Bộ đội của đồn thường gọi vui là đội “săn nước”. Công việc vất vả, khó khăn, nhưng cán bộ, chiến sĩ rất nhiệt tình, trách nhiệm, bảo đảm nguồn nước sạch ổn định phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho quân và dân ở địa bàn được ví như "Trường Sa cạn".
Địa bàn gian khó với nhiều… "cái nhất"
Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu đóng quân tại địa bàn xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Nơi đây được ví như "Trường Sa cạn" với ba “cái nhất”: Xa nhất huyện, ít dân nhất huyện và đặc biệt “cái nhất” thứ ba là hiếm nước nhất huyện. Chỉ huy đồn biên phòng đi họp huyện, thường được lãnh đạo địa phương hỏi câu đầu tiên: "Trên ấy dạo này có mưa không?"; còn khi đi giao ban ở Bộ Chỉ huy biên phòng tỉnh, thì các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy thường quan tâm trước hết: "Nước sinh hoạt phục vụ bộ đội, nhân dân trên đó thế nào?".
Nước sinh hoạt ở vùng này chỉ có một nguồn duy nhất từ khe đá trên núi Phìn Chư, cách đồn hơn 5km. Đường ống dẫn nước từ đầu nguồn, qua các bản Xín Chải, Hòn Đá Vàng rồi mới “rẽ” về đồn. Ban ngày bà con nhân dân lấy nước để sản xuất và sinh hoạt, tối đến mới đến lượt bộ đội, nên anh em phải phân công nhau vừa đi lấy nước phục vụ sinh hoạt, đồng thời đi kiểm tra đường ống, giữ nguồn nước chung cho bộ đội và các thôn, bản trong xã.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu cùng người dân địa phương phát quang, kiểm tra đường ống dẫn nước về bản.
Nước ở Tả Gia Khâu rất hiếm, do nhiều nguyên nhân. Đất đai ở đây nhìn có vẻ tơi xốp, nhưng khi mưa xuống thì lộ nguyên hình là một dạng đất pha cát; bao nhiêu nước trên trời trút xuống cứ theo nhau “trốn đi đâu mất”. Đất không giữ được nước thì cây cối không phát triển được, là một trong những nguyên nhân dẫn đến đất trống đồi trọc, đồi núi bị sa mạc hóa. Người dân không có nước sản xuất và sinh hoạt nên xin chuyển cư đi nơi khác. Cái vòng luẩn quẩn ấy đã bao năm nay, nhưng để tìm ra được lối thoát quả là nan giải.
Nghe các cụ cao niên trong thôn kể lại, trước đây có một khe nước nhỏ chảy từ trên núi cao xuống, là nguồn nước sinh hoạt của mấy thôn, bản quanh vùng, nhưng sau này, khi núi đồi trơ trọi, nguồn nước đó cạn dần rồi mất hẳn. Mấy năm trước, người dân và bộ đội tìm được một nguồn nước ngầm từ trên núi Phìn Chư, tuy nhỏ, nhưng nước rất trong và mát, nếu giữ gìn tốt có thể bảo đảm đủ nước sinh hoạt cho đồn biên phòng và hơn 100 hộ dân quanh vùng. Được Nhà nước đầu tư hệ thống bể lắng, đường ống dẫn nước từ trên núi cao về, nhưng do ý thức giữ gìn của người dân chưa cao; khi có nước, mọi người đổ xô đi lấy, nào can, nào thùng, nào chậu, nhưng khi đường ống bị vỡ, bị hỏng, bể nước cạn… là bà con không đến nữa; lại mỗi nhà mấy chiếc can nhựa, “cưỡi” xe gắn máy đi lấy nước ăn mãi tận xã Pha Long, cùng huyện Mường Khương.
Đường ống dẫn nước từ trên núi về đồn biên phòng phải đi qua nhiều chân ruộng của bà con. Đến mùa cấy lúa, nước đi qua khu ruộng nhà nào, bà con tự tiện tháo đường ống ra, gọi là "bộ đội cho dân xin một ít nước". Thậm chí có người đi làm nương về, qua bể đầu nguồn, tiện thể vào rửa chân tay, rồi cởi luôn áo ra cho vào bể mà giặt, để “mai còn đi chợ". Những lúc như vậy, anh em biên phòng vừa thương vừa giận, nhưng xét cho cùng do ý thức của người dân chưa cao, trong đó có trách nhiệm của Bộ đội Biên phòng. Vấn đề đặt ra là bộ đội phải tuyên truyền cho dân hiểu, cùng tham gia giữ gìn nguồn nước chung.
Những nẻo đường nước sạch về bản
Tối nay, cũng như bao tối khác, khi bản tin dự báo thời tiết quen thuộc trên đài truyền hình kết thúc, vẫn là điệp khúc "Ngày nắng, đêm không mưa", khi những người dân đi làm nương cuối cùng trở về nhà, thì đội “săn nước” của Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu bắt đầu xuất phát. Bốn anh em, gồm đội trưởng Giàng A Trú; đội phó Nguyễn Quốc Huy; hai chiến sĩ Hoàng Seo Pao và Phàn Láo Lù nai nịt gọn gàng, người mang cuốc xẻng, người dao phát, người mang kìm, ống nhựa, dây cao su, mỗi người đều mang trên đầu một chiếc đèn pin, trông như những người đi săn. Cả tổ rời cổng đồn mò mẫm theo lối mòn chạy dọc theo đường ống dẫn nước ven núi đi về phía thượng nguồn khe cạn. Công việc đầu tiên là anh em phải kiểm tra đường ống xem có chỗ nào bị hở, bị vỡ, bị người dân tháo ra…, tiếp đó tiến hành sửa chữa, gia cố lại.
Đường rừng ban đêm vô cùng khó đi, nhiều đoạn vách đá dựng đứng, lởm chởm. Thượng úy Giàng A Trú, đội trưởng, đi trước dẫn đường, anh em phải "tăng bo" từng người lên một, người lên trước dùng gậy kéo người đi sau, người sau soi đèn cho người trước, chỉ cần sơ sẩy mà trượt chân là rách da, thịt như chơi. Vẫn biết, với người chiến sĩ, khó khăn gian khổ là chuyện bình thường, nhưng mỗi tuần phải mấy lần đi “tuần nước”, “săn nước” như vậy quả là vất vả.
- “Chỗ này ai mới tháo ống ra để lấy nước này!" - Đại úy Huy, đội phó, vừa nói vừa chỉ theo hướng đèn pin lia tới. Đoạn ống trước mặt bị vỡ, nước đang tuôn chảy. Đoạn kia là đường nước rẽ về thôn Sín Chải, chắc ai đó lấy nước xong không lắp lại. Anh em liền gia công lại đoạn ống; sẵn có cái cút mới mang theo, tiện thể thay luôn, hì hụi mất gần 20 phút.
Đồng hồ đã chỉ 22 giờ đêm. Cả tổ dừng lại nghỉ giải lao trên một tảng đá, ở độ cao 1.200m. Sương đêm bắt đầu xuất hiện. Lưng áo mọi người ướt đẫm, không biết vì mồ hôi, hay sương đêm; mà có lẽ vì cả hai. Đội trưởng Giàng A Trú lấy bi đông nước ra, anh không uống mà đưa cho binh nhất Hoàng Seo Pao. Thoáng chút ngập ngừng, rồi Pao đưa hai tay đón lấy.
Tiếp tục đi, đội lại phát hiện thấy một tảng đá to lăn xuống, chèn qua đoạn ống nước trước mặt. Phải làm thế nào bẩy được hòn đá ra khỏi đường ống, rồi xem tình hình thế nào để xử lý tiếp. Cả tổ đang loay hoay tìm cách giải quyết, thì binh nhất Phàn Láo Lù đã nhanh nhẹn kiếm đâu được một đoạn cây dài làm đòn bẩy. Năm anh em hè nhau luồn đoạn cây xuống dưới tảng đá, người vít, người đẩy. Hai… ba… nào! Hai… ba… nào! Hòn đá “cựa quậy” rồi... lật nhào về phía trước, còn đội trưởng Trú thì bật ngửa ra sau. Cả tổ được một phen cười nghiêng ngả, quên cả mệt.
“Ống vỡ mất rồi anh ạ” - đội phó Huy lật đoạn ống bị đá chèn lên, chỉ cho đội trưởng Trú xem. Làm thế nào bây giờ? Ống gãy thì còn buộc lại được, chứ ống dập thế này thì thay thế ra sao? Đêm đã khuya, mà quay về đồn lại khá xa. Nếu không khắc phục được thì mai đơn vị không có nước ăn, ban ngày lại đến “phiên” lấy nước của bà con rồi. Binh nhất Pao trầm ngâm đưa ra sáng kiến: “Theo em bây giờ mình chặt tạm một đoạn vầu, bổ đôi ra, khoét mấu đi, rồi ốp lại theo đường ống, lấy dây cao su mang theo buộc lại. Khi nắng lên, ống vầu khô dần, co lại, ốp vào ống kẽm càng chắc, hôm khác ta mua ống mới lên thay sau.
- Hay đấy, làm như vậy đi! - Binh nhất Lù là người đi lấy ống vầu, mấy anh em loay hoay một lát, rồi đoạn ống bị dập cũng được khắc phục xong.
Gần nửa đêm, cả đội lên đến bể đầu nguồn, mệt bở hơi tai, nhưng cũng đã muộn, không dám nghỉ lâu. Đội trưởng Trú dẫn Lù và Pao đi kiểm tra nốt đoạn ống dẫn từ hốc đá ra bể, còn đội phó Huy vệ sinh xung quanh bể và đấu nối chắc đường nước từ bể vào đường ống. Mỗi người một việc, người khơi nguồn nước, người thau bể, người phát dọn xung quanh…, thành thạo như những công nhân chuyên nghiệp.
"Làm ván cờ anh nhỉ!" - đội phó Huy vừa nói vừa lấy trong cái túi nải đeo bên người bộ cờ tướng mi ni. Thì ra, anh em đi “săn nước” đã có kinh nghiệm. "Đánh cờ, chờ nước" là câu cửa miệng, ở đồn ai cũng biết. Bốn cái đầu chụm lại, ánh đèn pin chiếu vào một chỗ. Huy với Lù một bên, Trú với Pao một bên. “Giải thưởng” ngày mai sẽ là một chầu mì tôm với trứng vịt lộn, vậy mà vui đáo để. Đêm vì thế cũng đỡ dài hơn.
"Nước đầy bể rồi anh ơi!" - Pao reo lên sau khi trèo lên nắp bể soi đèn pin kiểm tra mực nước. Mai có nước cho bộ đội dùng rồi. Đội trưởng Trú cho anh em xả nước vào đường ống, rồi hạ lệnh “rút quân”.
Tang tảng sáng, mấy anh em theo con đường cũ trở về đến đồn. Đường xuôi dốc đi nhanh hơn, Trú đi sau cùng, trong đầu mông lung suy nghĩ. Không hẳn do mệt, bởi đối với các anh điều đó đã trở nên bình thường. Cái chính là một đêm đi lấy nước không ngủ đã để lại trong anh không ít suy tư về những khó khăn, gian khổ mà cán bộ, chiến sĩ biên phòng nơi đây đã và đang trải qua, hiểu được cuộc sống vất vả của người dân đang bám trụ biên cương, nơi "Trường Sa cạn".
"Giữ dân, giữ nước", nhiệm vụ ấy thật đúng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia luôn được các anh hoàn thành. Nhưng để quần chúng nhân dân đồng hành tham gia cùng Bộ đội Biên phòng giữ yên biên giới thì phải giúp họ ổn định cuộc sống ngay trên quê hương, trong đó nước sinh hoạt, sản xuất là vô cùng quan trọng. Vấn đề của Tả Gia Khâu không chỉ là tìm đâu ra nguồn nước, mà phải làm thế nào để giữ nước ở lại với dân, với bộ đội. Từ việc xây bể tích nước mưa để dự trữ như một thứ tài sản quý, đến việc tuyên truyền vận động để người dân nâng cao ý thức giữ gìn, tiết kiệm tài nguyên nước, hay xa hơn nữa là việc trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc… mà Bộ đội Biên phòng cùng nhân dân trong xã đang thực hiện. Các dự án đang triển khai, những cánh rừng sa mộc, những đồi trẩu, nương vối thuốc… được trồng mấy năm trước đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất, giờ đang bén rễ vươn cao trong nắng gió, sương mù... Có cây rồi sẽ có rừng, có rừng thì nước sẽ ở lại với Tả Gia Khâu. Khó khăn sẽ dần bị đẩy lùi, cuộc sống sẽ ngày một khá lên, bớt đi những khó khăn, nhọc nhằn bấy lâu nay.
Những đêm xuyên rừng đi giữ nguồn nước của cán bộ, chiến sĩ Đội “săn nước” ở Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu hôm nay, sau này sẽ luôn là những kỷ niệm đẹp, đáng nhớ của một thời quân ngũ và là bài học thực tiễn sinh động cho thế hệ đi sau, qua đó để hiểu thêm giá trị cuộc sống, về tình đoàn kết quân - dân gắn bó nơi “Trường Sa cạn” trên vùng đất biên cương Tổ quốc.
Bài và ảnh: NGUYỄN TRỌNG MẠCH