Mặc dù sau 8 ngày được chuyển đến và điều trị tích cực tại Bệnh viện Việt-Đức (Hà Nội), được nhiều tấm lòng hảo tâm giúp đỡ, nhưng hai cháu đã không qua khỏi, do có quá nhiều bộ phận cơ thể bị dính liền, lại chưa hoàn thiện, nhưng nghĩa cử cao đẹp "thầy thuốc-mẹ hiền" của các y sĩ, bác sĩ đã tận tình cứu chữa, chăm sóc sản phụ và hai cháu song sinh không may mắn, rất đáng được biểu dương, khen ngợi.
Trái tim nhân ái…
Thân thiện, hồ hởi, năng động và ấm áp tình nghĩa, đó là cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi tiếp xúc với bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Ngọc Chung, Phó giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Được hỏi, động cơ nào đã thôi thúc anh trên cương vị lãnh đạo của bệnh viện, lại tình nguyện làm người “hành khất” giữa chợ để quyên góp tiền cho hai bệnh nhi song sinh dính liền, trong khi bố mẹ các cháu ở bản làng xa xôi, không hề quen biết, anh trải lòng:
- Trước tình cảnh thương tâm đó, bản thân mình là người thầy thuốc, lại tận mắt chứng kiến nỗi đau, nỗi khổ của bệnh nhân, nên càng thấy thương cảm hơn. Nếu chỉ cần một khoản tiền nhỏ mà có thể cứu chữa được bệnh nhân thì mình và đồng nghiệp có thể sẵn sàng “dốc túi”. Nhưng cặp song sinh này quá đặc biệt, nằm ngoài khả năng cứu chữa của bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh. Do vậy, Ban giám đốc bệnh viện đã họp, quyết định: Đồng chí Bùi Văn Toán, Giám đốc bệnh viện, trưởng kíp phẫu thuật cho sản phụ Phàn Thị Thẩy đã trực tiếp liên hệ với Bệnh viện Việt Đức để đề nghị giúp đỡ, còn mình và hai đồng nghiệp nữa tình nguyện đi quyên góp ủng hộ hai cháu sơ sinh không may mắn, cũng như gia đình sản phụ nghèo khó.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung thực hiện kỹ thuật nuôi dưỡng trẻ sơ sinh thiếu tháng trong lồng kính tại Bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên.
Anh Bàn Văn Thiệp, dân tộc Dao, bố của hai trẻ song sinh dính liền, xúc động kể: “Nhà em ở thôn Tân Bình, xã Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên, cách bệnh viện hơn hai chục cây số. Hoàn cảnh bố mẹ hai bên đều rất nghèo. Khi lấy nhau, chúng em còn trẻ quá, lại không được học hành đến nơi đến chốn nên cũng chỉ biết làm ruộng nương, vào rừng kiếm củ măng, củ mài... Năm nay em 24 tuổi, còn vợ 20 tuổi. Ngoài hai cháu song sinh bị dính liền, chúng em còn một con đầu lên 3 tuổi, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Sau khi sinh, hai cháu bị dính liền được các bác sĩ của bệnh viện huyện kêu gọi mọi người giúp đỡ và được chuyển về Bệnh viện Việt Đức ở Hà Nội chữa trị. Tất cả là nhờ các thầy thuốc cả thôi, gia đình em chẳng biết xoay xở ra sao”.
Bác sĩ Bùi Văn Toán, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên, cho biết: “Sản phụ Phàn Thị Thẩy khi đến sinh nở, được các thầy thuốc bệnh viện xác định thai đôi, có biểu hiện sinh khó, nên đã tiến hành hội chẩn và quyết định phẫu thuật gấp để cứu mẹ và con. Đây là ca mổ phức tạp, đòi hỏi không chỉ kinh nghiệm mà cả sự quyết tâm cao của cả kíp mổ. Ca phẫu thuật diễn ra từ nửa đêm đến rạng sáng mới kết thúc.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, sau khi Ban giám đốc bệnh viện kêu gọi cán bộ, nhân viên, tổ chức công đoàn bệnh viện quyên góp hỗ trợ bệnh nhân song sinh để sớm chuyển lên tuyến trên, bác sĩ Chung đã đề xuất quyên góp ngoài bệnh viện và được Ban giám đốc đồng ý. Anh cùng nữ hộ sinh Mai Thị Thu Trang, công tác tại Khoa Sản và điều dưỡng viên Nguyễn Văn Giang, công tác tại Khoa Nhi đi quyên góp ủng hộ gia đình hai cháu. Đây là việc làm chưa có trong tiền lệ của bệnh viện, nhưng trước sự nhiệt tình, xuất phát từ tấm lòng nhân ái của người thầy thuốc đối với bệnh nhân, Giám đốc bệnh viện đã đồng ý ngay. Sáng 13-7, bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung, Phó giám đốc, Chủ tịch Công đoàn bệnh viện đã trực tiếp cùng hai nhân viên ra chợ trung tâm huyện Vị Xuyên kêu gọi sự giúp đỡ, tấm lòng hảo tâm, nhân ái của cộng đồng và đã quyên góp được hơn 7 triệu đồng ủng hộ gia đình hai trẻ sơ sinh dính liền.
Niềm tin yêu của người bệnh và đồng nghiệp
Quê ở huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, từ năm 1998, người thầy thuốc trẻ Nguyễn Ngọc Chung đã gắn bó với công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc huyện Vị Xuyên. Là người trưởng thành từ trạm y tế cơ sở, từng nhiều năm ăn cùng dân, ngủ cùng dân, học tiếng của đồng bào dân tộc bản địa để khám, chữa bệnh, tuyên truyền, góp phần đẩy lùi các loại dịch bệnh từng hoành hành ở các bản làng vùng cao biên giới của huyện Vị Xuyên, nên thầy thuốc Nguyễn Ngọc Chung rất thấu hiểu sự nghèo đói cùng những hủ tục và những khó khăn, thiếu thốn của người dân cũng như người thầy thuốc ở cơ sở. Anh đã nỗ lực phấn đấu không ngừng, luôn chịu khó học hỏi đồng nghiệp đi trước và phấn đấu học lên cao, trở thành người thầy thuốc không chỉ giỏi chuyên môn, mà còn sáng về y đức, có tấm lòng nhân hậu trước những khó khăn của bệnh nhân nghèo.
Các hoạt động bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung tham gia, những công việc anh đảm nhiệm đều được người dân tin tưởng, yêu mến, được đồng nghiệp và cấp trên đánh giá cao. Năm 2007, anh được cấp trên tin tưởng bổ nhiệm giữ chức Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên, được đồng nghiệp trong đơn vị tín nhiệm bầu là Chủ tịch Công đoàn cơ sở. Với trọng trách của mình, anh nỗ lực trau rèn y đức, nâng cao kiến thức nghiệp vụ chuyên môn và tham mưu cho giám đốc những quyết sách, kế hoạch cụ thể, hiệu quả, đồng thời bảo đảm hài hòa trong việc chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi chính đáng của cán bộ, nhân viên trong đơn vị. Anh trực tiếp tổ chức quản lý công việc điều trị của các khoa: Sản, Nội, Nhi, Truyền nhiễm, Y học cổ truyền và luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ; góp phần xây dựng bệnh viện có môi trường văn hóa, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; thường xuyên đôn đốc các khoa, phòng trong bệnh viện duy trì hoạt động chuyên môn đúng quy chế. Ngoài công tác điều trị, anh còn tích cực học hỏi, nghiên cứu khoa học, áp dụng những tiến bộ mới của y học vào khám bệnh, điều trị.
Không chỉ là bác sĩ có chuyên môn giỏi, thầy thuốc Nguyễn Ngọc Chung còn trăn trở tìm ra những giải pháp, kế hoạch ngắn hạn, dài hạn góp phần xây dựng Bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên trở thành địa chỉ tin cậy của người bệnh.
Nói về Chủ tịch Công đoàn cơ sở Nguyễn Ngọc Chung, bác sĩ Bàn Văn Thiêm (Khoa Cấp cứu của bệnh viện) cho biết: “Gần 10 năm làm Chủ tịch Công đoàn, bác sĩ Chung không nề hà bất cứ việc gì; từ việc phối hợp tốt với chính quyền trong xây dựng kế hoạch hoạt động, bảo đảm quyền lợi cho đoàn viên công đoàn, chu đáo trong thăm hỏi, động viên các cá nhân khi gặp hoạn nạn, khó khăn; tổ chức các hoạt động nghỉ dưỡng, tham quan cho cán bộ, nhân viên..., đến vận động, kêu gọi mọi người trong đơn vị quyên góp xây dựng Quỹ "Mái ấm công đoàn”, đề cao tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”. Điều quan trọng hơn là những khơi gợi, định hướng và mỗi việc làm của bác sĩ Chung đều giàu nhiệt huyết, giàu lòng nhân ái, nên luôn được anh chị em đồng lòng, đồng sức gắn bó, giúp đỡ, yêu thương nhau hơn và yêu thương bệnh nhân hơn”; qua đó xây dựng được nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến. Anh luôn là hạt nhân xây dựng mối đoàn kết của công đoàn cơ sở bệnh viện.
Được biết, nhiều cán bộ, nhân viên của Bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên là người miền xuôi lên lập nghiệp ở vùng cao. Chính sự đùm bọc, gắn bó, yêu thương đã giúp các cán bộ y tế xa quê thêm vững vàng vượt qua khó khăn, yên tâm bám trụ nơi vùng cao công tác, phục vụ, coi bệnh viện và tổ chức công đoàn là tổ ấm thứ hai của mình.
Từ những nỗ lực của đội ngũ thầy thuốc, tiêu biểu như bác sĩ Toán, bác sĩ Chung, bác sĩ Giang, nữ hộ sinh Trang, điều dưỡng viên Giang... và nhiều thầy thuốc khác đang ngày đêm thầm lặng cống hiến, thậm chí hy sinh quyền lợi cá nhân để làm tốt công tác khám, chữa bệnh, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân nơi vùng cao biên giới Hà Giang, nên liên tục nhiều năm qua, Bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên luôn là lá cờ đầu của ngành y tế Hà Giang, được Chủ tịch nước tặng nhiều phần thưởng cao quý, được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng bằng khen. Bản thân bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung được các cấp tặng nhiều giấy khen, bằng khen; 2 năm (2010-2011) anh được bình bầu là Lao động tiên tiến; 4 năm liên tục (2012-2015) anh đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Đặc biệt, từ hành động, nghĩa cử cao đẹp cùng đồng nghiệp hết lòng cứu chữa mẹ con sản phụ và quyết định “hành khất” giữa chợ để kêu gọi sự trợ giúp cho bệnh nhi nghèo song sinh dính liền, ngày 15-7, bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung đã được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ra quyết định tặng Bằng khen. Bác sĩ Chung và tập thể Bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên xứng đáng là những điển hình tiên tiến, sáng đẹp về y đức, y thuật cần được nhân rộng, nhất là khi ngành y tế đang đẩy mạnh thực hiện Phong trào “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”.
Bài và ảnh: THU HUYỀN