Tuổi thơ trắc trở

Trí Đăng Trương tên thật là Phạm Hồ Đăng Tuấn sinh ra và lớn lên tại huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh. Nơi đây có những địa danh nổi tiếng gắn liền với hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc như địa đạo Củ Chi, Đền Bến Dược… “Gia đình em có tất cả bảy người. Em là con thứ ba trong gia đình. Cả nhà đều làm nông nghiệp, một năm chỉ  được 2 vụ lúa, tất cả bảy miệng ăn đều trông chờ  vào mấy sào ruộng. Cảnh bữa no bữa đói luôn làm em phải suy tư mỗi ngày. Ba của em vì thương các con nên đã đi làm thuê ở một khu công nghiệp. Kế đó, má của em cũng đi làm theo chồng vì thấy công việc dễ làm cũng như thu nhập ổn định hơn so với làm ruộng. Cuộc sống khó khăn là vậy, lại xa ba má, nhưng anh em em vẫn luôn đùm bọc, che chở cho nhau dù trời nắng hay mưa. Có ngày anh em rủ nhau ra đồng bắt con cua, con cá về nấu ăn. Có hôm đi bắt ếch, bắt lươn để cải thiện”, Trương (Tuấn – PV) kể.

Tuổi thơ của Tuấn tưởng chừng cứ thế trôi qua êm đềm, dù sống nghèo khó nhưng luôn luôn đầy đủ các thành viên cho gia đình. Rồi anh em Tuấn đều đến tuổi đi học. Ba má Tuấn gồng gánh đi làm quần quật mà vẫn không đủ tiền ăn học cho năm anh em. Vì thế, kỳ nào Tuấn cũng là người đóng học phí chậm nhất lớp. Nhưng không vì thế mà Tuấn ngừng cố gắng trong học tập. Học kỳ nào em được học lực khá, được thầy cô khen ngợi là ngoan ngoãn, lễ phép, chăm chỉ, chan hòa với bạn bè. Khi Tuấn bước sang tuổi 11 thì gánh nặng về kinh tế trong gia đình trở nên quá sức với ba má của em. “Anh lớn, chị lớn đồng thời nghỉ học khi học xong lớp 9 để tìm việc phụ gia đình. Em lúc đó quá nhỏ, dù muốn đi làm cùng anh chị nhưng ba má không đồng ý. Em tiếp tục học đến năm lớp 7 thì bắt đầu đi phụ việc cho ba vào các tháng nghỉ hè của trường hằng năm. Quen việc lại kiếm thêm được thu nhập cho gia đình, em lại tiếp tục làm thêm vào hè năm lớp 8. Hè năm ấy, một anh thợ làm chung nhờ đứng máy để ra ngoài uống nước. Em đứng giúp nhưng do là lần đầu tiên đứng nên em đã không hiểu rõ. Vô tình, hai chân của em bị cuốn vào gầm máy. Em kêu lên thất thanh và ngất lịm ngay sau đó. Mọi người đổ vào cứu em và đưa ngay đến bệnh viện gần nhất. Khi em mở mắt ra, nhìn xuống chỉ còn thấy hai đầu gối chứ không còn bàn chân, ngón chân như trước. Lúc ấy, nước mắt em trào ra vì biết mình tàn tật. Ba má ngồi bên cạnh khóc vì thương em nhiều lắm. Em đã nghĩ, từ đây, bao ước mơ của em đã vụt tắt.” Tuấn tâm sự.

leftcenterrightdel
 Một ngày thiện nguyện của Trí Đăng Trương bên chiếc xe quen thuộc.

Ở hiền gặp lành

Viện phí của Tuấn sau ca phẫu thuật cắt bỏ hai chân là quá sức lớn với gia đình em lúc ấy. Khi nhìn tờ hóa đơn, má em chỉ biết bật khóc thêm lần nữa trong tâm trạng tột cùng đau khổ. Đúng lúc đó, phép lạ xảy ra, người chủ thuê ba má Tuấn làm đã đứng ra trả hết viện phí cho em và hứa sẽ chu cấp thuốc men cho đến khi em lành lặn trở lại. Gần một năm ở nhà chữa trị, vết thương ở hai chân Tuấn đã lành trở lại nhưng tâm trí em vẫn chán nản vô cùng. Tuấn kể: “Giờ tàn tật thế chỉ làm khổ ba khổ má chứ có làm được gì đâu mà sống. Nhiều lúc, em muốn chết quách cho xong để đỡ gánh nặng cho gia đình nhưng nghĩ đi nghĩ lại đó là tội bất hiếu. Em suy nghĩ nhiều lắm, nhiều đêm trằn trọc xem mình phải làm gì để có ích cho đời chứ không thể nằm không. Cuối cùng, em quyết định đi học trở lại. Ba má mừng lắm vì thấy em quyết tâm như vậy. Đến trường, em cố gắng tiếp thu bài giảng của thầy cô, nếu không hiểu, em hỏi thêm bạn bè.”

Thời gian trôi đi nhanh chóng, cuối cùng Tuấn cũng học xong Trung học phổ thông. Em lại tiếp tục ôn để thi vào đại học. Ngày đi thi, Tuấn được ba đèo đến điểm thi. Mọi người có con em đi thi đều đổ dồn ánh mắt vào Tuấn. Ánh mắt xót xa cho tình cảnh của em, nhưng ngay sau đó là sự ngưỡng mộ vì Tuấn đã chứng minh cho mọi người thấy sự quyết tâm cao độ của mình khi đến dự kỳ thi đầy quan trọng này. Ông trời không phụ lòng người, khi biết mình trúng tuyển vào đại học, Tuấn mừng rơi nước mắt. Ngày một mình em xách ba lô lên TP Hồ Chí Minh để nhập học thật sự là đầy gian lao và thử thách. Chàng trai sinh năm 1995 ấy đã chọn chuyên ngành Điện để theo đuổi đam mê. Được nhà trường giúp đỡ về chỗ ở, thầy cô bạn bè trợ giúp đi lại nên Tuấn chỉ còn miệt mài tập trung vào việc học. Những ngày đầu theo học ở môi trường mới, kiến thức mới, em phải mất khá nhiều thời gian mới có thể theo kịp các bạn trong lớp.

leftcenterrightdel
 Trí Đăng Trương rất nhiệt tình trong công việc.

Khi tôi hỏi vì sao có tên gọi khác là Trí Đăng Trương, Tuấn bồi hồi xúc động kể: “Cái tên này hết sức ý nghĩa với em anh ạ! Chính thầy Trần Đạo Quang, một sư thầy mà em vô cùng kính phục, đã tặng cho em đó anh. Thầy Quang có một đạo tràng luôn giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn tá túc và nuôi dưỡng các em nhỏ cô nhi bị bỏ rơi. Hiện tại, em đã chuyển về đạo tràng của thầy để ở. Một phần em muốn nghe thầy thuyết pháp mỗi ngày, một phần em muốn giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn được học hành đến nơi đến chốn. Công việc của em hằng ngày chỉ đơn giản là giúp các em đánh vần, học viết các chữ cái. Nếu em nào đang đi học có bài tập khó, em lại hướng dẫn giải bài. Ở đạo tràng, em cảm thấy như ở nhà vậy. Nói chuyện với mọi người trong này, em mới biết có những người còn khổ hơn em gấp nhiều lần. Ở đây em học được rất nhiều điều giúp ích cho mọi người. Sau này học xong, em sẽ quy y cửa Phật để góp sức nhỏ bé của mình giúp đỡ thêm nhiều người nữa. Em cũng muốn gửi lời đến những ai có hoàn cảnh như em là dù ở bất kì hoàn cảnh nào, nhất quyết phải chứng tỏ được bản thân mình, bởi như thế chúng ta dù có sao đi chăng nữa vẫn giúp ích cho đời.”

Bài, ảnh: ANH MINH