Ông Lê Văn Cam tra cứu thông tin về liệt sĩ.
Năm 1959, ông Lê Văn Cam nhập ngũ vào Tiểu đoàn 18, Trung đoàn 52, Sư đoàn 320. Sau thời gian huấn luyện ở Hải Phòng, đơn vị của ông lên đường thực hiện nhiệm vụ tại khu vực biên giới Việt-Lào. Cuối năm 1967, ông Lê Văn Cam được biên chế vào bộ phận vận chuyển lương thực và chôn cất liệt sĩ của Trung đoàn 52. Người đồng đội ông Cam chôn cất đầu tiên là ông Trịnh Bá Chân hy sinh bên đất bạn Lào. Kể cho chúng tôi nghe, ông Cam nhớ lại: "Ngày đó, khi đặt bạn nằm xuống, tôi đã khóc rất nhiều. Tôi thầm hứa với đồng đội là khi chiến tranh kết thúc sẽ tìm người thân của liệt sĩ để báo tin". Và cũng từ ngày đó, nỗi trăn trở tìm thân nhân đồng đội cứ mỗi ngày lớn dần trong ông. Trò chuyện với chúng tôi, ông nói: “Tôi được trở về với gia đình là may mắn hơn đồng đội rất nhiều. Vì thế, tôi phải gắng sống sao cho xứng đáng với những người đã nằm xuống”.
Rời quân ngũ trở về địa phương năm 1981, nhưng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên ông Lê Văn Cam phải lo “cơm, áo, gạo, tiền”, lo cho các con ăn học, chưa có điều kiện để thực hiện lời hứa với người đồng đội. Đến năm 1995, khi các con đã trưởng thành, ông Cam mới bắt đầu đi tìm nơi an táng liệt sĩ Trịnh Bá Chân. Sau một thời gian tìm kiếm thông tin, ông Lê Văn Cam được biết hài cốt của liệt sĩ Trịnh Bá Chân đã được chuyển về Việt Nam. Tuy nhiên, trong suốt 20 năm, dù đã đến rất nhiều nghĩa trang liệt sĩ, nhưng ông Lê Văn Cam vẫn chưa tìm được phần mộ của liệt sĩ Trịnh Bá Chân. Trong hành trình đi tìm phần mộ đồng đội, ông Lê Văn Cam thấy có rất nhiều bia mộ liệt sĩ được ghi đầy đủ họ tên, quê quán, nhưng không có người thân đến thăm viếng. Tìm hiểu, ông được biết do người thân của liệt sĩ không có thông tin. Vậy là, ông nảy ra ý định ghi chép lại họ tên, quê quán, năm sinh, năm mất của các liệt sĩ ghi trên bia mộ và tìm cách thông báo tới gia đình, người thân của liệt sĩ.
Suốt 20 năm qua, hành trang của người lính già Lê Văn Cam chỉ đơn giản là chiếc xe đạp cũ kỹ, vài lọ muối vừng, cơm nắm, mấy bộ quần áo và chiếc màn đã vá cả bốn góc. Ông Cam tâm sự: “Tôi cứ đi, "tối đâu là nhà, ngã đâu là giường" chứ không quan trọng chỗ ăn, chỗ ở, không sợ bất cứ điều gì”. Những năm tháng đi tìm phần mộ liệt sĩ Trịnh Bá Chân, ông Cam đã ghi lại địa chỉ, quê quán, tên tuổi của nhiều liệt sĩ với hy vọng sẽ giúp các gia đình tìm thấy phần mộ người thân. Để thực hiện công việc của mình, ông động viên và giải thích cho vợ và các con, các cháu hiểu được giá trị đạo đức, nhân nghĩa việc đi tìm hài cốt liệt sĩ.
Được sự ủng hộ của gia đình, ông Lê Văn Cam không quản khó khăn, vất vả đi khắp nơi, ghi chép lại danh tính liệt sĩ. Đến nay, thông tin về các liệt sĩ được ông Cam ghi chép dày kín trong hơn 100 cuốn sổ. Cùng với đó, 20 năm qua, ông đã gửi hơn hai vạn lá thư tới gia đình các liệt sĩ ở khắp các tỉnh, thành phố và nhận được sự phản hồi của hơn một nửa số thư đã gửi. Tuy thuộc diện hộ nghèo của xã Vũ Phúc, nhưng ông Lê Văn Cam không bao giờ ca thán, dù nhiều lúc phải sống tằn tiện, bòn nhặt từng đồng để duy trì cuộc sống. Những cuốn sổ ghi chép thông tin về liệt sĩ đều được ông "sưu tầm", góp nhặt từ các loại giấy cũ như vỏ bao xi măng, tờ lịch... rồi về đóng lại thành từng cuốn. Gần đây, biết công việc ông làm, có nhà hảo tâm tặng ông chiếc máy tính cũ. Từ đó việc lưu trữ thông tin, danh tính các liệt sĩ của ông thuận tiện hơn.
Năm nay đã 77 tuổi, đi lại không còn nhanh nhẹn, nhưng ông Lê Văn Cam vẫn quyết tâm tiếp tục đi tìm, ghi chép thông tin về các liệt sĩ. Ông nói: “Khi nào đôi chân còn đi được, đôi mắt còn nhìn thấy, đôi bàn tay vẫn còn viết được thì tôi còn đi đến các vùng miền Tổ quốc để ghi chép thông tin về các liệt sĩ và thông báo cho thân nhân của họ. Vì những người đồng đội đã ngã xuống, tôi phải quyết tâm cố gắng nhiều hơn nữa”.
Bài và ảnh: VŨ THỊ HẠNH