leftcenterrightdel
Đại úy Đỗ Cao Cường (ngoài cùng, bên trái) trên sân khấu. 
Vừa là học viên, vừa là thủ trưởng đơn vị đăng cai, lại là Đội trưởng Đội văn nghệ, Cường như con thoi, hết động viên đội mẫu, kiểm tra nơi ăn, ở của các học viên lại đến chỉ đạo và trực tiếp dẫn chương trình đêm giao lưu văn nghệ... Công việc bận rộn như vậy, nhưng Đỗ Cao Cường luôn tươi cười. Kiểm tra môn bắn súng, anh đạt thành tích cao nhất lớp.

Người "văn võ song toàn”

Đó là biệt danh mà cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 2 (Sư đoàn 3) đặt cho Đại úy Đỗ Cao Cường, Chính trị viên tiểu đoàn.

Chất “văn” của Đỗ Cao Cường được thể hiện sinh động qua việc giảng bài chính trị. Từ việc giới thiệu nghị quyết đến thông báo thời sự, tập huấn nghiệp vụ công tác Đảng..., qua giọng nói trầm ấm của Cao Cường, mọi kiến thức đều trở nên dễ hiểu, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người. Xen kẽ với những phần lý thuyết, Cao Cường khéo léo lồng ghép các ví dụ từ đơn vị, từ cuộc sống thường nhật... để người nghe nhập tâm và tất cả các buổi học chính trị do Cao Cường lên lớp đều trở thành niềm mong đợi của các chiến sĩ trong đơn vị. Tài diễn thuyết của Cao Cường đã đem lại cho anh và đơn vị nhiều giải thưởng lớn qua các hội thi báo cáo viên, kể chuyện truyền thống, tuyên truyền miệng... Nhiều cán bộ chính trị trong Quân khu 1 vẫn còn nhớ hình ảnh Đại úy Đỗ Cao Cường, cán bộ có tuổi đời ít nhất Hội thi báo cáo viên giỏi toàn quân khu năm 2015 nhưng lại vượt qua được rất nhiều “đối thủ nặng ký” và giành giải nhất hội thi, khi đó Cao Cường đang là Chính trị viên phó Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 2. Tại hội thi, Cao Cường chọn chủ đề “Nhận thức về đối tượng, đối tác theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Thực hiện chủ đề này, anh đã nghiên cứu kỹ nội dung nghị quyết, dày công tập hợp những dẫn chứng giá trị, có sức thuyết phục cao để xây dựng đề cương. Trong thực hành, Cường hoàn toàn làm chủ bài nói, tạo được sự giao tiếp giữa người tuyên truyền và đối tượng tuyên truyền. Với những hình ảnh minh họa và dẫn chứng phù hợp, Đỗ Cao Cường thể hiện phần thi thực hành đầy tự tin, tự nhiên, lôi cuốn người nghe và đạt điểm gần như tuyệt đối.

Chất “văn” của Cao Cường còn được thể hiện qua vai trò Đội trưởng Đội Văn nghệ Trung đoàn 2. Trong đội văn nghệ, Cao Cường vừa là thủ lĩnh, tập hợp các hạt nhân văn nghệ của đơn vị, vừa là người chủ trì xây dựng các tiết mục, vừa là tổng đạo diễn. Cao Cường còn đảm nhận vai trò là người dẫn chương trình, cây đơn ca, thành viên trong tiết mục tam ca, hợp ca... Dưới sự dẫn dắt của Cao Cường, Đội Văn nghệ của Trung đoàn 2 thường xuyên gặt hái được kết quả cao trong các kỳ hội diễn. Quan trọng hơn là những thành viên của đội văn nghệ đã trở thành lực lượng nòng cốt trong phong trào múa hát tập thể của các đại đội, tạo sân chơi lành mạnh cho chiến sĩ.

Chất “võ” của Đỗ Cao Cường thể hiện qua tác phong “miệng nói tay làm”. Là cán bộ chính trị, nhưng trong nhiều tình huống cụ thể, Cường trực tiếp chỉ huy bộ đội. Bà con xã Châu Minh (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) vẫn nhớ mãi hình ảnh người cán bộ mang quân phục dã chiến trong thời tiết rét căm căm mà vẫn lội bùn, trực tiếp chỉ huy 150 cán bộ, chiến sĩ vớt bèo, vét bùn, khơi thông dòng chảy kênh mương, giúp nhân dân xã Châu Minh làm vụ chiêm xuân năm 2015. 

Chất “võ” của Cao Cường còn được thể hiện qua hành động tự học, tự rèn các môn quân sự, nhất là bắn súng. Trong lớp tập huấn quân sự toàn Quân khu 1 được tổ chức tại Trung đoàn 2, nhiều cán bộ quân sự rất thán phục khả năng bắn nhanh và chính xác của Đại úy Đỗ Cao Cường khi thực hiện bắn súng K54 bài 4. Chỉ bằng 2 viên đạn, Cao Cường đã hạ gục 2 bia với thời gian nhanh nhất đợt bắn và còn dư tới 8 viên đạn.

Người "mẹ", người anh của chiến sĩ

Binh nhất Trần Đức Thanh, chiến sĩ thuộc Đại đội 6, Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 2) kể với chúng tôi rằng, Đại úy Đỗ Cao Cường vừa gương mẫu, nghiêm nghị và nhường nhịn như người anh, vừa có tính cách bao dung, vị tha, hiền dịu như người "mẹ" của chiến sĩ .

Trần Đức Thanh quê ở xã An Hà, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang và nhập ngũ đầu năm 2016. Hoàn cảnh gia đình của Thanh rất khó khăn, bố mẹ đều mắc bệnh phải điều trị dài ngày. Vợ Thanh chưa có việc làm và con của Thanh thì còn rất nhỏ, lại đau ốm liên tục. Những ngày mới nhập ngũ, nghĩ đến gia đình, Thanh đã có ý định đào ngũ. Chính trị viên Cao Cường phát hiện thấy Đức Thanh có những biểu hiện không bình thường, đêm không phải ca gác cũng thức dậy đi dạo quanh sân, thời gian huấn luyện thì cáo ốm... Anh đã gặp và tâm sự cùng Thanh rồi trực tiếp về thăm gia đình, động viên bố mẹ Thanh trông cháu để vợ Thanh đi làm. Anh còn đề nghị với chính quyền địa phương tạo điều kiện cho vợ Thanh có việc làm. Sau đó, nhờ sự giúp đỡ của địa phương, vợ Thanh đã có việc làm ổn định tại khu công nghiệp gần nhà. Bố mẹ Thanh vừa trông cháu, vừa tham gia làm các công việc nội trợ trong gia đình. Tư tưởng của Thanh ổn định trở lại. Từ một quân nhân ý thức kỷ luật kém, Trần Đức Thanh đã vươn lên trở thành chiến sĩ tốt trong đơn vị, cuối năm 2016 được biểu dương, khen thưởng.

Không chỉ có Binh nhất Trần Đức Thanh mà trong Tiểu đoàn 2 đã có nhiều chiến sĩ khác được “đảo chiều” từ tiêu cực sang tích cực nhờ sự động viên, giáo dục kịp thời của Chính trị viên Đỗ Cao Cường.

Sinh ra và lớn lên trên quê hương của cuộc khởi nghĩa Yên Thế gắn với người anh hùng Đề Thám, học hết phổ thông, Đỗ Cao Cường tình nguyện nhập ngũ và được biên chế về Lữ đoàn Xe tăng 409 (Quân khu 1). Tại đây, cùng với thực hiện đầy đủ các nội dung, khoa mục huấn luyện, những lúc rảnh rỗi, Cao Cường lại “đèn sách” ôn thi. Tháng 9-2003, Đỗ Cao Cường trúng tuyển vào Học viện Chính trị Quân sự, cơ sở Bắc Ninh (nay là Trường Sĩ quan Chính trị). Ra trường, Cao Cường được phân công về Trung đoàn 2, đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân. Trải qua nhiều vị trí công tác từ Chính trị viên phó đại đội, Chính trị viên đại đội, trợ lý tuyên huấn trung đoàn rồi trở thành cán bộ tiểu đoàn, ở vị trí nào, Cao Cường cũng được “trên tin dưới mến”.

Từ tháng 10-2015 đến nay, trên cương vị là Chính trị viên Tiểu đoàn 2, Cao Cường đã cùng với các đồng chí trong Đảng ủy và chỉ huy tiểu đoàn tạo ra sự chuyển biến rõ rệt của đơn vị. Do đặc thù địa bàn đóng quân có đường dân sinh chạy qua, gần Quốc lộ 1 nên nguy cơ tệ nạn cờ bạc, số đề, cho vay nặng lãi… xâm nhập vào đơn vị luôn hiện hữu. Nhằm thu hút bộ đội đến với những hoạt động văn hóa lành mạnh, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”,  Đỗ Cao Cường đã “hiến kế” với lãnh đạo, chỉ huy tiểu đoàn khởi động Hội thi “10 bài hát quy định của quân đội và bài hát truyền thống của sư đoàn”. Theo đó, mỗi tuần, tiểu đoàn sẽ lựa chọn một bài hát để các đại đội luyện tập. Những tập thể thể hiện tốt nhất được cộng điểm thi đua và biểu dương trong cuộc họp giao ban hằng tuần. Cùng với đó là phong trào văn hóa, văn nghệ là phong trào thể dục, thể thao được duy trì đều đặn vào buổi chiều. Hoạt động của “nhà tâm tình đồng đội” cũng được đổi mới và được trang bị thêm nhiều sách báo. Nhờ những phong trào này mà bộ đội trong đơn vị có chỗ vui chơi giải trí sau giờ huấn luyện, tình trạng vi phạm kỷ luật trong Tiểu đoàn 2 đã chấm dứt. Kết quả kiểm tra công tác huấn luyện, trong hai năm (2015-2016), Tiểu đoàn 2 luôn nằm trong tốp đầu của Trung đoàn 2 với 100% nội dung, khoa mục đạt yêu cầu, trong đó hơn 80% khá, giỏi. Cũng trong hai năm này, Tiểu đoàn 2 đã vinh dự nhận danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”.

Cũng vì quá bận rộn với các phong trào của đơn vị nên mặc dù chỉ cách gia đình chưa đầy 15km nhưng có khi cả tháng Cao Cường không về thăm vợ, con. Vợ của Cao Cường là y tá học đường, ban đầu cũng chưa thông cảm với công việc của chồng nên có phần giận dỗi, thế nhưng khi đã lên đơn vị, biết được công việc của Cường, lại được anh “đả thông tư tưởng” nên đã gánh vác hết việc nhà để chồng yên tâm công tác.

Trung tá Nguyễn Hữu Ngọ, Phó chính ủy Trung đoàn 2 nhận xét: “Đại úy Đỗ Cao Cường là chính trị viên đa tài và đức độ. Hai năm trên cương vị là Chính trị viên tiểu đoàn, Cao Cường luôn được đơn vị tín nhiệm bầu chọn danh hiệu “Chiến sĩ thi đua”. Còn Đỗ Cao Cường thì khiêm tốn: “Thành tích của tôi còn quá nhỏ bé so với bề dày thành tích của tiểu đoàn”.

Tôi đã gặp một Đỗ Cao Cường với giọng hát trầm ấm, ngọt ngào trên sân khấu. Tôi đã gặp một Đỗ Cao Cường trên cương vị Bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn say sưa giới thiệu Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tôi cũng đã gặp một Đỗ Cao Cường bắn súng K54 giỏi nhất lớp tập huấn quân sự toàn Quân khu 1. Ba gương mặt của Đỗ Cao Cường trong ba hoàn cảnh ấy tuy có khác nhau nhưng đều rạng ngời sự tự tin và đều được cán bộ, chiến sĩ trong Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 2) mến mộ.

Bài và ảnh: ĐỖ PHÚ THỌ