Khởi nghiệp từ một giò hoa

Là người con của xứ hoa Đà Lạt nên từ nhỏ Phan Thanh Sang đã dành cho hoa một tình yêu lớn. Nhà nghèo, bố mẹ chỉ sống bằng nghề trồng rau nên để thỏa mãn niềm đam mê, cậu bé Sang ngày ấy thường đi xin các giống hoa đẹp từ bạn học hoặc các gia đình trong xóm mang về trồng xung quanh nhà. Với cậu, mỗi ngày được chăm sóc và ngắm những cành hoa tươi tốt, rồi đơm nụ, trổ bông luôn là niềm hạnh phúc. “Trong số các loài hoa thì phong lan là loài hoa tôi yêu thích nhất bởi sự quý hiếm và vẻ đẹp kiêu sa, thanh khiết. Tuy nhiên, cách đây hơn 20 năm thì ở ngay xứ hoa này cũng chưa có ai trồng phong lan thương phẩm và lan vẫn là loài hoa xa xỉ đối với nhiều người Đà Lạt”-Thanh Sang tâm sự.

leftcenterrightdel
  Phan Thanh Sang hướng dẫn công nhân cách chăm sóc hoa lan tại “YSA Orchid Farm”.
Năm lớp 9, Sang được bạn một người bạn học tặng một giò lan cattleya. Sau thời gian chăm sóc, giò hoa bung nở những bông hoa cánh trắng, nhụy vàng rất đẹp. Dù rất yêu hoa, nhưng vì thiếu tiền mua sách vở mà cậu học trò đành mang giò hoa ra chợ Đà Lạt bán được 90.000 đồng. Đó là số tiền khá lớn đối với cậu lúc bấy giờ. Thành công ấy thôi thúc Sang phải trồng hoa lan, vừa để thỏa mãn niềm đam mê, vừa có thể kiếm tiền.

Sau khi tốt nghiệp THPT, Thanh Sang thi vào Khoa Nông lâm, Trường Đại học Đà Lạt với mục tiêu rất rõ ràng là nâng cao kiến thức về nông nghiệp, nhất là nghề trồng hoa. Từ một giò lan đầu tiên, Sang đã cóp nhặt, dành dụm xây dựng được một vườn lan nhỏ tại nhà, diện tích khoảng 20m2. Đó không chỉ là “vốn liếng” để cậu sinh viên khởi nghiệp, mà còn là nơi anh có thể vận dụng kiến thức học ở trường vào thực tế và tự do thể nghiệm những sáng tạo của bản thân.

Tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi, Thanh Sang quyết định về nhà làm nông dân trong sự ngỡ ngàng của bạn bè, người thân. Nhiều người bảo, đam mê là một nhẽ, nhưng biến đam mê thành hiện thực không phải là điều dễ dàng. Đã chọn nghề nông cần gì phải đi học đại học? Nghề nông không chỉ “chân lấm tay bùn” mà còn lắm nỗi bấp bênh. Nhiều lời khuyên Sang hãy đi xin việc ở cơ quan nhà nước hoặc công ty, vừa phát huy được kiến thức lại nhàn hạ… Mặc những lời bàn ra nói vào, Sang vẫn kiên định với quyết định của bản thân. Đồng hành với anh khi ấy còn có cô bạn gái học cùng khóa, sau này đã trở thành người bạn đời của anh.

Chia tay những ngày tháng mộng mơ trên giảng đường và cả những đam mê, thú vui của tuổi trẻ, Sang bắt đầu chuỗi ngày vắt kiệt sức cho những khu vườn. Trải qua nhiều khó khăn, thậm chí thất bại, thương hiệu “Hoa lan Sang còi”, mà sau này là “YSA Orchid” dần trở nên nức tiếng và chủ nhân của nó đã trở thành một trong những điển hình của tinh thần khởi nghiệp của tuổi trẻ Lâm Đồng.

Hóa thân vào những cánh hoa

Thoạt nhìn cơ ngơi bề thế và cả những thành công của YSA Orchid Farm, hẳn nhiều người có “máu mê” làm giàu cũng muốn trồng hoa lan. Tuy nhiên, qua tìm hiểu quy trình sản xuất tại đây mới thấy hết sự công phu và cả những bấp bênh trong nghề. Để đạt được thành công cần có kiến thức vững vàng, thời gian, kinh nghiệm; dám đương đầu với những rủi ro mà trên hết là phải có một "tình yêu lớn” đối với loài hoa sang quý, nhưng cũng vô cùng “đỏng đảnh” và “khó tính” này.

Được biết, hiện gia đình Thanh Sang sở hữu 3 khu trang trại tại 3 địa điểm gồm: Thành phố Đà Lạt, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) và huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận), tổng diện tích hơn 10ha. Đây là là 3 khu vực có các kiểu khí hậu từ lạnh, ấm đến khô nóng. “Mục đích nhằm trồng được nhiều loại lan khác nhau. Ví dụ loài Mitoniopsis và lan hài, địa lan thích hợp với khí hậu lạnh ở Đà Lạt; vùng Đạ Ròn (Đơn Dương) ấm áp hơn phù hợp với lan hồ điệp hoa, catlleya, vanda, dendrobium; còn ở Ninh Sơn (Ninh Thuận) tốt cho các giống lan của xứ nóng như: Hồ điệp giống, mokara”-Thanh Sang cho biết.

Tại YSA Orchid Farm, hoa được trồng trong nhà kính khá hiện đại với khung bằng sắt, lợp ni-lông, trang bị hệ thống quạt thông gió công nghiệp, cùng hệ thống điều chỉnh ánh sáng, khung giàn đặt các chậu hoa, cấp nước, phân bón, đồng hồ theo dõi nhiệt độ, độ ẩm... “Nếu nhập khẩu và xây dựng nhà kính giống như một số công ty có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại đây thì chi phí sẽ hết khoảng 25-30 tỷ đồng/1ha. Tuy nhiên, do mình tự nghiên cứu, thiết kế và sáng tạo theo “kiểu” của mình nên đã tiết kiệm được khá nhiều chi phí, mỗi héc-ta chỉ tốn khoảng 8-10 tỷ đồng”-Thanh Sang chia sẻ.

Là người được đào tạo bài bản, cộng với kinh nghiệm thực tiễn nên Thanh Sang rất thành thục về kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa lan. Trong khi hầu hết các cơ sở sản xuất hoa lan theo mô hình công nghiệp tại địa phương hiện phải nhập khẩu giống từ nước ngoài thì tại YSA Orchid Farm, một phần giống hoa đã được trang trại tự sản xuất bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào; đồng thời xây dựng phòng thí nghiệm cùng nhiều phương tiện hiện đại để sản xuất giống hoa, góp phần giảm đáng kể chi phí sản xuất.

Để hoa nở đúng thời gian, đồng đều về chất lượng, mẫu mã, YSA Orchid Farm áp dụng quy trình chăm sóc, thu hoạch rất khoa học, hiện đại. Giá thể trồng hoa được nhập khẩu từ Nam Mỹ, các yếu tố “đầu vào” như phân bón, nước, ánh sáng, độ ẩm đều được tính toán và cung cấp theo một liều lượng chuẩn xác, đáp ứng tốt nhất cho sự sinh trưởng của hoa theo từng giai đoạn, hạn chế tối đa sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học.

Tại trang trại, để đề phòng hoa bị nhiễm bệnh, các công nhân đều phải được khử trùng trước khi vào vườn làm việc. Vườn cũng hạn chế cho người lạ vào nhằm hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh. Bằng kinh nghiệm và khả năng của mình, chỉ cần nhìn vào sự bất thường của một chậu hoa, Thanh Sang có thể biết hoa đang bị bệnh gì và phải điều trị ra sao. “Khi độ ẩm trong vườn quá cao hoặc tưới quá nhiều nước, cộng với các loại côn trùng nhỏ như bọ trĩ, ong ruồi xâm nhập vào cắn phá thì hoa sẽ bị bệnh thối nhũn, màu sắc không đẹp. Lúc đó ta phải dùng thuốc, hạn chế độ ẩm, bố trí bẫy sinh học để bắt côn trùng…”-ông chủ trang trại lan cho biết.

YSA Orchid Farm hiện có hàng trăm loài phong lan, từ các loài lan rừng, lan nhà xuất xứ trong nước đến các loại lan độc đáo nhập khẩu từ nước ngoài. Tuy nhiên, sản phẩm chủ lực vẫn là phong lan hồ điệp. Lý giải về điều này, Thanh Sang cho biết: “Lan hồ điệp mẫu mã đẹp, độ bền cao, phong phú về màu sắc, đồng đều về chất lượng, dễ trồng và dễ vận chuyển, giá cả phù hợp với nhiều người tiêu dùng, nhu cầu của thị trường về lan hồ điệp rất lớn”.

Không chỉ là một nhà sản xuất, Phan Thanh Sang còn là người sưu tầm, bảo tồn nhiều loài lan quý hiếm, đồng thời là “cha đẻ” của nhiều giống lan mới. Bằng các phương pháp như thụ phấn chéo, nuôi cấy tế bào in vitro tạo mô sẹo..., anh đã cho ra đời hàng loạt giống lan có màu sắc, hình dáng bắt mắt, điển hình như: Dendrobium nobile hydrid, mitoniopsis, hồ điệp, catlleya… Các tác phẩm hoa lan của anh nhiều năm liền đoạt giải cao trong các cuộc thi hoa khu vực và toàn quốc.

YSA Orchid Farm có hơn 30 công nhân, chủ yếu là người dân tộc thiểu số đang làm việc với mức lượng từ 4-6 triệu đồng/tháng. Sản phẩm hoa lan của YSA Orchid Farm hiện được bán rộng rãi tại thị trường trong nước và xuất khẩu sang Cam-pu-chia, lợi nhuận bình quân đạt 3 tỷ đồng/ha/năm. Bên cạnh tình yêu đối với hoa lan, Thanh Sang còn tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, xã hội. Với vai trò là đại biểu HĐND thành phố Đà Lạt và Phó chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, anh thường xuyên đề xuất những kiến nghị và giải pháp thiết thực, nhằm phát triển nghề trồng hoa và du lịch cho Đà Lạt. Những mô hình anh làm cũng chính là "điểm đến" cho rất nhiều đoàn viên, thanh niên, bà con nông dân đến giao lưu học tập, chia sẻ kinh nghiệm theo hình thức “Tai nghe, mắt thấy, tay sờ”, bởi Thanh Sang luôn mong rằng, niềm đam mê phát triển nông nghiệp bền vững, hiện đại sẽ lan tỏa ngày càng sâu rộng.

Trò chuyện với Phan Thanh Sang, có thể cảm nhận rõ niềm đam mê bất tận của chàng trai này đối với hoa lan, cùng những trăn trở và khát vọng lớn đối với nghề trồng hoa, tưởng như anh đang hóa thân vào những bông hoa trong khu vườn của mình, khiến nó càng trở nên kiêu sa, rực rỡ.

 

Phan Thanh Sang sinh năm 1984, ở số 16, đường Hồ Xuân Hương, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Anh là chủ nhân của hệ thống trang trại hoa lan “YSA Orchid”, chủ nhân các giải thưởng: Lương Định Của (năm 2009); “Khi Tổ quốc cần” và “Thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi” của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (năm 2012); được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Lâm Đồng (năm 2015); là 1 trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu (năm 2015)… 

Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG