4 kỳ làm Chủ tịch Hội Nữ hộ sinh Việt Nam

Đến TP Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế), hỏi về nữ hộ sinh Phan Thị Hạnh thì rất nhiều người biết. Gia đình chị có 4 người và tất cả đều gắn với nghiệp y. Chồng chị Hạnh là bác sĩ chuyên ngành giải phẫu bệnh, hiện là Trưởng khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh viện Trung ương Huế. Nối nghiệp cha, con trai chị quyết tâm học bác sĩ chuyên ngành ung thư, còn cô con gái là bác sĩ sản khoa theo ngành của mẹ. Chị Hạnh sinh năm 1953, trước giải phóng chị theo học Trường Nữ sinh Quốc gia Huế, tốt nghiệp thủ khoa nên chị được trường giữ lại làm giảng viên. Sau năm 1975, chị được Sở Y tế Thừa Thiên-Huế  điều lên công tác tại bệnh viện huyện miền núi Nam Đông. Sau gần 2 năm công tác ở đây, chị được Sở Y tế điều về làm công tác truyền thông giáo dục y tế tại Phòng Truyền thông-Giáo dục y tế. Đến năm 1979, chị được phân công giảng dạy tại Trường Trung học Y tế Huế. Sau 10 năm công tác ở trường, chị được chuyển về Sở Y tế tỉnh làm công tác đối ngoại và phụ trách mảng truyền thông giáo dục sức khỏe. Với những thành tích cao trong công tác, năm 1995, chị được bầu làm Chủ tịch Hội Nữ hộ sinh Việt Nam và giữ chức vụ đó cho đến nay...

Chị Phan Thị Hạnh (đứng giữa) trong lễ trao Giải thưởng Midwives4all - Nữ hộ sinh xuất sắc toàn cầu năm 2016. 

Để có được vinh dự là người Việt Nam đầu tiên đón nhận danh hiệu Nữ hộ sinh xuất sắc toàn cầu năm 2016, chị Phan Thị Hạnh đã vượt qua sự cạnh tranh gắt gao của hàng nghìn nữ hộ sinh trên thế giới. Bà Camilla Mellander, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cho biết, nữ hộ sinh là một trong những nguồn lực cơ bản thuộc mạng lưới y tế, họ đóng vai trò quan trọng, góp phần đắc lực trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản của người dân. Việt Nam có một mạng lưới nữ hộ sinh làm việc từ thành thị đến nông thôn và họ đảm nhiệm đa số các hoạt động về chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, đặc biệt là công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và sức khỏe sinh sản. Khoảng 70% phụ nữ Việt Nam sinh sống ở các vùng nông thôn, họ phải gánh vác các công việc đồng áng nặng nhọc, quanh năm tất bật với cuộc sống gia đình, ít có điều kiện học hành, sinh nhiều con lại thiếu hiểu biết cơ bản về kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, kiến thức bảo vệ thai nhi, nên thường gặp nhiều tai biến trong lúc mang thai cũng như sinh đẻ. Còn các em gái ở lứa tuổi vị thành niên, do e ngại, mặc cảm, tự ti, thiếu sự hiểu biết về sức khỏe sinh sản nên nhiều em đã mang thai ngoài ý muốn, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, kể cả HIV/AIDS. Đó là những nguyên nhân ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ và vị thành niên, đặc biệt là phụ nữ và vị thành niên sống ở vùng nông thôn, vùng xa.

Năm 1990, Bộ Y tế cử một nữ hộ sinh là chị Phan Thị Hạnh tham gia Đại hội đại biểu nữ hộ sinh toàn thế giới tại Kobe (Nhật Bản). Nhận thức được từ những hoạt động của hội nữ hộ sinh trên toàn thế giới và từ những hoàn cảnh khó khăn của phụ nữ Việt Nam, chị Hạnh đã quyết tâm xây dựng Hội Nữ hộ sinh Việt Nam với sự ủng hộ của các bạn đồng nghiệp quốc tế và trong nước. Được sự giúp đỡ của Tổng hội Y học Việt Nam, Bộ Y tế, đặc biệt là bà Chieko Nohno, một Thượng nghị sĩ của Nhật Bản (sau này là Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản), Hội Nữ hộ sinh Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập vào tháng 12-1995. Tới năm 1996, Hội Nữ hộ sinh Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên đoàn Nữ hộ sinh toàn cầu.

Đại hội đại biểu toàn quốc đầu tiên của Hội Nữ hộ sinh Việt Nam đã bầu chị Phan Thị Hạnh làm Chủ tịch hội. Trên cương vị đó, chị Hạnh đã luôn sát cánh cùng các chị em trong hội, dẫn dắt hội phát triển. Hiện nay, hội đã có gần 6.000 hội viên. Từ khi thành lập hội, chị Hạnh đã xây dựng nhiều chương trình, dự án hướng tới phụ nữ nghèo vùng sâu, vùng xa. Đến nay, Hội Nữ hộ sinh Việt Nam đã cung cấp được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc bà mẹ và trẻ em cho hàng ngàn bà mẹ, trẻ em, phụ nữ, trẻ vị thành niên, thanh niên nghèo ở các vùng sâu, vùng xa như: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa. Chị Hạnh cũng đã xây dựng được các chương trình, dự án nhằm đào tạo lại cho các chị em nữ hộ sinh công tác ở những vùng sâu, vùng xa, nơi ít có cơ hội cập nhật kiến thức, kỹ năng về hộ sinh.

Thành tích nổi bật nhất trong công tác hội là chị đã xây dựng được dự án “Thiết lập mô hình chăm sóc sức khỏe phụ nữ và nâng cao năng lực cho hộ sinh tuyến cơ sở”. Thông qua dự án này, Hội Nữ hộ sinh Việt Nam đã được Bộ Ngoại giao Nhật Bản tài trợ để xây dựng trụ sở hội và một Trung tâm tư vấn và dịch vụ sức khỏe sinh sản. Cũng từ trung tâm này, nhiều phụ nữ nghèo ở thành phố, các vùng nông thôn lân cận đã được nhận nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản miễn phí với chất lượng cao trong môi trường khám, chữa bệnh thân thiện, kín đáo, riêng tư và đầy tính nhân văn.

Năm 2002, chị Phan Thị Hạnh được Liên đoàn Nữ hộ sinh quốc tế và Trường Đại học Colombo (Hoa Kỳ) trao tặng giải thưởng “Vì sức khỏe phụ nữ và trẻ em”. Đến năm 2004, chị lại được Tổng hội Y học Việt Nam trao tặng Bằng khen vì những đóng góp cho sức khỏe phụ nữ và trẻ em. Đặc biệt, trong suốt 4 kỳ đại hội, chị Hạnh đều được các hội viên tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Nữ hộ sinh Việt Nam.

Đánh giá đúng vai trò nữ hộ sinh

Tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong mẹ và bé đã giảm nhiều sau từng năm, nhưng phụ nữ ở những vùng sâu, vùng xa vẫn có nguy cơ cao liên quan đến thai nghén, sinh đẻ do thiếu sự tiếp cận về các dịch vụ y tế. Chị Phan Thị Hạnh tâm sự, chị đã từng làm ở Bệnh viện huyện Nam Đông, vùng miền núi của Thừa Thiên-Huế khi đất nước mới giải phóng. Cuộc sống tự cung, tự cấp, cái ăn, cái mặc còn thiếu thốn nên vật chất của bệnh viện nơi đây rất khó khăn. Kỷ niệm sâu sắc đối với chị trong những ngày đầu làm công tác nữ hộ sinh ở đây là vào một buổi chiều, có một người phụ nữ đến Bệnh viện huyện Nam Đông để sinh con. Sau khi chẩn đoán người phụ nữ này đang trong tình trạng bị đe dọa vỡ tử cung, chị Hạnh đã quyết định cùng người nhà sản phụ đưa sản phụ lên bệnh viện tuyến trên để cấp cứu. Con đường xa ngái, lại thêm cơn mưa to của ngày hôm trước khiến đất đá sạt lở suốt quãng đường đi, đó là còn chưa kể thú dữ có thể nhảy ra vồ bất cứ lúc nào. Chị Hạnh đã cùng người chồng sản phụ gánh sản phụ đi từ 2 giờ đêm, vượt 25km đường rừng để ra đường cái đón xe về Bệnh viện Trung ương Huế mổ đẻ. Rất may mắn là sản phụ đã được cấp cứu kịp thời, cháu bé sinh ra khỏe mạnh.

Cùng với những niềm vui, thì có những câu chuyện buồn đeo đẳng chị và các đồng nghiệp. Đó là một lần chị Hạnh và đồng nghiệp vượt 7km đường rừng đến đỡ đẻ cho một sản phụ. Đến nơi trời đã chạng vạng tối, chị và nữ đồng nghiệp đến không kịp, sản phụ đã chết mà chưa kịp sinh con. 3 lần sinh trước, người phụ nữ này theo tục lệ ở địa phương đã sinh con tại nhà, nhưng đến lần thứ 4 thì...

Câu chuyện thật đáng buồn nhưng nó lại phản ánh một thực tế ở những vùng xa xôi, nơi các phương tiện đi lại khó khăn thì nguy cơ tai biến của sản phụ càng cao trong những ca cần phải chuyển tuyến gấp. Cũng thật trăn trở vì nhiều sản phụ và người thân của họ không có kiến thức về làm mẹ an toàn, nên khi gặp tình huống hiểm nguy thì họ không biết, không đưa sản phụ đến bệnh viện để được xử lý kịp thời.

Trên thế giới, nữ hộ sinh được coi là những “chiến sĩ thầm lặng" trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Nhưng tại Việt Nam, từ thời xa xưa, mỗi nữ hộ sinh khi đỡ xong một ca “mẹ tròn con vuông” là hoàn thành nhiệm vụ. Nữ hộ sinh hiện nay ngoài công việc chuyên môn của mình còn phải tham gia vào những chương trình y tế khác. Với yêu cầu công việc ngày càng cao, trong khi công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản nhiều nguy cơ tiềm ẩn nên họ phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thiệt thòi, xã hội lại chưa đánh giá đúng vai trò của nữ hộ sinh. Chị Hạnh tâm sự: “Được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế, khó khăn của các nữ hộ sinh ở vùng sâu, vùng xa đã giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trạm y tế khó khăn, nhất là ở những vùng không có nước. Nhiều sản phụ người dân tộc thiểu số đi đẻ dứt khoát không lên bàn đẻ mà đòi đứng đẻ hoặc ngồi đẻ. Vì vậy, khi đào tạo các "cô đỡ" ở các thôn, bản hiện nay cũng phải cải tiến để phù hợp với phong tục, tập quán đồng bào các dân tộc và thực tế ở từng vùng miền, biết tiếng dân tộc để phục vụ tốt hơn cho những sản phụ là người dân tộc thiểu số, giảm tỷ lệ tử vong cho các bà mẹ và cháu bé khi sinh".

GS, TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng: Ở Việt Nam, nữ hộ sinh là một trong những nguồn nhân lực quan trọng nhất của hệ thống y tế. Những năm qua, Hội Nữ hộ sinh Việt Nam dưới sự lãnh đạo của chị Phan Thị Hạnh đã thực hiện nhiều dự án cải thiện sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em nghèo tại khu vực nông thôn. Hội đã tổ chức được nhiều khóa đào tạo và đào tạo lại cho các nữ hộ sinh làm việc tại vùng sâu, vùng xa để cập nhật những kiến thức và kỹ năng quan trọng về hộ sinh, vì ở những vùng xa xôi này, sự an toàn của bà mẹ và em bé chủ yếu nằm trong tay họ...

Đại sứ Thụy Điển Camilla Mellander cho rằng: “Chúng ta phải cùng nhau tôn vinh hàng nghìn nữ hộ sinh trên thế giới và ở Việt Nam, những người đã và đang nỗ lực ngày đêm để cứu sống nhiều phụ nữ và trẻ sơ sinh. Họ là những anh hùng thầm lặng. Bà Phan Thị Hạnh là một trong những hình mẫu như vậy”.

Bài và ảnh: AN AN