Người mẹ đảm đang, nhân hậu của “đàn con”
Cuối tháng 4, đất Quảng Trị nắng như thiêu như đốt. Chúng tôi tìm đến gia đình bà Căn Ling. Vượt chặng đường xa đầy khó khăn, phải qua nhiều lối nhỏ, đường ngang mới tìm được nhà bà-căn nhà lá nhỏ nằm khuất bên sườn đồi. Chúng tôi ngạc nhiên trước điều kiện sinh sống của gia đình, trái với sự nổi tiếng về những cống hiến của bà. Từ xa, chúng tôi nhận ra người phụ nữ có dáng người thấp đậm trong trang phục phụ nữ Vân Kiều đang tắm cho cháu bé ngay dưới chân cầu thang nhà sàn. Bà cho biết: "Bé tên là Hồ Thị Muộn, mới 2 tuổi, chị của bé năm nay 6 tuổi, mồ côi mẹ, cha lại không có điều kiện nuôi các con nên gia đình tôi đón hai chị em bé về nuôi".
Bà Căn Ling và cháu bé hai tuổi mồ côi mà bà nhận về nuôi.
Trong câu chuyện với bà Căn Ling, chúng tôi được nghe bà kể về những năm tháng vất vả nuôi dưỡng các cháu mồ côi. Khi được hỏi khó khăn lớn nhất khi nhận nuôi các cháu, giọng bà trầm xuống rồi chậm rãi chia sẻ với chúng tôi: “Khó khăn thì nhiều lắm, như việc nuôi nấng, dạy dỗ, rồi thực hiện các thủ tục để làm lại giấy khai sinh và giấy tờ tùy thân để các cháu được đi học!”.
Nhìn gia cảnh của bà, chúng tôi biết bà và gia đình gặp nhiều khó khăn khi cùng lúc nuôi nhiều trẻ mồ côi. Bà cho biết, những năm 1990, khi cả nước còn thiếu đói, bà là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, nhưng không có lương, mọi chi tiêu trong gia đình chỉ dựa vào làm ruộng, làm nương rẫy. Con thì đông, bốn đứa con đẻ, lại nhận thêm ba đứa con nuôi, đứa lớn gần 5 tuổi, đứa nhỏ mới 2 tháng tuổi. Do quá khó khăn, lại không có sữa nuôi con nhỏ nên hằng ngày bà phải bế bé 2 tháng tuổi đi khắp các bản xin những gia đình đang nuôi con nhỏ cho bé bú nhờ. Buổi tối và lúc không có sữa, bà ngâm gạo nấu cháo rồi nghiền ra cho con ăn; nhiều khi bà phải cho bé uống nước cơm và nhai gạo mớm để cháu qua cơn đói... Bà rất tự hào bởi mặc dù điều kiện hết sức khó khăn, nhưng bà và gia đình đã vượt qua tất cả để nuôi dạy mười đứa con đẻ, con nuôi khôn lớn.
Vất vả là vậy nhưng bà Căn Ling và gia đình không chùn bước mà vẫn tiếp tục tìm kiếm và giúp đỡ các cháu sinh ra không được may mắn, hạnh phúc, mồ côi. Chúng tôi hỏi:
- Làm thế nào bà có được thông tin về các cháu cần giúp đỡ?
- Qua thông tin của bà con trong bản, người thân sống ở các bản khác mà tôi biết được hoàn cảnh các cháu. Những cháu thực sự khó khăn, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa thì gia đình tôi đón về nhà, không quản đường sá xa xôi-bà cho biết.
Bà kể cho chúng tôi nghe về trường hợp đón ba anh em mồ côi cả cha lẫn mẹ ở một bản giáp biên thuộc xã A Túc. Năm 1986, bà tới xã A Túc thăm người nhà và biết được hoàn cảnh đáng thương của ba anh em từ 2 tháng tuổi đến 5 tuổi, không nơi nương tựa. Bà quyết định đưa các cháu về gia đình để nuôi dạy. Ngày đó, bà đi bộ băng rừng mất hai ngày và ngủ dọc đường một đêm. Để chuẩn bị đồ ăn cho các cháu, bà chủ động nấu cháo, nghiền nhuyễn, đựng vào ống để các cháu ăn đủ trong hai ngày đường; buổi tối thì ghé vào nhà dân ở dọc đường xin nghỉ nhờ và nấu cháo cho các cháu ăn trong đêm, kết hợp để dành cho ngày đường tiếp theo. Đường sá xa xôi, núi rừng hiểm trở bà không sợ mà chỉ sợ cô bé Pưng mới 2 tháng tuổi không chịu nổi. Vì mẹ mất sớm, bé không được bú sữa nên người gầy tong teo, trông rất tội nghiệp. Thế rồi sau những năm tháng vất vả nhọc nhằn, hiện nay người anh cả của ba anh em mồ côi đã xây dựng gia đình, lại được bà lo giúp đỡ về nhà cửa, vườn tược. Bé Pưng ngày nào giờ là cô giáo mầm non ở xã Xi, huyện Hướng Hóa và đã lấy chồng. Chỉ có người anh thứ hai xấu số, do lâm bệnh nặng nên đã mất năm 1996, khi mới 14 tuổi.
Mắt bà Căn Ling sáng lên khi nói về những người con của mình. Bà cho biết: Trong sáu người con bà nhận về nuôi, nay hai người đã xây dựng gia đình, hai em đang học lớp 6 và lớp 7 ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Trị, một em học tiểu học ở xã và một bé mới 2 tuổi. Trong bốn người con đẻ của bà, hiện người con gái cả đã tốt nghiệp đại học sư phạm và trở thành giáo viên, đang công tác tại xã A Dơi, huyện Hướng Hóa; con gái thứ hai học Trường Đại học Sư phạm Huế năm thứ 4; con trai thứ ba học trung cấp y rồi nhập ngũ, hiện công tác tại Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị; con gái út đang học tại Trường Đại học Kinh tế-Đại học Huế.
Chúng tôi rất ngưỡng mộ tấm lòng nhân ái và ý chí sắt đá của bà. Còn nhiều người băn khoăn: "Vậy lấy đâu ra tiền để bà và gia đình nuôi các con ăn học?". Bà không ngại bộc bạch: “Ngoài làm ruộng, làm rẫy, gia đình phải vay thêm tiền từ các nguồn chính sách hỗ trợ của ngân hàng để lo cho các cháu. Mỗi năm, tôi vay ngân hàng gần 10 triệu đồng. Đến vụ, gia đình thu hoạch ngô, sắn, hoa màu đem bán lấy tiền trả ngân hàng cả gốc lẫn lãi. Số tiền còn dư dùng để mua thêm gạo và đồ dùng sinh hoạt cho các cháu. Năm sau nếu thiếu, gia đình lại phải tiếp tục “quay vòng” như vậy”.
Chúng tôi đang trò chuyện với bà thì cô giáo Hồ Thị Căn Pưng (bé gái 2 tháng tuổi mà bà nhận nuôi ngày nào) về nhà. Bày tỏ lòng thành kính của mình đối với công nuôi dưỡng, dạy dỗ của mẹ, Pưng kể với chúng tôi, giọng cảm động: “Mẹ Căn Ling đã sinh ra tôi lần thứ hai trên đời này, nếu không có mẹ chắc tôi đã không còn trên thế giới này nữa chứ không nói đến có cuộc sống như hôm nay. Cho dù có làm gì, ở đâu tôi vẫn luôn nhớ về mẹ và tổ ấm thương yêu này. Tôi và các anh chị luôn ghi nhớ những lời mẹ dạy, những gì mẹ và gia đình đã dành cho; luôn phấn đấu để trở thành người tốt, người có ích cho xã hội”.
Người cán bộ gương mẫu, “công bộc” của dân
Bà Căn Ling không chỉ đảm việc nhà và giàu lòng nhân ái mà còn là cán bộ mẫu mực. Khi nhắc đến bà, bất cứ ai từng công tác với bà đều thán phục và ngưỡng mộ. Tham gia công tác từ năm 1979, bà đã trải qua nhiều cương vị như: Bí thư xã đoàn, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, Phó chủ tịch UBND xã, từ năm 2011 đến nay là Chủ tịch HĐND xã A Túc.
Bà tự hào nói với chúng tôi: “Chúng ta là con cháu của Bác Hồ, nên phải làm theo những lời Bác dạy; phải thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ nhau; phải luôn đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, không được sống ích kỷ, chỉ lo vun vén cho riêng bản thân mình... Được mang họ của Bác Hồ là một vinh dự lớn với tôi và gia đình, nên nếu làm bất cứ việc gì có lợi cho bà con trong bản và cho xã hội là tôi quyết tâm làm bằng được".
Hơn 10 năm trước, thực hiện chủ trương của các cấp về việc quy hoạch đất đai để xây dựng các công trình hạ tầng khu trung tâm của xã (Trụ sở UBND xã, trường tiểu học, trường THPT, nơi sinh hoạt cộng đồng và phòng khám bệnh khu vực), đất gia đình bà nằm trong quy hoạch của khu trung tâm này. Mặc dù ngoài phần đất đang sinh sống, gia đình không còn chỗ đất nào để ở và sản xuất, nhưng là cán bộ gương mẫu, bà đã bàn với chồng con, gia đình và dòng họ hiến toàn bộ số đất hơn 1,3ha cho xã xây dựng các công trình phúc lợi mà không nhận tiền đền bù từ Nhà nước; trị giá lô đất lúc bấy giờ là hơn 500 triệu đồng. Đây là số tiền rất lớn đối với gia đình bà và những người dân sinh sống nơi đây. Ngôi trường tiểu học xã A Túc được xây mới khang trang tại trung tâm xã. Người dân xã A Túc, nhất là các em học sinh rất vui vì có trường, lớp khang trang, một số em không còn phải bỏ học vì điểm trường cũ quá xa. Ngôi trường này được xây dựng ngay trên chính khu đất mà bà Căn Ling hiến tặng địa phương.
Với việc làm mẫu mực, thiết thực của mình, bà Căn Ling đã vận động thêm được một số bà con trong bản tự nguyện hiến đất cho chính quyền xây dựng các công trình theo đúng quy hoạch của trên. Về phần mình, khi đã hiến toàn bộ số đất của gia đình, không còn đất để ở, một số cán bộ lãnh đạo xã cảm thông với hoàn cảnh gia đình bà, đã tự nguyện cắt bớt phần đất của mình mời bà về ở cùng, thế nhưng bà và gia đình dứt khoát từ chối vì không muốn làm phiền người khác. Bà đã cùng người thân trong gia đình xin người bà con trong dòng họ một mảnh đất nhỏ khác bên sườn đồi để tiếp tục sinh sống, lập nghiệp.
Trong cuộc trò chuyện, bà nhiều lần nhắc đến và rất tự hào về dòng họ của mình được mang tên Bác Hồ: “Tôi và dân bản có được ngày hôm nay là nhờ có Bác Hồ, có Đảng mở đường, chỉ lối. Tôi rất tự hào và cảm ơn dòng họ và chồng con đã luôn ủng hộ trong mỗi việc làm của tôi”.
Mặc dù hiện nay tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng biết nơi nào có người khó khăn mà giúp đỡ được là bà luôn sẵn lòng.
Nói về bà, ông Hồ Trung Lập, Bí thư Đảng ủy xã A Túc khẳng định: "Bà Căn Ling là một người phụ nữ mẫu mực, mặc dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhưng bà luôn phấn đấu vươn lên. Đối với các công việc được giao, bà luôn hoàn thành xuất sắc. Trong mọi công việc, bà luôn gương mẫu đi đầu và vận động đồng bào cùng làm theo. Bà luôn được mọi người tin yêu, nể trọng. Đối với gia đình, bà hết mực thương yêu chồng con, không quản ngại khó khăn, gian khổ, ngoài thời gian làm việc ở xã, bà còn tranh thủ cùng gia đình làm lúa nước, làm rẫy…, tăng thu nhập trang trải cuộc sống gia đình và nuôi các con ăn học, trưởng thành.
Bài và ảnh: LÊ ANH TẦN