Chiến công “đỏ”
Bây giờ, trước mặt tôi là người phụ nữ có khuôn mặt to, tròn phúc hậu Nguyễn Thị Nguyệt. Tôi không tin người phụ nữ giản dị này từng là nhân vật nổi tiếng về những công trình “có một không hai” trong lịch sử ngành điện lực. Tôi gọi chị thân mật là “người mẹ khổng lồ”, bởi lý do hết sức đơn giản, chị đã cùng cộng sự tìm tòi, nghiên cứu, chế tạo thành công những “đứa con” nặng từ vài chục đến hơn hai trăm tấn, khiến giới khoa học trong nước phải kính nể, các chuyên gia nước ngoài thán phục.
Vào thời điểm năm 1992, khi kinh tế đất nước đã bước đầu thoát khỏi khủng hoảng, lúc ấy, hầu hết các thiết bị của ngành điện lực vẫn phải nhập ngoại, rất tốn kém, trong đó, một MBA 110kV có giá tới hơn 6 tỷ đồng. Nhà máy EEMC ngày ấy chỉ có dây chuyền sửa chữa MBA 35kV của Liên Xô. Trước yêu cầu phải sản xuất được MBA, chị Nguyệt đã xung phong nhận trách nhiệm thực hiện đề tài khoa học cấp Nhà nước: “Nghiên cứu thiết kế, công nghệ chế tạo MBA 25.000kVA-110kV” với Giám đốc Trần Cự. Cùng nghiên cứu với chị còn có kỹ sư Nguyễn Đình Đoàn làm phần vỏ. Nhiều người trong ngành điện nghi ngờ quyết định tày trời ấy. Họ tò mò muốn xem mặt người phụ nữ ăn “gan cóc tía”. Theo họ, MBA 35kV còn chưa làm tốt thì làm sao có thể chế tạo được sản phẩm công nghệ phức tạp như thế.
Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Nguyệt. Ảnh: Nguyễn Tâm.
Khi vào việc, thiếu tài liệu, chị Nguyệt đã đến các trạm điện có MBA để xem xét, đo đạc kỹ lưỡng các thông số rồi về phân tích, suy luận. Chị miệt mài đi xe buýt từ Đông Anh sang Thư viện quốc gia bên Hà Nội để tìm, đọc, dịch tài liệu kỹ thuật của nước ngoài. Chị đã cải tạo chiếc máy tiện thành máy cuốn dây để thực hiện đề tài. Sau hơn một năm mày mò, chị Nguyệt và cộng sự đã hoàn thành chiếc MBA nặng tới 62 tấn. Chiếc máy được lắp đặt, vận hành tại Vĩnh Yên đã chấm dứt thời kỳ nhập khẩu MBA 110kV ở Việt Nam. Chị Nguyệt kể đầy tự hào: “Hôm đóng điện, hàng trăm người dự, 2 xe chữa cháy với hàng chục lính cứu hỏa được bố trí sẵn sàng xử lý nếu máy bị hỏng, chập điện, gây cháy nổ. Trước khi đóng điện, mọi người tản ra, không ai dám lại gần. Tôi tự nhủ, nó là con mình đẻ ra, lúc khó khăn mình phải ở cạnh nó. Chỉ đến khi “Ro ooo… tiếng máy chạy êm ru. Tôi thốt lên, ôi ngon rồi. Sướng quá, thành công rồi!”.
Sau 4 tháng vận hành, Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp Nhà nước nghiệm thu MBA 110kV đạt xuất sắc tuyệt đối với 11/11 phiếu bầu. Đến tháng 10-1996, MBA 110kV của chị được tặng Huy chương vàng tại hội chợ triển lãm kinh tế hàng công nghiệp. Thành công này đánh dấu bước phát triển quan trọng của ngành điện lực, bởi đây là máy biến áp 110kV đầu tiên được sản xuất.
Năm 2003, chị Nguyệt lao vào nghiên cứu, tính toán, thiết kế, công nghệ chế tạo MBA 220kV, đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, mặc cho nhiều người trong cơ quan và ngành điện tiếp tục hoài nghi. Chị kể, khi bắt tay làm đề tài, chị đã đọc rất nhiều tài liệu rồi tổng hợp, phân tích, suy luận nguyên lý hoạt động, tính năng, tác dụng của từng chi tiết, cụm chi tiết. Sau gần hai năm, MBA 220Kv ra đời giúp ngành điện Việt Nam không còn phụ thuộc vào nguồn cung thiết bị của nước ngoài, giảm được 20-30% chi phí; đặc biệt, kế hoạch phát triển trạm biến áp trên toàn quốc được triển khai rất kịp thời.
Lật những hình ảnh về chiếc MBA 220kV có trọng lượng tới 142 tấn trong album, chị Nguyệt cảm xúc kể lại ngày 30-12-2003 đáng nhớ ấy: Khi chính thức đóng điện vận hành MBA 220kV tại trạm Sóc Sơn chị hồi hộp lắm, mặc dù đã thử nghiệm nhiều lần và chắc chắn sẽ thành công, nhưng vẫn lo. Hai tay chị úp vào mặt và cúi xuống để chờ đợi. Chị sợ có sự cố thì rất nguy hiểm.
Sau thời gian hoạt động ổn định, chiếc MBA 220kV được Hội đồng nghiệm thu Khoa học Nhà nước đánh giá đạt xuất sắc tuyệt đối với tỷ lệ 100% phiếu bầu. Có thể nói, ở thời điểm đó, thành công này được xem là bước tiến vượt bậc của ngành điện Việt Nam, như một chiến công “đỏ”, có ý nghĩa chiến lược với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đến tháng 2-2004, tại Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp Việt Nam, MBA 220kV được tặng Huy chương vàng.
Chị Nguyệt tâm sự, từ sau khi sản xuất thành công hai loại MBA 110kV và 220kV, tính đến sau năm 2016, EEMC đã sản xuất được hơn 400 chiếc cung cấp cho ngành điện, làm lợi cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng nhờ không phải nhập khẩu MBA. Đặc biệt, thành công ấy mang lại việc làm thường xuyên cho người lao động của EEMC với thu nhập ổn định. Với những đóng góp to lớn đó, năm 2006, chị Nguyệt được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.
“Mẹ” của MBA 500kV
Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Nguyệt sinh năm 1950 ở Quỳnh Lương, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp Khoa Thiết bị điện, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội chị về công tác tại Phòng Kỹ thuật của EEMC từ những năm 1980. Năm 2016 này, Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Nguyệt được đề cử Nhà nước xét, công nhận và trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, 2 chiếc MBA do chị và cộng sự nghiên cứu, chế tạo ở trên chưa phải là tất cả cống hiến xuất sắc của chị.
Chị kể, sau 5 năm vận hành, vào năm 2005, 3 máy biến áp của Nhà máy Thủy điện YALY lần lượt gặp sự cố, cháy hỏng nặng phần chính và toàn phần bộ ruột. Thời điểm đó, mỗi MBA bị sự cố không cung cấp điện cho 2 đến 3 tỉnh, thất thu ước vào 2 tỷ đồng/ngày. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã mời chuyên gia Ukraina và đội ngũ thuật của EEMC cùng tham gia sửa chữa. Sau khi nghiên cứu, chuyên gia Ukraina đưa ra phương án sửa chữa trong 9 tháng, với chi phí là 7 tỷ đồng. Chị Nguyệt đưa ra phương án sửa chữa trong 3 tháng hết 2 tỷ đồng, khiến không ít người toát mồ hôi và nghi ngờ. Tuy nhiên, cuối cùng chị Nguyệt và EEMC đã thắng thầu.
Chị Nguyệt và cộng sự làm việc liên tục dưới hầm sâu mỗi ngày hơn 2 ca, tháo rời toàn bộ MBA để nghiên cứu, đưa các bộ phận hỏng về EEMC sửa chữa, khắc phục. Suốt 3 tháng cật lực, công việc hoàn thành. Khi vận hành thử nghiệm, các thông số của MBA đạt với trị số của nhà chế tạo. 3 máy biến áp 500kV do EEMC sửa chữa đã vận hành an toàn. Năm 2007 và 2008, lại thêm 3 máy biến áp khác của Nhà máy Thủy điện YALY bị sự cố. Đến tháng 3-2009 thì chị mới sửa chữa xong. Chị Nguyệt khẳng định, đến nay, đã trải qua gần 10 năm, 6 MBA 500kV ở Nhà máy Thủy điện YALY vẫn hoạt động ổn định, an toàn, không có hiện tượng hư hỏng bất thường nghiêm trọng như trước.
Chị Nguyệt và cộng sự đang lắp ráp MBA tại EEMC. Ảnh: Hồng Thương.
Thành công trên là tiền đề quan trọng để chị ấp ủ ước mơ chế tạo MBA 500kV. Sau khi nghiên cứu, lựa chọn tiêu chuẩn kỹ thuật, thông số của MBA các nước đã cung cấp cho ngành điện, chị Nguyệt bắt tay vào thực hiện ý tưởng mới. Theo chị, MBA 500kV kết cấu rất phức tạp, bao gồm nhiều chi tiết. Mỗi chi tiết đòi hỏi một bản vẽ riêng. Riêng phần lõi máy, chị thiết kế hơn 750 bản vẽ; phần vỏ do anh Đoàn thiết kế cũng gần 300 bản. Chị bỏ ra hàng tháng trời kiểm tra nghiêm ngặt mức độ tương ứng của các thiết bị trong phòng thí nghiệm trước khi đưa vào lắp ráp. Từ việc chế tạo bối dây, chế tạo vỏ đến công đoạn sấy máy đều được sử dụng những giải pháp công nghệ tiên tiến. Theo đề xuất của chị, EEMC đã bỏ ra gần một trăm tỷ đồng để cải tạo nhà xưởng, hệ thống lọc và sấy không khí, đầu tư trang thiết bị như đồ gá, giá đỡ, trụ chống, các dụng cụ thi công và công nghệ phù hợp để đáp ứng đủ chỉ tiêu kỹ thuật khi sản xuất MBA 500kV.
Chị thủ thỉ, một chuyên gia Nga được mời sang thẩm định công trình của chị đã rất ngạc nhiên. Ông ta bảo, ở Nga, khi nghiên cứu, chế tạo MBA 500kV có 42 kỹ sư tham gia (gồm 8 người “khổng lồ” và 34 kỹ sư phụ trợ), trong khi ở Việt Nam, họ chỉ thấy một “bà già” cứ xoay xở đo đo vẽ vẽ. Chị phải chắt lọc các ý kiến của chuyên gia, đọc cả đống tài liệu tham khảo, phân tích, xây dựng những kết cấu hợp lý về khả năng chịu điện trường trong MBA 500kV.
Chiếc MBA đầu tiên nặng tới 218 tần cũng được chế tạo thành công và lắp đặt, vận hành tại trạm Nho Quan, Ninh Bình vào ngày 22-11-2011, trước sự ngỡ ngàng của cả ngành điện. Chị Nguyệt đánh giá về MBA 500kV: Nó phù hợp với điều kiện khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam. Hệ thống làm mát chia làm 2 dàn bố trí bên hông máy, có lắp bơm dầu và đồng hồ đo lưu lượng tản nhiệt, tạo ra kết cấu mới; vỏ nhiệt được thiết kế giúp tăng khả năng tiếp xúc dầu và không khí để giảm nhiệt nhanh. Tuy nhiên, máy biến áp này nặng, cồng kềnh hơn so với máy biến áp của nước ngoài. Với thành công này, năm 2014, chị Nguyệt được Tổ chức sở hữu trí tuệ Thế giới WIPO tặng giải thưởng “Nhà khoa học nữ xuất sắc nhất năm 2013”. Đây cũng là lần thứ hai chị nhận được giải thưởng của tổ chức này.
Chị tâm sự, do chiến tranh nên đất nước mình nghèo, mọi cái đều phải “giật gấu vá vai”, kể cả làm khoa học. Khi bắt tay vào nghiên cứu thì thiếu đủ thứ, tài liệu, thiết bị thí nghiệm và kinh phí... Do vậy, để thực hiện mục tiêu, để mang lại cho đất nước một cái gì đó thì người làm khoa học phải triệt để tận dụng những thuận lợi dù nhỏ nhất. Chị khẳng định, nghiên cứu khoa học là quá trình chiến đấu với cái khó, chiến đấu với chính mình. Muốn vượt qua nó phải có nghị lực, tình yêu, sự đam mê và khát khao thành công cháy bỏng.
Thật vậy, với quyết tâm ấy chị Nguyệt và cộng sự đã làm được điều không tưởng, làm lợi cho Nhà nước nhiều tỷ đồng, đưa Việt Nam thành nước thứ 12 trên thế giới sản xuất được MBA 500kV. Hiện nay, chiếc MBA 110kV ngày nào đã được chị và cộng sự thiết kế giảm trọng lượng xuống còn 50 tấn và chị vẫn đang tiếp tục nghiên cứu MBA 500kV để hoàn thiện nó phù hợp hơn với điều kiện Việt Nam.
NGUYỄN TÂM