Từ niềm đam mê đọc sách…
Năm 1965, Lê Phương vừa 18 tuổi, háo hức xin đi bộ đội. Giống như con chim, anh tung bay khắp các vùng miền từ Nam ra Bắc, từ đất liền tới hải đảo, rồi Đường 9-Nam Lào. Kể cả sang nước Nga xa xôi học tập. Cánh chim ấy chỉ khựng lại khi anh bị thương.
Ông Lê Phương và những cuốn sách quý của mình.
Quê ở xã Tân An, huyện Thanh Hà (Hải Dương), từ nhỏ Lê Phương đã ham đọc sách. Mỗi khi có tiền, anh cuốc bộ lên phố huyện Hương để mua sách. Sau này dù trong quân ngũ, hay chuyển ngành ra bên ngoài, Lê Phương vẫn giữ được nếp mua sách, đọc sách. Anh tìm chọn những cuốn sách về các lĩnh vực kỹ thuật, triết học, tôn giáo, văn hóa, lịch sử, đặc biệt là văn học. Sách như người bạn, người thầy… đã cho anh vốn tri thức phong phú, đa dạng, khiến anh càng tự tin trong các môi trường công tác.
Năm 2007, Lê Phương nghỉ hưu, với cương vị Giám đốc Công ty Điện thoại Điện báo Hải Dương. Không như các bạn làm thơ, viết báo, ông đọc, chép các tư liệu, chắt lọc từ những trang sổ tay ghi chép về những nhân vật, phong cảnh các miền quê, kể cả những ý kiến, bình phẩm của người đời, mà trong gần một cuộc đời ông âm thầm thu gom được. Tất cả được tập hợp lại, viết thành từng bài ngắn, với một ý tưởng giản dị là: Chép lại để nhớ, để truyền lại cho con cháu. Ban đầu ông đặt tên sách là “Đến những nẻo đường”. Về sau trong lần trò chuyện với bạn bè, ông đã mở thêm một ngoặc đơn, nghe cũng là lạ: "Kiến văn tạp lục thời @”.
Đến “Kiến văn tạp lục thời @”, một pho sách “khủng”
Quả thật, đây là một pho sách có thể coi là loại “khủng”. Bởi nó vừa đồ sộ về độ dày, vừa về độ dài và nội dung phong phú.
Cuốn thứ nhất có tên "Quê cha đất tổ". Ông chép những mẩu chuyện về đất và người xứ Đông. Cuốn sách có 115 bài, giới thiệu những nét chấm phá cô đọng nhất về những địa danh nổi tiếng, như: Côn Sơn, Kiếp Bạc, Thành Đông… Rồi các nhân vật lịch sử Chu Văn An, Phạm Sư Mạnh, Trần Quốc Tuấn v.v..
Từ bài đầu tiên viết “Về quê”, tức làng Song Động, xã Tân An, Thanh Hà, nơi ông sinh ra và lớn lên ra đi lập danh, lập nghiệp. Rồi từ đấy, các bài viết lan tỏa sang các miền quê khác trong tỉnh. Mỗi bài đều in 1-2 tấm ảnh màu để minh họa, có lời chú dẫn của tác giả. Đôi khi có những bài thơ của đời xưa cảm tác về các nhân vật, phong cảnh ấy. Sách được đóng bằng khổ giấy A5, bìa cứng, dày khoảng 600 trang, khá đẹp và trang trọng. Tương tự như thế, cuốn thứ 2 có chủ đề về Hà Nội; cuốn 3: Đất và người xứ Đoài-Sơn Tây; cuốn 4: Đất Kinh Bắc; cuốn 5: Đất xứ Nam,…
Chủ đề về cách mạng và người lính ông đã viết tới hàng chục cuốn. Chú ý nhất là cuốn 30, ông dành riêng về "Biển đảo Việt Nam". Hầu như tất cả các vịnh, đảo, cửa biển quan trọng của đất nước đều được viết rõ ràng mạch lạc, có chú thích tỉ mỉ. Nếu như cuốn số 52 chuyên về "Cách mạng Việt Nam", thì cuốn 64 tác giả lại sưu tầm được nhiều bài thơ hay, có chủ đề "Bài ca người lính", không quên các trận đánh lịch sử chống giặc bảo vệ Tổ quốc. Lê Phương cũng dành một cuốn 60 nói tới các nhà trí thức thời đại Hồ Chí Minh.
Có thể nói, pho sách đầy ắp những kiến thức được tác giả sưu tầm hoặc từng trải nghiệm viết nên: Từ chuyện giản dị xung quanh ông, như các loài động, thực vật, cho đến những làng quê nổi tiếng, các lăng mộ, thắng cảnh thiên nhiên đất nước, đặc điểm văn hóa các dân tộc, ông đều có bài viết khá chi tiết. Đến cuốn thứ 61, tác giả ghi chép về “Thế giới trẻ thơ”. Những hình ảnh gia súc gần gũi với dân quê như: Trâu, bò, ngựa, các loại chim chóc, các loài thủy hải sản như: Cua, cáy, ruốc, rươi, tôm, hến, đến các loài cây như: Sung, khế, đa, phượng… cũng được kể đến.
Ông viết từ gần đến xa, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn. Ông nghiên cứu cả thế giới tâm linh (cuốn 41), những pho tượng nổi tiếng hay những phát kiến vĩ đại của con người: Về lửa, than, về y học, thiên văn, kính hiển vi, tủ lạnh…, về tác phẩm văn, thơ, nhạc, họa, kiến trúc, triết học, lịch sử… từ đông tây, kim cổ, từ nước mình sang nước người.
Để có thể viết cuốn sách đồ sộ này, Lê Phương đã gom góp được một tủ sách gia đình với gần 1.000 cuốn sách. Chỉ kể riêng sách từ điển, đã có hàng chục cuốn. Suốt 50 năm qua, trên những nẻo đường có dịp đến vùng nào, Lê Phương đều có sổ tay ghi chép, rồi về chắt gạn ra, giống người xưa viết “Kiến văn tiểu lục” vậy.
Ban đầu ông chép tay. Các con thương bố, mua máy vi tính về, ông học và tự đánh máy. Được trợ giúp bởi công nghệ in ấn, phương tiện tra cứu hiện đại…, công việc của ông đã bớt đi phần nào khó nhọc.
Ánh sáng tỏa rộng từ căn phòng chật hẹp…
Được chuẩn bị từ năm 2000, nhưng phải đến năm 2009, Lê Phương mới bắt đầu tập trung cho viết sách. Cho đến nay, ông viết được 72 cuốn, mỗi cuốn dày 600 trang, khổ giấy A5, có in ảnh màu, chú giải tỉ mỉ, bìa cứng. Ông kể rằng có nhiều việc không thể tự mình làm được, như mua giấy, in ấn, in ảnh màu, đóng sách…, mỗi cuốn chi phí ngót 700 nghìn đồng, tính ra cũng mất 50 triệu.
Hỏi mục đích viết sách, ông cười thật thà:
- Trước hết là tạo ra niềm vui đọc sách. Bởi muốn viết phải đọc, phải động não. Viết là công việc tổng hợp của sự ghi nhớ, chắt lọc kiến thức. Mỗi lần viết, thêm một lần ghim lại kiến thức trong vỏ não. Sau là lưu giữ cho mình, cho con cháu mình. Cũng là cách giáo dục cho thành viên gia đình về văn hóa đọc. Đây cũng còn là để giao lưu bạn bè…
Bà Nguyễn Thị Hiền, vợ ông ngồi bên xen vào câu chuyện: "Thấy ông ấy say sưa với thú vui riêng, tôi cũng chẳng biết nói gì. Hằng ngày 2-3 lần tôi phải gọi ông xuống ăn cơm, xong ông ấy lại lên phòng đóng cửa làm việc, ghi chép...".
Tôi đã lên căn phòng làm việc của ông Phương. Nó ở trong ngôi nhà xây đã cũ, tường ngoài mốc meo, lọt thỏm vào một ngõ hẹp, thuộc khu 10 phường Ngọc Châu (TP Hải Dương). Phải qua một cầu thang độc đạo mới đến. Gọi là độc đạo vì nó hẹp đến mức nếu hai người lên xuống cùng lúc thì không thể tránh được nhau. Căn phòng rộng ngót 10m2, xung quanh là giá sách, còn lại kê được chiếc giường nhỡ và chiếc bàn đặt máy vi tính. Chính từ căn phòng chật hẹp này, ông Phương đã đến với kho tri thức rộng lớn, không cùng.
Đã vào tuổi 69, ông hào hứng cho biết sẽ viết trọn bộ 82 cuốn sách, vào mùa xuân năm sau, khi tròn 70 tuổi. Ông đã lên kế hoạch rồi, ví dụ cuốn 73 viết về các tên đường phố Hải Dương, cuốn thứ 74 chuyên về những con tem bưu chính, cuốn 75 có tên “Những người đã gặp”…
Để ghi chép phần mục lục của cả bộ sách, ông cũng phải in thành một cuốn riêng, dày 600 trang giấy. Như thế bộ sách khổng lồ của ông Phương tổng cộng sẽ là 83 cuốn.
Tôi nhẩm tính: Với số lượng sách như thế thì bộ sách sẽ nặng tới 166kg, với gần 5 vạn trang giấy, chồng lên nhau cao ngót 3m, gấp rưỡi chiều cao của tác giả.
Cũng là một kỷ lục. Khoan hãy xét xem giá trị nội dung và nghệ thuật trình bày của pho sách đồ sộ này… Chỉ nghĩ tới một thương binh đã vào tuổi thất thập cổ lai hy, vẫn dành công sức, tiền bạc để sưu tầm, viết nên pho sách như thế, đã thấy kính phục về ý chí, tư tưởng và trân trọng niềm đam mê của ông.
Bài và ảnh: KHÚC HÀ LINH