Cô giáo giàu tình thương

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Kinh Bắc giàu truyền thống văn hiến, năm 1973, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cô Thuận được điều về dạy tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Bắc (nay là Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Bắc Ninh). Liên tục từ đó cho đến khi nghỉ hưu, 37 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, cũng là chừng ấy thời gian cô giáo Nguyễn Thị Thuận thường xuyên quan tâm, giúp đỡ những học sinh, sinh viên kém may mắn. Nhớ lại quãng thời gian ấy, cô Thuận xúc động kể: “Thực ra cách làm của tôi cũng đơn giản, điều quan trọng là khơi dậy tình cảm thương yêu, đoàn kết trong tập thể lớp và tránh tạo sự mặc cảm, tự ti ở những em không may bị khuyết tật, những em có hoàn cảnh khó khăn…”.

Bản thân cô Thuận tháng nào cũng tình nguyện trích lại một phần đồng lương giáo viên ít ỏi để giúp đỡ học sinh của mình. Và chính nhờ cách làm này mà rất nhiều học sinh của cô đã có thêm nghị lực để vượt lên hoàn cảnh, nỗ lực học tập, phấn đấu và thành đạt. Đến nay, nhiều người trong số đó đã trở thành bác sĩ, kỹ sư; có người đang công tác ở nước ngoài...

Cô giáo Nguyễn Thị Thuận tới kèm thêm môn toán cho em Nguyễn Đình Việt ở Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Bắc Ninh.  

“Lần đầu tiên tham gia các hoạt động thiện nguyện cũng là lần để lại trong tôi nhiều kỷ niệm nhất”, cô giáo Nguyễn Thị Thuận đã chia sẻ như vậy khi chúng tôi hỏi về “cơ duyên” đưa cô đến với các hoạt động thiện nguyện. Chuyện là, sau trận lũ lịch sử tại các tỉnh miền Trung cuối năm 2010, cô Thuận cùng một số học trò đã tham gia quyên góp tiền, hiện vật để cứu trợ đồng bào trong vùng bị thiệt hại. Khi đặt chân đến Hà Tĩnh, địa phương bị gánh chịu hậu quả nặng nề nhất, cô nhận thấy có rất nhiều hoàn cảnh khó khăn cần sự ủng hộ, giúp đỡ trực tiếp từ các nhà hảo tâm. Trở về sau chuyến đi đó, cũng là thời điểm cô Thuận bắt đầu nghỉ hưu, từ đây, cô bắt đầu hành trình thiện nguyện của mình với một suy nghĩ vô cùng mộc mạc: “Mang tình thương và sự giúp đỡ đến với những người thực sự khó khăn!”. Vốn không biết đi xe gắn máy nên hằng tuần, ngoài những buổi dạy thêm, cô giáo Nguyễn Thị Thuận lại cùng chiếc xe đạp cũ kỹ vượt qua hàng chục ki-lô-mét để tìm đến những địa chỉ cần giúp đỡ. Gần là trong thành phố Bắc Ninh, xa là ở các huyện: Yên Phong, Tiên Du, Gia Bình…, cô Thuận đã không quản ngại mưa nắng để tới giúp đỡ, động viên những số phận kém may mắn có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Việc làm giàu ý nghĩa của cô đã dần có sức lan tỏa, nhất là trong các thế hệ học trò cũ, trong người thân, bạn bè cũng như mọi người xung quanh. Điều đáng nói là quá trình vận động mọi người chung tay tham gia các hoạt động thiện nguyện, cô giáo Thuận luôn mong muốn và động viên các nhà hảo tâm dành thời gian đến tận nơi, trao tận tay những món quà, những số tiền dù nhỏ cho những người khuyết tật, trẻ em mồ côi, bởi theo cô: “Trực tiếp giúp đỡ những số phận kém may mắn hằng tháng, cũng giống như bạn trồng và chăm sóc một cái cây, cây thiện nguyện. Để rồi lần sau đến, bạn lại như được thấy cái cây ấy lớn hơn, đó chính là niềm vui, niềm hạnh phúc, sự nỗ lực vươn lên của những người được bạn giúp đỡ”.

Từ cuối năm 2011, “Hội đỡ đầu những người mù có hoàn cảnh khó khăn ở tỉnh Bắc Ninh” đã ra đời, do cô Thuận làm chủ nhiệm. Hội đã có sự tham gia của rất nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Từ đó đến nay, đã có hàng trăm người nhận được sự giúp đỡ từ các hoạt động thiện nguyện do cô giáo Thuận khởi xướng. Nhiều người khuyết tật ở tận các tỉnh xa như: Hà Giang, Yên Bái cũng được nhận sự giúp đỡ của hội. Chỉ tính riêng tại địa bàn tỉnh Bắc Ninh, đến tháng 6-2016, đã có khoảng gần 70 người thường xuyên được các nhà hảo tâm tìm đến giúp đỡ. Đó là những người mù có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, người già không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi… Với số tiền giúp đỡ hằng tháng từ 300.000-500.000 đồng/người, sự động viên của cô Thuận và các nhà hảo tâm đã thực sự trở thành động lực rất lớn giúp họ có thêm nghị lực vượt qua khó khăn.

“Còn sức khỏe, còn tham gia hoạt động thiện nguyện”

Đó là lời chia sẻ chân thành, đồng thời cũng là tâm nguyện mà chúng tôi cảm nhận được khi trò chuyện cùng cô giáo Nguyễn Thị Thuận. Theo tìm hiểu của chúng tôi, điều ấn tượng nhất trong các hoạt động thiện nguyện của cô Thuận không chỉ ở số lượng người kém may mắn được giúp đỡ mà chính là cách làm sáng tạo, hiệu quả của cô. Khai thác tính năng “mở” của mạng xã hội facebook, cô Thuận đã tự tìm hiểu và lập nên trang facebook của “Hội đỡ đầu những người mù có hoàn cảnh khó khăn ở tỉnh Bắc Ninh” với sự tham gia của rất nhiều hội viên. Tại trang này, cô đã thường xuyên cập nhật những thông tin, hình ảnh về các hoạt động của hội cũng như những địa chỉ cần giúp đỡ. Nhờ đó, các nhà hảo tâm, các hội viên hay những người quan tâm đến hoạt động thiện nguyện có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin, từ đó lựa chọn và trực tiếp (hoặc thông qua hội) liên hệ với những người cần được hỗ trợ.

Cô giáo Nguyễn Thị Thuận (bên trái) trong một chuyến đi tặng quà học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh do nhân vật cung cấp

Trao đổi cùng chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Thuận cho biết, rút kinh nghiệm thực tế đã có không ít tổ chức, cá nhân lợi dụng danh nghĩa quyên góp, giúp đỡ người nghèo để tư lợi, vì vậy cô luôn bảo đảm yêu cầu rõ ràng về tài chính trong mọi hoạt động của "Hội đỡ đầu những người mù có hoàn cảnh khó khăn ở tỉnh Bắc Ninh". Đến nay, hội thường xuyên duy trì số quỹ hơn 50 triệu đồng gửi ngân hàng để phục vụ thăm, tặng quà vào dịp Tết hằng năm. Nhiều chuyến đi thâm nhập, điều tra địa bàn ở xa, cô Thuận và các hội viên tham gia đều tự nguyện bỏ tiền túi để không phải sử dụng đến quỹ của hội.

Một niềm vui và cũng là may mắn của cô Thuận, đó là hoạt động thiện nguyện của cô luôn nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ của mọi người trong gia đình, nhất là người con trai cả đang công tác tại Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh và cô con gái đang công tác tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương, Chi nhánh Bắc Ninh. Đồng thời, những việc làm thiện nguyện, giàu ý nghĩa ấy cũng đã có sức lan tỏa trong các thế hệ học trò cũ của cô. Hiện nay, thường xuyên có gần 20 em học sinh cũ luôn đồng hành cùng cô giáo Nguyễn Thị Thuận trên những hành trình thiện nguyện. Đó có thể là những người đã thành đạt, là những sinh viên tiết kiệm chi tiêu để có tiền giúp đỡ người khuyết tật…

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, cô Thuận luôn khiêm tốn tâm sự: “Hoạt động thiện nguyện của hội có được như ngày hôm nay là nhờ sự chung tay, góp sức của tất cả mọi người. Tôi chỉ có vai trò là cầu nối, kết nối những nhà hảo tâm, những người giàu tình thương với những số phận kém may mắn mà thôi”. Được biết, từ đầu năm 2015 đến nay, cô Thuận đã cùng "Hội đỡ đầu những người mù có hoàn cảnh khó khăn ở tỉnh Bắc Ninh" triển khai chương trình khảo sát, giúp đỡ hơn 200 em học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ trên địa bàn toàn tỉnh. Bước chân thiện nguyện của cô giáo Nguyễn Thị Thuận đã in dấu trên mọi vùng quê trong tỉnh Bắc Ninh, để tiếp thêm động lực, giúp đỡ các em học sinh mồ côi gắng sức vươn lên. 

Ghi nhận những đóng góp của cô giáo Nguyễn Thị Thuận trong công tác xã hội, Hội Người mù các cấp, UBND tỉnh Bắc Ninh đã tặng cô nhiều bằng khen, giấy khen, song phần thưởng lớn nhất, theo tâm sự của cô, đó chính là nụ cười trên gương mặt những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, là niềm vui của những người khuyết tật hay sức khỏe của những cụ già neo đơn không nơi nương tựa… Tất cả những điều đó đã giúp cô giáo Nguyễn Thị Thuận có thêm quyết tâm để tiếp tục vững bước trên hành trình thiện nguyện giàu ý nghĩa, như điều cô vẫn luôn tâm nguyện: “Còn sức khỏe, còn tham gia hoạt động thiện nguyện”.

TẠ QUANG ĐẠO