Nối nhịp cầu cho ngành tim mạch Việt Nam và Ma-lai-xi-a
Bệnh viện Tim quốc gia của Ma-lai-xi-a có hơn 1.700 nhân viên, nhưng chỉ có duy nhất bà Trần Thị Chang là người Việt Nam. Hơn 20 năm gắn bó với bệnh viện, với chuyên môn vững vàng, bà được bạn bè, đồng nghiệp cũng như lãnh đạo bệnh viện yêu quý và tin tưởng. Bà thường có mặt trong nhiều kíp mổ quan trọng của bệnh viện, trong đó có ca phẫu thuật tim thành công cho Thủ tướng Ma-lai-xi-a.
Người phụ nữ có khuôn mặt đầy đặn và nụ cười đôn hậu này lại có cuộc sống không mấy êm ả. Bà sinh năm 1962 trong một gia đình nghèo ở tỉnh Hà Nam. Năm 1967, khi mới lên 5, bà phải chịu nỗi đau mất cha (ông hy sinh tại Tây Ninh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước). Năm 27 tuổi, khi đang công tác tại Bệnh viện huyện Bình Lục (tỉnh Hà Nam), bà gánh thêm nỗi đau mất chồng khi con trai mới 3 tuổi.
Bà Trần Thị Chang (ngoài cùng, bên phải) trao đổi với các y tá người Ma-lai-xi-a về sức khỏe của bệnh nhân Việt Nam đang điều trị tại bệnh viện.
Nhưng, nỗi đau không làm bà gục ngã. Năm 1993, bà Chang được cử sang làm chuyên gia y tế tại Ma-lai-xi-a, thời hạn 5 năm. Do có tinh thần học hỏi, phấn đấu, Bệnh viện Tim quốc gia Ma-lai-xi-a đã mời bà ở lại làm việc sau khi hợp đồng làm chuyên gia kết thúc. Từ đó đến nay, bà là nhân viên người Việt Nam duy nhất tại Bệnh viện Tim quốc gia Ma-lai-xi-a và là trợ lý đắc lực của Giám đốc Bệnh viện-Giáo sư Mohd Azhari Yakub-người được giới y học khu vực và quốc tế tín nhiệm gọi là "thầy thuốc có đôi bàn tay vàng".
Thông thạo cả tiếng Anh và tiếng Ma-lai-xi-a, bà luôn vui vẻ và nhiệt tình giúp đỡ các bác sĩ Việt Nam sang tham dự các khóa đào tạo tại bệnh viện, là "cầu nối giao lưu y khoa" giữa Bệnh viện Tim quốc gia Ma-lai-xi-a với các bệnh viện ở Việt Nam. Bà thường xuyên cùng Giáo sư Mohd Azhari Yakub về Việt Nam tham dự các hội thảo tư vấn về sức khỏe và tim mạch; hoặc có mặt cùng kíp mổ của Bệnh viện Tim quốc gia Ma-lai-xi-a về Việt Nam thực hiện các ca mổ từ thiện, giúp đỡ các gia đình khó khăn.
Với các bệnh nhân từ Việt Nam sang Bệnh viện Tim quốc gia Ma-lai-xi-a điều trị, khó khăn lớn nhất chính là sự khác biệt về ngôn ngữ và ẩm thực. Để bệnh nhân và người nhà bệnh nhân yên tâm điều trị, bà Chang là người thường xuyên gần gũi, giúp đỡ từ phiên dịch, liên hệ với các bác sĩ, tự tay bà nấu đồ ăn Việt mang đến cho các bệnh nhân, hơn thế có lúc bà còn mời bệnh nhân về nhà mình nghỉ ngơi. Bà Trần Thị Chang làm những công việc ấy bằng tất cả sự chân thành, bởi vì: “Là người Việt Nam nên dù ở đâu đi chăng nữa mình cố gắng giúp đỡ nhau. Tôi thấy vui và hạnh phúc vì việc làm của mình có thể giúp bệnh nhân về tư tưởng để họ điều trị có kết quả tốt”, bà Chang nói.
Việc làm của bà đã làm cho các bệnh nhân và cả đồng nghiệp rất xúc động. “Người Việt ra nước ngoài gặp khó khăn về khẩu vị ăn uống, ngôn ngữ, nhưng đến đây chị Chang trực tiếp phiên dịch, tìm bác sĩ tốt nhất cho mình, thậm chí hằng ngày chị còn nấu cơm cho ăn. Ở nơi đất khách quê người được gặp chị là điều mình thấy quá tuyệt vời!”, anh Nguyễn Thanh Hải, một bệnh nhân đến từ tỉnh Quảng Ninh chữa trị tại Bệnh viện Tim quốc gia Ma-lai-xi-a, chia sẻ.
20 năm làm việc cùng bà Trần Thị Chang, chị Hayate Mohd Tahir, Phó phòng Điều dưỡng của bệnh viện cho biết, mọi người ở đây rất yêu quý bà Chang bởi bà rất hòa đồng và luôn sẵn lòng trợ giúp mọi người. Bác sĩ Siva Kumar-Giám đốc Trung tâm Nhi khoa của bệnh viện dành cho bà Trần Thị Chang những lời tốt đẹp: “Ấn tượng về chị Chang tôi có thể tóm tắt trong một câu là chị ấy rất nhiệt tình, tốt bụng. Chị còn là người truyền cảm hứng cho mọi người, làm cho chúng tôi thêm tinh thần hăng say, yêu công việc nhiều hơn”.
Hỗ trợ những người Việt xa quê
"Nhắc tên chị Chang, người Việt ở Ma-lai-xi-a ai cũng biết"-Đại sứ Việt Nam tại Ma-lai-xi-a Phạm Cao Phong nhận xét về bà Trần Thị Chang như vậy. Cũng theo ông Phạm Cao Phong, trên cương vị Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ, Phó trưởng ban Liên lạc người Việt Nam tại Ma-lai-xi-a, chị Chang đã góp phần tập hợp bà con để tạo thành tập thể bền vững ngày càng phát triển như hiện nay, vận động bà con hướng về quê hương đất nước, liên kết với các hội đoàn người Việt Nam ở các nơi trên thế giới. Chị đóng vai trò quan trọng trong việc trợ giúp những hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là về y tế.
Người Việt Nam nào ở Ma-lai-xi-a gặp khó khăn từ vật chất đến tinh thần hay sức khỏe cũng đều tìm đến chị để được tư vấn hoặc trợ giúp. Như có chị sang Ma-lai-xi-a đến ngày "vượt cạn" chỉ có một mình, bà Chang đã gọi điện cho bệnh viện nhờ giải quyết; những người gặp tai nạn cũng nhờ bà giúp đỡ; có năm Ba Mươi Tết rồi bà vẫn chạy đôn chạy đáo lo đưa đồng hương về quê ăn Tết...
Số lượng người Việt Nam sang Ma-lai-xi-a sinh sống, học tập và làm việc hiện có hơn 70.000 người và đang ngày càng tăng lên. Đa phần họ là công nhân lao động, mức lương còn thấp nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Năm 2013, bà Trần Thị Chang đã kêu gọi và đã thành lập được Ban liên lạc người Việt Nam tại Ma-lai-xi-a. Đến nay, ban liên lạc đã hoạt động tương đối ổn định, có nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về quê hương, đất nước. Bà Trần Thị Chang đã tập hợp các anh chị em tổ chức nhiều hoạt động để mọi người có điều kiện liên lạc, giúp đỡ lẫn nhau, duy trì các hoạt động của người Việt như: Tổ chức ngày Tết cộng đồng dịp Tết cổ truyền, Giỗ Tổ Hùng Vương, Quốc tế Phụ nữ (8-3), Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10) và Tết Trung thu cho các cháu người Việt...
Trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền, nhà riêng của bà Chang là địa chỉ để anh chị em trong ban liên lạc sum họp, tổ chức liên hoan mừng Xuân mới. Bữa cơm đầm ấm với đủ các món ăn cổ truyền trong ngày Tết của người Việt. Bà chia sẻ lý do nhà mình thường là nơi tập trung của người Việt vì “những buổi liên hoan như vậy giúp cho chị em thêm gắn bó, cùng trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống và hướng về quê hương đất nước”.
Ngoài việc giúp đỡ bà con mình vượt qua lúc khó khăn hoạn nạn, Ban liên lạc người Việt Nam tại Ma-lai-xi-a chú trọng việc đoàn kết anh chị em người Việt, hướng dẫn những người mới sang tuân thủ luật pháp bản địa và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam. Bà Trần Thị Chang thường khuyên các chị em người Việt nên thường xuyên trò chuyện với các con bằng tiếng Việt. Bà dự định thời gian tới sẽ mở một lớp học tiếng Việt cho con em các gia đình người Việt đang sinh sống ở Ma-lai-xi-a, để các cháu biết được nguồn gốc của mình và tự hào là người Việt Nam.
Có một bác sĩ ở bệnh viện đã nói vui: "Cô Chang ở Ma-lai-xi-a nhưng trái tim cô ấy ở Việt Nam". Quả đúng vậy, tất cả những việc bà làm là vì quê hương đất nước. Bà Trần Thị Chang chỉ tâm niệm một điều: "Mình là người Việt Nam, dù ở đâu cũng hướng về quê hương và giúp đỡ bà con mình khi xa quê hương. Niềm đam mê của tôi là muốn giúp đỡ tất cả mọi người, nhất là những người khó khăn để trở thành cầu nối giữa người ở nước ngoài và trong nước. Lúc nào tôi cũng nghĩ mình là người Việt Nam, làm thế nào để giúp đỡ người Việt Nam ở ngay tại nước sở tại và luôn hướng về quê hương đất nước".
Tháng 12-2015, bà có mặt tại Hà Nội, thay mặt cộng đồng người Việt Nam tại Ma-lai-xi-a tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX. Yêu đất nước và yêu người Việt Nam bằng cả trái tim của mình, đó cũng là cách mà bà Trần Thị Chang mang niềm vui đến cho cuộc đời mình. Quê hương, đất nước ta luôn luôn mong đợi và chào đón những trái tim nhiệt thành, những việc làm thiết thực hướng về Tổ quốc của đồng bào Việt Nam ở khắp mọi nơi trên thế giới giống như những việc bà Trần Thị Chang đã làm, để chung tay xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh.
Bài và ảnh: MAI HỒNG