Mỗi “mảnh” một sắc
“Tôi muốn vươn lên trong cuộc sống, lấy tri thức phục vụ cuộc sống”-đó là lời chia sẻ của Lê Viết Thuận, sinh năm 1991, tại thôn Hương Câu, xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). Em sinh ra trong một gia đình thuần nông có hoàn cảnh khó khăn, khi mới 5 tháng tuổi bị bỏng nặng phải nằm liệt giường đến 9 năm liền. Sau đó, em được điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia, với sự tận tâm tận lực của các y sĩ, bác sĩ cùng sự cố gắng rèn luyện miệt mài của bản thân, Thuận bắt đầu tập tễnh bước đi. Tuy nhiên, tay chân vẫn bị co quắp việc đi lại, sinh hoạt rất khó khăn nhưng em vẫn xin bố mẹ viết đơn để được đi học. Với sự nỗ lực vươn lên không ngừng, ham học hỏi, Thuận đã trở thành sinh viên ngành Công tác xã hội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ở trường, Thuận rất tích cực trong các hoạt động Đoàn, hội. Hiện nay, em là thành viên kiêm Trưởng ban Tổ chức của Câu lạc bộ Hoa Đá (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) nhằm trợ giúp cho những người khuyết tật cùng giúp đỡ lẫn nhau vươn lên trong cuộc sống.
Các thành viên Câu lạc bộ Hoa Đá.
Chia sẻ về mục đích tham gia Câu lạc bộ Hoa Đá, Thuận nói: “Có câu nói hạnh phúc là sự sẻ chia, yêu thương là hành động. Tôi tham gia Câu lạc bộ Hoa Đá vì đây là nơi tôi có thể giúp đỡ được những bạn sinh viên đang gặp khó khăn trong cuộc sống”. Qua quan sát và theo như bạn bè của Thuận nhận xét, em là người rất vui tính, hòa đồng với bạn bè, tốt bụng, luôn sẵn sàng giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Chính vì thế, em luôn được bạn bè, thầy cô yêu quý. Thuận luôn là một thành viên tích cực, nhiệt tình sáng tạo trong công việc.
“Thân hình tôi khuyết tật nhưng trái tim và tâm hồn tôi không hề khuyết”-đó là châm ngôn sống của Đặng Thế Lịch, sinh năm 1992, quê ở thôn 1, xã Hoằng Hà, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Khi sinh ra, tay chân em đã bị co quắp do ảnh hưởng chất độc da cam. Với sự cố gắng của gia đình và bản thân, hơn 7 tuổi Lịch đã có thể tự bước đi dù còn rất khó khăn. Không dừng lại ở đó em khát khao được đi học như các bạn cùng trang lứa. Thương con, bố mẹ tạo mọi điều kiện cho em được đi học. Với ý chí, quyết tâm của mình và sự giúp đỡ của gia đình và xã hội, Đặng Thế Lịch cũng đã trở thành sinh viên ngành Công tác xã hội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và đã từng là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hoa Đá. Em chia sẻ: “Là một người khuyết tật, hơn ai hết em hiểu sự khó khăn cả về vật chất cũng như tinh thần mà những người khuyết tật phải trải qua. Em đến với ngôi nhà Hoa Đá trước hết là để chia sẻ, chia những khó khăn về vật chất-sẻ những mất mát về tinh thần với tất cả mọi người trong mái nhà Hoa Đá. Em mong muốn Hoa Đá không chỉ dừng lại ở các bạn sinh viên trường mình mà sẽ lan tỏa đến các trường khác ở Hà Nội cũng như nhiều vùng, miền khác trong cả nước vì những người yếu thế ở bất cứ nơi đâu đều cần sự chia sẻ”.
“Cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng-muốn thấy cầu vồng phải biết chấp nhận những cơn mưa”. Câu nói có ý rằng, trong cuộc sống có thể có những sóng gió ập đến bất cứ lúc nào. Thay vì gục ngã trước sóng gió, hãy đứng dậy vươn lên vượt qua nó, coi nó chỉ là sự thử thách ý chí và nghị lực của bản thân. Ý nghĩa của câu nói trên thật phù hợp với Bùi Thúy Kiều, sinh năm 1994. Em sinh ra trong một gia đình thuần nông ở miền quê nghèo huyện Bá Thước (Thanh Hóa), là một cô gái nhỏ nhắn, mảnh mai nhưng ý chí, nghị lực thì rất mạnh mẽ. Lúc mới sinh ra và lớn lên em hoàn toàn bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng đến năm học lớp 2 thì bị bệnh viêm não Nhật Bản. Căn bệnh nguy hiểm này đã làm cho chân phải bị teo khiến em gặp rất nhiều khó khăn... Tuy vậy, với ý chí, nghị lực Kiều đã thi đậu vào Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và là thành viên của Câu lạc bộ Hoa Đá. Em tích cực tham gia các hoạt động của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên cũng như các chương trình tình nguyện do Câu lạc bộ Hoa Đá tổ chức. Kiều chia sẻ: “Hoa Đá đã giúp mình trở nên tự tin, nơi đây có những bạn cùng hoàn cảnh như mình. Các bạn đã giúp mình có thêm ý chí, niềm tin, nghị lực và khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Và Hoa Đá cũng là nơi mình có thể giúp đỡ những bạn khó khăn hơn trong học tập cũng như cuộc sống”.
"Hương Hoa Đá" lan tỏa
“Bạn sẽ thấy như một phép màu. Xung quanh ta không còn khổ đau. Cuộc sống sẽ luôn xanh màu, khi một ngày ta biết nghĩ cho nhau…”. Đó là lời ca trong bài hát “Phép màu”, sáng tác của Nguyễn Phi Hùng, cũng chính là thông điệp mà Câu lạc bộ Hoa Đá (thành lập 2008) muốn chia sẻ tới tất cả mọi người dù lành lặn hay khiếm khuyết trên mọi miền của Tổ quốc. Mỗi thành viên trong ngôi nhà Hoa Đá đều như những bông hoa tỏa hương thơm ngát, họ bù đắp, hỗ trợ nhau.
Là người được chứng kiến các hoạt động của Câu lạc bộ Hoa Đá từ khi còn là sinh viên đến nay Ths. Nguyễn Hải Anh, nguyên Ủy viên Ban Thư ký Hội Sinh viên; nguyên Đội trưởng Đội Sinh viên Tình nguyện Xung kích thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; hiện là cán bộ Ban Tổ chức Cán bộ-Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Câu lạc bộ Hoa Đá là một tổ chức tình nguyện đặc thù, hướng tới những người khuyết tật, những cá nhân thiệt thòi trong xã hội. Hoạt động của Hoa Đá tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập cũng như cuộc sống của những sinh viên khuyết tật trong và ngoài trường. Mô hình hoạt động của câu lạc bộ hàm chứa giá trị nhân văn to lớn, có sức lan tỏa trong cộng đồng. Đó là một mô hình cần được nhân rộng trong xã hội”. Như một tất yếu, sức lan tỏa của giá trị nhân văn ấy đã ảnh hưởng đến nhiều trường đại học trên địa bàn như: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Học viện Y Dược học cổ truyền, Học viện Ngân hàng, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ,… Những nơi đó giờ đã có sự hiện diện của các hội viên, tình nguyện viên trong câu lạc bộ.
Báo cáo hoạt động của Câu lạc bộ Hoa Đá từ năm 2013 đến 2016, có đoạn viết: "Câu lạc bộ đã luôn phối hợp chặt chẽ với Trợ lý Chính trị và Công tác sinh viên của nhà trường tổ chức các hoạt động định hướng tới việc bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc, định hướng sinh viên, nâng cao ý thức tự giác trong việc tìm hiểu truyền thống cách mạng của dân tộc, của Đảng, Nhà nước, trường và khoa, góp phần tăng cường ý thức trách nhiệm công dân của hội viên, sinh viên. Về công tác hỗ trợ học tập và nghiên cứu khoa học sinh viên: Luôn xem học tập là nhiệm vụ quan trọng nhất đối với sinh viên, câu lạc bộ đã đề xuất, kiến nghị với Phòng Đào tạo và Ban Lãnh đạo nhà trường để các sinh viên khuyết tật có giảng đường phù hợp cho việc nghiên cứu và học tập. Bên cạnh đó, câu lạc bộ luôn tìm kiếm và giới thiệu các suất học bổng (của Frudential, VinaPhone, Thành đoàn Hà Nội…) cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Về hoạt động xã hội: Đó là hàng trăm hoạt động thiện nguyện tại các mái ấm, trung tâm, làng trẻ và những vùng nông thôn nghèo trên toàn quốc. Thông qua các hoạt động thiện nguyện, hàng trăm suất quà đã đến tay những người khuyết tật, những hoàn cảnh khó khăn, hàng nghìn cá nhân được khích lệ, an ủi, giúp đỡ trong cuộc sống. Điển hình là chương trình “Xuân về trao yêu thương” được tổ chức vào ngày 28-1-2016, tại Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ em khuyết tật Thụy An, Ba Vì, Hà Nội. Thông qua chương trình đã có hàng chục suất quà gửi đến người khuyết tật tổng trị giá gần 50 triệu đồng".
Khi được hỏi về kinh phí cho các hoạt động thì Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hoa Đá Hoàng Thị Huyền Nhung, sinh năm 1995, cho biết: “Để có được nguồn kinh phí hoạt động, câu lạc bộ có được sự đồng hành của các thầy cô trong trường, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ. Bên cạnh đó là nguồn kinh phí do chính các thành viên trong câu lạc bộ tạo ra thông qua việc tự làm các sản phẩm lưu niệm như: Cây hoa đá, vòng tay, móc chìa khóa… và bán tại các hoạt động để gây quỹ. Toàn bộ nguồn kinh phí này câu lạc bộ sử dụng để tổ chức các hoạt động từ thiện và trao học bổng cho những hội viên khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn”.
Với những cống hiến có ý nghĩa rất nhân văn cho xã hội, ngày 23-3 vừa qua, Câu lạc bộ Hoa Đá đã đượcBan Chấp hành Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tặng Bằng khen.
Bài và ảnh: ĐOÀN VĂN NAM