Sinh năm 1983, quê ở xã Khánh Lợi, huyện Yên Khánh, Ninh Bình, Phạm Văn Huấn tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Cà Mau năm 2005; anh đến với Trình Tường chỉ với hành trang duy nhất là những kiến thức được trang bị ở trường cùng với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ.
Nhớ về ngày đó, anh tâm sự: “Ngày đầu mới lên, nơi đây chỉ là khu đất hoang, cây cao hơn đầu người, chỉ cần nhìn thôi cũng đã khiến người ta nghĩ tới chuyện quay về. Nhưng chính ánh mắt ngây thơ, trong sáng của các em nhỏ đồng bào đã tiếp thêm cho tôi động lực, khiến tôi quyết tâm hơn để ở lại”. Nhưng trường không có thì lấy đâu ra nơi dạy học. Rồi khắc phục mọi khó khăn, việc đầu tiên anh cùng các cán bộ, chiến sĩ Lâm trường 156 (Đoàn KT-QP 327) bắt tay vào làm là dựng điểm trường thôn Trình Tường bằng cách ghép các miếng ván gỗ lại với nhau. Sau đó, tổ chức, vận động đồng bào tham gia các lớp học buổi tối để xóa mù chữ.
Câu chuyện học chữ ở miền biên viễn này thật không ít gian nan. Nói về quá trình “gieo chữ” đầy nhọc nhằn, Thượng úy Đào Hải Nam, Trợ lý Tuyên huấn Lâm trường 156 chia sẻ: “Đồng bào ở đây chăm chỉ, chịu khó làm ăn nhưng do đời sống khó khăn, nhận thức của người dân còn hạn chế nên cái chữ không được bà con coi trọng. Hiện tượng giữa buổi thầy cô đi tìm học sinh là chuyện bình thường. Không phải học sinh ham chơi quên học, mà bởi các em còn theo cha mẹ lên nương chăn trâu, trồng ngô, trồng sắn; thậm chí có em giữa buổi chạy về nhà ăn tạm bát cháo cho đỡ đói bụng. Vậy là chúng tôi cùng các thầy, cô giáo lại lặn lội vượt núi, băng đồi đến từng nhà trong bản để trò chuyện, tìm hiểu nguyên nhân rồi động viên phụ huynh tạo điều kiện cho các em đến lớp”.
Thầy giáo Huần tận tình chỉ dạy từng con chữ, từng phép tính cho các em nhỏ vùng cao.
Ở vùng cao biên giới này, vào mùa đông thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Có những năm nhiệt độ xuống thấp chỉ khoảng 4
oC, nhìn các em tới lớp với quần áo phong phanh, chân, tay tím tái, người run cầm cập khiến thầy Huần không khỏi xót xa. Thế rồi, thầy lại lặn lội liên hệ với các đoàn từ thiện xin áo ấm cho các em. “Dù chỉ là quần áo cũ, nhưng nhìn các em có quần áo ấm để mặc, tôi cũng thấy ấm lòng. Chỉ mong sao những mùa đông tiếp theo, các em không còn bị lạnh nữa”, thầy Huần tâm sự.
Gần 10 năm gắn bó với Trình Tường đã để lại trong lòng người thầy giáo trẻ biết bao kỷ niệm. Anh còn nhớ mãi “cậu học trò” Chìu Văn Minh trong những buổi học đầu tiên. “Khi ấy, “cậu ta” đã 23 tuổi mà không biết chữ. Được các cán bộ Lâm trường tới vận động, cả nhà “cậu ta” cùng đi học (ban ngày trẻ con, tối thì cả nhà cùng lên lớp). Cũng được mấy buổi, một hôm, “cậu ta” say rượu, cầm dao vào đuổi thầy giáo không cho dạy học. Tôi đã gọi cho chỉ huy Lâm trường 156 để nhờ giúp đỡ. Khi các anh xuống, “cậu ta” sợ quá trốn vào rừng. Sau khi được giải thích, “cậu ta” tới lớp học xin lỗi tôi và xin được đi học để biết cái chữ”, thầy giáo Huần kể. Gặp “cậu học trò” năm nào của thầy giáo Huần, anh Minh ngại ngùng chia sẻ với chúng tôi: “Hồi ấy, mình chưa biết lòng của thầy giáo. Rồi thấy bộ đội và thầy giáo vất vả kèm dân học chữ tối ngày, thương lắm! Nhưng cái chữ cứ vào đầu rồi lại đi đâu mất, chỉ học được tên mình, vợ mình, con mình thôi. Mình không học được thì giờ cho con mình học, để chúng nó được như thầy giáo, như bộ đội”.
“Ngôi trường” bằng mảnh ván ghép lại trước kia giờ đã được xây dựng lại kiên cố. Trong lớp học ghép chương trình lớp 2 và lớp 3 kê vừa 2 chiếc bàn nhỏ, năm e học sinh được thầy Huần tận tình chỉ dạy cho con chữ, từng phép tính. Thầy trò điểm trường Trình Tường hôm nay không còn lo lắng mỗi lúc trời mưa, trời lạnh nhưng giáo cụ, đồ dùng học tập cho các em vẫn còn nhiều thiếu thốn. Nhìn những quyển sách giáo khoa sờn góc, những cái bút, cái thước cũ kĩ mà thầy xin được ở mọi nơi được tận dụng, nâng niu, trân trọng mới thấy hết được những gian nan, vất vả của thầy trò nơi đây.
Vậy nhưng với lòng nhiệt huyết, trách nhiệm và nhất là tình yêu nghề, yêu trẻ, thầy giáo Huần vẫn kiên trì “cắm bản”, miệt mài “gieo chữ trên non” và coi nơi đây là quê hương, là gia đình thứ hai của mình. Đằng sau từng con chữ, từng phép tính, người thầy của bản còn gieo vào lòng các em tình yêu Tổ quốc, yêu cánh rừng, làng bản quê hương và hơn thế nữa là “ươm mầm” những ước mơ trở thành thầy giáo, trở thành bộ đội, bác sĩ… giúp gia đình thoát nghèo và góp phần bảo vệ, dựng xây đất nước.
Những nỗ lực và tâm huyết của thầy giáo Huần đã được ghi nhận khi nhiều năm liền, thầy đều là giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện; hai năm đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” (2010, 2014) do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Liêu trao tặng. Có lẽ, đây cũng là nguồn động viên, khích lệ để các thầy cô giáo vùng cao như thầy Huần tiếp tục kiên trì công tác và cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” ở miền biên viễn xa xôi này.
Bài, ảnh: QUỲNH HOA