Mái ấm tình người

Trung tâm NDTMC Sao Mai nằm ở vị trí khuất nẻo bên một tuyến phố sầm uất của TP Plei-cu, với những ngôi biệt thự, quán cà phê, nhà hàng, khách sạn... Bề ngoài, trung tâm thật khiêm nhường, nhưng tình người nơi đây thật bao la, mà ai ghé thăm cũng phải nghẹn lòng, xúc động.

leftcenterrightdel
 Sơ Nguyễn Thị Khiết hướng dẫn các cháu ôn tập bài
Đến Trung tâm NDTMC Sao Mai vào những ngày cuối năm, tôi được sơ Nguyễn Thị Khiết tiếp ngay tại chiếc bàn đá giữa khuôn viên của trung tâm với sự ân cần, cởi mở. Tôi nghĩ, có lẽ do mình chọn thời điểm đến thăm là ngày nghỉ Tết nên được “ưu ái”, nhưng khi thấy các cháu nhỏ đến vây quanh sơ Khiết, sà vào lòng sơ không một chút ngần ngại và sơ Khiết nhớ rõ tên, tuổi, hoàn cảnh gia đình, khả năng học tập của từng cháu, thì tôi càng thêm hiểu tấm lòng nhân ái của sơ với các cháu.

- Đây là cháu Thu Hà, năm nay 8 tuổi, học lớp 2, mẹ cháu đi bước nữa, nên gửi cháu vào đây từ lúc 2 tuổi, cháu học khá, chữ cũng đẹp. Còn đây là cháu Nay Nhơn, người dân tộc Gia Rai, 8 tuổi, cháu học lớp 2, cha mẹ mất khi cháu mới sinh, ông bà già yếu không nuôi được nên gửi cháu vào đây, cháu ngoan và biết nghe lời các mẹ.

Cứ thế, sơ Khiết kể cho tôi nghe hoàn cảnh gia đình của từng cháu được các sơ cưu mang, nuôi dưỡng và mỗi mảnh đời là một số phận bất hạnh mà nếu không có sơ và Trung tâm NDTMC Sao Mai thì cuộc đời các cháu sẽ lay lắt như ngọn đèn trước gió.

Lý giải về sự ra đời của Trung tâm NDTMC Sao Mai, sơ Khiết cho biết, những năm 90 của thế kỷ trước, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa trên Tây Nguyên còn có những hủ tục hết sức lạc hậu. Các trẻ sơ sinh, hoặc đang bú sữa mẹ, nếu không may mẹ chết, các cháu sẽ bị chôn theo mẹ hoặc bị bỏ giữa rừng cho đến chết. Đưa ánh mắt nhìn về dãy núi xa, sơ Khiết bồi hồi nhớ lại: "Một số tập tục lạc hậu của người dân cứ bám riết lấy tôi sau mỗi chuyến đi vào các bản, làng làm từ thiện. Sau nhiều đêm thức trắng với ý nghĩ phải có cách nào đó để cứu các cháu, góp phần xóa bỏ hủ tục lạc hậu, vậy là tôi quyết định vận động giáo phận và chính quyền địa phương thành lập trung tâm này”.

Sau hơn 20 năm đi vào hoạt động, Trung tâm NDTMC Sao Mai trở thành nơi hồi sinh của những mảnh đời bất hạnh. Nhiều cháu trước khi được nhận vào trung tâm hầu như đứng trước “cửa tử” vì hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Đó là những đứa trẻ sắp bị bỏ vào quan tài chôn sống theo mẹ, hay những người mẹ trẻ "trót dại" định phá thai, được các sơ động viên giữ lại, hoặc các cháu cha mẹ mất sớm, hoàn cảnh gia đình khó khăn, không nơi nương tựa. Cũng có buổi sáng thức dậy, sơ Nguyễn Thị Khiết lại nhặt được cháu sơ sinh đã tím tái bị bỏ rơi ngay trước cổng trung tâm... Tất cả các em đều được sơ Khiết đưa về nuôi dưỡng, chăm sóc. Các cháu sơ sinh không rõ nguồn gốc về trung tâm được sơ Khiết đi làm giấy khai sinh, trả lại quyền công dân cho các cháu như những đứa trẻ bình thường khác và đều được đến trường theo độ tuổi.

Gần trưa, tôi định chia tay sơ Khiết ra về thì sơ Phạm Thị Đoàn dẫn một tốp hơn 10 cháu đi tham quan trở về. Những khuôn mặt trẻ thơ hớn hở, vui tươi khi được quan tâm, chăm sóc tốt đã níu chân tôi lại và tôi cùng hòa vào trò chơi của các cháu. Cháu Phạm Gia Huy, 11 tuổi, học sinh lớp 5-2, Trường THCS Nguyễn Trãi (TP Plei-cu, tỉnh Gia Lai) được các sơ nhận nuôi từ lúc mới sinh, tâm sự: "Nhiều khi đến lớp thấy các bạn có ba mẹ đưa đón, cháu cũng thấy buồn, nhưng ý nghĩ đó chỉ thoáng qua thôi chú ạ! Cháu có mẹ Khiết và các mẹ ở trung tâm rất yêu thương. Các mẹ bận chăm sóc các em nhỏ, không đưa đón cháu được, thì cháu tự đi học".

Không được lém lỉnh như Huy, cô bé Ngưng, người dân tộc Gia Rai, hiện là học sinh lớp 7-4, Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, TP Plei-cu ngập ngừng cho biết: "Cháu được mẹ Khiết nhận về nuôi từ nhỏ, cho cháu ăn học được để có tương lai sau này. Cháu thấy mình thật may mắn!".

Sơ Khiết bộc bạch: "Còn cháu bé có đôi mắt đẹp này là Siu Vun, người dân tộc Gia Rai, cháu sống được như là một kỳ tích! Tôi còn nhớ như in, hôm đó là ngày mưa tầm tã năm 2009, một người đàn ông dân tộc Gia Rai bế đứa bé mới 2 ngày tuổi, trên người đầy nốt tím đỏ, hai mắt sưng vù, hơi thở yếu ớt đến gặp tôi và nói: Sơ hãy cứu lấy cháu, không thì cháu chết mất! Lúc đó, tôi nghĩ cháu sẽ không qua khỏi và khuyên anh ta đưa cháu về lo hậu sự, nhưng người đàn ông đó nói, mẹ cháu bị băng huyết khi sinh nên đã mất, người trong gia đình để cháu ở chuồng bò chờ ngày chôn theo mẹ. Anh là người họ hàng của mẹ cháu, thương cháu quá nhân lúc gia đình không để ý đã lén bế cháu lên gặp sơ Khiết để được giúp đỡ... "Tôi đã giành lại cháu từ tay tử thần đấy!"-sơ Khiết nói và nở nụ cười đôn hậu.

“Còn sức, còn nuôi dưỡng các cháu…”

Sơ Nguyễn Thị Khiết năm nay đã 85 tuổi, đáng lý sơ phải được nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già, nhưng sơ lại chọn việc “làm mẹ” của những đứa con thơ dại, tật nguyền. Nhìn khuôn mặt đôn hậu và nụ cười của sơ, tôi hiểu, niềm vui, niềm hạnh phúc của sơ là thấy những mảnh đời bị bỏ rơi, bất hạnh được chăm sóc, nuôi dưỡng, được đi học để xây dựng tương lai. Sau hơn 20 năm hoạt động, Trung tâm NDTMC Sao Mai đã nhận về nuôi dưỡng, chăm sóc hơn 200 cháu, nhiều cháu nay đã trưởng thành, có việc làm và thu nhập ổn định, xây dựng gia đình riêng, hoặc được người thân đón về.

Hiện nay, trung tâm đang nuôi dưỡng 58 cháu thuộc nhiều lứa tuổi, trong đó, 2/3 là các cháu người dân tộc thiểu số, có 8 cháu bị bại liệt nằm một chỗ, 7 cháu bị bệnh thần kinh và trí não phát triển không bình thường. Trung tâm có 6 sơ, thay nhau làm mẹ, trong đó sơ Nguyễn Thị Khiết là người “mẹ cả”. Mỗi ngày các mẹ thức dậy từ 5 giờ sáng để lo cơm nước, đánh thức các cháu dậy, làm vệ sinh cá nhân, cho các cháu ăn sáng, chuẩn bị sách vở để các cháu đến trường, tối về lại kiểm tra bài, kèm cặp các cháu học tập. Nhiều khi các cháu đau ốm, sơ Khiết thức trắng đêm để chăm sóc; khi các cháu xích mích, sơ Khiết là người phân giải, giảng hòa để giữ mối đoàn kết. Có cháu khi lên cơn do chứng bệnh thần kinh quậy phá, sơ Khiết lại phải ôm cháu vào lòng, “làm bia” cho cháu đánh...

Cứ như vậy, ngày này qua tháng khác, nắng cũng như mưa, trong suốt hơn 20 năm qua, các sơ không hề nhận một đồng tiền công hay một đặc ân nào cho riêng mình. Khó mà nói hết tình thương yêu bao la, sự bao dung, đức hy sinh, vất vả của sơ Nguyễn Thị Khiết và các sơ ở Trung tâm NDTMC Sao Mai. Vậy mà khi tôi hỏi về ước nguyện, sơ Khiết nói không một chút do dự: "Tôi đã làm công việc này hơn 20 năm rồi, giờ tuổi đã cao, nhưng tôi vẫn dành hết sức lực cuối đời để nuôi dưỡng, dạy bảo các cháu".

Điều đáng quý mà tôi được chứng kiến là tình yêu thương của sơ Khiết và các sơ trong Trung tâm NDTMC Sao Mai dành cho các cháu có thân phận éo le, các cháu mồ côi. Điều này đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Chỉ trong một buổi sáng, tôi đã tận mắt chứng kiến nhiều tấm lòng hảo tâm đến giúp đỡ, ủng hộ trung tâm. Đó là các cháu học sinh THPT ở tận huyện biên giới Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) lên giúp các sơ làm vệ sinh, tổ chức trò chơi cho các cháu nhỏ. Đó là những cân gạo, cân thịt, những bộ quần áo, giày dép được người dân khắp nơi đưa đến ủng hộ các cháu. Chị Hạnh, một người dân ở TP Plei-cu đưa đến tặng trung tâm một túi áo quần lớn, tôi mở ra xem thấy có rất nhiều bộ áo quần còn thơm mùi vải mới. Hỏi chuyện, tôi nhận được câu trả lời khá bất ngờ: "Việc làm của tôi so với tình yêu thương và sự hy sinh của sơ Khiết và các sơ ở trung tâm này không có gì đáng nói cả. Anh cứ hỏi sơ Khiết, sẽ có nhiều câu chuyện tình người để viết đấy".

Tôi không hỏi được gì thêm ở chị, kể cả họ, tên đệm và địa chỉ gia đình, nhưng tôi hiểu việc làm của chị và nhiều người dân khác trong vùng xuất phát từ sự cảm hóa và tình yêu thương, tấm lòng nhân hậu của sơ Khiết.

Rời Trung tâm NDTMC Sao Mai, phía sau tôi là tiếng cười con trẻ hồn nhiên, trong sáng. Dường như những bất hạnh, khổ đau chưa kịp hằn trên gương mặt của các cháu. Gió Tây Nguyên thổi mạnh mang theo cái lạnh se sắt, nhưng trong lòng tôi thấy thật ấm áp, lan tỏa tình người...

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN