Gập ghềnh con đường đến trường

Sinh ra trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, chị vẫn là đứa trẻ bình thường, thông minh, nhanh nhẹn như bao đứa trẻ khác. Lúc hơn 3 tuổi, thấy những biểu hiện của chị có vẻ chậm hơn bạn bè đồng trang lứa, bố mẹ đã đưa chị đi khám bệnh. Bác sĩ kết luận chị bị thoái hóa võng mạc và có thể bị mù vĩnh viễn trong vài năm tới. Đến tuổi đi học, chị cũng được cắp sách đến trường. Nhưng chị chỉ nhìn thấy mờ mờ, rồi dần dần đôi mắt như có một làn sương mờ bao phủ. Giờ ra chơi, cô giáo phải đưa chị lên gần bảng viết chữ thật to để xem cho rõ. Bố mẹ cũng đưa chị đi khắp các bệnh viện tìm thầy, tìm thuốc. Nhưng tất cả mọi nỗ lực đã không thể giành lại ánh sáng cho chị.

leftcenterrightdel

Chị Đỗ Thúy Hà say sưa bên bàn làm việc. Ảnh: MINH AN.

Năm 9 tuổi, tình cờ một cơ may đến với chị. Qua người quen, bố mẹ chị biết tới Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu và quyết định xin cho chị vào trường để học chữ nổi. Không phụ công bố mẹ, chị đã nỗ lực học tập để đạt thành tích xuất sắc cả 9 năm học tại trường. Kết thúc những năm học PTCS, nguyện vọng muốn học lên trung học phổ thông (THPT) của chị tưởng như đi vào ngõ cụt khi không trường nào muốn nhận học sinh khiếm thị. May mắn thay, lúc đó thầy Nguyễn Như Thạch-nguyên Hiệu trưởng Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, khi nghỉ hưu đã thành lập Trường THPT dân lập Nguyễn Đình Chiểu, giúp chị viết tiếp ước mơ đến trường.

Lên bậc THPT, chị có niềm yêu thích đặc biệt với môn Tiếng Anh. Chị học ngày, học đêm, bất cứ lúc nào rảnh rỗi là chị học. Nỗ lực học tập không mệt mỏi đã giành được “quả ngọt”. Năm 2000, chị là nữ sinh khiếm thị duy nhất tham dự Kỳ thi Ô-lim-pích tiếng Anh dành cho học sinh toàn miền Bắc do UNESCO tổ chức và giành giải ba.

Kết thúc những năm tháng phổ thông, ước mơ trở thành cô giáo dạy tiếng Anh luôn cháy bỏng, nhưng lại một lần nữa vụt tắt khi Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội-nơi chị đăng ký thi tuyển không nhận sinh viên khiếm thị vào Khoa Ngoại ngữ-khối D (chỉ nhận khối C). Không bỏ cuộc, một năm sau, chị tiếp tục đăng ký thi và đã trúng tuyển vào Khoa Tiếng Anh-Viện Đại học Mở Hà Nội.

Một mình nơi đất khách

Năm 2005, khi đang là sinh viên năm thứ hai, một lần tình cờ lên mạng tra cứu thông tin, chị được biết về khóa học kỹ năng lãnh đạo cho người khuyết tật châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức Duskin, Nhật Bản. Háo hức làm hồ sơ dự thi, chị đã vượt qua 350 ứng viên để lọt vào vòng phỏng vấn 30 người. Với vốn tiếng Anh cùng kỹ năng thuyết trình tự tin, chị đã chinh phục hoàn toàn ban giám khảo là các chuyên gia người bản địa để giành được suất học bổng du học tại Nhật Bản trong 2 năm. Chị là thí sinh Việt Nam duy nhất giành được học bổng trong đợt này.

Nhận được giấy gọi nhập học rồi chị mới thấy “run”. Ở quê nhà, đã quen từ cái cây đến mỗi con đường, lại có sự trợ giúp của gia đình, bạn bè, mọi việc chị đều có thể dễ dàng vượt qua. Nhưng đến một đất nước xa lạ, lại rất hiện đại như Nhật Bản thì phải làm thế nào? Bao câu hỏi cùng nỗi lo lắng đặt ra trong đầu và cuối cùng chị “hạ” quyết tâm: “Khó thì học dần. Không sợ thì sẽ vượt qua được hết!”.

Cho đến bây giờ, khi đã ngồi trong căn phòng nhỏ tại cơ sở của Hội Người mù quận Đống Đa, đảm nhận vai trò chủ tịch hội với “núi” công việc hằng ngày, chị vẫn không quên được cảm giác hồi hộp, lo lắng, choáng ngợp… khi lần đầu tiên đặt chân đến một đất nước hoàn toàn xa lạ. “Với người bình thường đã khó, vậy mà chỉ với cây gậy trong tay, điện thoại trong túi, một chút vốn tiếng Nhật ít ỏi, mình phải làm quen và thích nghi với cuộc sống ở đây trong 2 năm. Quả thực mình cũng không biết làm cách nào mà mình đã vượt qua “ngon lành” vậy!”-chị nói và cười thật hiền.

Rồi chị kể về những kỷ niệm khó quên nơi đất khách. Được đề nghị đưa đến trường bằng ô tô, chị từ chối bởi chị muốn tự lập, muốn trải nghiệm cuộc sống mới như một người bình thường. Vậy là hằng ngày chị tự đến trường bằng tàu điện ngầm. Sáng chị dậy sớm, dò đường ra bến tàu, hỏi người bản xứ tên chuyến, lên đúng số tuyến, đến trạm dừng thì xuống. Có lần chị ngủ quên. Xuống đến nơi, chị mới nhận thấy mọi vật xa lạ. Cuộc sống của một người khiếm thị đã khiến tất cả các giác quan khác của chị trở nên thính nhạy đặc biệt. Chỉ cần nghe âm thanh, cảm nhận mùi hương… là chị nhận ra khung cảnh có quen thuộc không. Biết bị lạc rồi nhưng chị bình tĩnh lắm. Chị nghĩ chỉ còn cách chờ người qua lại để hỏi thôi. Chờ được một lúc thì nghe có tiếng bước chân, chị mừng húm, níu lại hỏi… Rồi có những lúc một mình giữa bão tuyết, tay cầm ô, ba lô sau lưng mà vẫn ướt sũng từ đầu đến chân, cô đơn và tủi thân vô cùng. Đi học có bạn bè trò chuyện không sao, nhưng về nhà, nằm một mình giữa nơi xa lạ, nhiều đêm chị khóc rấm rứt ướt gối vì nhớ nhà, nhớ người thân...

Nhưng đó cũng chính là động lực để chị vững vàng hơn trên con đường chinh phục kiến thức. Sau 2 năm, với bài thi tốt nghiệp xuất sắc, chị trở về trong vòng tay yêu thương và niềm tự hào của bố mẹ, bạn bè.

Khát vọng hòa nhập cho người khuyết tật

Thời gian học tập tại Nhật Bản đã cho chị không chỉ kiến thức mà thêm cả những day dứt, trăn trở về người khuyết tật tại Việt Nam. Chị bảo, để người khuyết tật hòa nhập thực sự với cuộc sống bình thường cần sự nỗ lực chung tay góp sức của các cơ quan, đoàn thể và cả cộng đồng. Đơn cử như trong giáo dục, Nhật Bản là một nước rất phát triển về giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật. Ngay từ các cấp học tiểu học, trung học, học sinh đã được giáo dục để hiểu về người khuyết tật. Ví như các em được học với mô hình người ngồi xe lăn, được giải thích rõ ràng về các nguyên nhân dẫn đến việc con người không được lành lặn… Từ hiểu biết, các em sẽ dễ dàng đồng cảm với những người không may chịu thiệt thòi trong cuộc sống thay vì sợ hãi hay xa lánh. Chị từng bị “lạc” trong một giờ tan trường của một trường trung học tại Nhật Bản, không biết làm cách nào để đi qua giữa “rừng” học sinh, nhưng ngay lập tức, có một nhóm bạn nhỏ đã đến bên ân cần giúp chị.

Rồi bất ngờ chị quay sang tôi hỏi: “Em có biết cách dắt người khiếm thị không?”. Thoáng chút bối rối, tôi đã phải thú thực là chưa bao giờ dắt hay được học cách dắt người khiếm thị. Tôi cũng đề nghị chị cho “thực hành”. Tôi đưa tay cho chị, chị nhỏ nhẹ: “Với người khiếm thị, em không cần phải cầm tay mà chỉ cần đưa khuỷu tay để họ bám vào, nếu có chướng ngại vật, em nhắc để họ biết là được”.

Nói về công việc hiện tại, chị nhắc nhiều đến những dự án mà chị cùng Ban chấp hành Hội Người mù quận Đống Đa đang nỗ lực thực hiện. Với vai trò là Chủ tịch hội, lại là người khiếm thị, chị hiểu hơn ai hết những khó khăn, thiệt thòi mà người khiếm thị gặp phải. Hiện tại, với gần 200 thành viên, hội đang duy trì các CLB như: Học chữ nổi, vi tính, tiếng Anh, các buổi sinh hoạt, giao lưu văn nghệ, tặng quà cho hội viên vào những dịp lễ, Tết… Với những nỗ lực không mệt mỏi, chị tìm cách liên hệ với tổ chức từ thiện ACCV của Ô-xtrây-li-a mở lớp học tiếng Anh cho 15 hội viên; kết hợp với tổ chức Minzoku Forum của Nhật Bản mở khóa học kỹ thuật viên xoa bóp bấm huyệt cho 20 hội viên. Đến nay, chị đã vận động các tổ chức từ thiện mở một phòng xoa bóp bấm huyệt tại trụ sở của hội, giúp giải quyết việc làm cho 6 hội viên. Vào các buổi tối hay ngày cuối tuần, chị tham gia các lớp từ thiện dạy chữ nổi cho người khiếm thị, dạy chữ nổi tiếng Việt cho những người bạn Nhật Bản hiện đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam mà chị đã kết nối được từ khi về nước. Chị vui mừng chia sẻ, từ năm 2008 đến nay, những người bạn này đã cùng chị giúp 20 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường. Thời gian rảnh rỗi, chị kết hợp với các tổ chức từ thiện quốc tế đi trao quà, tặng sách chữ nổi cho trẻ em khiếm thị, người khuyết tật tại nhiều nơi trong cả nước. Niềm vui với chị là giúp đỡ những người cùng chịu thiệt thòi để họ có được công việc, sinh hoạt, vui chơi, giải trí như người bình thường. Chị mong muốn người khuyết tật luôn tự ý thức vươn lên trong cuộc sống, không để mình trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Hỏi thăm chị về cuộc sống riêng, chị cười rạng rỡ chia sẻ về chuyện tình không kém phần lãng mạn “như phim Hàn” của mình. Chồng chị là anh Đỗ Ngọc Anh, hiện làm tại ngành bưu điện. Anh chị biết nhau qua một người bạn. Ngay từ những ngày đầu tiên, anh đã bị chinh phục bởi cô gái thông minh, xinh xắn, nhạy cảm nhưng không may chịu thiệt thòi. Anh thủ thỉ với chị: “Hãy để cho anh chăm sóc em suốt cuộc đời này!…”. Cưới nhau rồi, chị muốn ra ở riêng để tự chăm chút cho tổ ấm nhỏ của mình bởi chị ngại phiền lụy đến mọi người trong gia đình. Khi con trai chào đời, anh muốn thuê người giúp việc để chị đỡ vất vả. Nhưng chị bảo thích tự tay chăm chút cho thiên thần nhỏ. Ngày mới sinh, chị ít sữa, đêm đêm phải dậy pha sữa cho con, anh sợ vợ mất giấc ngủ nên giành làm công việc đó. Chị nói: “Anh mà dậy lại phải bật đèn, con tỉnh ngủ, cứ để em!”. Rồi chị tập pha sữa, có những lúc nước nóng đổ bỏng tay mà chị không dám kêu, sợ anh xót vợ… Còn bây giờ, cậu con trai hiếu động đã sắp vào lớp 1, sáng sáng anh làm “tài xế” đưa con đi học và chở vợ đi làm…

Khi kể về con đường gập ghềnh đã trải qua gần 30 năm không thấy ánh sáng chị say sưa, hứng khởi bao nhiêu thì chị lại xúc động bấy nhiêu khi nói về tổ ấm, về việc làm vợ, làm mẹ. Có lẽ với chị, hạnh phúc đã thực sự “nở hoa” và đó là những giọt nước mắt ngọt ngào!

THU THỦY - NGUYỆT MINH