Từ nghĩa cử hiến máu cứu người...

Đi bán rau, dọn cỏ, soạn văn bản thuê, quét dọn văn phòng…, việc gì anh cũng làm để có thêm tiền nuôi vợ cùng hai con nhỏ và để có sức khỏe đi hiến máu, để về các bản làng vùng cao làm việc thiện nguyện. Đó là câu chuyện cảm động, tấm gương sáng về chàng trai trẻ nhà nghèo Nguyễn Công Định.

Tôi tìm đến nơi Nguyễn Công Định ở - một căn phòng trọ chưa đầy 20m2, tại TP Hà Giang với những đồ đạc sơ sài khi gia đình nhỏ của anh đang quây quần bên mâm cơm đạm bạc. Định kể: “Vợ em người dân tộc Tày, nhà nghèo, quê ở một xã nghèo huyện Bắc Quang. Chúng em yêu nhau từ khi cô ấy học Trường Trung cấp Y Hà Giang, khi ra trường thì cưới, rồi sinh liền hai cháu trong 3 năm, thế là vợ phải ở nhà chăm 2 con, chỉ còn mình em lao động chính nuôi cả nhà. Nhưng làm gì thì làm, cứ 2 ngày nghỉ cuối tuần em lại xách ba lô lên đường cùng đội thiện nguyện”. Vợ Định bộc bạch: “Vợ trẻ, con thơ, nhưng em cũng chẳng giữ được chân anh ấy. Từ lúc yêu em đã chấp nhận, thành quen thôi. Nhưng được an ủi là anh ấy là người chăm chỉ, luôn mong muốn làm nhiều việc có ích là em cũng được an ủi rồi!”.

 Nguyễn Công Định "truyền lửa" trong một buổi tuyên truyền hiến máu tình nguyện của CLB tại trường học. 

Quê bố mẹ Định ở tỉnh Hải Dương, thuở trước ông bà cũng là thanh niên xung phong theo lời kêu gọi của Bác Hồ đi mở đường lên vùng cao nguyên đá Đồng Văn từ thập niên 1960. Khi con đường hoàn thành, bố mẹ Định ở lại lập nghiệp tại Hà Giang và sinh được 6 người con, trong đó Định là con út. Trong khi các anh chị được ăn học và tham gia công tác thì Định ở nhà chăm chỉ giúp mẹ trồng cấy, rồi đem rau quả ra chợ bán lấy tiền theo học hệ đại học tại chức từ năm 2005, khi đó Định tròn 21 tuổi.

Nhiều người còn biết đến Định bởi anh là người đã hàng chục lần hiến máu mà không nhận một đồng thù lao nào. Vợ anh nói như rút ruột: “May anh ấy có sức khỏe, nên cứ vài ba tháng lại đi hiến máu một lần. Có lần 7 giờ tối, vợ chồng vừa ăn cơm chưa buông đũa thì thấy anh có điện thoại. Nghe xong anh chạy vội ra đường bắt xe đêm về Hà Nội để kịp hiến máu cứu người. Tiền xe đi lại anh cũng tự bỏ ra. Thú thực nhiều khi em cũng xót ruột, thương anh ấy lắm, nhưng anh ấy bảo nếu thương thì giúp anh ấy chăm con để anh ấy có thời gian đi làm việc thiện. Đó cũng như những đợt “tiếp máu” để anh ấy sống khỏe hơn”.

Từ năm 2005 đến nay, Nguyễn Công Định đã hiến máu 19 lần và 5 lần hiến tiểu cầu. Tất cả đều hiến cho những bệnh nhân không quen biết, thậm chí anh không biết tên, biết mặt.

... đến tập hợp sức mạnh vì cộng đồng

Định chia sẻ, ban đầu việc đi hiến máu cũng chỉ là hưởng ứng trong các đợt vận động của Hội Chữ thập đỏ của phường, nhưng một lần tình cờ vào đêm đông giá lạnh anh nhận được điện thoại của bác sĩ Dương Hồng Chuyên, công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhờ tìm hộ một đơn vị nhóm máu AB vì có bệnh nhân cấp cứu, tính mạng đang “ngàn cân treo sợi tóc”. Vậy là cả đêm đó Định đi gõ cửa nhà bạn bè, người thân nhưng không tìm được ai, cho đến sáng hôm sau mới thuyết phục được một người bạn cùng nhóm máu AB tình nguyện hiến máu. Khi cả hai tức tốc đến bệnh viện thì bệnh nhân cũng vừa tử vong. Nhìn người thanh niên chết vì thiếu máu tiếp ứng khi tuổi chưa tròn 19 bên cạnh là ánh mắt buồn bã, bất lực của những thầy thuốc, tim Định như thắt lại. Và ngay lập tức trong đầu chàng trai trẻ này sáng lên ý tưởng tạo dựng một nhóm người sẵn sàng tình nguyện hiến máu cho những người đang trong cơn nguy kịch.

Vậy là không dừng lại ở việc hiến máu, bắt đầu từ năm 2012, Nguyễn Công Định bắt tay với dự định thành lập CLB hiến máu để kêu gọi sự chung tay giúp sức của cộng đồng. Định khoác ba lô về Hà Nội, Hải Dương, thậm chí vào tận Đà Nẵng để mày mò tìm hiểu, học hỏi mô hình hoạt động của các CLB Ngân hàng máu sống (CLB - NHMS). Sau đó là hơn 2 năm trời Định vừa xây dựng đề án, vừa đi vận động, tuyên truyền các thành viên tham gia, đồng thời “gõ cửa” các cơ quan chức năng để xin thành lập CLB-NHMS của tỉnh nhà. Đến năm 2014, CLB-NHMS tỉnh Hà Giang do Nguyễn Công Định làm Chủ nhiệm chính thức ra đời. Từ đó đến nay, 100% các ca cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang cần máu cứu người thì đều do thành viên CLB đứng ra đảm nhiệm.

Chị Vương Ngọc Hà, Bí Thư tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Hà Giang, cho biết: “Trước khi thành lập CLB-NHMS tôi đã nhiều lần tiếp xúc, nghe Định bày tỏ tâm tư nguyện vọng về việc xây dựng nên một đội ngũ thiện nguyện hiến máu cứu người một cách khoa học hơn. Vậy là khi CLB-NHMS ra đời, Định đứng ra nhận giúp đỡ tất cả những ca cấp cứu cần máu tại bệnh viện. Hễ có bệnh nhân nguy kịch cần đến máu, cán bộ bệnh viện nhấc máy gọi thì Định đều điều phối thành viên đến “ứng cứu” kịp thời. Ngay chính người thân trong gia đình tôi cũng từng được nhận dòng máu thiện nguyện này mà giữ được tính mạng. Chúng tôi thật sự cảm động, biết ơn trước sự nhiệt tình của các em. Chỉ trong hơn một năm qua, CLB đã hiến được 160 đơn vị máu để cấp cứu cho những người đang nguy kịch. Nếu không có sự nhiệt tình của Định thì CLB cũng khó có thể ra đời; nếu không có CLB thì các bác sĩ và thân nhân của người bệnh sẽ khó lòng xoay xở tiếp máu cứu bệnh nhân trong cơn nguy kịch.

Với khởi điểm ban đầu là sự tự nguyện của riêng mình, Nguyễn Công Định đã truyền lửa đến hàng trăm người, khơi dậy lòng thiện nguyện bằng việc làm nhân ái. Giờ đây thành viên CLB-NHMS do Định thành lập đã có sự tham gia của hơn 460 thành viên ở 11/11 huyện, thành phố trong tỉnh Hà Giang, từ anh lái xe ôm, chị bán rau, đến những cán bộ, lãnh đạo, người dân tộc thiểu số nghèo. Chủ nhiệm CLB cũng rất ham học hỏi, đầu tư soạn các bài giảng, sưu tầm, thiết kế các hình ảnh về vận động tuyên truyền hiến máu. Anh cũng thường đến các trường chuyên nghiệp, các huyện và các đoàn thể liên hệ được phối hợp tổ chức các buổi tuyên truyền về hiến máu. Những buổi tuyên truyền do CLB đứng ra đảm nhiệm đều nhận được sự ủng hộ của đông đảo người tham gia. Anh cũng đang bàn với các thành viên trong CLB xây dựng tiếp đề án thành lập CLB ở các huyện trong toàn tỉnh, để những bệnh nhân nguy kịch ở bệnh viện tuyến huyện cũng được nhận máu phục vụ cứu chữa kịp thời.

Tấm lòng thiện nguyện vì người nghèo

Anh Hoàng Văn Hải, Phó chủ nhiệm CLB-NHMS tỉnh Hà Giang, người đồng hành cùng Nguyễn Công Định trong nhiều chuyến thiện nguyện, chia sẻ: “Định không chỉ hiến máu, vận động mọi người cùng đi hiến máu cứu người mà anh còn là người kết nối với các nhóm thiện nguyện, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng cao. Đó là việc giúp các cô giáo nơi rẻo cao sửa chữa lớp học, bàn ghế, kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ xây điểm trường cho các em, hỗ trợ tiền mổ tim cho bệnh nhi nghèo... Định không nề hà việc gì và luôn là người đầu tàu khơi dậy tinh thần thiện nguyện tới mọi người”.

Từ khi theo học đại học tại chức ngành công tác xã hội, Nguyễn Công Định đã bắt đầu tham gia công tác thiện nguyện. Anh tìm đến các nhóm tình nguyện trong tỉnh và ngoài tỉnh để cùng họ tổ chức các hoạt động về với vùng cao, vùng sâu trong tỉnh. Định bảo: "Lựa chọn học chuyên ngành công tác xã hội, em thấy cũng "vỡ" ra được nhiều điều. Càng học thì càng thấy phải tham gia thực tế vào công tác xã hội nhiều hơn nữa. Thanh niên với hai bàn tay trắng như em thì có gì ngoài sức lực và lòng đam mê, nên cứ mải miết đi làm tình nguyện. Em nghĩ đó cũng chính là tham gia công tác xã hội một cách thực tế nhất".

Năm 2006, trong một chuyến về Hải Dương thăm quê, Nguyễn Công Định đã dũng cảm lao vào dòng nước xiết cứu được hai em bé thoát khỏi tử thần. Với hành động quả cảm đó, anh được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Năm 2012, Nguyễn Công Định cũng được bầu chọn là một trong 100 người hiến máu tiêu biểu của cả nước, được Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan gặp gỡ biểu dương. Trong gian phòng trọ nghèo của vợ chồng Nguyễn Công Định, “tài sản” nhiều nhất là những tấm bằng khen, giấy khen của Thủ tướng Chính phủ, Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam, Bộ Y tế, UBND tỉnh Hà Giang. Năm 2015, anh đạt “Giải thưởng 15 tháng 10” do Trung ương Hội Thanh niên Việt Nam trao tặng.

Nguyễn Công Định tâm sự: “Trong những lần đi làm thiện nguyện, em cũng nhận được những lời mời về công tác tại một số cơ quan nhà nước ở tỉnh khác, nhưng em vẫn sẽ ở lại Hà Giang, nơi sinh ra em, cho em lòng thiện nguyện và bởi người dân Hà Giang còn khổ, còn nghèo, còn cần thêm rất nhiều người làm thiện nguyện nữa”.

Từ năm 2010, khi tốt nghiệp đại học cho đến nay, Nguyễn Công Định được UBND phường Minh Khai - nơi anh sinh sống nhận vào làm công tác văn phòng với phụ cấp của một cán bộ bán chuyên trách. Anh làm đủ việc, từ văn thư, tạp vụ đến thống kê, văn phòng…, nhưng với số tiền phụ cấp hằng tháng anh nhận được chỉ vỏn vẹn hơn 1 triệu đồng. Để có tiền nuôi được 4 miệng ăn trong gia đình, Định không nề hà nhận làm thêm bất cứ việc gì. Anh chỉ mong sớm được tuyển dụng vào làm cán bộ ở một cơ quan nào đó để có đồng lương ổn định hơn, để ngày thứ bảy, chủ nhật có điều kiện cùng anh em đi làm tình nguyện, mà không “ngại” mang tiếng với vợ con”.

Chia tay chàng thanh niên chân chất, với cái bắt tay thật chặt, tôi cũng như nhiều người từng có dịp tiếp xúc, gặp gỡ, trò chuyện với Nguyễn Công Định, như được anh truyền cho một thông điệp: “Làm việc thiện nguyện không phân biệt nghề nghiệp, giàu nghèo, ở miền xuôi hay miền núi…, chỉ cần bạn mang tình yêu thương từ trái tim mình san sẻ cho mọi người”.

Bài và ảnh: KIM HUỆ