Vượt lên số phận
Tìm về xã Tân Hòa, chúng tôi hỏi thăm tới nhà anh Xuyên không khó, bởi từ già đến trẻ vùng này, ai cũng biết anh là tấm gương tiêu biểu về nghị lực vượt khó, vươn lên trong cuộc sống, năng động trong kinh doanh, nuôi sống bản thân và gia đình nhỏ của mình.
Ông Đỗ Đình Truật, bố anh là cựu chiến binh từng chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị những năm 1970, và bị nhiễm chất độc da cam. Xuyên là người con thứ 3 trong gia đình nhưng lại không may mắn được lành lặn như anh, chị của mình. Cả gia đình xót xa trước thân hình dị dạng của Xuyên khi hơn hai tuổi, Xuyên vẫn nằm lăn ở góc giường, tay trái và chân trái co quắp, không cử động được. Gia đình đã đưa Xuyên đi chữa chạy khắp nơi, từ bệnh viện tỉnh đến bệnh viện Trung ương mà tình hình của Xuyên không được cải thiện là bao… Lớn lên chút, Xuyên gặp phải ánh mắt kỳ thị của bạn bè cùng trang lứa. Sức khỏe yếu ớt, nên Xuyên không thể đi học. Nhưng với mong muốn và nghị lực của mình, Xuyên đã kiên trì tập đi, học chữ vượt lên hoàn cảnh tật nguyền. Ông Truật tâm sự: “Cả tuổi thơ Xuyên phải lê lết, nên mỗi lần đi chơi về thì quần áo rách, chân tay trầy trật rớm máu nhiều chỗ. Sau nhiều nỗ lực, đến năm 13 tuổi Xuyên đã đi được tập tễnh, nhưng khi gặp đường mấp mô, hay bậc thềm là Xuyên lại phải thụp xuống, quăng chân về phía trước và nhoài người theo”.
Đỗ Đình Xuyên luôn lạc quan, vượt lên khó khăn trong cuộc sống.
Nghe tiếng lạch cạch ngoài sân, tôi ngó ra thấy một thanh niên, dáng vẹo vọ, đang cố gắng điều khiển chiếc xe đạp ba bánh vào góc sân. Đó chính là Đỗ Đình Xuyên. Trò chuyện với chúng tôi, Xuyên phải gồng mình lên, gương mặt méo xệch đi mỗi khi cất lời và tay chân anh cũng chuyển động theo lời nói. Câu chuyện của chúng tôi vì thế mà thường xuyên bị ngắt quãng…
Từ năm 2004 đến năm 2009, Xuyên được sống và học tập trong Trung tâm bảo trợ Xã hội tỉnh Thái Bình và Làng Hữu nghị Việt Nam (xã Xuân Phương, huyện Hoài Đức, Hà Nội). Nhờ đó, Xuyên đã được phục hồi chức năng, và học hỏi được nhiều kiến thức xã hội. Giao tiếp khó khăn, nhưng anh không nản chí, không tự ti hay bó hẹp không gian sống. Với sự thân thiện, hòa đồng, anh đi đâu cũng nhanh thân quen và kết giao được với nhiều bạn.
Khi được hỏi về những tấm bằng khen giải nhất, nhì môn cờ tướng treo trong nhà, ánh mắt lấp lánh niềm vui, Xuyên cho biết đã học môn này cách đây 20 năm và luôn giành giải nhất, nhì trong các cuộc thi của trung tâm khuyết tật. Năm nay, anh tự đi lên Làng Hữu nghị Việt Nam bằng xe khách và ẵm giải nhất môn cờ tướng của Giải Thể thao thường niên giao lưu kỷ niệm ngày 27-7 ở đây.
Năm 2009, trở về nhà với chiếc xe đạp ba bánh được một nhà hảo tâm tặng, anh cố gắng tập đi và cũng có không ít sẹo sau những lần tập xe bị ngã. Đối với người bình thường, đi xe đạp là điều không khó, nhưng với tay, chân trái co cứng và khó cử động, thì việc tập đi xe đạp với Xuyên còn khó khăn hơn rất nhiều. Chiếc xe đã theo anh khắp mọi ngả đường từ quê lên thành phố để kinh doanh buôn bán, kiếm thu nhập hàng ngày. Bác Hữu, hàng xóm của anh Xuyên cho biết: “Xuyên là một chàng trai tuy khuyết tật về cơ thể, nhưng có nghị lực phi thường và đầu óc thông minh. Xuyên kinh doanh tất cả những gì có thể kiếm ra tiền chính đáng, từ thẻ điện thoại, đến hoa quả theo mùa… Trung Thu thì cậu ấy bán đồ chơi trẻ em”.
Nhiều hôm, Xuyên đi lấy hàng trên chợ Bo - thành phố Thái Bình, cách nhà anh 8km từ sáng sớm, và trở về làng bán hàng muộn nhất là 6 giờ sáng. Ban đầu, một vài lái buôn và khách mua hàng còn coi anh như điều xúi quẩy và xua đuổi anh; nhưng cũng không ít người thông cảm cho hoàn cảnh của anh, điều đó đã khích lệ và tạo động lực cho anh mỗi ngày. Sau đó, bà con ủng hộ chàng trai khuyết tật chăm chỉ với nghị lực đáng quý ngày càng nhiều.
Đi tìm hạnh phúc
Cuối năm 2012, anh Xuyên lập gia đình trong sự vui mừng của gia đình, làng xóm. Bố anh kể rằng, gia đình đã từng tìm vài mối giới thiệu cho Xuyên nhưng anh không chịu. Rồi đến một hôm, anh “bắt” bố và chị gái đưa đi gặp mặt người yêu ở huyện Thái Thụy (cách nhà hơn 20km). Vì sợ gia đình bên ấy không đồng ý sẽ khiến con trai mình đau khổ, ông Truật đã bảo anh Xuyên liên lạc trước với người yêu, và hỏi rằng liệu hai người có tự quyết định được tương lai nếu như có tình cảm với nhau.
Lần gặp mặt đầu tiên ấy là một trong những kỷ niệm khó quên nhất đối với gia đình vì ngày ông Truật tới hỏi vợ cho con trai cũng chính là lần đầu tiên anh chị gặp nhau ngoài đời. “Gia đình bên ấy chỉ biết khóc khi nhìn thấy con trai tôi”, ông Truật tâm sự.
Tại cơ sở may khuyết tật Hoàn Lẫm (thôn Đại Đồng, xã Tân Hòa), chị Bùi Thị Dần, vợ Xuyên, có phần e thẹn khi nhắc đến câu chuyện tình yêu của hai vợ chồng. Chị chia sẻ: “Chúng mình quen nhau qua giới thiệu của một người bạn tại trung tâm phục hồi chức năng tỉnh Thái Bình. Chưa một lần gặp mặt, suốt 4 tháng đầu chỉ liên lạc qua điện thoại, mình đã cảm mến anh bởi chất đàn ông mạnh mẽ trong ý chí và tinh thần chịu khó vươn lên, không ỷ lại vào người khác”.
Gia đình nhỏ hạnh phúc của anh Xuyên, chị Dần.
Chị Hoàn, chủ cơ sở may khuyết tật Hoàn Lẫm là người đã chứng kiến tình yêu đơm hoa kết trái của anh Xuyên-chị Dần. Chị kể: “Xuyên và tôi cùng tham gia Hội Người khuyết tật tỉnh, nhà ở gần nhau, nên chị em hay giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Xuyên là người rất lãng mạn, cụ thể như việc Xuyên tự mày mò làm thiệp tặng người yêu. Chi tiết nào khó quá, thì lại gọi tôi giúp đỡ”.
Có lẽ nhờ sự giản dị, chân thành đó mà anh Xuyên đã chinh phục được trái tim của chị Dần, một phụ nữ khỏe mạnh và lành lặn. Vượt qua không ít cản trở từ gia đình, xã hội, anh chị đã đến được với nhau. Và thật cảm phục tấm lòng của chị Dần khi đã chấp nhận và kết hôn với một người khuyết tật như anh Xuyên. Chị tâm sự: “Những lúc trái gió, trở trời, chân tay anh co quắp đau đớn và bị cơn đau đầu hành hạ nhưng anh không dám kêu vì sợ tôi và gia đình lo lắng”.
Từ ngày có vợ, anh Xuyên càng chăm chỉ làm ăn và gia đình nhỏ chính là động lực giúp anh cố gắng vươn lên trong cuộc sống hơn nữa. Một năm sau ngày cưới, anh chị vui mừng chào đón cậu con trai kháu khỉnh, khôi ngô trong niềm hạnh phúc vỡ òa của cả gia đình. Sớm sớm, chiều chiều, Xuyên hay đạp xe chở con trai đi hóng gió. Cậu bé Đình Bảo lớn lên khỏe mạnh trong sự chăm sóc của gia đình và tình yêu thương của người cha. Một gia đình đầm ấm, hạnh phúc, với người vợ hiền và cậu con trai kháu khỉnh – đó chính là quà tặng mà cuộc đời đã dành cho anh – một người biết vượt lên số phận và sống có ích cho đời.
Bài, ảnh: THÙY DƯƠNG