Bỏ lương khủng, theo đuổi đam mê

Cách đây không lâu, trong buổi chiều Hà Nội mưa rả rích, chúng tôi gặp và trò chuyện với anh Phạm Văn Sơn tại căn phòng nhỏ, bài trí đơn giản nhưng lịch sự ở đường Trần Đăng Ninh, quận Cầu Giấy. Nếu không được giới thiệu trước, cứ nhìn dáng người cao dong dỏng, tác phong nhanh nhẹn thì dễ nhầm anh với một vận động viên hơn là một “chuyên gia” ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất đã hơn 50 tuổi. Hiện nay, anh là thành viên của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Giám đốc Công ty SOS Môi trường, ứng phó khẩn cấp sự cố tràn dầu, hóa chất.

Anh giới thiệu với chúng tôi slide về 10 bài học giải quyết sự cố tràn dầu tại Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí, Quảng Ninh vào đầu năm 2015. Anh cho rằng, vấn đề quan trọng nhất trong lĩnh vực này hiện nay là nhận thức của chủ thể dựa trên nền kiến thức về giải quyết sự cố. Nếu không nghiên cứu kỹ, không có kiến thức, phương tiện, kinh nghiệm trong xử lý thì hậu quả do tràn dầu như ở Uông Bí sẽ rất khủng khiếp. Môi trường sẽ bị ô nhiễm trầm trọng, các sinh vật sống trong nước sẽ chết và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người. Anh cho chúng tôi xem lại hình ảnh các khâu, các bước của quá trình xử lý sự cố tràn dầu ở Uông Bí. Với cách làm khoa học, anh và cộng sự đã giải quyết thành công sự cố trong thời gian ngắn.

leftcenterrightdel
Anh Phạm Văn Sơn tập huấn về sự cố tràn dầu tại Quảng Ninh. Ảnh: HÙNG DŨNG. 

Phạm Văn Sơn sinh năm 1965 ở TP Hải Dương và tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Trường Đại học Hà Nội) chuyên ngành tiếng Nga năm 1986. Ra trường, anh làm phiên dịch cho Bộ Công nghiệp nhẹ Việt Nam và làm việc ở Liên Xô. Năm 1991, anh về nước và đi học buổi tối tại một trung tâm tiếng Anh theo phong trào lúc bấy giờ. Nhưng chưa được một tháng, thấy không thu được kết quả đáng kể, anh quyết định tìm tài liệu và tự học tiếng Anh tại nhà.

Sau vài năm làm đủ các nghề để mưu sinh, năm 1994, với vốn tiếng Nga sẵn có và vốn tiếng Anh tự học, anh Sơn được mời làm giám đốc chi nhánh cho một công ty thuộc tập đoàn liên quan đến lĩnh vực dầu khí của Nga tại Việt Nam ở Vũng Tàu. Năm 2001, tại bãi Trước của TP Vũng Tàu xảy ra sự cố tràn dầu quy mô lớn. Dầu xâm nhập vào các bãi tắm, bãi đá, rừng ngập mặn, hơi dầu nồng nặc trong không khí, các sinh vật biển bị chết, trôi dạt vào bờ khiến bãi biển rộng mênh mông bị ô nhiễm, gây thất thu nghiêm trọng cho ngành du lịch và đánh bắt thủy sản của địa phương. Thấy cảnh người dân mang xô, thùng, gầu, chậu… đi vớt dầu rất thủ công mà không có lực lượng chức năng ứng phó, anh trăn trở, suy nghĩ. Quá trình công tác ngoài giàn khoan, anh cũng nhận thấy lượng dầu trong khai thác trên biển thải ra rất lớn, phải thu gom thủ công và cho lên tàu đưa về bờ xử lý rất tốn kém mà hiệu quả không cao. Trong khi đó, ở trong nước không có bất cứ một công ty, doanh nghiệp nào đầu tư vào lĩnh vực này. Nhận thấy tiềm năng lớn, với lợi thế làm thương mại, anh đã nghiên cứu, dịch tài liệu từ các công ty nước ngoài và liên hệ chào hàng, quảng bá công nghệ, thiết bị xử lý sự cố tràn dầu tới một số doanh nghiệp dầu khí trong nước. Điển hình là anh đã chào hàng tới Công ty Xăng dầu B12 và nhận được yêu cầu có “giải pháp trọn gói từ khảo sát, thiết kế, lập phương án ứng phó, cung cấp, lắp đặt, vận hành và đào tạo”. Do không có kiến thức về kỹ thuật, nên anh đề xuất chi 7.000USD mời chuyên gia nước ngoài về tư vấn nhưng không được khách hàng đồng ý. Từ thất bại này, anh rút ra kinh nghiệm phải có kiến thức chuyên môn sâu thì mới kinh doanh hiệu quả.  

Thời gian sau, anh Sơn được tập đoàn điều động về làm phó tổng giám đốc một công ty may ngoài Hà Nội. Nhận thấy một loạt vấn đề nổi cộm trong thiết kế hạ tầng, tổ chức sản xuất, tuyển dụng nhân sự nên anh Sơn đề xuất các giải pháp khẩn cấp để cải thiện tình hình. Nhưng đề xuất tâm huyết của anh không được tổng giám đốc chấp thuận. Sự bất đồng về chiến lược nhân sự và quản lý khiến anh đưa ra quyết định xin thôi việc, từ bỏ mức lương 2.000USD thời bấy giờ để theo đuổi đam mê trong lĩnh vực xử lý sự cố tràn dầu...

10 năm tự học và ý tưởng lớn

Lao vào lĩnh vực xử lý sự cố tràn dầu, anh Sơn tập trung nghiên cứu, liên hệ với các doanh nghiệp nước ngoài để làm thương mại, bán vật tư, dây chuyền công nghệ. Sau những lần chào hàng tới các doanh nghiệp không thành công, anh quyết định phải làm gì đó để thay đổi nhận thức, tư duy của mọi người trong xã hội về lĩnh vực này. Anh lý luận, hậu quả do tràn dầu gây ra là rất lâu dài, rất lớn đối với môi trường, sinh kế, sức khỏe nhân dân. Nhưng vì chưa có kiến thức, chủ quan, hơn nữa do quy định của Nhà nước chưa sát thực tế nên nhiều doanh nghiệp, địa phương không thấy hết tác hại của việc này, không đầu tư phương tiện, tổ chức hoạt động giải quyết sự cố tràn dầu hời hợt, hình thức, thậm chí đối phó.

Từ đam mê nghiên cứu, đến nay anh Sơn đã đạt được những thành công đáng kể. Anh được Chương trình Phổ biến kiến thức khoa học trên VTV2, VTV1, VCTV mời giới thiệu, hướng dẫn kiến thức, công nghệ giải quyết sự cố tràn dầu rộng rãi cho cộng đồng. Tính đến nay, anh Sơn đã phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương tập huấn, thuyết giảng về kỹ năng, phương pháp giải quyết sự cố tràn dầu được hơn 80 khóa, với sự tham gia của hàng nghìn người, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý cao cấp ngành môi trường và các địa phương. Đặc biệt, anh còn tham gia giúp các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp tổ chức thành công nhiều đợt diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu tại các cảng. Anh Sơn cho chúng tôi xem một ví dụ về sự cố cháy cây xăng ở đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội của một doanh nghiệp cách đây vài năm. Nguyên nhân là khi giao nhận xăng tràn ra ngoài gây cháy, khiến cho doanh nghiệp bị thiệt hại rất lớn. Nếu áp dụng quy trình, công nghệ giải quyết sự cố tràn dầu, quây, thấm xăng, dầu tràn bằng dụng cụ chuyên dùng thì sẽ nhanh chóng hạn chế sự lây lan, hút được xăng, dầu và đặc biệt là hạn chế tới mức thấp nhất nguy cơ cháy có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Với cách làm của mình, anh đã tham gia ứng phó, trực tiếp chỉ huy tại hiện trường, giải quyết thành công 61 sự cố tràn dầu tại: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đắc Lắc, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu; giúp các địa phương này ngăn ngừa tác hại, hậu quả với chi phí thấp nhất. Hiện anh Sơn cùng cộng sự đã nghiên cứu, sản xuất được nhiều phương tiện, vật tư xử lý sự cố tràn dầu rất tiện lợi, phù hợp với khí hậu, điều kiện thực tế trong nước và giá thành rẻ hơn so với nhập khẩu. Điển hình là phao quây dầu tràn cố định, cơ động; phao quây dầu trên biển triển khai nhanh; bộ phao thu gom dầu tràn loang rộng trên biển; lưới lọc dầu chìm lẫn trong nước; vải lọc dầu lẫn trong nước; thiết bị vớt váng dầu mỡ cùng hệ thống neo, dây kéo, thùng chứa dầu di động.

Anh Sơn tâm sự, các nước trên thế giới rất chú trọng đến vấn đề xử lý sự cố tràn dầu, hóa chất. Họ đầu tư kinh phí lớn để nghiên cứu và đưa ra quy trình công nghệ xử lý rất hiện đại. Ở nước ta, vấn đề giải quyết sự cố môi trường do tràn dầu, hóa chất cũng phải được quan tâm đầu tư, nhằm giảm tới mức thấp nhất thiệt hại cho con người và xã hội. Hiện không chỉ các doanh nghiệp lớn, các kho xăng dầu, các cảng mới cần tới phương tiện, công nghệ giải quyết sự cố tràn dầu mà ngay cả những cơ sở kinh doanh xăng dầu, phương tiện đường thủy, ga-ra và cơ sở sửa chữa xe, máy chuyên dùng cũng rất cần đến vật liệu, phương tiện xử lý sự cố tràn dầu. “Thời gian tới, tôi sẽ cố gắng tiếp tục hoạt động tích cực góp phần nâng cao kiến thức giải quyết sự cố tràn dầu, hóa chất cho các đối tượng trong xã hội, cung cấp dịch vụ giá rẻ về lĩnh vực này và vươn ra làm dịch vụ tại các nước trong khu vực ASEAN và thế giới”-anh Phạm Văn Sơn chia sẻ. Tôi hiểu rằng, những dự định của anh Sơn-người dám mạo hiểm và đi tiên phong trong lĩnh vực giải quyết, ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất là rất khả thi trong tương lai. Trong điều kiện đất nước đang phát triển, niềm đam mê, ý chí, nghị lực và khát khao thành công của những người như anh Phạm Văn Sơn quả là đáng trân trọng.

MẠNH THẮNG