Muôn vàn khó khăn

Pa Lọ Vạc là 1 trong 9 điểm lẻ của Trường Mầm non xã Thanh mà cô giáo Hồng được phân công về dạy học. Từ điểm trường chính vào đến lớp mất hơn một tiếng rưỡi đồng hồ đi xe gắn máy. Theo cô, chúng tôi đi trên con đường dài hun hút, gồ ghề sỏi đá, những vũng lầy to đến nỗi đủ chỗ cho một chiếc bánh xe chen vào, bất cẩn sẩy tay lái sẽ ngã ngay xuống những “ổ voi” đang chực sẵn.

Khi cô Hồng đến bản nhận lớp, phòng học là một trạm quân y của Đồn Biên phòng Tam Thanh không dùng đã bị xuống cấp, mái tôn xô nghiêng, dột nát, không cửa, cỏ mọc cao lút đầu người... Cô Hồng nhờ chồng và bà con dân bản giúp đỡ, sửa chữa trở thành lớp học cho các cháu.

Cô giáo Hồng ngắm những học trò nhỏ, đôi mắt ánh lên tình yêu thương, cô chia sẻ: “Các em nhỏ nơi đây không được chăm nom cẩn thận bởi bố mẹ lên rẫy từ sáng sớm tới chập tối mới về. Khi chứng kiến nụ cười hồn nhiên trên những khuôn mặt lấm tấm đất, nhem nhuốc như những chú mèo con ăn vụng quên chùi mép, hay câu trả lời ngây thơ rằng “khi đói thì con ăn chuối chứ không có cơm”, lúc ấy ai cũng sẽ hiểu cái xốn xang của lòng mình và cần phải chia sẻ, giúp đỡ mọi người. Đó là động lực giúp tôi vượt qua vất vả, thiếu thốn để dạy dỗ các em, góp phần tạo lập hành trang cho các em vào đời”.

  Cô giáo Võ Thị Hồng và các em học sinh Trường Mầm non xã Thanh.

Dù gặp khó khăn do bất đồng ngôn ngữ nhưng cô Hồng vẫn không quản đường sá xa xôi trắc trở, trèo bao đèo, lội bao suối để đến được với từng nhà trong bản, kiên trì thuyết phục phụ huynh yên tâm cho các em đi học. Khi đã được phụ huynh đồng ý cho con đi học thì trẻ lại không chịu đi. Có những em sợ đi học nên trốn lên rừng hay những con suối từ sáng sớm đến chiều tối mới chịu về. Lên lớp không thấy các cháu, cô giáo Hồng lại tất tưởi đi tìm, khuyên nhủ từng cháu. Lớp học không cửa, không bờ rào, cứ thế các em nhỏ bỏ chạy về nhà khi muốn... Thấy vậy, cô quyết định trích một phần lương của mình tu sửa, mua sơn màu quét lại tường tạo sự mới mẻ, thoáng mát để thu hút các em chăm chỉ đến lớp.

Để có thêm niềm vui cho các em, cô giáo Hồng còn mua những bộ quần áo mới tặng những bạn nhỏ sắp bước vào lớp 1 để các em có thêm động lực đến trường. Lo lắng cho học trò mặc không đủ ấm trong thời tiết giá rét vùng cao, cô về quê, đi từ đầu làng đến cuối xóm xin quần áo cũ, đặc biệt là quần áo mùa đông để các em đến lớp được mặc đủ ấm. Tan học, cô giáo trẻ lại về căn phòng trọ tạm bợ cặm cụi, cần mẫn cắt những túi ni-lông xin của những người hàng xóm tốt bụng làm áo mưa đem lên cho học sinh để mỗi khi trời mưa các em đến lớp không bị ướt. Em Hồ Thị Hân, học trò cũ của cô Hồng nói với tôi: “Nhờ cô Hồng cho con cái áo bông mà con đi học không còn bị rét, con rất thương cô Hồng vì cô Hồng tốt bụng, khi nào cũng cho kẹo, không bao giờ mắng mỏ, cũng nhờ có cô Hồng mà cái bụng ưng đi học”.

Phụ huynh Hồ Thông nói: “Cô Hồng rất tốt với gia đình tôi cũng như dân bản. Khi mặt trời chưa lên khỏi núi thì đã thấy cô có mặt ở lớp lúi húi quét dọn, kê bàn ghế để đón các cháu đi học, thấy cô giáo thương con em bản làng như vậy, phụ huynh chúng tôi thương cô, quý cô lắm”.

Đến lớp, phát hiện có cháu đói đến run người, cô san sẻ phần cơm ít ỏi của mình cho trò vượt qua cơn đói để có sức ngồi học, thế nên nhiều khi cô phải vào nhà dân xin nấu nhờ mì tôm ăn cho qua bữa. Ở bản Pa Lọ Vạc, địa hình núi đá, nguồn nước chứa nhiều vôi, lo sức khỏe các cháu không được bảo đảm, cô Hồng bỏ tiền túi mua một tuần 2-3 bình nước lọc cho học trò uống. Không có nước sạch để vệ sinh cho các cháu, cô giáo Hồng ngày ngày men theo con đường rừng hẻo lánh, xách từng thùng nước về cho các cháu dùng.

Khi việc dạy và học dần dần có tiến triển thì cô và trò lại gặp những vấn đề không mấy suôn sẻ. Lớp học thiếu an toàn nên sau mỗi buổi học, cô và trò lại phải bê bàn ghế, đồ dùng học tập đến gửi nhờ nhà người dân gần đó. Không muốn các em phải mệt nhọc bê vác hằng ngày, cô Hồng quyết định gõ cửa từng nhà dân để xin nhờ làm nơi dạy học. Nhà dân ẩm thấp, chật chội, nắng nóng, nhìn các em mồ hôi ướt đầm, chưa kể thấy các em ngủ mà quá tội nghiệp, cô Hồng phải làm việc giúp chủ nhà và thuyết phục mới được chủ nhà cho lên nhà trên dạy, học.

Mong có đường, có lớp...

Tình yêu thương đối với trẻ, sự tâm huyết với nghề của cô giáo Hồng đã được đền đáp khi giờ đây, ngày ngày các cháu đã tự đi đến lớp, chăm chú khi cô giáo dạy từng nét chữ, con số, những bài hát, điệu múa và những giọng nói trẻ thơ trong sáng bảo rằng các con yêu cô giáo lắm, rất thích đến lớp để được học, được trò chuyện cùng cô. Đó là niềm hạnh phúc, niềm an ủi lớn nhất đối với cô giáo trẻ. Nhiều người dân trong bản khi gặp khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống cũng tìm đến cô giáo Hồng... Cô luôn lắng nghe, chia sẻ, giải thích và tư vấn, tìm ra những cách giải quyết hợp tình, hợp lý. Đặc thù vùng núi sâu và xa, nhiều cháu đi học mà không có giấy khai sinh, cô Hồng lại đến tận nhà và đưa phụ huynh xuống UBND xã làm giấy khai sinh cho các cháu, rồi hỗ trợ chi phí làm thủ tục với ước muốn tất cả các cháu đều có đầy đủ điều kiện để đến trường.

Không những thế, cô giáo Hồng cũng là "bác sĩ" của bản và của phụ huynh, học sinh nơi đây. Biết ai ốm đau, bệnh tật, cô lại đến thăm hỏi, tư vấn, hướng dẫn bà con đến trạm xá khám, chữa bệnh. Nhiều khi cô còn trực tiếp xuống phố mua những loại thuốc tốt nhất theo đơn, mang về cho người bệnh; giúp phụ huynh trông nom các cháu. Những ngày lễ, ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, chứng kiến các học trò nhỏ miền núi nơi đây khó khăn, thiếu thốn, cô Hồng cùng các cô giáo khác trích tiền lương của mình tổ chức Tết Trung thu cho các em. Nhìn các em vui chơi, ca hát, ăn bánh kẹo, rước đèn lồng như các cháu miền xuôi, trong lòng các cô cảm thấy ấm áp, ngập tràn niềm vui.

Đồng lương giáo viên mầm non chỉ đủ tiêu, chồng lại công tác xa nhà, vài tháng mới về một lần, con còn nhỏ, không thể theo mẹ lên núi, lên bản, cô giáo Hồng đành phải ngậm ngùi gửi con cho những gia đình hàng xóm trông từ sáng đến chiều tối mới về. Tối đến, cô lại thức khuya chuẩn bị giáo án hoặc làm đồ chơi mang lên lớp cho các em. Những ngày mưa gió, con đường lầy lội thành những bãi bùn, không thể đi nổi xe, cô gửi xe đi bộ từ dưới xuôi lên bản gần chục cây số. Với cô Hồng, cho đi không cần nhận lại, không quản ngại khó khăn, mọi việc làm đều xuất phát từ lòng yêu thương con trẻ, từ lương tâm, trách nhiệm của một nhà giáo.

Cô giáo Võ Thị Hồng đã được nhà trường khen thưởng nhiều danh hiệu, như: “Giáo viên có nhiều đóng góp trong năm học”, “Giáo viên có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Cô Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Thanh khẳng định: “Chúng tôi đánh giá cao cô giáo Võ Thị Hồng về thành tích giảng dạy, tinh thần trách nhiệm, tận tụy đối với học sinh, khắc phục mọi khó khăn, không nản chí, xứng đáng là tấm gương sáng. Không những trong công việc tận tụy với học sinh mà trong cuộc sống thường ngày cô Hồng cũng luôn quan tâm, giúp đỡ, động viên đồng nghiệp mỗi khi gặp khó khăn, được mọi người yêu mến”.

Giờ đây, dù đã được phân về điểm trường mới với điều kiện dạy và học tốt hơn, nhưng cô giáo Hồng vẫn luôn hướng về bản nghèo Pa Lọ Vạc, nơi đã gắn bó với cô suốt những năm đầu nghề giáo. Đứng trong khuôn viên ngôi trường mới mà mình đang giảng dạy nhưng lòng cô vẫn luôn khắc khoải, trăn trở về ngôi trường cũ: “Về dưới này rồi nhưng sao tôi vẫn nhớ và thương các em trên đó lắm. Mong cấp ủy, chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ cho cô và trò có con đường đến trường bớt nhọc nhằn và khó khăn; cô trò có lớp học đàng hoàng, che được nắng, mưa, vì giờ đây lớp học đang tạm nhờ nhà cộng đồng, còn nhiều vất vả quá”.

Bài và ảnh: THU NGA