Mẹ dạy chữ, ông truyền nghề
Năm nay đã ngoài 80 tuổi, nhưng khi nhắc đến đứa cháu nội Trần Quang Dũng, ông Trần Văn Hậu không khỏi tự hào. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông thường khen: “Cháu nó rất đặc biệt!”. Ông kể: “Cháu Dũng sinh năm 1982, tại Khu điều dưỡng thương binh nặng Yên Nam, huyện Duy Tiên. Khi mới sinh ra trông rất kháu khỉnh, lanh lợi, nhưng đến năm 2 tuổi, sau một lần sốt nặng, đôi chân của cháu bị teo dần, gia đình đã đưa cháu đi nhiều bệnh viện, đến các thầy lang chữa trị, nhưng không khỏi và cháu phải chấp nhận cuộc sống gắn liền với chiếc xe lăn”.
Tuổi thơ của Dũng được các bác thương binh, bệnh binh ở Khu điều dưỡng Yên Nam đùm bọc, thương yêu. Thấy các bạn cùng trang lứa hàng ngày được cắp sách đến trường, vui đùa, Dũng cũng ước mong mình có đôi chân bình thường để đến lớp cùng chúng bạn và được nghe cô giáo giảng bài. Mỗi lần mẹ (bà Nguyễn Minh Huệ) dạy em trai học bài, Dũng ngồi bên cứ chăm chú theo dõi, đọc nhẩm theo. Hiểu tâm trạng của con, bà Huệ hỏi: “Con có muốn học bài cùng em không?”. Dũng gật đầu đồng ý. Và thế là, mẹ trở thành cô giáo dạy Dũng suốt 9 năm liền. Bà Huệ kể rằng: “Mục đích của tôi ban đầu là dạy cho cháu biết đọc thông viết thạo, không ngờ cháu tiếp thu rất nhanh. Hằng ngày, sau khi hoàn thành công việc ở khu điều dưỡng, tôi lại về hướng dẫn hai anh em cùng học bài. Từ lớp một đến hết phổ thông cơ sở, hai anh em Dũng học chung một bộ sách giáo khoa, chỉ khác là em trai học ở trường, còn tôi dạy Dũng ở nhà. Tất cả các loại sách, báo, tạp chí mượn ở hiệu sách, các bạn gửi tặng, Dũng đều đọc hết”.
Lương y Trần Quang Dũng bốc thuốc cho người bệnh.
Khi học đến chương trình trung học cơ sở, khi gặp bài toán khó hay những vấn đề chưa rõ, Dũng lại được các thầy, cô giáo ở gần nhà sang giúp đỡ. Khát khao học tập của Dũng được các giáo viên nhiệt tình hướng dẫn. Dẫu chưa một lần đến trường, nhưng Dũng có phông kiến thức rất rộng, kể cả ngoại ngữ, tin học. Chính sự kiên trì, ham học đã giúp anh có niềm tin, hiểu biết để hòa nhập cộng đồng.
Tôi hỏi bà Huệ: “Sao gia đình không đưa Dũng đến trường?”. Một chút trầm tư, bà nói như chia sẻ: “Bố mẹ nào cũng mong con mình được học cái chữ ở thầy cô, ở trường, nhưng nói thật một phần là do điều kiện gia đình không ai đưa đón cháu đến trường, vợ chồng tôi suốt ngày chăm sóc các thương binh, bệnh binh ở khu điều dưỡng; hơn nữa khi đến trường sợ cháu Dũng mặc cảm tự ti vì đã lớn tuổi. Tuy không đến lớp, nhưng Dũng vẫn được nhiều thầy cô dạy bảo”.
Năm 16 tuổi, mọi người khuyên Dũng đi học nghề gì đó, như thủ công mỹ nghệ, mỹ thuật, nhưng ông nội Dũng bảo về ở với ông để ông truyền nghề cắt thuốc Đông y. Hằng ngày Dũng chăm chú lắng nghe, theo dõi, ghi chép “bí quyết gia truyền” mà ông nội truyền dạy. Anh tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để nghiền ngẫm các loại sách Đông y để nâng cao kiến thức chuyên môn.
Năm 1999, Trung ương Hội Đông y Việt Nam mở khóa đào tạo nghề ở thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam; Trần Đăng Dũng đăng ký tham gia học và là học viên khuyết tật duy nhất. Quá trình học, Dũng được bác họ là ông Trần Văn Mễ, hiện là Chủ tịch Hội Đông y huyện Duy Tiên đưa đón, chăm sóc chu đáo như con đẻ. Từ nhà đến nơi học gần 15km, suốt gần hai năm rưỡi, dù nắng hay mưa, không ngày nào Dũng vắng mặt. Các năm 2002-2004, tỉnh Hà Nam mở lớp nâng cao y học cổ truyền, Dũng lại tiếp tục đăng ký tham gia và được cấp chứng chỉ hành nghề Đông y.
Với kiến thức vừa học được, cộng với kinh nghiệm và bí quyết gia truyền mà ông nội truyền dạy, anh Dũng quyết định mở phòng khám Đông y ở khu vực trung tâm thị trấn Đồng Văn. Mặc dù ngồi trên xe lăn, phải nhờ người đi thu mua dược liệu, nhưng thấu hiểu hoàn cảnh của người bệnh và tâm đức cứu người mà ông nội truyền dạy, Dũng đã đem đến niềm vui cho nhiều người bệnh. Tiếng lành đồn xa, người bệnh trong và ngoài tỉnh đến cắt thuốc ngày càng đông. Những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, hoặc thương binh, bệnh binh, người hiếm muộn, lương y Dũng sẵn lòng giúp đỡ. Vừa cắt thuốc anh vừa học tập, nâng cao trình độ chuyên môn qua internet, qua sách báo. Anh bảo rằng: “Sự học luôn cần thiết, nhất là với nghề Đông y thì lại càng phải học hỏi. Học nhiều, làm lâu mới có kinh nghiệm, kiến thức vững để trị bệnh cứu người”.
“Điểm tựa” của người khuyết tật
Qua tiếp xúc, trao đổi, Trần Quang Dũng biết rằng, không chỉ mình mà trong khu vực lân cận cũng có nhiều người khuyết tật (NKT) phải sống phụ thuộc và việc hòa nhập cộng đồng của họ gặp nhiều khó khăn. Anh trăn trở suy nghĩ, không lẽ cả cuộc đời họ cứ quanh quẩn mãi như thế sao? Vậy là, sau một thời gian giao lưu, gặp gỡ và vận động thuyết phục một số người cùng cảnh ngộ ở huyện Duy Tiên, năm 2005, anh Dũng thành lập nhóm Tự lực, gồm 11 thành viên là NKT do anh làm trưởng nhóm. Cứ mỗi tháng một lần, nhóm Tự lực lại có mặt ở phòng khám Đông y của anh để giao lưu, động viên nhau, trao đổi tìm cơ hội việc làm. Chưa đầy một năm sau, đã có hàng trăm NKT trên địa bàn tỉnh Hà Nam đăng ký tham gia làm thành viên của nhóm, nhưng chủ yếu vẫn hoạt động tự phát, chưa có tiếng nói và sự đồng thuận cao.
Để giúp nhóm hoạt động hiệu quả, có tư cách pháp nhân, Trần Quang Dũng tự mình đến các cơ quan, tổ chức để được hướng dẫn làm hồ sơ xin thành lập Hội Người khuyết tật và năm 2006, Hội NKT tỉnh Hà Nam được thành lập. Đây là hội NKT thứ tư trong cả nước được thành lập và có tư cách pháp nhân vào thời điểm đó. Tại Đại hội Hội NKT tỉnh Hà Nam lần thứ nhất vào giữa năm 2006, thời điểm đó Trần Quang Dũng mới 24 tuổi, nhưng đã được đại hội tín nhiệm bầu làm Chủ tịch hội. Mục đích của hội là nâng cao năng lực hoạt động, thúc đẩy hiện thực hóa quyền con người được pháp luật Việt Nam và quốc tế quy định, giúp NKT có tiếng nói hơn trong xã hội…
Hai nhiệm kỳ liên tiếp làm Chủ tịch hội, anh Dũng luôn trăn trở, tìm tòi những phương thức hoạt động hiệu quả từ các tổ chức của hội NKT từ trung ương đến các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ở đâu có kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả để giúp NKT ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng là anh tìm hiểu ngay. Có người hỏi: “Tại sao ngồi trên xe lăn mà anh đảm nhiệm công việc khó khăn, phức tạp như vậy?”. Dũng bảo: “Ai ở hoàn cảnh như chúng tôi mới thấu hiểu hết. Đây là công việc thiện nguyện để góp phần giúp cho những số phận không may mắn về mặt cơ thể có được tiếng nói chung, được tham gia những công việc đúng với khả năng mà họ yêu thích. Nếu ai cũng đắn đo thì NKT vẫn còn mặc cảm, tự ti”.
Trải qua hai nhiệm kỳ làm Chủ tịch hội, anh đã tập hợp được hơn 1.000 NKT kết nạp vào hội. Hiện tại, 6/6 huyện, thị của tỉnh Hà Nam và một số xã, phường, thị trấn đã thành lập Hội NKT. Hội NKT ở các cấp là nơi những NKT được chia sẻ những kinh nghiệm hay về phát triển kinh tế, xây dựng hạnh phúc gia đình, kỹ năng sống; đồng cảm, động viên nhau phấn đấu vươn lên hòa nhập với cộng đồng… Hằng năm, các cấp Hội trong tỉnh đều tổ chức được nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp với khả năng của NKT như: Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức hòa nhập cộng đồng; vận động hội viên tham gia câu lạc bộ phụ nữ NKT; tổ chức hoạt động thể dục thể thao và tuyển chọn đội tuyển thể thao NKT Hà Nam đi tham dự giải thể thao NKTtoàn quốc.
Nói về Trần Quang Dũng, ông Đặng Văn Thanh, Tổng thư ký Liên hiệp Hội NKT Việt Nam cho rằng: “Đó là một con người đặc biệt, dám ước mơ, có nghị lực phi thường và tấm lòng thiện nguyện cao cả, luôn hết mình vì cộng đồng, nhất là những người đồng cảnh ngộ. Với sự cố gắng không mệt mỏi của cá nhân anh Trần Quang Dũng, hoạt động ở các cấp Hội NKT ở tỉnh Hà Nam đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, góp phần giúp NKT tự tin, hòa nhập tốt với cộng đồng”.
Giờ đây, Trần Quang Dũng đã có một tổ ấm nhỏ hạnh phúc, luôn đầy ắp tiếng cười của con trẻ cùng vợ anh - chị Lê Thị Mai Duyên - người con gái xinh xắn, tháo vát đã cảm phục nghị lực của anh và đến với anh bằng tình yêu chân thành, thủy chung son sắt, cho dù ban đầu gia đình không đồng ý.
Với sự nỗ lực và những cống hiến của mình, năm 2010, Trần Quang Dũng được chọn đi dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII tại Hà Nội; được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng bằng khen “Thanh niên làm kinh tế giỏi - vì ngày mai lập nghiệp”; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng bằng khen về xây dựng gia đình hạnh phúc, cùng nhiều bằng khen, giấy khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, huyện Duy Tiên vì có thành tích trong phong trào thi đua yêu nước, thanh niên vượt khó vươn lên trong lao động, học tập… Hiện nay, Trần Quang Dũng là ủy viên Liên hiệp Hội NKT Việt Nam, Chủ tịch Hội NKT tỉnh Hà Nam. |
Bài và ảnh: NGUYỄN CHÍ HÒA