Một thời hết mình cống hiến

Tìm đến nhà ông Phạm Ngọc Giai không khó, bởi lẽ nhà ông nằm ngay cạnh con đường vòng quanh giếng làng. Lũ trẻ nhỏ nhanh nhảu chỉ cho chúng tôi ngôi nhà có treo lá cờ Tổ quốc ngay trước cổng. Thấy chúng tôi từ xa đến, tuy chưa quen, nhưng ông Giai vẫn rất niềm nở mời vào nhà.

leftcenterrightdel
Niềm vui của ông Phạm Ngọc Giai trên đoạn đường thoáng rộng trước nhà. 
Căn nhà nhỏ ông xây dựng từ năm 1995 giờ đã thấy rõ những dấu hiệu của sự xuống cấp, nhưng ông bảo ngôi nhà này là kỷ niệm không bao giờ quên với vợ chồng ông, nên phá đi cũng tiếc. Năm nay đã 74 tuổi, gần suốt cuộc đời làm công nhân, gắn bó với Nhà máy Đường Vạn Điểm (Phú Xuyên), ông vẫn luôn giữ phong thái kỷ luật, ngay thẳng từ ngày còn làm việc ở nhà máy, cũng như khi về nghỉ hưu, sống cùng hàng xóm láng giềng.

Vừa rót nước mời khách, ông vừa hào hứng kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện kỷ niệm của một thời. Lớn lên ở làng quê Phong Triều, chàng trai Phạm Ngọc Giai đã hai lần (năm 1960 và 1961) viết đơn tình nguyện nhập ngũ với mong muốn được góp sức mình chiến đấu giành độc lập cho Tổ quốc, nhưng cả hai lần ông đều được Nhà máy Đường Vạn Điểm “giữ lại” vì là người có nhiều kinh nghiệm, sản xuất giỏi. Tuy hơi buồn vì không đạt được nguyện vọng, nhưng anh công nhân Phạm Ngọc Giai khi đó cũng tự xác định: “Mình nỗ lực làm việc thật tốt để xây dựng hậu phương miền Bắc, chi viện cho miền Nam thì cũng là cống hiến cho đất nước, góp phần đánh đuổi giặc ngoại xâm rồi!”.

Mang trong mình bản chất của người công nhân xã hội chủ nghĩa, nên cả cuộc đời cống hiến, ông không có tài sản gì lớn, ngoài những tấm bằng khen, giấy khen lao động xuất sắc do lãnh đạo Nhà máy Đường Vạn Điểm trao tặng.

Hai lần hiến đất mở đường

Câu chuyện được ông Giai nhớ lại và kể cho chúng tôi khá cụ thể. Đó là một ngày của năm 2002, khi ông đang nghỉ trưa trong nhà thì bỗng nghe tiếng “rầm” ngoài ngõ. Ông vội chạy ra thì thấy hai đứa trẻ nằm sõng soài trên đường, do hai xe đạp đâm vào nhau ở chỗ cua. Đó là hai đứa trẻ trong làng, gần nhà ông. Ông vội đỡ chúng dậy và hỏi xem chúng bị đau ở chỗ nào. May mắn là xương khớp của cả hai không sao, chỉ bị sây sát nhẹ ngoài da và có thể tự đi về nhà được. Ông Giai quan sát kỹ chỗ hai đứa trẻ vừa đâm vào nhau, thấy lòng đường chỉ rộng khoảng 1,5m; nguy hiểm hơn, đây lại là khúc cua vòng quanh giếng làng, nên bị khuất tầm nhìn.

Ông đứng bần thần một lúc và thấy rằng, một phần nhà bếp của gia đình ông nhô ra đã che khuất tầm nhìn tại khúc cua. Đó chính là nguyên nhân gián tiếp gây ra vụ tai nạn của hai đứa trẻ vừa rồi. Ông tự thấy áy náy, vì “nếu như không có phần nhà bếp nhô ra, thì lũ trẻ đã không đâm vào nhau. Mà xe đạp đã đành, ngộ nhỡ là xe gắn máy thì còn nguy hiểm nữa”. Ông cứ đi tới đi lui mấy lần trong cái nắng trưa hè hôm đó để ngắm chỗ cua. Rồi trong đầu ông lóe lên suy nghĩ: “Phải đập công trình phụ để mở rộng đường làng, xóa khúc cua nguy hiểm này đi!”.

Với bản tính kiên quyết, dứt khoát, sau bữa tối hôm đó, ông bàn với cả gia đình về chuyện phá công trình phụ để mở đường và nhận được sự ủng hộ của vợ con. Mấy hôm sau, ông cùng các con phá dỡ công trình phụ (tổng diện tích 22m2). Ông còn đến gặp lãnh đạo thôn Phong Triều đề nghị mỗi người một tay giúp đổ bê tông cho đoạn đường vừa mở rộng thêm phẳng, đẹp. Người dân trong làng ai nấy đều vui và biết ơn gia đình ông. Còn ông bộc bạch: “Mọi người đi lại dễ dàng, an toàn hơn, lòng tôi thấy nhẹ nhõm, tinh thần được thoải mái, nên tôi phải cảm ơn mọi người mới đúng!”.

Nhưng xóm thôn ngày càng phát triển, người đông lên, nhà cửa mọc san sát; thêm vào đó, nhu cầu làm ăn buôn bán của người dân cũng tăng lên, những chiếc xe gắn máy chở hàng đi qua đoạn đường nhà ông thường phải dừng lại khi gặp xe đi ngược chiều. Thấy vậy, ông Giai lại không đành lòng, nhất là khi thấy mọi người than phiền: “Đường chật quá, giá như rộng thêm một chút thì tốt biết bao...”. Ông Giai càng thêm day dứt. Tuy không phải là cán bộ nhưng ông luôn thấu hiểu được tâm tư và nguyện vọng của người dân trong thôn. Rồi ông đi đến quyết định hiến đất mở đường thêm một lần nữa vào cuối năm 2014.

Lúc đó “mặt tiền” nhà ông dài đến 30m, thêm nữa, nếu hiến đất thì phải phá tường, phá cả cổng, nhưng ông vẫn quyết tâm: “Phá tường cũng phải phá, rồi ta xây lại. Mở đường rộng để mọi người cùng đi, đó là lợi ích lâu dài”. Vậy là ông lại bàn bạc và nhận được sự đồng thuận cao của vợ và các con, đặc biệt là người con trai cả-anh Phạm Ngọc Anh, giáo viên Trường Tiểu học Nam Triều. Anh bảo: "Bố cứ phá đi, nhà mình tuy đất không rộng, nhưng cũng đủ để ở. Tình làng nghĩa xóm mới là điều đáng trân trọng nhất bố ạ”.

Với quyết tâm của cả gia đình, ông Giai lại cùng các con và chính quyền thôn phá dỡ tường bao, cổng nhà để lùi vào gần 1m, chiều dài là 30m, tổng cộng diện tích gần 30m2. Ông Giai bảo: "Tôi cũng không đo đạc kỹ làm gì, chỉ biết lúc lùi vào cứ ngắm sao cho rộng rãi rồi cắm cọc. Mấy anh địa chính ghi trong sổ là chính xác nhất”.

Thế là con đường làng chạy qua nhà ông đã rộng đến hơn 2,6m, đủ cho cả hai xe thồ hàng tránh nhau. Thấy vậy, mấy nhà hàng xóm lân cận cũng hưởng ứng phong trào hiến đất, mỗi nhà lùi vào mấy hàng gạch, tuy không nhiều nhưng cũng góp phần làm cho đường sá thêm rộng rãi, tình làng nghĩa xóm thêm thắm thiết.

Gương sáng cho con cháu, cộng đồng

Khi chúng tôi đang trò chuyện với ông Giai thì có một cụ bà đến xin rau. Ông Giai vội cáo lỗi với chúng tôi rồi chạy ra vườn hái cho bà cụ một ít rau muống và biếu bà luôn nải chuối ông mới cắt ban sáng. Hỏi chuyện, chúng tôi được biết, đó là bà cụ neo đơn ở cuối làng. Ông Giai bảo: "Rau nhà tôi trồng được, cũng không đáng là bao, cụ ấy ở một mình cũng buồn nên hay sang đây chơi rồi lấy rau về ăn. Tình làng nghĩa xóm mà…".

Đã bước sang tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng trông ông Giai vẫn khỏe mạnh, hoạt bát. Có lẽ nếp sống hòa thuận, vì cộng đồng đã tạo cho ông nhiều niềm vui, giúp ông như trẻ hơn so với tuổi.

Chỉ với đồng lương hưu ít ỏi, lại phải lo chạy chữa cho vợ bị tai biến mạch máu não, nhưng ông Giai vẫn chắt chiu, sống tiết kiệm để không phải nhờ vả, phiền hà đến con cháu. Ông cứ nhắc đi nhắc lại với chúng tôi: “Tiết kiệm là quốc sách; lãng phí là có tội. Lương hưu thấp, dẫu cuộc sống còn khó khăn, nhưng nếu làm được nhiều việc tốt cho bà con, cho cộng đồng, tôi vẫn cảm thấy mình có một cuộc sống tốt đẹp, nhiều niềm vui các chú ạ!”. Ông Giai có 4 người con, trong đó có 3 người theo nghề giáo viên. Các cháu của ông cũng đều là những học sinh chăm ngoan, học giỏi “có tiếng” trong làng và xã Nam Triều.

Ông Phan Cao Lạc, Bí thư Đảng ủy xã Nam Triều, cho biết: Cuối năm 2014, xã Nam Triều là 1 trong 3 xã của huyện Phú Xuyên được UBND TP Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Có được kết quả đó là nhờ sự đoàn kết, chung tay góp sức tích cực của các tầng lớp nhân dân trong xã, trong đó ông Phạm Ngọc Giai là một điển hình tiêu biểu, là gương sáng để bà con noi theo.

Cuối năm 2015, ông Phạm Ngọc Giai được nhận bằng khen của Huyện ủy Phú Xuyên vì có thành tích nổi bật trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Phần thưởng đó là lời động viên, ghi nhận những điều tốt đẹp mà ông đã làm, đã cống hiến cho quê hương, cộng đồng. Bà Phạm Hải Hoa, Bí thư Huyện ủy huyện Phú Xuyên, khẳng định: “Vận động nhân dân hiến đất mở đường không phải là chuyện dễ, nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường, "tấc đất tấc vàng" như hiện nay. Ông Giai đã hai lần tự nguyện hiến đất, làm nhiều cán bộ, người dân cảm kích và quý mến. Mong rằng, những tấm lòng thơm thảo như vậy sẽ lan tỏa rộng rãi để công cuộc xây dựng nông thôn mới của huyện nhà đạt nhiều kết quả, sớm thành công”.

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CÔNG