Không đủ cân nên phải…xin nhập ngũ
Kháng chiến chống Mỹ, thanh niên trai tráng được gọi lên đường thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng đối với Tổ quốc. Nhưng với Trần Văn Thi, để được lên đường đánh giặc, ông phải viết đơn xin tổ chức, bởi cân nặng của ông không đủ!
Theo lời giới thiệu của đồng chí Vũ Duy Trung, cán bộ Lao động – Thương binh xã hội xã Tân Lập, huyện Vũ Thư (Thái Bình), chúng tôi tìm về thôn Tang Bổng - nơi cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Thi đang sinh sống. Năm nay đã 69 tuổi nhưng ông Thi còn tráng kiện lắm. Người đàn ông có vóc dáng cao lớn, mái tóc bạc trắng vẫn đang thả hồn vào mấy chậu cảnh trước nhà khi chúng tôi gõ cổng.
Bên ấm trà nóng, CCB Trần Văn Thi đưa chúng tôi trở lại với cái thời thanh niên cả nước hừng hực khát vọng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Năm 1965, chàng thanh niên Trần Văn Thi vừa tròn 18 tuổi. Đó là cái tuổi mà thanh niên khỏe mạnh, lành lặn, đủ cân nặng, chiều cao đều được gọi lên đường tòng quân. Em trai ông là Trần Văn Đua cũng có tên trong danh sách nhập ngũ đợt đó, nhưng ông thì lại không.
Ông Thi chia sẻ: “Tôi không có giấy gọi nhập ngũ bởi khi đó tôi cao gần 1,7 mét mà cân nặng chỉ có 37 ki-lô-gam. Để được lên đường đánh giặc, tôi phải viết đơn xung phong nhập ngũ”.
CCB Trần Văn Thi nâng niu kỷ vật gắn bó với ông trong những năm tháng ở chiến trường.
Ngày 15-9-1965, hai anh em “Thi, Đua” cùng lên đường ra chiến trường, để rồi sau đó cùng nhau thi đua thực hiện nhiệm vụ trên các mặt trận. Ông Thi bảo, kể từ khi nhập ngũ đến khi phục viên, ông có 16 năm 8 tháng chiến đấu ở khắp các chiến trường.
Lại nói chuyện thời gian chống Mỹ, năm 1966, ông Thi được cử vào chiến trường Xa Van Na Khét (Lào), đảm nhiệm vai trò chiến sĩ công binh của Đoàn 559. Thời gian đó có rất nhiều đồng đội của ông bị thương khi làm nhiệm vụ tại chiến trường ác liệt. Nửa thế kỷ đã trôi qua, song ông vẫn nhớ như in kỷ niệm về một lần hiến máu cứu đồng đội. Trong thời chiến, thuốc men thiếu, cơ sở vật chất phục vụ cấp cứu, chữa trị nghèo nàn, là điều dễ hiểu, song máu dự trữ để cứu chữa bệnh nhân còn khó khăn, thiếu thốn hơn nhiều. Cũng trong năm 1966, có một chiến sĩ bị thương nặng ở bụng, mất nhiều máu, bác sĩ đã cho dùng thuốc cầm máu nhưng tình hình rất nguy cấp, nếu không được truyền máu kịp thời thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Mặc dù người xanh rớt, gầy còm, cân nặng vỏn vẹn 37 ki-lô-gam, song Trần Văn Thi vẫn xung phong hiến máu phục vụ cấp cứu cho chiến sĩ nọ. Nhờ được truyền máu kịp thời nên người đồng đội ấy đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Ngần ấy năm gắn bó với chiến trường, chiến sĩ Trần Văn Thi cũng không ít lần chết hụt. Ông nhớ lại: “Năm 1968, sau khi làm nhiệm vụ về, sáu anh em chúng tôi vừa ngồi vào mâm cơm thì máy bay B52 của Mỹ tới ném bom, khiến 5 đồng chí hy sinh, tôi may mắn thoát chết nhưng cũng bị thương sọ não”.
Nhận thấy Trần Văn Thi là người ham học hỏi, sáng tạo, lại có tư chất thông minh nên chỉ huy đã cử anh đi học cấp tốc về kỹ thuật sửa chữa xe. Sau đó, Trần Văn Thi được chuyển sang ngành vận tải quân sự, tham gia vận chuyển súng đạn, chi viện cho chiến trường. Năm 1979, khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, Trần Văn Thi lại tiếp tục có mặt tại Lào Cai, chỉ huy trạm sửa chữa ô tô của Trung đoàn pháo cao xạ 256 (Quân khu 2). Năm 1982, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông tiếp tục trở về xây dựng quê hương. Người CCB đã cho chúng tôi xem những vật dụng gắn bó với ông những năm trận mạc, và không giấu niềm tự hào khi nói về tấm Huân chương Chiến công, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất và nhiều huân, huy chương và bằng khen…
Năng động vươn lên làm giàu
Trải qua hai cuộc chiến tranh, ngỡ tưởng chỉ còn lại những ngày hạnh phúc dành cho ông Thi và gia đình thì ông lại phải chứng kiến vợ mình chiến đấu với bệnh tim. Không đầu hàng số phận, ông cùng vợ xây dựng kinh tế và điều trị bệnh. Từ làm long nhãn, bán xe máy đến làm hoa quả xuất khẩu, ông đã nuôi 4 người con khôn lớn trưởng thành. Trong những năm làm long nhãn, mỗi năm ông thu lợi khoảng 150 đến 200 triệu đồng tiền lãi. Năm 2000, ông chuyển sang trồng sinh vật cảnh và gắn bó với nghề này từ đó đến nay. Nhờ cái nghề “thổi hồn vào những dáng cây” mà vợ chồng ông xây được nhà mới, sắm được nhiều vật dụng sinh hoạt có giá trị. Các con ông cũng nối nghiệp cha, có cuộc sống ấm no. Cùng với phát triển kinh tế gia đình, CCB Trần Văn Thi cũng chú trọng việc giáo dục lối sống, gìn giữ truyền thống tốt đẹp của gia đình. Ông vẫn thường kể những câu chuyện khi tham gia chiến đấu để giáo dục cho con cháu trân trọng quá khứ, cố gắng sống và làm việc thật tốt. Noi gương người cha, các con, cháu ông đều nỗ lực phấn đấu vươn lên, hiện một người con trai của ông là cán bộ chủ chốt của xã; một người con gái của ông là giáo viên; một cháu nội hiện đang là học viên của Học viện Hải quân.
CCB Trần Văn Thi chăm sóc cây cảnh.
Câu chuyện chợt chùng xuống, và nét mặt CCB Trần Văn Thi thoáng đăm chiêu. Ông bảo vẫn thường nhớ về những người đồng đội kém may mắn hơn mình khi gửi lại thân mình nơi chiến trận. Bởi thế ông luôn tâm niệm phải dồn hết sức mình cho các hoạt động xã hội, đặc biệt là các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thực hiện chính sách với người có công với cách mạng. Ngay từ khi kinh tế gia đình còn khó khăn, năm 1984, ông đã thành lập và duy trì hoạt động của tổ thương binh tình nghĩa, gồm 29 anh em, sẵn sàng giúp đỡ nhau khi thuận lợi cũng như lúc khó khăn. Không giữ “bí quyết” làm giàu cho riêng mình, ông còn tích cực giúp đỡ đồng đội thoát nghèo và làm giàu. CCB Vũ Văn Nga, người đã được ông Thi giúp đỡ trong những năm khó khăn nhất, chia sẻ với chúng tôi: “Năm 1985, gia đình tôi buôn bán bị thua lỗ, kinh tế kiệt quệ. Được anh Thi hướng dẫn làm long nhãn xuất khẩu, gia đình tôi năm nào cũng thu lãi được hơn 100 triệu đồng. Từ đó, kinh tế gia đình ngày càng ổn định. Hiện nay tôi cũng theo ông Thi làm nghề sinh vật cảnh”.
Ngoài ra, CCB Trần Văn Thi còn là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Tân Lập, Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi xã, Ủy viên Thường vụ Ban Sinh vật cảnh của xã. Trên vai gánh nhiều công việc, song công việc nào cũng được ông thực hiện chu toàn…
Đi đầu hiến đất làm đường
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, cả nước đã ghi nhận rất nhiều trường hợp tự nguyện hiến đất làm đường, làm trường học cũng như các công trình công cộng khác. CCB Trần Văn Thi cũng là một trong những điển hình như thế.
Về xã Tân Lập, hẳn nhiều người sẽ ấn tượng với con đường trục của xã dẫn từ Quốc lộ 10 qua UBND xã tới đê sông Hồng, bởi sự rộng rãi, bằng phẳng và thẳng tắp. Để con đường có được “hình hài” như hôm nay có sự hiến đất của nhiều gia đình, trong đó CCB Trần Văn Thi là người đi tiên phong.
CCB Trần Văn Thi (bên phải) bên hồ Đình làng Tang Bổng - công trình có sự đóng góp công sức của ông.
Đi qua nhà ông Thi, con đường này “ngốn” tới hơn 100m2 đất thổ cư, tính ra giá trị tiền mặt ước khoảng 300 triệu đồng. Đó quả là tài sản rất lớn đối với các hộ gia đình ở nông thôn. Trong khi đó, nhà ông đông con và mảnh đất này vợ chồng ông chắt chiu mãi mới mua được. Rất may là vợ ông Thi cũng tham gia phong trào của hội phụ nữ địa phương, nên bà ủng hộ ông trong chuyện này. CCB Trần Văn Thi đã tự nguyện đi đầu hiến hơn 100m2 đất thổ cư và phá toàn bộ tường bao, khi các hộ dân trong diện giải tỏa để mở rộng đường còn đang tính toán thiệt hơn. Sau đó, ông phải làm lại tường bao hết 67 triệu đồng. Ngoài ra, ông cùng cán bộ xã đi vận động từng nhà hiến đất. Nhìn vào tấm gương của gia đình ông, mọi người đều đồng lòng hiến đất làm đường, góp sức góp của xây dựng nông thôn mới ngày càng sạch, đẹp.
“Ông Thi là người luôn đi đầu trong các phong trào của địa phương, vừa tham mưu, vừa vận động, vừa thực hiện các công trình phúc lợi của thôn, của xã, nhất là các hoạt động đền ơn đáp nghĩa và công tác chính sách cho thương, bệnh binh của địa phương”, bà Lê Thị Hường, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Lập chia sẻ. Quả vậy, tất cả các con đường ở đây đều có dấu chân của ông, đặc biệt là con đường đê ven sông Hồng. Ông đã kêu gọi con em đi làm ăn xa quê góp công góp của để xây dựng con đường này. Đến nay, con đường đã hoàn thành và là con đường đẹp nhất xã Tân Lập. Ngoài chuyện làm đường xá, ông còn tích cực tham gia xây dựng các công trình như: Bia Tổ quốc ghi công; hồ Đình làng Tang Bổng. Ông cũng có sáng kiến vận động nhà tài trợ tổ chức mừng thọ cho các cụ trong làng hằng năm. Với những đóng góp đó, ông được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp chính quyền.
Bài, ảnh: THÙY DƯƠNG