Những món quà nặng nghĩa tình

Không khí trong căn nhà ở số 7/11, đường Lê Tự Tài, phường 4, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh buổi sáng hôm đó vui tươi khác thường. Tảng sáng, dì Mười đã dậy để chuẩn bị đón bà Phan Thị Cháu, là mẹ của liệt sĩ Lê Đức Hồng, hy sinh tại vùng biển DK1 và hai vợ liệt sĩ khác hy sinh ở Trường Sa, vùng biển DK1. Niềm vui của dì được nhân lên khi được gặp những người mà dì từng tâm niệm góp một chút tiền, quà để động viên, giúp họ bớt phần khó khăn trong cuộc sống. “Chồng, con của họ hy sinh ở Trường Sa, DK1, đó là những mất mát không gì bù đắp được. Với những phần quà nhỏ bé này, dì hy vọng sẽ phần nào làm ấm lòng mẹ và vợ liệt sĩ”-bà Mười xúc động nói với chúng tôi, sau khi trao quà tặng thân nhân các liệt sĩ.

Chị Vương Thị Trâm (đứng giữa) và chị Nguyễn Thị Dung-thân nhân liệt sĩ xúc động khi nhận quà tặng của dì Mười. 
Năm nay gần tuổi 80, vượt hơn 100 cây số từ TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về TP Hồ Chí Minh, trên đường đi, bà Cháu luôn nóng lòng mong được gặp dì Mười-người mà trước Tết Nguyên đán Bính Thân đã gửi biếu bà 3 triệu đồng qua đường bưu điện. Lần này, trực tiếp nhận phần quà của dì Mười, bà Cháu run run xúc động, nói: “Cảm ơn bà. Phần quà này tui sẽ đặt lên bàn thờ cúng cháu Hồng”. Rồi hai mái đầu tóc bạc trắng kề sát nhau, rưng rưng nước mắt.

Cùng nhận quà sáng hôm đó có chị Vương Thị Trâm, là vợ của liệt sĩ Dương Văn Bắc, hi sinh khi làm nhiệm vụ tại nhà giàn DK1 cuối năm 2014. Chị Trâm mắt đỏ hoe nhìn dì Mười nghẹn ngào nói: “Con cảm ơn dì nhiều lắm!”. Chị chỉ nói được vậy rồi ôm con trai. Nước mắt người vợ liệt sĩ cứ lăn dài trên má. Chị hiểu, phần quà của dì Mười sẽ làm chị ấm lòng hơn, góp phần xoa dịu nỗi đau mà gần hai năm qua chị vẫn chưa thể nguôi ngoai trong lòng. Cũng trong tình cảm biết ơn, chị Nguyễn Thị Dung, vợ của liệt sĩ Phan Văn Hạnh, hy sinh tại đảo Tốc Tan C, quần đảo Trường Sa, chia sẻ: “Từ ngày anh Hạnh hi sinh, em như không còn chỗ dựa. Hằng đêm, em vẫn mơ thấy anh về. Tấm lòng nhân ái của dì Mười làm mẹ con em vô cùng xúc động”. 

Chia sẻ về những phần quà tặng thân nhân liệt sĩ hy sinh tại Trường Sa và DK1, dì Mười cho biết, sau khi đọc bài báo “Hoa sóng nhà giàn” đăng trên Báo Sài Gòn giải phóng ngày 12-1-2016, dì đã có ý định tặng quà cho thân nhân các liệt sĩ. Ngay sau đó, dì đã liên hệ với Báo Sài Gòn giải phóng xin điện thoại của tác giả bài báo và nhờ kết nối với bà Cháu-mẹ của liệt sĩ Hồng. Bằng tấm lòng nhân ái, dì Mười đã gửi tặng bà Cháu 3 triệu đồng trước Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Dì nói với chúng tôi: “Đối với gia đình thân nhân liệt sĩ Trường Sa và DK1, dì coi việc tặng quà chỉ là một chút tri ân. Các đồng chí ấy đã không tiếc máu xương hy sinh để bảo vệ biển đảo. Gia đình các anh thiệt thòi rất nhiều, mình phải tìm cách giúp đỡ, tri ân”.

Lòng nhân ái, sự hỗ trợ, sẻ chia của dì Mười không chỉ đối với thân nhân các liệt sĩ, mà có cả những phận đời éo le, cùng cực; những học sinh nghèo khó; những thầy cô giáo đang gặp nhiều khó khăn giữa rừng già huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Việc dì hỗ trợ gần 20 triệu đồng giúp các em học sinh Trường Tiểu học Phước Cát 2, xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng có sách vở, bút mực để học tập và giúp 6 thầy cô giáo ở trường này vơi bớt khó khăn, đã làm lay động bao trái tim. Ẩn sâu trong những tấm áo ấm, cuốn vở học sinh, những bao gạo được mua từ TP Hồ Chí Minh vượt hơn 500 km đến với các thầy cô giáo, là bao mồ hôi, tâm huyết, nhân ái và nhiều đêm thao thức, trăn trở của dì.

Tất cả số tiền hỗ trợ và mua quà tặng đều do dì Mười tiết kiệm từ lương hưu. “Mỗi lần lĩnh lương, dì dùng một nửa để tiêu dùng, còn một nửa bỏ ống tiết kiệm. Mỗi lần làm được việc nghĩa, việc đức, dì lại như khỏe ra, thêm vui. Cả đời mình cống hiến cho cách mạng, giờ mình góp thêm một chút cũng là trách nhiệm với các con, các cháu”-dì chia sẻ với chúng tôi.

Ước nguyện tri ân, làm việc nghĩa

Nhiều người dân địa phương đều biết chuyện dì Mười bán căn biệt thự của mình, rồi trích một phần tiền mua 14 tấn gạo gửi ra miền Trung giúp đồng bào bị nạn trong trận lũ lụt lịch sử năm 1999.

17 năm trước, vào đầu tháng 11-1999, cơn lũ lịch sử tràn qua, tàn phá miền Trung. Các địa phương từ Quảng Trị đến Bình Định chìm trong biển nước; bị thiệt hại nặng nhất là các tỉnh: Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam. Lúc đó, dì Mười đang ở căn biệt thự do nhà nước phân cho ở số 78 Đặng Văn Ngữ, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh. Trăn trở trước nỗi đau của bao gia đình bị lũ cuốn trôi, cảnh đói khát của người dân miền Trung, dì quyết định bàn với con gái bán căn biệt thự, để trích một phần tiền mua gạo đi cứu trợ. Nghe tin đó, nhiều người dân địa phương sửng sốt; có người đến nói thẳng với dì: “Bà bán nhà lấy chi mà ở. Hỗ trợ cũng vừa thôi chớ?”. Dì bảo: “Tui suy nghĩ kỹ rồi. Căn nhà của nhà nước cấp cho tui, giờ thấy đồng bào mình đói khát, cơ hàn do bị lũ lụt, nên tui bán để giúp đồng bào”.

Sau khi bán căn nhà biệt thự, dì Mười trích tiền mua 14 tấn gạo và nhờ Mặt trận Tổ quốc phường thuê xe, chở gạo ra cứu trợ đồng bào các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (mỗi địa phương được dì ủng hộ 2 tấn gạo). Hơn 20 mẹ Việt Nam anh hùng ở các tỉnh miền Trung cũng được dì tặng mỗi người 500.000 đồng và 50kg gạo. Với đồng đội cũ, dì tặng mỗi người một chỉ vàng. Ngày rời căn biệt thự đã gắn bó với dì bao kỷ niệm vui buồn, thăng trầm trong cuộc sống, dì ngậm ngùi rơi nước mắt. Nhưng nỗi đau mất nhà, đói khát của đồng bào miền Trung luôn thôi thúc trái tim dì. Số tiền còn lại, dì mua căn nhà nhỏ ở số 7/11, đường Lê Tự Tài, phường 4, quận Phú Nhuận, mà dì và gia đình đang ở hiện nay. Trong căn nhà nhỏ, tuy chưa đẹp, nhưng luôn đầy ắp tiếng cười của vợ chồng người con gái và cháu ngoại. Còn trái tim dì luôn bừng lên niềm vui vì được làm việc nghĩa, được thương yêu, cống hiến cho đời.

Dì Mười lật đi lật lại tờ báo Tuổi trẻ có đăng bài “Xây đền tưởng niệm 64 anh hùng Gạc Ma”. Mắt dì rưng rưng nhìn vào tấm ảnh thả hoa tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma, rồi bộc bạch: “Nay dì đã già, không đến Trường Sa được, nhưng dì muốn góp một chút công sức, kinh phí tri ân các liệt sĩ”.

Dì Mười đưa cho tôi xem “Chương trình tặng quà thân nhân liệt sĩ Gạc Ma” và cho biết: “Ngày 27-7 tới đây, dì sẽ đi ra Cam Ranh dự lễ khánh thành tượng đài tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma và tặng quà thân nhân liệt sĩ. Toàn bộ số tiền tặng lần này, dì tiết kiệm từ lương hưu suốt hàng chục năm qua”.

Dì Mười quê ở Phú Yên. Từ năm 14 tuổi, dì đã tham gia hoạt động cách mạng trong lực lượng Công an tỉnh Phú Yên, rồi chuyển sang phục vụ quân đội. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dì luôn dũng cảm, kiên cường trong đấu tranh cách mạng. 9 năm bị giam cầm trong chốn lao tù ở Khám Chí Hòa, 3 năm bị giam cầm ở Côn Đảo, đã hun đúc trong dì tình thương yêu đồng đội, tình yêu Tổ quốc. Trái tim dì cũng luôn hướng về những người bần hàn, nghèo khổ.

85 tuổi đời, 68 năm tuổi Đảng, 25 năm qua, dì Mười lặng thầm làm việc nghĩa không phải để được tiếng, mà xuất phát từ tình thương và trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên, nhất là đối với thân nhân liệt sĩ, người nghèo... Trong cuộc sống đời thường, dì luôn nhiệt tình tham gia công tác ở địa phương. Lòng nhiệt huyết, tình yêu thương của người chiến sĩ cộng sản đối với đồng chí, đồng bào trong dì chưa bao giờ vơi cạn.

Bài và ảnh: MAI THẮNG