“Linh hồn” của làng cổ vùng biên

Gặp thanh niên trẻ Nông Văn Tuy đang chăn ngựa bên sườn núi, vừa kể cậu vừa chỉ cho chúng tôi: “Các anh chị muốn tìm hiểu về lịch sử, phong tục tập quán cũng như đời sống của dân làng cổ thì cứ gặp hỏi già Thìn là rõ nhất. Già là "linh hồn", là "cây thiêng" của làng đấy. Già giỏi cả chữ Quốc ngữ và chữ Nho. Già từng có hàng chục năm công tác ở huyện, xã, khi nghỉ hưu thì là thầy tào của bản. Trong làng tổ chức Tết cơm mới, cúng thần rừng hay nhà nào có việc trọng đại thì đều đến xin ý kiến già. Nếu không có già Thìn thì người trẻ như bọn em cũng không thể hiểu hết về truyền thống giữ đất, giữ làng cùng những giá trị của làng cổ để tiếp tục gìn giữ, phát huy...”

Theo tay em Tuy chỉ, chúng tôi tìm đến ngôi nhà trình tường đất có tuổi thọ đến gần trăm năm ở giữa làng. Bước qua cổng gỗ nâu trầm và đi qua khoảng sân có chiếc cày còn vương ngai ngái mùi đất mới vỡ, chúng tôi bước vào nhà. Ngồi ngay dưới ban thờ tổ tiên là một cụ ông đang miệt mài phết màu nhũ trắng, vàng lên từng trang giấy bản mỏng. Thấy tôi gợi chuyện, già dừng bút, nói:

 - Già tự tay làm giấy rồi viết chữ lên đó để cho dân làng cúng gia tiên, cúng Thần rừng, Thần núi, để giữ phong tục tập quán của dân tộc và giữ từng cái cây dưới bờ sông biên giới Nho Quế kia. Già làm việc này được gần 60 năm rồi, học từ cha ông truyền lại, ngày đó không ở đâu có bán loại giấy này. Giờ thì dưới chợ huyện bán nhiều, nhưng dân làng vẫn ưa dùng loại giấy già làm thủ công…

Già làng Lương Văn Thìn làm giấy bản, viết chữ Nho, truyền dạy nét đẹp văn hóa truyền thống cho con cháu.

Kể về truyền thống giữ làng, già bảo: “Làng này có tên cổ là Mìa Păng, sau chiến tranh bảo vệ biên giới, làng đổi tên thành Thiên Hương để đánh dấu cuộc sống đã đổi sang một trang mới, được sống trong hòa bình, ấm no. Ông cũng chẳng biết ngôi làng cổ này đã bao nhiêu tuổi vì ngày xưa những người đi khai đất đều không biết chữ, nên không thể ghi chép lại. Chỉ biết, hai thanh niên đầu tiên khai đất là Lương Huy Chính và Nông Văn Chính, đại diện cho hai dòng họ dân tộc Tày di cư từ Thanh Hóa lên. Khi chọn được đất, dựng xong nhà thì họ quay về đón những người trong dòng họ lên định cư, khai khẩn đất đai xây dựng làng. Từ đó đến nay đã trải qua tám đời, bố của ông là đời thứ năm, nếu còn sống cũng hơn 100 tuổi. Làng cổ Thiên Hương từng bị chiến tranh tàn phá. Những ngôi nhà cổ trong làng từng nhiều lần bị cày xới, đổ nát, bị giặc cướp phá, nhưng người dân vẫn kiên cường bám đất, bám làng, dựng lên những ngôi nhà mới từ nền đất cũ, gieo trồng trên những mảnh đất tổ tiên khai khẩn, quyết bảo vệ vững chắc bờ cõi biên cương”.

Tiếp nối truyền thống cha ông

Thế hệ cha, chú của già Thìn, một số người không chịu sự áp bức của giặc Pháp, đã quyết tâm vượt rừng về xuôi tìm đến với cách mạng và rồi trở lại truyền dạy ý chí cách mạng cho dân làng. Nối tiếp cha mình, sau Cách mạng Tháng Tám thành công, cậu bé Thìn mới lên 10 tuổi đã hăm hở một mình cuốc bộ hơn chục cây số đường rừng heo hút xuống huyện học chữ Quốc ngữ và chữ Nho với quyết tâm làm việc, phục vụ cách mạng. Khi vừa tròn 20 tuổi, đảng viên trẻ Lương Văn Thìn đã được tín nhiệm bầu là đại biểu HĐND huyện Đồng Văn, làm Ủy viên thư ký HĐND huyện khóa 1965-1967. Đến khi Phòng Văn hóa huyện thành lập, anh lại được tin tưởng giao giữ chức Trưởng phòng với trách nhiệm xây dựng, tuyển dụng, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, đưa văn hóa và kiến thức của Đảng đến với người dân các dân tộc nơi biên cương cực Bắc này.

Ở Phòng Văn hóa huyện, Lương Văn Thìn không ngừng tìm hiểu phong tục tập quán của các dân tộc, học và biết nhiều thứ tiếng dân tộc để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng tới nhân dân, đồng thời trở về vận động người dân trong làng Thiên Hương cùng giúp sức. Đội chiếu bóng lưu động đầu tiên dưới sự dìu dắt của Lương Văn Thìn đã ra đời với cả chục thanh niên trong làng tình nguyện tham gia. Già Thìn nhớ lại: “Ngày ấy dân bản rất đói khổ, gần như “mù” văn hóa, nên bị giặc, rồi bọn phỉ lôi kéo, dụ dỗ. Cán bộ cả huyện cũng chỉ có hơn chục người, cơm chẳng đủ ăn, quần áo không đủ mặc. Về bản đường rừng, nhiều thổ phỉ, hổ dữ rình rập, đói chỉ biết tìm nước suối và quả rừng cầm hơi, nhưng đội chiếu bóng tình nguyện đi bộ gần 200 cây số về tỉnh để cõng máy nổ, máy chiếu lên huyện, rồi từ đó ngày đêm leo núi, vượt dốc “cõng” phim về phục vụ đồng bào ở khắp bản làng với mong muốn đem ánh sáng văn hóa của Đảng xóa đi cái đói nghèo lạc hậu”.

Năm 1985, giữa lúc chiến tranh bảo vệ biên giới diễn ra ác liệt, người cán bộ văn hóa huyện giàu kinh nghiệm Lương Văn Thìn lại được Đảng giao trọng trách làm Bí thư Đảng ủy xã biên giới nơi cực bắc huyện Đồng Văn, lãnh đạo nhân dân toàn xã sát cánh cùng bộ đội trấn giữ biên ải, bảo vệ từng tấc đất biên cương. Đến năm 1992, ông Thìn về nghỉ hưu tại làng cổ bên dòng sông Nho Quế, tiếp tục cùng dân làng gìn giữ mảnh đất phên giậu biên cương.

Ông Nguyễn Thế Đường, 75 tuổi, sinh sống tại thị trấn Đồng Văn, nguyên Bí thư Huyện ủy Đồng Văn giai đoạn 1988-1996, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy (1996-2000) kể: “Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới diễn ra rất ác liệt. Cơ quan đầu não của huyện phải 5 lần di chuyển trụ sở vào sâu trong các xã nội địa, vậy nhưng khi được Đảng phân công ở lại lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân xã biên giới chắc tay cày, tay súng bảo vệ biên cương Tổ quốc, đảng viên Lương Văn Thìn không nề hà, không ngại gian khổ, hy sinh. Ông còn vận động nhân dân làng mình xung phong đi trước tham gia vào lực lượng dân quân để cùng bộ đội ra nơi tuyến đầu giữ biên ải dọc bờ sông Nho Quế".

Kiên trì truyền dạy, “tiếp lửa” cho cháu con

Già Thìn cười vui, cho biết: "Dù chiến tranh hay thời bình thì gốc rễ để giữ nước là phải truyền bá và gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc". Bởi theo ông, "văn hóa truyền thống còn thì dân tộc còn", mà muốn văn hóa được bảo tồn và lưu truyền tốt thì mỗi người dân phải có vốn kiến thức văn hóa cơ bản, đó là: Học chữ, học nghề và tu dưỡng đạo đức. Vì vậy, già đã kiên trì vận động bà con trong làng cho trẻ em đến trường. Bản thân già cũng không ngừng nghiên cứu vốn văn hóa dân gian sẵn có của dân tộc, kết hợp với kiến thức, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng để vận động nhân dân cùng làm theo; trong đó gia đình già phải gương mẫu đi đầu. Ba trong số bốn người con của già đều thoát ly đi công tác; hiện làm cán bộ ở tỉnh, huyện, nhưng già quyết: “Phải giữ một đứa con trai ở nhà để nó nối tiếp truyền thống xây làng, giữ đất, bảo vệ biên cương. Đó cũng là điều cần thiết để gia đình thể hiện lòng trung kiên với Tổ quốc”.

Không phụ lòng cha, người con Lương Đình Ninh ở lại cùng cha tiếp tục thắp lửa truyền thống của làng. 10 năm nay anh được bầu làm trưởng thôn, lãnh đạo nhân dân bám đất, giữ làng, ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất và phát triển kinh tế.

Làng cổ Thiên Hương hôm nay không còn hộ đói, hộ nghèo, không còn nhà tranh; hơn 90% gia đình có cuộc sống khá và giàu; 100% người dân đều biết chữ, 95% thanh niên trong độ tuổi lao động tốt nghiệp THPT trở lên. Hiện làng có gần 100 người thoát ly đi làm cán bộ, trong đó nhiều người giữ các trọng trách ở huyện, tỉnh và Trung ương. Các thửa ruộng bậc thang bên dòng sông Nho Quế giờ đã được sản xuất theo hình thức cơ giới hóa và là nơi cung cấp rau an toàn cho trung tâm huyện lỵ Đồng Văn. Mỗi gia đình trong làng đều có từ một đến vài chiếc xe gắn máy để đi lại. Đặc biệt, làng văn hóa Thiên Hương hiện là điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch tỉnh Hà Giang, bởi những giá trị văn hóa và giá trị kiến trúc cổ được lưu truyền nguyên vẹn đến ngày nay. Trong quần thể văn hóa của làng có 13 cây thiêng niên đại hàng trăm năm tuổi; năm 2015, được Nhà nước xếp hạng là “Cây di sản Việt Nam”. Để làm được điều đó, người dân Thiên Hương và chính quyền xã, huyện đều biết đến, ghi nhận công lao của già làng Lương Văn Thìn.

Chúng tôi chia tay già Thìn, rời mảnh đất vùng cao biên giới nơi đầu dòng Nho Quế hùng vĩ, tạm biệt gần 50 mái nhà ngói âm dương với những bức tường trình bằng đất nâu đỏ vững chãi dựa vào vách núi như những cột mốc vững chắc, yên bình nơi biên giới. Ở đó, hơn 200 con người đang ngày đêm bám trụ cày cấy, gieo trồng, tạo nên sự bền vững và không ngừng phát triển, giàu mạnh, ấm no. Và ở tâm điểm đó có một linh hồn sống đang âm thầm “giữ lửa”, bảo tồn những nét đẹp văn hóa trong tâm linh và lý tưởng cách mạng để truyền lại cho con cháu đời sau.

Ở tuổi ngoài 80, nhưng già Thìn vẫn đau đáu, chất chứa nhiều khát vọng cống hiến cho cộng đồng, bởi với ông: “Truyền dạy con cháu không chỉ thông qua những lời nói, mà còn qua tín ngưỡng văn hóa của dân tộc mình. Để làm được điều đó thì mình phải luôn gương mẫu, một lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc; phải góp phần giữ gìn, bảo vệ vững chắc từng tấc đất, ngọn cỏ nơi  biên cương”.

Lời nói của già Thìn như ngọn lửa nhỏ lan tỏa tình yêu Tổ quốc, quê hương nơi dải đất biên cương. 

Bài và ảnh: KIM HUỆ