Như người bạn đời…
Nằm ven bờ sông Nhuệ, cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 10km, làng cổ Cự Đà đã nổi danh cách đây hàng trăm năm với nghề làm tương và buôn bán. Năm 2004, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã ra quyết định công nhận Cự Đà là làng nghề làm tương truyền thống, có thương hiệu. Không những thế, Cự Đà còn lưu giữ được những ngôi nhà cổ mang phong cách thuần Việt, phong cách Á-Âu kết hợp, hoặc kiểu Pháp đặc trưng. Đây là điểm đến của nhiều khách du lịch thập phương.
Theo giới thiệu của những người dân mến khách ở thôn Cự Đà, chúng tôi đến thăm gia đình ông Đinh Văn Lai tại xóm 3. Ông Lai là cựu chiến binh, năm nay đã 76 tuổi, có gần 50 năm tuổi Đảng. Trong cuộc đời mình, chưa bao giờ ông đứng trước quyết định khó khăn như việc giữ lại ngôi nhà cổ mà người cha xây dựng từ năm 1918.
Ông Lai trong ngôi nhà cổ của gia đình.
“Ngôi nhà đã có nhiều chỗ xuống cấp, nhưng tôi chỉ sửa tạm, một phần vì kinh phí có hạn, phần vì sợ làm mất đi những nét kiến trúc độc đáo, nguyên bản của ngôi nhà”-đó là lời tâm sự của ông Lai, chủ nhân ngôi nhà được cho là cổ nhất ở thôn Cự Đà, xã Cự Khê.
Người đàn ông nhỏ nhắn, lưng hơi gù, khuôn mặt hiền hậu tấp tểnh ra mở cửa đón chúng tôi. Dường như việc tiếp đón các đoàn khách du lịch đã trở nên rất quen thuộc với ông. Ông mời chúng tôi vào nhà bằng nụ cười thân thiện. Thấy chúng tôi chăm chú quan sát, ông Lai dường như hiểu ý chúng tôi đang muốn “khám phá” ngôi nhà này. Ông hồ hởi chủ động kể: Ngôi nhà được cha ông xây dựng từ năm 1918, khi đó cụ là một trong những nhà buôn có tiếng ở miền Bắc. Ngôi nhà được ghép bằng gỗ vàng tâm và gỗ lim chuyển từ Tây Bắc về bằng đường thủy. Vì Cự Đà là làng nằm ven sông Nhuệ nên việc vận chuyển gỗ rất thuận lợi. Ông cụ đã thuê những thợ có tay nghề giỏi về làm và sau hai năm ngôi nhà mới được hoàn thiện.
Từ khi ông Lai sinh ra cho tới giờ, ngôi nhà gần như chưa có thay đổi gì lớn ngoài những đồ đạc trong nhà, ngay cả ổ điện cũng có cái còn sót lại từ ngày rất xa xưa. Ngôi nhà mang đậm kiến trúc Việt Nam với 5 gian thông tuông, tổng cộng có 35 cột trong nhà, gian giữa là cung thờ tổ tiên, những họa tiết trên bức vách, cột, vì kèo… đều là những hình rồng, đài sen, nho giáo, cảnh quê… mang đậm bản sắc dân tộc.
Ông Lai tình nguyện nhập ngũ năm 1958 và đã tham gia nhiều chiến dịch lớn. Đến năm 1973, do bị thương, ông được xuất ngũ và trở thành chủ nhân chính thức của ngôi nhà (ông là con trưởng). Từ đó, ngôi nhà như người bạn đời của ông, không chỉ là nơi che mưa che nắng mà đó còn là đại diện cho kiến trúc nhà cổ Việt Nam. "Đến năm 2018, ngôi nhà sẽ tròn 100 tuổi đấy các chú ạ! Trông vậy thôi, nhiều chỗ cũng bị hư hỏng rồi. Tôi thì đã già, không còn đủ sức để sửa lại nữa. Con trai tôi bảo phá đi để xây nhà mái bằng, nhưng tôi không đồng ý"-ông Lai ngậm ngùi kể.
Không chỉ ngôi nhà cổ, mà nhiều đồ đạc trong nhà ông Lai cũng rất cổ. Ông khoe với chúng tôi bộ tràng kỷ, chiếc đồng hồ, mấy chiếc bát cổ bằng đồng và đặc biệt là bàn thờ tổ tiên vẫn còn nguyên những gì mà cha ông để lại. Thấy ông Lai bảo: “Các chú để tôi vào hậu cung lấy cho xem bản thiết kế ngôi nhà”, chúng tôi càng thêm tò mò. Hậu cung là phần không gian phía sau bàn thờ, được che bởi một tấm vải đỏ mà chỉ có người trong nhà mới được vào. Nhìn bản thiết kế nhà cổ đã phai nhòe trên tay ông Lai, chúng tôi càng thêm hiểu ông trân trọng, giữ gìn ngôi nhà cũng như những kỷ vật của tổ tiên để lại như thế nào. “Ngôi nhà như người bạn đời của tôi mấy chú ạ. Từ nhỏ đến giờ, chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ phá nhà này đi để xây một ngôi nhà khác”-ông Lai tỏ bày.
Quyết giữ bằng được “của hiếm”
Tham quan, ngắm kỹ ngôi nhà, chúng tôi rất thích thú với nhiều hình tượng điêu khắc trên các cánh cửa rất phong phú, đa dạng và đường nét tinh xảo. Chúng tôi đều thấy xung quanh nhà ông là những ngôi nhà mái bằng cao vút, tường và mái tôn đủ màu sắc…
Ông Lai có ba người con, hai người con lớn đã lập gia đình và chuyển ra ngoài ở. Ông tâm sự: "Con cái cũng khuyên tôi phá ngôi nhà này đi để lấy đất xây hai nhà ống cho các con ở riêng, nhưng tôi suy nghĩ mãi và vẫn quyết định phải giữ bằng được ngôi nhà cổ này".
Cuộc sống thời hiện đại, nhiều sinh hoạt trong gia đình mà nhà cổ không đáp ứng được, nhưng ông Lai bảo: “Mình cố gắng chịu bất tiện một chút; đôi khi còn phải nghe tiếng mọt kêu, bị nước mưa dột hay ánh nắng xuyên qua khe ngói, nhưng nếu phá đi thì tiếc lắm!”.
Ông Lai là người có lối sống giản dị, mộc mạc, ít trọng vật chất. Nhiều đoàn khách du lịch nước ngoài đến thăm nhà thường biếu tiền tham quan, nhưng ông chỉ nhận một chút, gọi là cho có. Ông chia sẻ: “Kinh tế nhà tôi cũng không khá giả gì, chỉ có hai sào lúa và làm mấy hũ tương, nhưng khi khách du lịch đến, tôi chỉ cố gắng làm sao cho họ cảm thấy văn hóa kiến trúc Việt mình hay lắm, độc đáo lắm, để tăng thêm ý thức bảo tồn văn hóa, chứ đâu dám nhận tiền tham quan của du khách”.
Ông Lai khoe: “Tôi mới “tắm” cho ngôi nhà hôm qua đấy mấy chú ạ!”. Thấy chúng tôi ngỡ ngàng thắc mắc, sao lại là “tắm” cho nhà, ông Lai cười phá lên và giải thích rằng, ông thường lấy nước mưa để rửa toàn bộ phần gỗ của ngôi nhà, vì lau chổi không sạch hết được bụi, mốc...
Nhiều đoàn khách du lịch tìm đến thôn Cự Đà để tham quan nhà cổ, nhưng không ít người đã tỏ ra thất vọng vì hiện số nhà cổ còn lại trong làng rất ít. Theo ông Vũ Văn Bằng, Trưởng ban Văn hóa xã Cự Khê cho biết: “Từ năm 1986 đến 1995, gần 80% nhà cổ bị tháo dỡ do sự phát triển của kinh tế thị trường, quỹ đất ở bị thu hẹp, trong số những ngôi nhà còn lại, ngôi nhà của ông Lai được cho là cổ nhất, nguyên bản nhất”.
Khi được hỏi về công tác bảo tồn, lưu giữ những ngôi nhà này, ông Bằng bùi ngùi luyến tiếc: “Chúng tôi cũng chỉ tuyên truyền người dân cố gắng giữ lấy nhà cổ thôi, chứ không thể có kinh phí giúp họ tu sửa vì làng Cự Đà cổ và đẹp thật đấy, nhưng chưa được cấp có thẩm quyền công nhận như làng cổ Đường Lâm, nên không có chế tài cấp kinh phí tôn tạo, sửa chữa, chủ yếu do cái tâm của người dân. Ông Lai là một trong những người tiêu biểu của làng”. Ông Bằng cũng cho biết thêm, năm 1990, con trai lớn của ông Lai chuẩn bị lấy vợ, cứ nghĩ do “sức ép” về nơi ở, ông sẽ phá nhà cổ đi để xây nhà mới. Tuy nhiên một lần gặp, ông Lai bộc bạch: “Vì con cái và cuộc sống gia đình, tôi cũng phân vân, suy nghĩ nhiều lắm, nhưng rồi… tôi nhất quyết không phá nhà cũ. Nói vậy nhưng nhiều khi bạn bè đến thăm, thấy nhà cửa xuống cấp, cả chủ và khách đều ái ngại. Tôi thì cứ luôn tự nhủ: Nhà cổ này mới là vô giá, không có gì đánh đổi được”.
Mong ước bình dị
Tiếp chuyện chúng tôi như không biết mệt, ông Lai kể nhiều chuyện chiến trường, rồi lại xoay quanh chuyện ngôi nhà cổ, như muốn thông qua đó để giãi bày tâm sự, gửi gắm “thông điệp” đến chính quyền và cơ quan chức năng.
Tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng ông Lai vẫn luôn ngóng chờ một lần có các chuyên gia văn hóa, kiến trúc của trên về thôn Cự Đà để hướng dẫn người dân tu sửa nhà cổ, sao cho đỡ hư hỏng và vẫn giữ được nét văn hóa đặc sắc. “Tôi cũng có tiền để sửa một số hạng mục xuống cấp, như thay ngói, gia cố vì kèo, nhưng điều tôi lo nhất là làm hỏng mất quy thức nhà cổ, chứ không phải trông chờ kinh phí của các cấp”.
Đã gần trưa, chúng tôi thấy những tia nắng bắt đầu lọt qua khe ngói xuống bàn trà, nền nhà. Tiễn chúng tôi ra về, ông Lai cứ nhắc mãi: “Các chú rảnh thì lại đến nhà tôi chơi, rủ thêm bạn bè càng tốt”.
Trên đường làng, những xe chở miến, chở tương vẫn ra vào nườm nượp. Trong làng, thay vào những nếp nhà cổ là những ngôi nhà mái bằng kiên cố đủ sắc màu. Chỉ vài ngôi nhà còn lại như nhà ông Lai, chắc sẽ không đủ để giữ lại cái danh “Làng cổ Cự Đà” được nữa, có chăng chỉ còn là “Làng tương”, “Làng miến” Cự Đà mà thôi! Mong sao lần sau chúng tôi trở lại thăm nhà ông Lai, sẽ thấy ông vẫn khỏe mạnh và ngôi nhà gần 100 tuổi của gia đình ông vẫn giữ mãi được nét xưa cổ kính.
Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CÔNG