Chuyện cổ tích được viết từ “Hạnh phúc”
Anh Phúc sinh năm 1975 tại Quỳ Châu, Nghệ An, tốt nghiệp Trường Đại học Luật Hà Nội. Năm 2003, anh về làm chuyên viên Vụ Pháp chế (Bộ Y tế). Anh Phúc tâm sự, ngay khi xây dựng dự án Luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, các chuyên gia trong Ban soạn thảo và bản thân anh đã dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu về quan niệm cái chết toàn thây. Bởi không ít người cho rằng “trần sao âm vậy” nên nghĩ sau khi chết phải toàn thây, nếu hiến tặng đi một phần cơ thể-dù là sau khi chết cũng sẽ ảnh hưởng tới con người ở thế giới “cõi âm”. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với các bậc tu hành, các vị chức sắc tôn giáo, những người có tiếng nói trong đời sống tâm linh đều khẳng định, trong các tôn giáo chính thống hiện nay trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, không có một tôn giáo nào nói về "cái chết toàn thây”. Đối với Phật giáo, ghép tạng, hiến tạng cho những bệnh nhân hiểm nghèo là một việc làm rất phù hợp, mang cái hạnh từ bi của Phật giáo. Anh đã tiếp không ít nhà tu hành tới đăng ký hiến tặng mô, tạng khi còn sống. Tại Ninh Bình, một số linh mục đã đăng ký hiến giác mạc khi qua đời và tích cực vận động giáo dân hiến tặng giác mạc. Đến nay, Ninh Bình đã có hơn 200 người hiến tặng giác mạc, đa số là người theo đạo Công giáo. Như vậy, để việc hiến mô, tạng ở nước ta trở nên phổ biến, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, bền bỉ của cơ quan truyền thông để người dân hiểu rõ hiến tặng mô, tạng là nghĩa cử cao đẹp không vụ lợi, là hành động cứu người, rất phù hợp với giáo lý tôn giáo. Khi ra đi, một phần cơ thể mình vẫn có thể cứu giúp được người khác, đem đến niềm vui cho nhiều người ở lại. Bởi vậy, những ca ghép tạng, mô từ người chết não, ngừng tim, hiến tạng thời gian qua đã mở ra một hướng đi hết sức đúng đắn, đem lại lợi ích và ý nghĩa xã hội, song cũng còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Anh Phúc cho rằng, chẳng cần là một người đặc biệt mới tạo nên những điều đặc biệt. Điều đặc biệt đích thực đang ẩn chứa trong mỗi chúng ta, từ mỗi góc nhìn, cảm nhận và niềm tin... tốt đẹp, hành động tự khắc sẽ đến.
Với giọng nói đầy niềm vui, anh Phúc bảo: “Từ ngày tôi chuyển qua “nghề” mới này có vẻ tôi gặp “may”. Với thời gian và kham nhẫn, mỗi ngày tôi càng nhận được nhiều hơn những thứ mà tôi đang đi xin. Không chỉ mình tôi hạnh phúc vì “xin được” mà hơn 4.500 người đến tình nguyện đăng ký hiến tạng sau khi chết não, 28 người hiến tạng khi đang còn sống mới là những người hạnh phúc thực sự, “giàu có” thực sự. Bởi chỉ khi họ đang hạnh phúc và thừa sự “giàu có” thì mới đủ bản lĩnh để cho đi, để hiến tặng một phần cơ thể của mình ngay khi còn sống hoặc sau khi ra đi”. Rồi anh kể cho tôi nghe, một ngày cận Tết, một cô bé chạy vào phòng anh với nét mặt rạng rỡ đầy phấn khởi: "Con đã qua vòng một rồi chú ạ, mừng quá, vậy là có thể đủ duyên hiến tạng được rồi"! Liến thoắng một hồi đầy hào hứng, cô bé chào anh ra về không quên ngoái lại kèm theo lời cuối: "Hạnh phúc chú nhỉ!". Một thời gian sau, cô bé hoàn thành tâm nguyện trao tặng một phần cơ thể của mình cho một người không hề quen biết, nhưng cô biết chắc một điều là thêm một người được hồi sinh. Một trường hợp khác cũng rất xúc động, một cụ già ở Hà Nội đến trung tâm, với mong muốn hiến tặng một bộ phận trên cơ thể sau khi qua đời. Tạng của cụ không còn hiến được nữa, cụ mong muốn hiến giác mạc… Anh may mắn có người vợ luôn đồng hành với mình trên con đường "cộng nghiệp". Và bố anh, trong một lần ra Hà Nội thăm con, cháu cũng đã tìm đến trung tâm tình nguyện hiến tạng sau khi chết não. Khi đặt bút ký vào đơn hiến tạng, bố anh chỉ nói: "Việc con và mọi người ở trung tâm đang làm là việc thiện. Đã là việc thiện thì chúng ta nên làm".
Anh Phúc kể, cách đây một năm, em họ của anh-một nữ phóng viên trẻ không may bị bệnh nặng. Trước khi ra đi, nằm trên giường bệnh em nói, có một việc mà nếu chưa làm được trước khi ra đi thì đó là niềm nuối tiếc của em. Em bày tỏ tâm nguyện muốn hiến tạng cứu người nhưng lại sợ mình đang bị bệnh hiểm nghèo, nếu hiến tạng sẽ lây sang người khác. Anh giải thích rằng: “Hiến hay không là quyền của người cho. Lấy hay không là của ngành y tế. Mà lấy xong có ghép được cho người khác hay không lại là một câu chuyện khác nữa. Em đặt bút ký là đã thành công rồi”. “Em tôi ký đơn ngay trên giường bệnh, chị gái viết đơn thay cho em. Cho đến ngày em ra đi thì hai giác mạc đã đem lại ánh sáng cho hai người mù. Xúc động trước nghĩa cử của con gái, mẹ em cũng làm đơn xin hiến tạng”.
Rồi anh kể về trường hợp của Trần Nguyễn An Khương (28 tuổi, quê ở Tân Lộc, Thới Bình, Cà Mau), người cao chưa đầy 1,5m, nặng 37kg, vừa hoàn thành hành trình 2.000km từ Cà Mau ra Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để đăng ký hiến sống một phần lá gan và quả thận của mình cho người kém may mắn. Trên chiếc xe đạp của Khương còn treo pa-nô với thông điệp “Cho đi là còn mãi-Cùng chung tay vì sự sống”. Tháng 4-2013, Khương đã đến Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh đăng ký hiến xác. Tháng 8 cùng năm, cậu đến Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh đăng ký hiến đa tạng sau khi chết não.
Cả trường hợp của bà Lê Thị Thảo (trú tại thị trấn Thứa, Lương Tài, Bắc Ninh). Ở tuổi ngoài 50, bà từng ấp ủ ước nguyện được hiến giác mạc cho người khác sau khi khuất núi. Thế rồi, tình cờ một lần, khi được tham gia hội nghị tại Hải Phòng, được phát tài liệu về cuộc vận động hiến mô tạng, bà mới hay, con người ta có thể tham gia hiến tạng ngay cả khi còn sống. Bà lặn lội lên Hà Nội, tìm đến Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người bày tỏ nguyện vọng được hiến một quả thận của mình cho người khác. Hiện tại, bà hạnh phúc khi hoàn thành tâm nguyện. Với bà, việc hiến một phần cơ thể sống của mình để cứu sinh mạng của một con người hoàn toàn xa lạ, đơn giản đó chỉ là một cơ duyên...
Khi sự sống được sẻ chia
Anh Phúc cho biết, Việt Nam hiện có khoảng hơn 6.000 người đang cần được ghép thận; 300.000 người mù cần được ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng và rất nhiều người cần ghép mô, tạng khác. Riêng Hà Nội và một số thành phố lớn có khoảng 1.500 người suy tim cần ghép. Ngành y tế đã chuẩn bị đủ cơ sở vật chất và nguồn nhân lực để phục vụ nhu cầu ghép tạng. Đến thời điểm này đã có 15 cơ sở y tế đủ năng lực để thực hiện ghép tạng. Ngay cả một số tỉnh miền núi như Phú Thọ, Thái Nguyên cũng đã có cơ sở y tế ghép được. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất với ngành ghép tạng của nước ta hiện nay không phải là vấn đề kỹ thuật mà là do thiếu nguồn mô, tạng để cấy ghép. Đến ngày 30-9-2015, chúng ta mới thực hiện được 1.116 ca ghép thận, 48 ca ghép gan, 13 ca ghép tim, 1 ca ghép tụy. Số lượng người được ghép rất hạn chế do chưa có nhiều người hiến. Nhiều bệnh nhân đã chết trong thời gian chờ ghép, trong khi đó nguồn mô, tạng từ hàng chục nghìn ca chết não, chết ngưng tim vì tai nạn giao thông và các trường hợp tử vong khác đã không được sử dụng để cứu chữa người bệnh. Theo quy định của pháp luật thì đủ 18 tuổi, đủ hành vi dân sự là chúng ta đã có đủ quyền để đăng ký hiến tạng. Mặc dù đó là tâm nguyện chính đáng, tốt đẹp của bản thân nhưng trung tâm luôn nhắn nhủ với mọi người rằng nên chia sẻ nguyện vọng đó đối với những người thân trong gia đình để nhận được sự ủng hộ của người thân trong gia đình. Để lỡ trong trường hợp nào đó, “sinh có hạn tử bất kỳ” thì có người báo cho trung tâm đến nhận tạng và như vậy tâm nguyện của mỗi chúng ta mới trọn vẹn. PGS, TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Vận động hiến ghép mô, tạng và bộ phận cơ thể người đã từng chia sẻ: Hiến tạng, mô, bộ phận cơ thể người đã biến mất mát, nỗi đau của một gia đình thành niềm vui và hạnh phúc của nhiều gia đình khác, biến sự ra đi của một con người không phải trở về với cát bụi mà là hành trình hồi sinh sự sống. Và bà đã đăng ký hiến tặng tất cả các mô, tạng sau khi chết, chết não từ năm 2013. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng là quan chức Chính phủ đầu tiên đăng ký hiến các mô, tạng sau khi qua đời.
Anh Phúc chia sẻ: “Khi bạn chết đi điều đó chưa phải là kết thúc. Những món quà mà bạn để lại thông qua việc hiến tặng mô, tạng sẽ là cơ hội sống cho rất nhiều người; trong đó có những người bạn chưa hề quen biết. Khi một người nào đó cho đi một phần cơ thể mình để cứu giúp, đem lại sự sống cho người khác thì người ấy đã trở thành bất tử, thành anh hùng trong trái tim những người còn sống. Hiến tặng mô, tạng là một hành động đẹp, là món quà tặng cuộc sống vô giá, là chìa khóa hóa giải nỗi đau, là một trong những giải pháp hữu hiệu giảm sức ép cho xã hội, cho ngành y tế, quỹ bảo hiểm y tế... "Sinh có hạn tử bất kỳ", nếu bạn biết chắc chắn rằng khi chết đi mà vẫn đem cơ hội sống cho một người khác thì đó là cái chết không lãng phí cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Đó là việc nên làm với mỗi chúng ta!”.
Bài và ảnh: DIỆP CHÂU Anh Nguyễn Hoàng Phúc trao thẻ cho người đến đăng ký hiến tạng sau khi chết não.