Mấy lần hẹn, tôi vẫn chưa gặp được anh-Thượng tá Đoàn Công Tâm, Trưởng ban Chính sách (Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai), bởi hiếm khi anh có mặt ở đơn vị. Sau cuộc điện thoại, tôi quyết định tìm tới tận xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch-nơi anh đang trực tiếp tìm HCLS theo nguồn tin từ người dân địa phương.
Gần 11 giờ trưa, đi qua mấy con hẻm lầy lội, tới khu vực chợ Long Thọ tôi mới gặp được anh. Vẫn bộ quần áo dã ngoại bạc thếch, bùn đất lấm lem, nước da đen cháy, Thượng tá Đoàn Công Tâm trông không khác gì… anh Hai Lúa đang mải mê với công việc của mình. “Từ từ, có đất đen đấy, để tôi kiểm tra đã”-anh Tâm nhắc người điều khiển máy xúc, rồi cẩn thận sờ nắn từng lớp đất mới đào lên để tìm kiếm, phát hiện di vật, HCLS. Hồi lâu, anh lắc đầu: “Không phải, chỉ là than và mùn cây thôi, tiếp tục đào thêm một lớp nữa, rồi mở rộng sang hai bên”. Cứ như vậy, toàn bộ nền chợ Long Thọ lần lượt được đào tìm tỉ mỉ. Anh Tâm quan sát từng gầu đất, không bỏ sót bất cứ dấu hiệu nào để phát hiện hài cốt. Đào xong từng hố, anh lại cho san lấp nguyên vẹn trả lại mặt bằng ban đầu nên được chính quyền và nhân dân địa phương tin yêu, quý mến.
Anh Tâm cho biết: “Theo nguồn tin từ ông trưởng ấp chế độ cũ và mấy hộ dân từng sống gần đây, khu vực này trước kia là đồn lính bảo an Phước Thọ. Trong kháng chiến chống Mỹ, có khoảng chục cán bộ, chiến sĩ của ta bị bọn địch sát hại rồi phơi xác mấy ngày ở đây. Tuy nhiên, bà con không nhớ vị trí chính xác nên chỉ tới mấy chỗ. Nếu đào hết nền chợ mà không thấy, chúng tôi sẽ chuyển sang chỗ khác, quyết tìm bằng được mới thôi”.
Thượng tá Đoàn Công Tâm (người ngồi, bên trái) cẩn thận bới từng lớp đất để tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.
Để tiến hành đào được nền chợ Long Thọ không phải dễ, bởi người dân đang buôn bán, kinh doanh hằng ngày. Chính quyền, đoàn thể địa phương đã mấy lần vận động nhưng bà con vẫn chưa chịu nhường mặt bằng để triển khai công tác tìm kiếm, quy tập HCLS. Thấy vậy, Thượng tá Đoàn Công Tâm trực tiếp tới từng hộ tuyên truyền, giải thích; đồng thời anh đề nghị UBND xã bố trí tạm thời địa điểm kinh doanh cho các tiểu thương, cử lực lượng hỗ trợ sửa sang, thu dọn, sắp xếp hàng hóa không để ảnh hưởng tới công việc kinh doanh của người dân. Thấy anh tận tình làm việc nghĩa, bà con bảo nhau chuyển sang chỗ mới kinh doanh để tạo thuận lợi cho bộ đội tìm kiếm HCLS. Chủ tịch UBND xã Long Thọ Nguyễn Văn Khang bộc bạch: “Lần này vận động bà con cũng khó, nhưng lần trước còn khó hơn nhiều, bởi HCLS được nhận định nằm ngay góc nhà một hộ dân, muốn cất bốc phải đào tung nền nhà, khoét cả vào chân tường. Chúng tôi thuyết phục mãi chủ nhà vẫn chưa xuôi, đành nhờ anh Tâm ra tay. Chẳng biết anh Tâm nói thế nào mà sáng hôm sau chủ nhà vui vẻ đồng ý cho bộ phận quy tập làm nhiệm vụ!”. “Có gì khó đâu, tôi gặp chủ nhà và cam kết với họ, làm xong sẽ sửa lại chắc chắn, sạch đẹp hơn trước. Thế là họ đồng ý!”-anh Tâm cười hiền hậu.
Mấy ngày sát cánh cùng Thượng tá Đoàn Công Tâm, tôi tận mắt chứng kiến một anh Hai Lúa gắn bó nghĩa tình với người dân Long Thọ. Từ việc bứng gốc cây, xây bể chứa nước đến thay đổi hướng cổng… bà con đều nhờ hoặc hỏi ý kiến anh Tâm. Thượng tá Đoàn Công Tâm chia sẻ: “Trước khi đảm nhiệm Trưởng ban Chính sách của Bộ CHQS tỉnh, tôi ít tham gia công tác dân vận nên lúc đầu làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập HCLS cũng gặp không ít khó khăn. Nhưng với tinh thần vừa học, vừa làm, giúp đỡ dân để dựa vào dân, đến nay đi tới đâu tôi cũng được bà con giúp đỡ, lo chỗ ăn, chỗ ở cho mình chứ không thì… làm chi nổi”.
Còn nhớ mấy năm trước, trong thời gian tìm kiếm 2 mộ tập thể với khoảng 100 hài cốt cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 4, Sư đoàn 5 và Đại đội 240 Nhơn Trạch hy sinh trong trận đánh chốt Vườn Điều ngày 20-12-1967, anh Tâm gần như thường trú ở xã Long Thọ này suốt 3 năm trời. Toàn bộ chuyện ăn uống, ngủ nghỉ đều do bà con nơi đây giúp đỡ. Nhớ lại quá trình quy tập HCLS chốt Vườn Điều, anh Tâm kể: Trước năm 2012, các cựu chiến binh Trung đoàn 4 đã nhờ đến cả chục nhà ngoại cảm hướng dẫn tìm kiếm mộ các liệt sĩ nhưng không có kết quả. Tôi góp ý với các cụ, rồi lập phương án báo cáo lãnh đạo tỉnh, bắt đầu triển khai tìm kiếm với quy mô nhỏ. Ban đầu đào tìm chưa xác định được phương hướng, tọa độ, không có máy móc, chủ yếu dùng cuốc, xẻng nên ai cũng mệt. Về sau mới có đơn vị tài trợ máy móc và bổ sung lực lượng tham gia. Mấy tháng trời vẫn không tìm thấy, tôi kiên trì thu thập thêm thông tin từ nhân dân, cựu chiến binh và đề nghị liên hệ với cựu binh Tiểu đoàn Mãng Xà Vương (Thái Lan) đóng ở chốt Vườn Điều năm xưa nhờ giúp đỡ. Có được những tư liệu tin cậy, tôi đề xuất với Bộ CHQS và lãnh đạo tỉnh tiếp tục mở rộng phạm vi tìm kiếm. Được sự chấp thuận của cấp trên, từ tháng 5-2012 đến tháng 8-2014, chúng tôi đã tổ chức 7 đợt khảo sát, tìm kiếm trên diện tích khoảng 30ha mới phát hiện, quy tập được 2 mộ tập thể khoảng 100 HCLS.
Ngày đó, nỗi vất vả, gian truân và áp lực đè nặng trên vai Trưởng ban Chính sách Đoàn Công Tâm, bởi anh là người chịu trách nhiệm chính về kết quả công tác tìm kiếm, quy tập HCLS trên địa bàn. Mùa mưa, đào đến đâu nước dâng lên đến đó, đất nhão thành bùn càng thêm khó phát hiện di vật, dấu vết hài cốt. Những ngày ấy, chỉ một mình anh Tâm và chiếc máy xúc bền bỉ làm việc dưới trời mưa tầm tã. Cựu chiến binh Đại đội 240 Lê Thanh Hải, ngụ tại ấp 4 xã Long Thọ, tấm tắc: “Có nơi hố đào sâu hơn 3m, nước ngập đến bụng, máy bơm hút không xuể nhưng anh Tâm vẫn dầm mình múc từng rổ bùn, đãi sạch để tìm từng mẩu xương, di vật. Suốt 3 mùa mưa với hàng trăm hố phải đãi bùn như thế, không có “cái tâm” với các liệt sĩ, đố ai làm được”.
Mùa khô, nắng như lửa đốt, sỏi đá cong vênh, anh Tâm vẫn đầu trần, nhễ nhại mồ hôi đôn đốc anh em thận trọng từng nhát cuốc, tỉ mỉ từng gầu đất múc lên. Kiên trì, nhẫn nại trong suốt thời gian dài, có những lúc tưởng chừng vô vọng, ngay cả những người tham gia tìm kiếm cùng anh cũng tỏ ra chán nản. Hiểu được tâm trạng anh em, anh Tâm càng gương mẫu, động viên mọi người cùng cố gắng. Cách nhà chừng 50km nhưng mấy tháng liền anh không về. Vừa tới cổng, con chó cưng lao ra sủa inh ỏi. Nó không còn nhận ra mùi chủ, lại thêm mùi ẩm mốc, ám hơi đất lâu ngày nên gầm gừ, rượt anh chạy thục mạng. Thượng tá Đoàn Công Tâm bộc bạch: “Áp lực công việc, cộng với tâm trạng buồn rầu vì chưa tìm được hài cốt các chú, các anh nên tôi chẳng nghĩ gì đến gia đình nữa… Nhiều đêm tôi ao ước ngày mai đào tìm được, dù chỉ chiếc dép rọ hay đôi giày cao cổ của các chú, các anh thôi cũng cam lòng”.
Thế rồi, một ngày cuối tháng 5-2013, đợt 6 của “chiến dịch” tìm kiếm HCLS chốt Vườn Điều bắt đầu, có sự hỗ trợ của cựu binh Thái Lan cung cấp hình ảnh, tư liệu liên quan. Trong lúc đào tìm, anh Tâm phát hiện lớp đất đen khác thường. Bằng kinh nghiệm của mình, anh yêu cầu dừng đào, một mình anh cầm chiếc bay xây nhảy xuống hố, nhẹ nhàng bới từng lớp đất mỏng, kiểm tra kỹ lưỡng và phát hiện được di vật, HCLS. “Thấy rồi, thấy rồi các đồng chí ơi”-anh Tâm nhảy lên khỏi hố, ôm chầm lấy đồng đội, nước mắt trào ra. Mấy anh em hỗ trợ tìm kiếm đứng lặng, không ai nói nên lời, một phần vì cảm xúc gần 3 năm dồn nén, một phần vì thỏa nỗi lòng của các thân nhân liệt sĩ mong đợi bao năm. Sau phút xúc động nghẹn ngào, anh Tâm cùng đồng đội bắt đầu cất bốc, tìm thấy hơn 20 chiếc dép rọ, giày cao cổ, 10 tấm dù và một số bình tông đựng nước, ni-lông, mùng, sao mũ, võng dù… Theo xác nhận của cựu binh Thái Lan, hố tập thể có khoảng 20 liệt sĩ. Tiếp đó, các anh tiến hành đợt 7 kéo dài đến ngày 27-8-2014 thì phát hiện mộ tập thể thứ hai có khoảng 80 bộ hài cốt, cất bốc, đưa về nghĩa trang liệt sĩ an táng, kết thúc quá trình quy tập HCLS hy sinh tại chốt Vườn Điều.
Ngay sau đó, Trưởng ban Chính sách Đoàn Công Tâm lại tiếp tục cùng đồng đội tìm kiếm, quy tập được mộ tập thể 36 liệt sĩ Trung đoàn 95 (Sư đoàn 27) và Trung đoàn 5 (Sư đoàn 5) hy sinh ngày 18-5-1969 trong trận tập kích căn cứ Hoàng Diệu (thị xã Long Khánh). Tại buổi lễ truy điệu, an táng các liệt sĩ vừa tìm được, chị Chu Thị Hồng, ngụ tại xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, con gái liệt sĩ Chu Hoàng Long, nắm chặt tay Thượng tá Đoàn Công Tâm, bày tỏ: “Tâm nguyện lớn nhất của gia đình là tìm được hài cốt bố tôi đưa về quê an táng. Vậy mà hơn 40 năm qua, đến nay mẹ con tôi mới hoàn thành tâm nguyện ấy nhờ công sức, tình cảm và tấm lòng của các chú, các anh”.
Kể từ năm 2009 khi anh Tâm làm Trưởng ban Chính sách đến nay, theo thống kê của Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai, công tác “Đền ơn đáp nghĩa” đã thu được nhiều thành công với khoảng 200 HCLS được tìm thấy và hơn 80 nhà tình nghĩa, nhà đồng đội được trao tặng gia đình chính sách, hộ nghèo. Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hòa Hiệp, khẳng định: “Đồng chí Tâm tìm kiếm HCLS bằng trái tim đồng cảm, lòng tri ân và chân tâm tỏa sáng giữa màu thời gian”.
Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH