“Trường là núi, núi là trường”

Trước khi cơn bão số 3 đổ bộ vào đất liền hai ngày, tại quán cà phê nhỏ số 39 phố Hàng Dầu (Hà Nội), chúng tôi được KTS Hoàng Thúc Hào, người đàn ông trung niên quê gốc Nghệ An, với dáng vẻ thư sinh, nhỏ nhẹ chia sẻ về nghề thiết kế mà anh đã theo đuổi trong suốt 25 năm qua.

Anh cho biết, hình ảnh phối cảnh công trình “Hoa của đất”, một ý tưởng kiến trúc mà anh đau đáu suốt gần 2 năm để dành tặng học trò nghèo vùng cao tại Lũng Luông, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên đã trở thành hiện thực. “Hoa của đất” là ngôi trường được xây dựng từ kinh phí “Quỹ trò nghèo vùng cao”. Công trình vừa được khánh thành đưa vào sử dụng đầu tháng 9, nhân dịp năm học mới 2016-2017. Thiết kế của công trình dựa trên triết lý: “Trường là núi, núi là trường”. Đó là một công trình đặc biệt bởi những vật liệu rất gần gũi, thân quen với cuộc sống của người dân bản địa. Từ trên cao nhìn xuống, ngôi trường nổi bật trên một quả núi bằng phẳng bởi mái tôn nhiều màu sắc, trông như một bông hoa khổng lồ nổi bật giữa màu xanh bát ngát của núi rừng. Với diện tích xây dựng 700m2, ngôi trường gồm 8 lớp tiểu học, 2 lớp mẫu giáo, ký túc xá, nhà ăn và không gian đa năng dành để học và học vẽ, học nhạc. Điểm đặc biệt ở ngôi trường này chính là vật liệu xây dựng hoàn toàn bằng gạch đất không nung từ ý tưởng của chính anh Hào và lần đầu được áp dụng thành công.

leftcenterrightdel
 Trường học mang tên “Hoa của đất”, công trình do KTS Hoàng Thúc Hào thiết kế tặng thầy, trò xã vùng cao tại Lũng Luông, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.

Số là, sau những lần đi khảo sát thiết kế ở vùng cao, anh nhận thấy chi phí giá thành vật liệu xây dựng rất đắt, khiến công trình bị đội giá lên nhiều so với miền xuôi. Anh nảy ra ý tưởng làm gạch không nung từ đất. Sau hơn 3 tháng thuê kỹ sư thiết kế, chế thử, đến nay, anh đã có một dây chuyền sản xuất gạch đất không nung cho ra sản phẩm có kích thước dài 30cm, cao 12cm và rộng 15cm, cường độ mác 50. Điều đáng nói là, sản phẩm thân thiện với môi trường này có độ bền cao, không phải trát; cách âm, cách nhiệt tốt; không bị đổ mồ hôi, đọng nước khi gặp thời tiết ẩm mùa xuân và đã được kiểm nghiệm tại phòng thí nghiệm Viện Khoa học vật liệu Hà Nội. Từ thành công này, anh hy vọng sản phẩm gạch đất không nung sẽ đem đến cho đồng bào vùng cao và các địa phương trong cả nước nhiều lợi ích thiết thực khi xây dựng công trình dân dụng thân thiện với môi trường.

Hoàng Thúc Hào sinh năm 1971, tốt nghiệp Khoa Kiến trúc và Quy hoạch-Trường Đại học Xây dựng năm 1992, rồi được giữ lại làm giảng viên. Sau khi học nâng cao, năm 2002, anh tốt nghiệp cao học tại Đại học Bách khoa Turin - I-ta-li-a. Với anh, kiến trúc không chỉ đơn thuần là gạch, cát, đá, bê tông và làm nên những công trình có giá trị sử dụng thuần túy mà đó còn là sản phẩm nghệ thuật, mang giá trị văn hóa, nhân văn; thể hiện trách nhiệm xã hội, đem lại lợi ích, hạnh phúc cho con người, cộng đồng; có tính lan tỏa ra thế giới và mang tính bền vững.

Anh chia sẻ: Việt Nam là đất nước có nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống, có lịch sử văn hóa lâu đời, có khí hậu rất đặc trưng, nhưng ở giai đoạn hiện nay lại chưa có kiến trúc riêng biệt. Các công trình thiết kế ở nhiều nơi tại các đô thị của Việt Nam ít bản sắc riêng, phần nhiều copy, nhặt nhạnh từ kiến trúc Pháp, Nga, Hồi giáo… Những kiến trúc ấy làm cho bộ mặt đô thị Việt Nam mờ nhạt, thiếu sức sống. Còn ở vùng nông thôn, nhiều người đưa mẫu kiến trúc thành phố về áp dụng nên không thể hiện được đặc trưng văn hóa... Và anh kết luận, trong kiến trúc, nói chính xác thì đó là những hành vi tự đánh mất mình cần phải đào thải, loại bỏ.

Từ thiện kiến trúc “3 xanh”

Giới kiến trúc ở Việt Nam đương đại gọi KTS Hoàng Thúc Hào là cha đẻ của kiến trúc xanh. Anh thổi hồn vào bản vẽ kiến trúc với các tiêu chí chắc, bền, thân thiện với môi trường, ít tốn kém và mang đặc trưng văn hóa vùng miền, dân tộc. Anh tâm sự, lâu nay, việc thiết kế thường dành cho những người có điều kiện, khả năng kinh tế. Nhưng theo quan điểm của anh Hào, thiết kế công trình dân dụng, nhà ở phải thân thiện với môi trường, mang bản sắc văn hóa và quan trọng nhất là hướng tới cộng đồng, đến cả những người dân nghèo, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Công trình Nhà cộng đồng Suối Rè ở xã Cư Yên, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình ra đời năm 2010 là một minh chứng cho khẳng định ấy. Đó là kiến trúc theo tiêu chí “3 xanh”: Môi trường-"xanh"; văn hóa-"xanh"; kinh tế kỹ thuật-“xanh”. Công trình này đã đạt giải Nhất kiến trúc xanh châu Á Green Leadership Award vào năm 2012.

Năm 2011, anh bất ngờ khi nhận được thư điện tử của một phụ nữ người Bồ Đào Nha làm kế toán có cái tên rất lạ - Vivianna. Cô này đi du lịch ở Sa Pa (Lào Cai) và thấy cảnh nhiều người lớn cùng các em nhỏ theo bố mẹ đi bán thổ cẩm cho khách du lịch, thậm chí đu bám xin tiền du khách, rất khó chịu. Cô nảy sinh ý tưởng làm nhà cộng đồng cho người dân địa phương tập trung làm thổ cẩm, kết hợp phát triển du lịch. Qua tìm kiếm thông tin, cô đã chọn KTS Hoàng Thúc Hào để bày tỏ ý tưởng. Sau khi đồng ý cộng tác, KTS Hoàng Thúc Hào và cộng sự đã thiết kế từ thiện công trình này. Từ đây, con đường làm từ thiện theo cách riêng của KTS Hoàng Thúc Hào bắt đầu.

Anh Hào cho biết, thiết kế nhà cộng đồng đa năng dành cho dân tộc Dao Đỏ tại thôn Xả Séng, xã Tả Phìn, Sa Pa, Lào Cai được lấy cảm hứng từ chiếc khăn đỏ truyền thống của phụ nữ Dao và nhịp điệu núi đồi. Nhà có không gian vừa làm việc, trưng bày sản phẩm thủ công truyền thống, vừa là thư viện nhỏ, trạm thông tin, nơi diễn ra các chương trình tập huấn, tuyên truyền và kết hợp với vườn bảo tồn cây thuốc. Nhà cộng đồng Tả Phìn được xây bằng vật liệu, nhân công địa phương, thân thiện với môi trường như đá, gạch không nung, gỗ tái chế, gỗ thông gai. Áp dụng chuỗi giải pháp kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng: Công nghệ lọc nước mưa, pin mặt trời, bể phốt 5 khoang không gây ô nhiễm, lò sưởi tiết kiệm năng lượng, tận dụng nhiệt thừa ống khói. Để có tiền xây dựng công trình này, KTS Hoàng Thúc Hào đã vận động bạn bè, nhiều văn nghệ sĩ thân quen tổ chức bán đấu giá tác phẩm nghệ thuật, tổ chức các chương trình ca nhạc từ thiện… Anh chia sẻ, điều tôi tâm đắc nhất là đã lôi kéo được nhiều đồng nghiệp và các văn nghệ sĩ, những người có uy tín trong xã hội vào làm công việc từ thiện. Đến năm 2013, kiến trúc nhà cộng đồng ở Tả Phìn, Sa Pa (Lào Cai) đã đạt Giải thưởng kiến trúc uy tín IAA Chicago - Green Good Design của Mỹ và châu Âu 2013. Cạnh đó, website uy tín của Mỹ về kiến trúc archdaily.com đã bình chọn, Nhà cộng đồng Tả Phìn vào tốp 5 công trình kiến trúc xã hội đáng chú ý nhất - Giải Bạc kiến trúc châu Á - Arcasia 2013 cho nhà cộng đồng Tả Phìn - Sa Pa.

Sau thành công của công trình này, KTS Hoàng Thúc Hào và cộng sự tiếp tục từ thiện nhiều công trình khác, điển hình như: Nhà cộng đồng xã Cẩm Thanh, TP Hội An, Quảng Nam; nhà ươm cây bằng vỏ chai nhựa tại ruộng rau hữu cơ Sóc Sơn; nhà ươm cây bằng vật liệu tái chế cho người HIV tại Đồ Sơn… Tất cả các công trình này đều được giải thưởng quốc tế. Đặc biệt, năm 2015, công trình sân chơi trẻ em thôn Thanh Tam Tây, Hội An đã đạt Giải thưởng Green Good Design của Mỹ và châu Âu 2015.

Tâm sự với chúng tôi, nỗi niềm canh cánh của anh là về sự phát triển kiến trúc Việt Nam đương đại. Biến đổi khí hậu làm cho môi trường sống của người dân ngày càng thay đổi. Thiên tai, lũ quét, xâm thực mặn… là kẻ thù đang hiện hữu đối với đồng bào miền núi và ven biển Việt Nam. Điều này ảnh hưởng ghê gớm đến kiến trúc. Anh mong muốn, các công trình kiến trúc “3 xanh” của mình đến được với đồng bào, thông qua những tính toán khoa học, bền vững. Đó là, cần lựa chọn quy hoạch tổng thể, chọn vị trí xây dựng công trình có địa chất ổn định. Công trình cần bền, chắc, tiết kiệm, thông gió, chiếu sáng hợp lý, thân thiện với môi trường, dễ bảo dưỡng, sửa chữa. Và một tiêu chí không thể thiếu của KTS Hoàng Thúc Hào, đó là các công trình được thiết kế mới ở nông thôn hay thành phố đều vì cộng đồng và mang bản sắc văn hóa dân tộc, phù hợp với sự phát triển của kiến trúc hiện đại.

NGUYỄN MẠNH THẮNG