Bí thư chi đoàn năng nổ, đa tài

Thời gian đối với Trương Trung Hưng dường như luôn “thiếu”, bởi nghề chính của anh là làm nhân viên tư vấn tại một công ty tư vấn, bảo vệ môi trường, đồng thời, anh còn là một Bí thư chi đoàn năng nổ, tổ chức nhiều hoạt động, phong trào cho thanh niên của thôn Yên Phú. Tham gia công tác Đoàn từ khi học lớp 11, anh luôn đi đầu trong các hoạt động do Đoàn xã tổ chức và vận động thanh niên trong thôn tham gia. Từ khi tốt nghiệp đại học (năm 2014), anh được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi đoàn thôn Yên Phú.

Năm nay 24 tuổi, nhiều bạn bè của anh đã có gia đình riêng và nghề nghiệp ổn định, nhưng anh Hưng vẫn “cháy hết mình” cho các công việc, phong trào Đoàn mà anh đam mê. Tốt nghiệp ngành Bảo vệ môi trường tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trương Trung Hưng có một công việc khá ổn định và anh luôn tự hào vì được góp phần làm cho môi trường sạch hơn. Từ khi đảm nhiệm Bí thư chi đoàn thôn, anh thường xuyên tổ chức cho thanh niên tham gia dọn vệ sinh ngõ xóm, thu gom rác thải và trồng thêm nhiều cây xanh.

 Trương Trung Hưng (bên phải) trao đổi với Lê Minh Tiến những kiến thức, kinh nghiệm về tổ chức phong trào thanh niên.

Từ một chi đoàn thôn chỉ có hơn chục thanh niên tham gia, phong trào “trầm lắng”, đến nay tổ chức đoàn thôn Yên Phú đã có hơn 40 đoàn viên tham gia hoạt động thường xuyên. Anh Hưng luôn trăn trở: “Vẫn còn một số thanh niên chưa mặn mà với phong trào Đoàn, nên tôi quyết tâm vận động hết thanh niên trong thôn tham gia các hoạt động Đoàn”. Để có được sự tham gia đông đảo của các bạn trẻ trong các phong trào tình nguyện, anh đến từng nhà có thanh niên để vận động tham gia sinh hoạt Đoàn, trong đó có cả những thanh niên chưa ngoan, ham chơi lêu lổng, nay đã tu chí làm ăn và sống lành mạnh.

Không chỉ đứng ra tổ chức các hoạt động thanh niên, Trương Trung Hưng còn là một “nhà hòa giải” trong thôn. “Có lần, hai nhóm thanh niên suýt gây gổ với nhau tại đám cưới. Tôi biết tin vội chạy đến khuyên ngăn, may mà chưa xảy ra chuyện gì”. Đến nay trong thôn, nhóm thanh niên nào cãi nhau, có ý định gây gổ, khi thấy anh Hưng đến đều tự giải tán.

Trên bức tường nhỏ treo nhiều giấy khen, bằng khen của Trương Trung Hưng hồi còn đi học, có tấm bằng khen của UBND huyện Thường Tín dành cho anh vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu tình nguyện năm 2014.  Dáng người nhỏ nhắn, nước da ngăm đen, cân nặng không quá 50kg, trong tấm áo xanh tình nguyện của Đoàn, ít ai tin được anh đã 13 lần hiến máu tình nguyện. “Mình cứ 3 tháng lại hiến máu một lần, vì biết rằng trên cả nước có rất nhiều người bệnh đang cần máu”-anh tâm sự. 

Bén duyên với nghiệp “bụi phấn”

Trong căn phòng của anh Hưng, tôi bất chợt thấy một tấm bảng nhỏ, đúng hơn đó là một cánh cửa gỗ, kích thước 80x40cm, trên đó là những hàng chữ viết bằng phấn trắng. Hỏi ra mới biết, đó là cái duyên “bụi phấn” của anh…

Vào dịp này năm ngoái, trong một lần anh đang dọn rác ở trong thôn thì có một cậu học sinh lớp 12 đến tìm anh để giãi bày tâm sự. Cậu học sinh đó tên là Lê Minh Tiến cùng thôn đang băn khoăn trước tương lai của mình. Anh Hưng kể lại: Nhà Tiến nghèo nên bố mẹ không muốn cho cậu đi học tiếp nữa, học xong lớp 12 thì đi làm thuê đâu đó kiếm sống, nhưng Tiến lại muốn được đi học tiếp và em khao khát được vào đại học. Tiến không có tiền để đi học thêm vì mỗi buổi học thêm phải đóng học phí hơn 30 nghìn đồng, trong khi kỳ thi đại học sắp đến gần. Tiến ngỏ ý mong tôi làm gia sư giúp em ôn thi. Ban đầu tôi tỏ ra bỡ ngỡ và nghĩ “Mình làm sao mà dạy được các em”. Nhưng sau nghĩ lại, tôi bắt đầu cảm thấy hào hứng và thêm quyết tâm.

“Nhà Tiến nghèo, bố mẹ em đi thu lượm đồng nát, thu nhập chẳng đáng là bao. Mấy lần tôi đến nhà gặp bố mẹ Tiến, thấy em đều đang phụ giúp bố mẹ rửa chai lọ, gấp vỏ bao xi măng… Nhìn cậu bé ham học, chăm làm, nên tôi quyết khuyên bằng được bố mẹ em cho đi học tiếp. May sao bố mẹ Tiến đồng ý, nhưng lại ra điều kiện: “Tiến phải thi đỗ đại học”. Vậy là tôi quyết định giúp Tiến ôn tập, phấn đấu thi đỗ vào đại học”-Trương Trung Hưng sôi nổi kể.

Anh nhanh chóng về sửa soạn lại căn phòng nhỏ của mình thành một “lớp học” mi-ni; lấy cánh cửa cũ làm bảng viết, rồi đóng một cái bàn nhỏ làm bàn học; sửa lại chiếc đèn học hồi cấp 3 của mình. Và rồi những buổi ôn thi của hai thầy trò bắt đầu từ tháng 4-2015. Do phải đi làm ban ngày, nên anh Hưng chỉ có thể giúp Tiến vào buổi tối. Những ngày đầu, anh “nhập vai” thầy giáo có phần “chệnh choạng”, nhưng cậu học trò của anh lại tỏ ra thích thú với những câu chuyện lịch sử, địa lý anh kể, cũng từ đó, hôm nào cũng vậy, buổi học đều đặn bắt đầu từ 21 giờ đến 24 giờ, mặc cho thời tiết oi bức. "Kể từ ngày bắt đầu với công việc mới, tôi thấy rất thú vị, không ngờ việc dạy học đã đem lại cho tôi cảm hứng mãnh liệt”-anh Hưng tâm sự.

Anh khuyên Tiến thi vào ngành Công tác thanh thiếu niên của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam với lời nhắn nhủ: “Anh muốn em trở thành một cán bộ Đoàn, đem lý tưởng của mình vận động, kêu gọi thanh niên xây dựng đất nước, lập thân lập nghiệp”. Và cậu học trò của anh đã vui vẻ đăng ký thi vào trường này. Qua hơn 2 tháng miệt mài ôn luyện, không phụ công thầy, Tiến đã thi đỗ vào Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam.

Đúng lúc chúng tôi đang mải mê trò chuyện thì Tiến đến thăm anh Hưng. Em tâm sự rằng: “Anh Hưng đã giúp em khơi dậy lý tưởng sống, giúp em được đi học đại học và là người thầy mà em rất quý trọng. Em sẽ cố gắng trở thành một cán bộ Đoàn xuất sắc, để không phụ lòng mong mỏi của anh”.

Được biết, hằng tuần, Tiến vẫn đến nhà anh Hưng để học thêm kiến thức về công tác thanh niên, vì “được nghe anh nói, giảng giải về cách tổ chức phong trào thanh niên, em dễ hiểu hơn những gì được học trên lớp”-Tiến tâm sự.

Khơi dậy lý tưởng, hoài bão của tuổi trẻ

Từ khi em Tiến vào đại học, anh Hưng cảm thấy tổ chức đoàn không chỉ là nơi tập hợp sức mạnh thanh niên, mà còn là một trường học thật sự. Anh đã đi học thêm về nghiệp vụ sư phạm, tiếp đó đề xuất với Ban Chấp hành Đoàn xã Văn Phú mở lớp tư vấn hướng nghiệp và giúp ôn thi vào đại học cho học sinh lớp 12 của thôn. Anh muốn các cán bộ Đoàn có trình độ đại học sẽ cùng giúp các em ôn thi; qua đó đưa các em đến gần hơn với phong trào Đoàn.

Theo đề xuất của anh, sắp tới, một lớp học sẽ được tổ chức tại Nhà văn hóa xã, mà những thầy giáo, cô giáo sẽ là những đoàn viên ưu tú trong thôn. Nói về ý tưởng của anh Hưng, đồng chí Trần Quốc Trung, Bí thư Ban Chấp hành Đoàn xã Văn Phú cho biết: “Đây là một ý tưởng hay, sẽ giúp các em lớp 12 có hoàn cảnh khó khăn được ôn thi miễn phí, giúp các em tự tin hơn trong kỳ thi sắp tới. Đoàn xã sẽ tạo điều kiện tốt nhất để đồng chí Hưng thực hiện ý tưởng này”.

Mới đây, Trương Trung Hưng đã được cử đi học lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng và được đưa vào tạo nguồn cán bộ xã Văn Phú nhiệm kỳ tới. Anh là một tấm gương sáng đối với đoàn viên, thanh niên trong thôn, xã. Phó bí thư Đảng ủy xã Văn Phú, ông Nguyễn Đức Giang cho biết: “Từ khi bổ nhiệm đồng chí Hưng làm Bí thư chi đoàn, phong trào thanh niên của thôn Yên Phú nói riêng, của xã Văn Phú nói chung sôi nổi và hiệu quả hơn; một số thanh niên hư còn được đồng chí Hưng vận động thực hiện sống có ích, lập thân, lập nghiệp; môi trường trong thôn cũng sạch đẹp hơn, nhất là có thêm nhiều cây xanh do Đoàn thanh niên trồng”.

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CÔNG