Nghệ nhân không thích nổi tiếng

Phải khá vất vả, chúng tôi mới tìm được đến nhà nghệ nhân Chu Tiến Công, bởi lẽ ông vốn không thích nổi tiếng, mặc dù ông được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú tháng 11-2015. Khi chúng tôi về làng Xuân La, hỏi mấy người mới có một ông cụ chừng 80 tuổi nói rằng: “Chỉ có ông Gảy tò he thôi, hình như ông ấy còn có tên là Công nữa thì phải. Ông ấy ở cái nhà mái ngói thấp nhất trong ngõ này”. Chúng tôi đánh liều vào hỏi thăm thì đúng là nhà của nghệ nhân Chu Tiến Công, nhưng tên bà con trong thôn thường gọi là ông Gảy.

leftcenterrightdel
Nghệ nhân Chu Tiến Công (bên trái) biểu diễn nặn tò he tại một lễ hội làng nghề truyền thống. 
Ông tiếp chúng tôi bằng ấm trà nóng, đôi tay rót nước cứ run run. Ông bảo: “Tôi mới ốm dậy, dạo này sức khỏe yếu quá mấy chú ạ. Thời thanh niên trong quân đội tôi khỏe lắm, không ngờ mấy năm nay nhanh xuống sức quá!”.

Trong căn nhà cấp 4 (xây dựng từ năm 1977) đã xuống cấp của hai ông bà treo đầy những huân, huy chương, bằng khen các loại về thành tích trong chiến đấu và giữ nghề truyền thống.

Lớn lên từ quê hương chiêm trũng Xuân La có nghề truyền thống nặn tò he, ông Chu Tiến Công đến với nghề nặn tò he như một lẽ đương nhiên, bởi lẽ theo ông, “con nhà nòi, chẳng học cũng biết làm”. Thời gian trôi nhanh, lớn lên, chàng thanh niên Chu Tiến Công xung phong nhập ngũ năm 1966, tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Bình và được trao tặng Huân chương Chiến công hạng nhất. Nhưng do sức khỏe yếu, năm 1972, ông được phục viên trở về quê hương. Sau đó, ông kết hôn với người bạn gái đã đợi mình từ ngày lên đường nhập ngũ 6 năm trước. Từ đây, bên những gánh tò he dạo khắp phố phường Hà Nội, ông bà đã cùng nhau trải qua bao khó khăn để nuôi dạy các con trưởng thành. Tuy gia cảnh nhà khó khăn nhưng trong ông vẫn sáng mãi tinh thần người lính, khảng khái, chất phác, giản dị, sống tiết kiệm, chan hòa.

Bền bỉ giữ nghề

Nghề nặn tò he không rõ chính xác có từ khi nào. Những nghệ nhân gạo cội như ông Công cũng chỉ ước chừng khoảng trên dưới 300 năm, nhưng có một điều mà ông chắc chắn và khẳng định với chúng tôi: "Làng nghề tò he Xuân La là làng nghề độc nhất ở Việt Nam, ngoài ra không có làng nào làm nghề này cả”.

Ông Công chia sẻ rằng, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và thời bao cấp trước khi thực hiện công cuộc đổi mới tưởng như đã mất nghề tò he. Bởi nguyên liệu chính làm tò he là gạo nếp, mà gạo tẻ để ăn còn chẳng có, nói gì lấy gạo nếp nặn tò he để chơi. Thời ấy, chỉ còn vài ba hộ ở làng Xuân La (trong đó có gia đình ông Công) làm tò he cầm chừng, rồi gánh đi bán ở một số lễ hội quanh vùng. Ông bảo: “Có bữa, tôi bớt gạo ra làm tò he, nấu nồi cháo loãng cho các con ăn cũng thấy tội lắm, nhưng không thể bỏ nghề được. May mà vợ và các con cũng hiểu nên không trách bố”. Rồi ông cho chúng tôi xem những con tò he ông nặn cách đây đã 6 năm mà vẫn còn nguyên vẹn, thoạt nhìn tưởng chừng không khác gì những món đồ chơi bằng nhựa, nhưng đưa sát vào mũi ngửi thì vẫn thấy thoang thoảng mùi hương nếp thơm đượm, không thể lẫn với bất cứ loại nguyên liệu nào.

Trò chuyện hồi lâu, chúng tôi tò mò hỏi về cái tên tò he thì được ông giải thích: Ngày xưa, tò he vốn được gọi là bánh chim cò, do được làm bằng gạo nếp nên có thể ăn được, lại toàn nặn hình chim cò nên có tên như vậy. Rồi có một giai đoạn, trẻ con gắn thêm cái còi vào mỗi chiếc bánh chim cò, mỗi khi chúng thổi lên là phát ra tiếng “tò te tí te” nghe rất vui tai, cứ thế đọc chệch đi là tò he. Cái tên tò he ra đời từ đó thay thế cho tên bánh chim cò. Còn công đoạn phối màu, ông bảo rằng phối màu tò he là khâu quan trọng nhất đối với người nặn, nhiều màu không nói được thành tên, chỉ có người nghệ nhân mới cảm nhận được. “Màu vàng thì dùng từ nghệ, màu đen dùng từ tro củi, màu đỏ dùng rau dền đỏ… nhiều màu không gọi tên được mấy chú ạ” - ông Công bộc bạch.

Những năm trước đổi mới, ông Công và vợ thường gánh hàng to he đi bán ở các lễ hội vùng Bắc Bộ, có lần đi cả tháng trời, con cái nhờ ông bà nội trông nom hộ, vậy mà thu nhập chẳng là bao. Tưởng chừng như sau thời đổi mới, làng nghề tò he sẽ có bước phát triển mới khi nguyên liệu để làm tò he là gạo đã có sẵn hơn, nhưng không ngờ lại gặp những khó khăn khác. Đó là sự bùng nổ của kinh tế thị trường khiến cho nguyên liệu phối màu từ thiên nhiên hiếm hơn, trong khi lớp trẻ chọn nhiều nghề có thu nhập cao để làm giàu và bắt đầu xuất hiện những loại đồ chơi công nghiệp lấn át các món đồ chơi dân gian, trong đó có tò he.

Ngay như gia đình ông Công, các con lớn lên cũng có xu hướng tìm đến các ngành kinh doanh để vực dậy kinh tế gia đình. Bản thân ông không ngăn cấm các con, nhưng luôn động viên, khích lệ các con giữ nghề nặn tò he như một nghề phụ để giữ nghề truyền thống, cũng như làm giàu thêm vốn văn hóa dân gian. Các con, các cháu của ông ai cũng nặn tò he rất điêu luyện. Những lúc rảnh rỗi, lũ trẻ trong xóm lại quây quần xem ông nặn tò he… Ông bảo: Mỗi con to he bây giờ bán được 5.000-7.000 đồng, hội lớn thì bán được tổng cộng vài ba trăm nghìn đồng, hội nhỏ thì vừa đủ tiền đi chơi, nhưng tôi vẫn dắt xe đi, bởi lẽ nặn tò hè để cho các cháu nhỏ biết được ông cha chúng ngày xưa chơi cái gì, rồi thông qua đó làm cho các cháu thêm yêu lịch sử, tự hào về truyền thống của cha ông.

Hơn 40 năm đèo đẽo cùng chiếc xe đạp khắp các ngõ ngách ở Hà Nội cũng như các lễ hội gần xa, dường như bước chân của ông càng thêm dẻo dai. Đi đến đâu ông cũng cố gắng dạy nghề, truyền nghề cho những người yêu thích. Tuổi đã cao, ông Công không nhớ mình đã dạy nghề cho bao nhiêu người. “Ở Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh… đều có người được tôi chỉ cho cách làm, người nào nhanh chỉ 3 tháng là thành thạo, 6 tháng là điêu luyện, nhưng giờ tôi cũng không nhớ được tên tuổi của họ nữa”-ông cười sảng khoái và tâm sự với chúng tôi như vậy. Ông còn nhấn mạnh thêm: Đặc điểm của tò he là có thể ăn được nên nguyên liệu phải là nguyên liệu sạch, tuyệt đối không được dùng hóa chất. Ông luôn dặn dò rất kỹ những người được ông truyền nghề như vậy.

Bây giờ, cứ vào ngày chủ nhật là ông lại mang “đồ nghề” ra Trường Mầm non Xuân La để dạy nghề miễn phí cho trẻ em trong làng. Ông tâm sự: Thấy lũ trẻ mê mẩn nặn, giũa, ghép… là tôi thấy vui vô cùng. Các cháu bây giờ tuy chưa hiểu được ý nghĩa làng nghề nhưng hứa hẹn sẽ là những “hạt giống" để lưu giữ làng nghề trong tương lai.

Niềm vui và trăn trở tuổi già

Làng Xuân La hiện có hơn 4.000 nhân khẩu, số người biết nặn tò he chiếm khoảng 2/3, còn những người nặn điêu luyện cũng gần 100 người, đa phần là người cao tuổi. Theo ông Công, nhiều cụ nặn rất đẹp và nhanh, nặn được nhiều nhân vật cổ, có hồn, nhưng vẫn chưa được xét danh hiệu nghệ nhân. “Tôi may mắn được đi đây đi đó “biểu diễn nghề” nên được các cấp biết đến và được phong danh hiệu nghệ nhân mấy chú ạ. Chứ ở làng tôi nhiều cụ nặn giỏi lắm. Mong sao các cấp quan tâm hơn nữa đến các cụ, nhất là nhiều cụ đã cao tuổi cả rồi”.

Để góp phần giữ gìn làng nghề, năm 2009, ông Công đã đi đến ý tưởng thành lập Câu lạc bộ (CLB) Làng nghề tò he Xuân La. Thời gian đầu, CLB thu hút được 52 hội viên, hiện nay đã lên tới 120 hội viên, trong đó có gần một nửa là hội viên dưới 30 tuổi. Bản thân ông được mọi người tín nhiệm bầu làm Phó chủ tịch CLB, chịu trách nhiệm tiếp đón các đoàn khách nước ngoài và trình diễn, giới thiệu với họ về nghệ thuật tò he. Được biết, hằng tháng, CLB sinh hoạt 4 đến 5 lần và không ngừng kết nạp hội viên. Cá nhân ông cũng nhận được nhiều bằng khen của Hội Di sản Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và vinh dự nhất là danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú loại hình tri thức dân gian do Chủ tịch nước tặng năm 2015.

Ông Nguyễn Xuân Ba, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ làng nghề Hà Nội, khẳng định: Nghệ nhân Chu Tiến Công đã có nhiều đóng góp, giúp lưu giữ được nghề tò he làng Xuân La và phát triển cho đến ngày nay. Không những thế, những lần ông đi biểu diễn ở các triển lãm chính là tạo cầu nối để quảng bá một nét văn hóa độc đáo của Việt Nam tới bạn bè trong và ngoài nước.

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CÔNG