Một chiều Đông, chúng tôi theo bờ đê sông Hồng về địa bàn huyện Thường Tín, Hà Nội-vùng đất có truyền thống hiếu học và nhiều di tích lịch sử. Đến thôn Nỏ Bạn, xã Vân Tảo, chúng tôi bất ngờ trước một quần thể lăng đá. Ở đây, chúng tôi thấy một ông cụ đang cầm chiếc chổi tre dài quét những chiếc lá rụng cuối mùa trong làn khói hương nghi ngút.

Người chiến sĩ quả cảm năm xưa

Ông cụ nở nụ cười thân thiện đón chúng tôi như những khách đi du lịch. Anh bạn đi cùng tôi nhanh nhảu: “Bãi đá này đẹp quá cụ nhỉ!”. Ông cụ xua tay nói: “Không phải bãi đá đâu, đây là Lăng đá Quận Vân-di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đấy!”. Chúng tôi không khỏi bất ngờ về câu nói của cụ, bởi đây là di tích lịch sử văn hóa, chứ không phải những khối đá thô kệch, xù xì…

Trò chuyện một lát, chúng tôi về ngôi nhà nhỏ của cụ ở gần đó, có tới 4 thế hệ cùng chung sống, chắt nhỏ nhất năm nay học lớp 1. Trên bức tường cũ kỹ, tróc vữa có rất nhiều giấy khen của con, cháu; ở giữa là Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng nhất của cụ Tuân.

Cụ Tuân với công việc thường ngày trong khu lăng đá Quận Vân.

Năm nay, cụ Tuân 87 tuổi. Cụ chỉ nhớ rằng, hồi nhỏ mình rất đói khổ và quyết tâm đi theo cách mạng, đi theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ để giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ. Thời gian đầu tham gia lực lượng du kích tại địa phương, tiếp đó chàng thanh niên Trương Văn Tuân tình nguyện nhập ngũ trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cam go, ác liệt. Hành quân vào miền Nam năm 1964, chiến sĩ Trương Văn Tuân chiến đấu dũng cảm, nhiều lần được các cấp chỉ huy tuyên dương, khen thưởng. Sau khi đất nước thống nhất, Trương Văn Tuân xuất ngũ về với gia đình ở thôn Nỏ Bạn và tham gia công an xã. Nhiều năm chiến đấu nơi chiến trường gian khổ đã tôi luyện ý chí sắt đá của anh bộ đội Trương Văn Tuân. “Được làm Bộ đội Cụ Hồ tôi vui lắm. Ngày đất nước thống nhất, tôi chỉ tiếc là chưa một lần được gặp Bác Hồ, nhưng dù sao thế hệ chúng tôi cũng đã hoàn thành ý nguyện của Bác, của dân tộc”-cụ Tuân xúc động nhắc lại nhiều lần.

Những ngày trong quân ngũ, điều kiện khó khăn, nhưng Trương Văn Tuân đã cố gắng tự học văn hóa, không ngừng nâng cao kiến thức qua sách, báo từ hậu phương gửi vào, nên các đồng đội đặt cho Trương Văn Tuân biệt hiệu “mọt sách”. “Thời chiến tranh, đói rét lắm, nhưng tôi rất thích đọc sách, đặc biệt là sách lý luận về Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và sách viết về Bác Hồ. Sau khi xuất ngũ, vì phải lo làm kinh tế, mưu sinh nên tôi không có nhiều thời gian để đọc sách”- cụ Tuân bồi hồi nhớ lại.

Nặng lòng với di tích

Năm 1986, chính quyền địa phương khai thác lớp phù sa trên cánh đồng ở xã Vân Tảo để trồng ngô thì phát hiện một bãi đá lớn. Sau này, các nhà khoa học đã xác định đó là Lăng đá Quận Vân-nơi thờ tự Quận công Đại giang Đỗ Bá Phẩm thời Lê Trung Hưng. Năm 1988, UBND tỉnh Hà Tây ra quyết định công nhận Lăng đá Quận Vân là di tích cấp tỉnh; năm 2001, Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra quyết định công nhận Lăng đá Quận Vân là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Tuy nhiên, nhiều năm qua, lăng vẫn chưa được quan tâm trùng tu, tôn tạo khiến nhiều hạng mục bị xuống cấp nghiêm trọng.

Khi đứng ra nhận trông nom khu lăng mộ này, cụ Tuân chia sẻ: “Tôi không phải người họ Đỗ, chính quyền cũng không mời tôi trông coi, nhưng tôi tình nguyện, vì thờ cúng tổ tiên, người có công với đất nước là điều rất nên làm”.

Khi trở thành người quản lăng, hương khói cho khu lăng mộ, nhiều người cho cụ Tuân là “vác tù và hàng tổng” nhưng cụ không nề hà, mà còn tự bỏ tiền túi, cùng một số người bạn già trong làng để làm hòn non bộ và lát đường đi trong khu lăng. Cụ Tuân đã đi nhiều nơi để kiếm nhiều loại cây có bóng mát, thích hợp trồng ở khu lăng mộ, như cây bàng, đa tai tượng, xoài, tre; các loại cây cảnh như hoa mẫu đơn, liễu đuôi gà... Giờ đây, các loại cây trồng đã lên cao, tỏa bóng mát tại khu lăng đá linh thiêng.

Cụ Tuân kể rằng, trước đây khu lăng bị trũng, nước ngập, cụ đã bỏ tiền ra mua cát, gạch cùng với một số người bạn tôn nền khu lăng, nhưng do kinh phí hạn hẹp, nên không thể xây được tường bao quanh, hoặc nhà nghỉ chân cho du khách…

Khu lăng đá tọa lạc chủ yếu trên đất ruộng của nhà cụ Tuân, nhưng cụ không đòi hỏi chính quyền phải đền bù, mà cụ còn xác định: “Lăng đá ở mảnh ruộng nhà tôi là tôi thấy vui rồi”. Cụ còn vận động các hộ dân xung quanh không canh tác, xâm lấn vào đất khu vực lăng đá.

Với lòng thành kính các di tích lịch sử và văn hóa dân gian, cụ Tuân đã tự mua nhiều sách về văn hóa dân gian để đọc, góp phần giúp cụ lý giải được những ngôn ngữ mà các nghệ nhân tạc đá thời xưa tạc trên các voi đá, ngựa đá, nghê đá... Ngày qua ngày, cụ dần trở thành một “hướng dẫn viên du lịch” thân thiện. Những người vào tham quan lăng đá đều được cụ Tuân miệt mài cả tiếng đồng hồ kể cho họ nghe về lịch sử, địa lý, ý nghĩa khu lăng...

Gần 30 năm trông coi lăng, chỉ trừ những hôm mưa bão to hoặc bị ốm, cụ Tuân mới không ra thắp hương, những ngày còn lại, khu lăng đá Quận Vân luôn ấm áp khói hương. Anh Trương Văn Hiệp, sống gần khu lăng chia sẻ: “Nhiều hôm mưa gió, vẫn thấy cụ Tuân lọ mọ khoác áo mưa ra lăng, thấy vậy tôi vội chạy ra đỡ cụ vào nhà. Sau khi tạnh mưa, tôi lại ra nhặt cỏ cùng cụ”. Suốt nhiều năm qua, như “trời xui đất khiến”, cụ Tuân vẫn ngày ngày hương khói cẩn thận. Các pho tượng chiến binh đá, voi đá, ngựa đá, ban thờ… đều được cụ làm sạch, không để rêu phong hay trứng ốc bám vào.

Còn đó những ước mong…

Đã bước sang tuổi xưa nay hiếm, cụ Tuân dường như đã biết trước những gì đang đợi mình ở phía trước. Tay nâng cốc nước vối, cụ nói: “Tôi đã già yếu, nhưng vẫn rất trăn trở với khu lăng đá này”. Chúng tôi cũng hiểu được ý cụ nói gì, nên ngồi lặng trong gian nhà nhỏ của cụ.

Tình yêu với quê hương Nỏ Bạn và sự thành kính với khu Lăng đá Quận Vân đã tạo cảm xúc cho cụ Tuân sáng tác hơn 270 bài thơ ngợi ca quê hương mình và quảng bá hình ảnh khu lăng tới bạn bè gần xa. Nhìn đôi bàn tay đồi mồi của cụ lật giở những bài thơ; nghe cụ đọc thơ, chúng tôi xúc động với những câu: “Một mai nhắm mắt xuôi tay/ Sớm mai liệu có ai hay nơi này?”.

Những kiến nghị của cụ Tuân với chính quyền địa phương vẫn gặp phải một khó khăn muôn thuở là thiếu kinh phí. Cụ mong các cấp cho xây tường bao quanh để tránh di tích bị lấn chiếm, đồng thời có một tấm biển chỉ dẫn cho khách du lịch đến tham quan; rồi sau này có người tình nguyện thay cụ hương khói, quét dọn và quảng bá giá trị của văn hóa tâm linh-dân gian của Lăng đá Quận Vân.

Tạm biệt cụ Tuân khi mặt trời đã tắt nắng, chúng tôi trở về nội thành mà trong lòng không khỏi day dứt, băn khoăn. Hình ảnh cụ già với đôi tay run run dọn cỏ, lau tượng đá; rồi tấm bằng chứng nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia treo trang trọng trong đình… làm chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Mong sao, ước muốn của cụ Tuân sẽ sớm trở thành hiện thực, di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ở vùng quê này sẽ có thêm nhiều người biết đến. Chúng tôi thầm mong cụ luôn khỏe mạnh để chứng kiến những điều tốt đẹp đó.

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CÔNG