nào lớn hơn nỗi đau da cam. Tôi đã khóc rất nhiều. Trở về nhà, hình ảnh đó cứ ám ảnh tôi. Có cách gì giảm bớt nỗi đau da cam không? Câu hỏi đó cứ theo tôi mãi”.

Bà Nguyễn Thị Hiền tặng quà các NNCĐDC/đi-ô-xin ở huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. 

Sau lần ấy, Nguyễn Thị Hiền đã quyết định thôi nghề giáo để chuyển sang Hội Chữ thập đỏ TP Đà Nẵng-nơi có Quỹ Bảo trợ NNCĐDC-tiền thân của Hội NNCĐDC/đi-ô-xin TP Đà Nẵng ngày nay, để có nhiều thời gian dành cho những mảnh đời bất hạnh.

Nhiều năm gắn bó với "nỗi đau da cam” nhưng câu chuyện về ông Giáo, một NNCĐDC/đi-ô-xin ở xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang đến nay vẫn còn làm bà day dứt mãi. Ông Giáo bị di chứng chất độc da cam, với khối u nặng hơn 40kg nên ông chỉ có thể mặc... váy. Năm 2001, bà gặp ông Giáo và đề nghị đưa ông ra Hà Nội chữa trị, nhưng do khối u quá to, ông mong muốn bà đưa hai người con của mình, cũng bị di chứng chất độc da cam đi chữa trị trước.

“Tôi đưa các cháu ra Hà Nội nhập viện xong thì phải quay về cùng chồng đi TP Hồ Chí Minh chữa bệnh vô sinh. Khi trở lại Đà Nẵng, đến nhà ông Giáo thì được biết ông đã mất. Vợ ông kể lại lời trăng trối cuối cùng của ông là: “Mong cô Hiền giúp các con tôi”-bà Hiền ngậm ngùi cho biết. Dù các bác sĩ đã cố gắng hết sức, nhưng do di chứng chất độc da cam và căn bệnh của hai con ông Giáo quá nặng nên không thể chữa trị được…

“Cầu nối” những tấm lòng thiện nguyện

Trong ngày khánh thành và bàn giao nhà nội trú chăm sóc trẻ em bại liệt của các NNCĐDC/đi-ô-xin TP Đà Nẵng, bà Hiền cho biết: Công trình có diện tích 250m2, được xây dựng với tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng, do ông Harold Chan Soo York (doanh nhân Xin-ga-po) tài trợ, ban đầu sẽ chăm sóc, nuôi dưỡng 15 trẻ bại liệt có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngoài số tiền trên, ông Soo York còn dành 36.000USD để trợ dưỡng cho 150 NNCĐDC/đi-ô-xin đang được chăm sóc tập trung tại các cơ sở, cùng với các trẻ bại liệt mà Hội NNCĐDC/đi-ô-xin TP Đà Nẵng vừa tiếp nhận.

Có được mái ấm và sự giúp đỡ quý báu này, ít ai biết được, gần một năm qua, bà Hiền đã cùng với ông Soo York lặng lẽ đến từng gia đình có NNCĐDC/đi-ô-xin trên địa bàn thành phố để tìm hiểu, khảo sát và lên kế hoạch. Đây chỉ là một trong số nhiều công trình đem lại niềm vui cho những NNCĐDC/đi-ô-xin trên địa bàn TP Đà Nẵng. Từ khi thành lập (năm 2005) đến nay, Hội NNCĐDC/đi-ô-xin TP Đà Nẵng đã xây dựng, đưa vào hoạt động 3 cơ sở bán trú chăm sóc, nuôi dưỡng NNCĐDC/đi-ô-xin thuộc Trung tâm Bảo trợ NNCĐDC/đi-ô-xin và trẻ em bất hạnh TP Đà Nẵng (gọi tắt là trung tâm) và Trung tâm Xông hơi-giải độc và phục hồi chức năng.

Trong số 5.000 NNCĐDC/đi-ô-xin TP Đà Nẵng có 1.400 là trẻ em. Tại trung tâm, các em không chỉ được nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy học, dạy nghề, phục hồi chức năng mà còn được tham gia các hoạt động vui chơi nhằm giúp các em từng bước phục hồi dần những chức năng về vận động và trí tuệ. Đối với một số cháu thiểu năng trí tuệ, không thể tham gia được các hoạt động phục hồi chức năng, trung tâm tiến hành phân loại và thường xuyên cho các cháu tham gia các hoạt động vui chơi, sinh hoạt, giải trí… Những cháu tiến bộ, các chức năng vận động về chân tay đã dần phục hồi, trung tâm tiếp tục sàng lọc và áp dụng các hình thức đào tạo nghề phù hợp, như: Làm hoa, đan cườm, làm hương, học vi tính… Thông qua các hoạt động này, các chức năng về vận động trí tuệ của các cháu được cải thiện rõ rệt. Vào dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, trung tâm trở thành địa chỉ nhân đạo của nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố đến thăm, tặng quà, giao lưu văn nghệ với các NNCĐDC/đi-ô-xin. Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, cứ vào tháng 1 và tháng 6 hằng năm, Hội NNCĐDC/đi-ô-xin TP Đà Nẵng lại phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Đồng hành cùng nỗi đau da cam” và “Mùa xuân cho em” để vận động cộng đồng chung tay giúp đỡ, chăm sóc NNCĐDC/đi-ô-xin.

 Để có được những công trình, những khoản kinh phí giúp đỡ các NNCĐDC/đi-ô-xin, bà Hiền phải tranh thủ thời gian, mọi lúc, mọi nơi, trên các diễn đàn, tại những cuộc hẹn bên lề hội nghị… để vận động, kêu gọi, kết nối những tấm lòng hảo tâm, từ thiện chung tay vì NNCĐDC/đi-ô-xin.

Nhờ kiên trì vận động, thuyết phục các tổ chức, cá nhân, nên chỉ tính từ năm 2010 đến 2015, bà Hiền đã cùng các cán bộ, nhân viên vận động được hơn 45 tỷ đồng để giúp đỡ, chăm sóc NNCĐDC/đi-ô-xin trong cuộc sống, học tập, lao động sản xuất với nhiều hình thức phong phú, thiết thực. Qua đó, Hội NNCĐDC/đi-ô-xin TP Đà Nẵng đã trợ cấp thường xuyên hằng tháng cho 500 gia đình NNCĐDC/đi-ô-xin có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ vốn buôn bán nhỏ, vốn chăn nuôi, sản xuất cho 250 gia đình; hỗ trợ xây mới và sửa chữa 50 ngôi nhà tình thương; trợ cấp đột xuất cho hơn 200 gia đình có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ học bổng cho 60 học sinh… Nhờ sự hỗ trợ đó, đã góp phần giúp các gia đình NNCĐDC/đi-ô-xin dần vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng và vươn lên trong cuộc sống.

Đến nay, bà Hiền vẫn nhớ như in câu chuyện tại Hội nghị tổng kết hoạt động Hội NNCĐDC/đi-ô-xin TP Đà Nẵng năm 2007. Khi ấy, bà đã đứng lên đề nghị xây dựng Trung tâm Bảo trợ NNCĐDC/đi-ô-xin, cũng như có chính sách hỗ trợ thiết thực cho NNCĐDC. Lúc đó có ý kiến cho là gàn dở. Nhưng nhờ đề nghị của bà Hiền mà một cơ sở khang trang tại huyện Hòa Vang được xây dựng nhờ nguồn tài trợ của UNICEF, với số tiền đầu tư 195.000USD. Khi công trình hoàn thành, ông Jesper Morch, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam lúc đó nói với bà Hiền: “Giờ thì bà đã vui hơn, và có thể ngủ ngon hơn được rồi”.

Đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân

Không chỉ là người trực tiếp đi vận động, tìm nguồn tài trợ cho NNCĐDC/đi-ô-xin, bà Hiền còn tích cực hành động để tham gia cuộc đấu tranh vì công lý.

Hơn 20 năm gắn bó với NNCĐDC/đi-ô-xin, đến bây giờ bà vẫn không thể nào quên chuyến đi Mỹ (trên cương vị trưởng đoàn; từ ngày 14-4 đến ngày 16-5-2010) cùng những người bạn, những người có tâm huyết để tiến hành đấu tranh vì công lý cho NNCĐDC/đi-ô-xin Việt Nam.

Hành trình vì công lý cho NNCĐDC/đi-ô-xin Việt Nam trải qua 7 thành phố lớn của nước Mỹ với một lịch trình dày đặc: Tiếp xúc, trả lời phỏng vấn các hãng thông tấn nước ngoài, gặp các nghị sĩ Mỹ để kêu gọi hành động, tiếp xúc với các cựu chiến binh Mỹ… Cuộc gặp gỡ với các sinh viên (chủ yếu là Việt kiều) tại TP Chi-ca-gô, Mỹ đã để lại trong bà nhiều cảm xúc nhất.

“Khi mới vào buổi nói chuyện, không khí tương đối căng thẳng; có thể do các sinh viên Việt kiều thế hệ thứ hai trở đi chưa được nghe về thực tế của hậu quả chiến tranh ở Việt Nam”-bà Hiền nhớ lại.

Để phá vỡ bức tường định kiến vô hình đó, bà đã kể câu chuyện của chính gia đình mình: “Bác tôi có hai người anh, một người là liệt sĩ đã hy sinh trong chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, còn một người theo chế độ ngụy Sài Gòn. Sau này anh ấy có năm người con thì bốn người bị di chứng chất độc da cam, người thứ năm bị tâm thần. Mới đây anh ấy cũng đã chết vì chất độc đó”.

Vừa nói chuyện với các sinh viên, bà Hiền vừa lấy ra những tấm hình chụp cận cảnh di chứng, bệnh tật trên cơ thể các NNCĐDC/đi-ô-xin ở Đà Nẵng mà bà mang theo. Đó là tấm hình đầu trọc lóc của cô bé ở quận Hải Châu, tấm hình của một gia đình có đến ba người con bị dị tật co quắp chân tay ở quận Ngũ Hành Sơn… Câu chuyện của bà gây xúc động lớn, nhiều bạn trẻ đã bật khóc. “Chúng tôi hành động là vì tất cả mọi người, bởi nỗi đau này không phải của riêng ai”-bà nói đến đó, cả hội trường đều vỗ tay tán thưởng.

Những thước phim về nỗi đau thể xác, bệnh tật của hơn 5 triệu NNCĐDC/đi-ô-xin Việt Nam mà bà mang theo được trình chiếu cho gần 100 học sinh Trường Jones College Prep (TP Chi-ca-gô). Cuốn phim kết thúc, cả hiệu trưởng, các thầy, cô giáo và các em học sinh đều rất cảm động. Bà Hiền hỏi suy nghĩ của các em học sinh khi xem bộ phim về nỗi đau của chiến tranh. Một học sinh da màu lập tức đứng lên, nói: “Tại sao chính quyền Mỹ lại che giấu chuyện này? Nhìn những hình ảnh về NNCĐDC/đi-ô-xin, chúng tôi là người Mỹ cảm thấy xấu hổ… Chính phủ Mỹ phải có trách nhiệm về việc này”. Đông đảo các học sinh trong buổi nói chuyện này đã xuống đường biểu tình ủng hộ Việt Nam vào 5 giờ sáng hôm sau, với khẩu hiệu: “Đau, đừng chạy trốn, hãy bồi thường cho Việt Nam”.

BOX: Với những kết quả đạt được trong công tác chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC/đi-ô-xin giai đoạn 2010-2015, Hội NNCĐDC/đi-ô-xin TP Đà Nẵng đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua”; Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba. Cá nhân bà Nguyễn Thị Hiền được Thủ tướng Chính phủ tặng 2 bằng khen về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba, cùng nhiều phần thưởng của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trung ương Hội NNCĐDC/đi-ô-xin Việt Nam, Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng.

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CHUNG