Xả thân không quản hiểm nguy
Ngày chủ nhật, những tưởng cô Ba được nghỉ nên tôi tìm tới tận nhà cô ở phường 11, quận 11, nhưng chồng cô bảo: “Vừa bảnh mắt ra bà ấy đã đi trực rồi. Cậu không hẹn trước thì khó gặp lắm, chắc giờ này bà nhà tôi đang đi kiểm tra trật tự với mấy chú trong tổ cũng nên”. Quả thực, ra văn phòng của Ban Bảo vệ dân phố ngồi đợi đến gần trưa tôi mới gặp được cô. Dáng người đen khỏe, bước đi rắn chắc, lưng áo đẫm mồ hôi, cô Ba vừa cùng các tổ viên tới khu vực chợ tuyên truyền, nhắc nhở tiểu thương chấp hành quy định an toàn, giữ gìn an ninh trật tự và phòng, chống cháy nổ. Biết tôi định tìm hiểu viết bài, cô lắc đầu: “Chuyện nhỏ, có gì đâu mà viết hả con”. Năn nỉ mãi cô mới chịu kể về những việc mình làm vì khu phố bình yên…
Trưởng ban Bảo vệ dân phố Đặng Thị Ba thường xuyên cùng tổ tuần tra bảo đảm an ninh trên địa bàn.
Mấy năm gần đây, địa bàn TP Hồ Chí Minh xảy ra nhiều vụ cướp giật táo tợn, gây hoang mang cho người dân và du khách bất kể ngày hay đêm. Quận 11 cũng là điểm nóng của tình trạng này. Cô Ba nhớ lại: Khoảng 2 năm trước, tôi đang cùng 2 tổ viên dân phố và một đồng chí công an phường đi tuần tra trên tuyến đường trung tâm của quận thì nghe có tiếng phụ nữ hô “cướp, cướp... bà con ơi”. Vừa lúc đó, tôi phát hiện 2 tên cầm chiếc túi phóng xe lạng lách vụt qua. Đoán chắc là 2 thằng vừa cướp túi xách của người phụ nữ, tôi ra hiệu cho đồng đội tăng ga rượt đuổi. Đường đông, khó tiếp cận đối tượng, tôi nảy ra ý định ép bọn chúng ở khúc cua phía trước. Đồng chí tổ viên hiểu ý rú ga phóng lên, hai tên cướp cũng tăng ga chạy thục mạng, gặp khúc cua chúng thắng gấp nên ngã chúi. Hai thằng chồm dậy, vứt xe bỏ chạy, nhưng tổ tuần tra đã lao tới. Chúng chống cự quyết liệt hòng tẩu thoát. Một thằng rút dao khua khoắng xung quanh. Đồng chí công an chụp tay nó, tôi lao vào dùng gậy đập tung con dao, rồi đẩy nó té sấp. Nhờ bà con hỗ trợ, chúng tôi đã bắt gọn 2 thằng, giải về công an phường xử lý.
Mới đây, vào đêm cuối tháng Tư, cô Ba đang trực ở phòng làm việc của Ban Bảo vệ dân phố thì nhận được thông báo có vụ xô xát xảy ra trong hẻm thuộc phường 11, giữa hai phe mượn nợ và đòi nợ chuẩn bị thanh toán nhau bằng hung khí. Cô và Đại úy Nguyễn Văn Ốm, Công an phường tức tốc tới nơi, thấy đám đông náo loạn, mấy thanh niên mình trần xăm trổ đang vung gậy sắt đe dọa, mặt đằng đằng sát khí. Trong số đó, cô Ba nhận ra một tên từng nghiện ma túy, tính tình hung dữ, bất cần. Đồng chí công an yêu cầu hai bên về phường giải quyết nhưng nhóm người phản đối, làm ngơ. Cô Ba bước tới, dang tay chắn giữa, cản hai bên đánh nhau, rồi nói to: “Tôi là Trưởng ban Bảo vệ, Bí thư Chi bộ khu phố, yêu cầu hai bên không được đánh nhau, đã có bảo vệ và công an ở đây. Nợ thì phải trả, nhưng đòi nợ mà đánh người là vi phạm pháp luật. Mời hai bên đương sự lên phường giải quyết”. Trước bản lĩnh và thái độ dứt khoát của cô, mấy tên đòi nợ thuê tản ra. Đám đông giải tán.
Ít ngày trước đó, cô Ba đã từng can thiệp một vụ đòi nợ thuê mà kẻ đi đòi nợ lại là nạn nhân bị gia đình con nợ hùa nhau đánh tới tấp. Cũng may cô Ba đến kịp nên ngăn cản được, không để xảy ra sự cố đáng tiếc. Nói về hành động của mình, cô bảo: “Lúc xông vào bắt cướp hay ngăn cản giang hồ đánh nhau tôi chẳng thấy run sợ chút nào mà chỉ nghĩ phải áp đảo bằng được đối tượng. Xong việc mới thấy quá nguy hiểm, nhưng cái máu nghề nghiệp nó lên, thấy trộm cướp, đánh nhau là mình không thể ngồi yên để chúng lộng hành được”.
Có lẽ bởi suy nghĩ không để kẻ xấu lộng hành nên suốt 7 năm đảm nhiệm cương vị Trưởng ban Bảo vệ dân phố, cô Ba đã dẹp yên nhiều vụ xô xát, phối hợp với công an dũng cảm truy bắt hàng chục vụ trộm cắp, cướp giật. Tình hình an ninh trên địa bàn cô đảm nhiệm được lập lại, giúp người dân yên tâm buôn bán, làm ăn.
Tận tâm làm việc nghĩa
Ở quận 11, cô Ba không chỉ được nhân dân tin yêu bởi tinh thần xả thân, dang tay nghĩa hiệp mà còn bởi tấm lòng nhân ái, tận tâm giúp đỡ những mảnh đời lầm lạc. Đảm nhiệm cương vị Đội trưởng Đội Xã hội tình nguyện quản lý những người sau cai nghiện, cô Ba đã gõ cửa nhiều nơi để nhờ tạo việc làm cho người sau cai nghiện, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng. Đội của cô quản lý 31 người, tính tình thất thường, hay tự ái nên việc giúp đỡ họ cũng phải rất khéo léo, nhẹ nhàng. Cô Ba tâm sự: “Tôi cùng các thành viên trong đội thường xuyên gặp gỡ, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của đối tượng rồi tìm cách giúp đỡ hiệu quả nhất để họ vươn lên. Ai có khả năng làm được việc gì sẽ cố gắng liên hệ cho họ làm đúng sở trường. Người nào mất sức lao động thì xin trợ cấp từ chính quyền và các nhà hảo tâm. Tính đến thời điểm này, toàn bộ người sau cai nghiện thuộc đội quản lý đã có việc làm, kinh tế tạm ổn, khắc phục được nguy cơ tái phạm”.
Tới thăm gia đình anh Nguyễn Văn Sơn, ngụ tại phường 11, quận 11, người mới cai nghiện thành công, vừa cưới vợ, được cô Ba vận động hỗ trợ vốn để lập nghiệp, chúng tôi chứng kiến niềm vui của đôi vợ chồng trẻ. Anh Sơn bộc bạch: “Trước đây tôi ở nhà phụ giúp bố mẹ buôn bán. Làm ăn ế ẩm, tôi sinh nghiện ngập phải đi cai nghiện bắt buộc. May nhờ cô Ba nhiều lần đến nhà khuyên nhủ, động viên, cho vay tiền mua xe gắn máy chở hàng và bố trí việc làm ổn định nên tôi đã vượt qua khó khăn, lập gia đình, tu chí làm ăn quyết tâm trở thành người có ích”. Trường hợp gia đình ông Nguyễn Thanh Tâm có con nghiện hút, ông phải chăm nuôi hai đứa cháu đang tuổi ăn học nên kinh tế túng thiếu, cuộc sống vất vả quanh năm. Gần đây, cô Ba đã liên hệ với cơ quan chức năng xin được học bổng trợ cấp cho hai cháu và còn tìm việc làm thêm cho gia đình ông Tâm vơi bớt khó khăn, ổn định cuộc sống… Ông Nguyễn Văn Chí, Chủ tịch UBND phường 11 cho biết: “Để quản lý, giúp đỡ người sau cai nghiện, chị Ba đã dành phần lớn thời gian, tâm huyết cho công việc; đồng thời tự nguyện chăm lo cho họ bằng tình cảm của người chị, người mẹ và cả người thầy nữa”.
“Người thầy” mà ông Chí nhắc tới chính là một cương vị khác của cô Ba, người khởi xướng và trực tiếp dạy ở lớp học tình thương đã tồn tại hơn 10 năm nay. Nói về sự hình thành lớp học tình thương, cô Ba bộc bạch: “Khoảng năm 2004, ở khu phố này có khá nhiều phụ nữ đã lập gia đình nhưng không biết chữ nên không đọc được những thông báo trên bảng tin và các văn bản hướng dẫn về an ninh trật tự. Thấy vậy, tôi nảy ra ý định tập hợp họ lại, dạy cho biết đọc, biết viết. Thế là tôi chủ động chuẩn bị những thứ cần thiết cho lớp học, xin sách giáo khoa ở bộ phận văn hóa phường, quận; xin giấy, bút ở văn thư, ủy ban phường… Khi mọi thứ đã cơ bản đầy đủ, tôi vận động chị em tranh thủ đến học. Lúc đầu chỉ có vài người do chị em còn phải lo cho gia đình, chồng con. Tôi kiên trì hướng dẫn, cho bài tập để chị em về nhà tự làm. “Tích tiểu thành đại”, người nọ rỉ tai người kia, lớp học cứ thế duy trì đã hơn chục năm nay, giúp cho khoảng 50 chị em cùng trẻ lang thang biết đọc, biết viết thành thạo và biết thực hiện 4 phép tính cơ bản”. Toàn bộ kinh phí duy trì lớp học đều do cô Ba nhờ cậy, người giúp cuốn sách, cây bút, tập vở, người hỗ trợ tấm gỗ đóng bàn… Cô Ba tự nguyện dành thời gian dạy cho học trò nghèo những kiến thức văn hóa đầu tiên, uốn nắn từng nét chữ, con số, trang bị lẽ sống, đạo đức, tình người cho lũ trẻ lang thang. Em Nguyễn Thị Là, một học trò của lớp học tình thương, tâm sự: “Nhà cô Ba nghèo lắm, chồng cô bị bệnh tiểu đường, vảy nến phải điều trị thường xuyên. Bản thân cô cũng bị mắc nhiều chứng bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng cô Ba vẫn lạc quan, hết lòng vì người khác. Tấm gương và tình cảm của cô Ba là bài học quý giá nhất giúp chúng tôi phấn đấu noi theo để vượt lên chính mình trở thành người có ích cho gia đình và xã hội”.
Từ sự khâm phục tấm lòng và những việc làm của “cô Ba dân phố”, nhiều chị buôn thúng bán bưng, nhiều bà hàng cá, hàng thịt ở chợ Chim Xanh và những chợ lân cận đã bảo ban nhau giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, không buôn gian bán lận, tự nguyện đóng góp công sức, tiền của làm từ thiện; tích cực cùng cô Ba thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, hộ nghèo và những hoàn cảnh khó khăn tại địa phương… Trung tá Lê Văn Tốn, Phó trưởng Công an phường 11, chia sẻ: “Hoàn cảnh gia đình chị Ba rất khó khăn, chồng đau yếu, bố cao tuổi, công việc lớn nhỏ trong nhà đều do chị quán xuyến. Thêm vào đó, nhiệm vụ Trưởng ban Bảo vệ dân phố đàn ông đảm nhiệm còn vất vả huống hồ là nữ giới. Vậy mà, suốt 7 năm nay chị Ba luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở thành tấm gương sáng có sức lan tỏa trong cộng đồng, được chính quyền, đồng nghiệp và nhân dân tin yêu, quý mến”.
Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH