Từ tỉnh lỵ Viêng Chăn, chúng tôi đi hơn 400km nữa mới tới bản Huổi Pa Mạ. Trước khi đi, Thiếu tướng Xia Đa Lò-Tỉnh đội trưởng kiêm Phó bí thư Tỉnh ủy Viêng Chăn, dặn: “Đến càng sớm càng tốt vì ông Hải yếu lắm rồi. Một chiến sĩ bộ đội tình nguyện Việt Nam không những đang sống với dân bản của chúng tôi mà có thời gian làm cán bộ mặt trận và trưởng bản đấy”. Nói đoạn, Thiếu tướng Xia Đa Lò chỉ Trung tá Hùm Phăn Xỉ Nha Xẻng-Chủ nhiệm Hậu cần Tỉnh đội, giới thiệu: “Đồng chí trung tá từng có nhiều gắn bó với bộ đội quy tập hài cốt liệt sĩ (HCLS) của Việt Nam sẽ đưa các anh vào tận nhà ông Hải”.
Bản lý lịch thành câu chuyện truyền miệng
Con đường nhỏ đến nhà ông Hải chạy xuyên rừng, tung bụi mù khoảng trời phía trước. Mỗi người chúng tôi đều hồi hộp vì sắp được tận mắt nhìn thấy người cựu binh và nghe chuyện đời của ông. Nhưng khi nghe chúng tôi gọi tên, ông không nói được mà chỉ đưa bàn tay gân guốc gạt giọt nước mắt ứa ra trên khuôn mặt thẫn thờ.
Vợ chồng ông Hải ở bản Huổi Pa Mạ, huyện Mường Mẹc, tỉnh Viêng Chăn (Lào).
Bà Bua Khay (56 tuổi, vợ ông Hải) và con rể dìu ông vào phòng khách, nói: “Chồng tôi đã 79 tuổi. Ông không nói được cách đây 6 năm. Năm 1982, chúng tôi cưới nhau nhưng đến nay, tôi chỉ mới hai lần nghe ông Hải nói tiếng Việt. Lần thứ nhất, khi gặp mấy người dân Việt Nam đi săn trầm lạc sang rừng Lào. Lần thứ hai, khi bộ đội quy tập HCLS Việt Nam tìm đến nơi ở của gia đình tôi trên đồi Khỉ Hét”.
Bà Bua Khay tìm lá đơn của ông Hải viết năm 2012 để xin tỉnh Viêng Chăn chế độ trợ cấp. Lá đơn được mẹ con bà xem như một bản lý lịch trích ngang của ông. Dưới đơn có xác nhận của trưởng bản và đóng dấu chính quyền bản Huổi Pa Mạ. Trung tá Hùm Phăn Xỉ Nha Xẻng cho hay: “Lãnh đạo tỉnh Viêng Chăn biết đầy đủ hơn về gần 50 năm chiến đấu, mưu sinh trên đất Lào của ông Hải qua những thông tin này”.
Bản lý lịch trở thành chuyện truyền miệng ở Viêng Chăn: Từ tháng 1 đến đầu tháng 4-1964, đơn vị của ông Hải đánh phỉ Vàng Pao ở các huyện Noọng Hét, Mường Kham, Khăng Khay (tỉnh Xiêng Khoảng); sau đó đánh “cuốn chiếu” (vừa đi vừa đánh) qua các vùng rừng Sẩm Luông (huyện Mường Khùn), Phu Mộc (huyện Loong Chẹng). Cuối tháng 4-1964, đơn vị ông Hải phối hợp với bộ đội Pa-thét Lào đánh chiếm đỉnh Phú Lai, huyện Mường Pẹt (Xiêng Khoảng). Trận đánh khốc liệt khiến đại đội hơn 200 người chỉ còn 32 người. Địch bao vây suốt bảy ngày đêm, thêm 29 người hy sinh. Ông Hải và một người bạn thay nhau bò khắp trận địa tìm đạn của đồng đội để mở đường máu. Cầm cự được 24 giờ đồng hồ thì hết đạn, hai người rút xuống cầu Nậm Xằn dưới chân đồi Phú Lai gặp địch bao vây rồi cả hai bị bắt.
Địch giam ông Hải trong nhà tù Phôn Khênh ở tỉnh Viêng Chăn. Do ông không hé nửa lời nên sau ba tháng, địch chuyển ông sang nhà tù Thạt Đằm khét tiếng cũng ở tỉnh này. Trong lao tù, địch tra tấn không thiếu ngón đòn nào, như: Dùng roi điện dí từ đầu đến chân, dao nhọn chọc mạng sườn, báng súng đánh vào lưng, đá mũi giày đinh vào bụng và dùng dây treo người lên... nhưng ông vẫn không khai. Địch mua chuộc rằng, nếu chịu khai và làm việc cho vua mẹo Vàng Pao thì sẽ được phong trung úy và được trả lương bằng vàng, tương đương 25 triệu kíp/tháng nhưng ông vẫn "ngậm tăm". Đến năm 1972, địch thả ông. Tổng cộng, ông bị địch tù đày 8 năm 6 tháng.
Bà Bua Khay kể: “Năm 1964 khi bị địch bắt giam, chồng tôi đổi tên khai sinh thành Hải vì ông sợ liên lụy về sau. Tên khai sinh của ông là Đặng Văn Uy, sinh năm 1937 ở xóm Lèo, xã Tân Thịnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang”. Đây là lý do khiến người Lào lẫn người Việt ở Viêng Chăn mỗi khi nhắc đến chuyện người cựu binh quê Việt Nam đang sống ở bản Huổi Pa Mạ đều gọi ông là ông Hải.
Một lần về quê
Năm 1972 ra tù, ông Hải sống bơ vơ. Thời trẻ ở quê đã thạo nghề thợ xây nên ông sắm đồ nghề đi xây thuê. Cuộc đời thợ xây lang bạt đưa ông vào tận vùng rừng thuộc bản “Khỉ Hét” (vùng rừng hoang vu chỉ có tiếng khỉ hét nên người dân địa phương đặt tên bản Khỉ Hét), thuộc huyện Mường Mẹc. Tại đây, ông được bạn tù (người Lào) tốt bụng cưu mang.Năm 2000, khi Trung tá Đậu Văn Sáu, Chính trị viên Đội quy tập HCLS-Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh, lên kế hoạch đi tìm mộ ở huyện Mường Mẹc, ông Khăm Mừng-Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban công tác đặc biệt tỉnh Viêng Chăn, nói: “Vào tận bản Khỉ Hét mà quy tập một “liệt sĩ sống”, lạ lắm”. Trung tá Sáu hỏi mới biết “liệt sĩ sống" là cựu binh Hải từng chiến đấu ở Lào, bị tù đày, nay lấy vợ Lào, có 12 con. Trung tá Sáu cử Thiếu tá Thân, Đội phó Quân sự Đội quy tập đi tìm ông Hải.
Hai anh em Khăm Vông (bên phải) và Chăn Na Ly đang học tại Việt Nam.
Câu chuyện tìm ông Hải được ông Thân (trú tại thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) kể: “Hồi ấy biết đường xa, khó khăn nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm đi tìm bằng được ông Hải. Chuyến đi tìm người lính tình nguyện Việt Nam đang sống vất vả không kém đi quy tập HCLS. Chúng tôi đi xuồng máy từ mờ sáng đến chiều tối mới tới đồi Khỉ Hét. Gặp nhau giữa rừng xa núi thẳm, nghe ông Hải nói một vài tiếng Việt lơ lớ rồi lạc sang tiếng Lào khiến chúng tôi không khỏi ngậm ngùi. Trong nhiều tâm tư đời lính tình nguyện Việt Nam trên đất Lào, ông Hải có nguyện vọng về quê một lần”. Năm 2002, lãnh đạo tỉnh Viêng Chăn nhờ Đội quy tập HCLS Hà Tĩnh đưa ông về quê.
Mới đây, tại UBND xã Tân Thịnh, huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang), chúng tôi gặp ông Đặng Quang Tảo, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã, kể chuyện ông Hải. Ông Tảo vừa nhìn thấy ảnh ông Hải đã sửng sốt: “Đúng ông Uy làng Lèo rồi. Cháu ông là anh Đặng Văn Kiểm hiện là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã". Nói đoạn, ông Tảo gọi anh Kiểm dẫn tôi về làng Lèo.
Trong ngôi nhà cấp 4, ông Đặng Văn Ngự (83 tuổi, anh ruột ông Hải) bàng hoàng rơi nước mắt khi biết chúng tôi từ nhà ông Hải bên Lào về tìm đường đến đây, vì “sau 38 năm mất tích (từ khi bị bắt tại Lào năm 1964-PV), đến năm 2002 chú Uy về quê một lần, sau lần đó biệt tin suốt 14 năm cho đến nay”. Ông gọi vợ con về loan báo tin mừng. Nhìn lên bức tường gian giữa ngôi nhà, ông Ngự kể: “Hôm chú Uy về, bước vào đến đây bỗng đứng sững người khi thấy tấm bằng Tổ quốc ghi công ghi tên mình treo trên tường. Tôi nói, nghe điện thoại của anh Sáu bộ đội quy tập báo tin chú còn sống, sẽ từ Lào về thăm quê mấy ngày nhưng mọi người không tin. Giờ chú về thật rồi thì tôi cất tấm bằng này làm kỷ niệm”. Nhà ông Ngự nghèo nhưng vẫn tổ chức liên hoan liên tục vì anh em họ hàng đến xem và chúc mừng “liệt sĩ sống” từ chiến trường Lào trở về. “Chú Uy cũng vui lắm chỉ tội trầm tính hẳn và nói tiếng Việt được một lúc rồi lạc sang tiếng Lào”-ông Ngự nói.
Theo ông Ngự, ông Uy xung phong đi bộ đội năm 1963, khi 26 tuổi đang làm công nhân đường sắt. Năm 1964, ông Uy bị địch bắt giam tại Lào. Năm 1968, gia đình nhận giấy báo tử. Lý do 38 năm ông Uy không liên lạc được về nhà là bởi sau khi Lào giải phóng (năm 1975) vẫn còn nhiều cuộc chiến dai dẳng với địch rừng, địch ngầm, lại ở quá xa trung tâm không có điều kiện gửi thư từ. Vả lại do yên bề làm ăn nên lâu dần ông nghĩ Lào cũng là quê. Dịp ấy, ông Ngự bàn với ông Uy đưa vợ con về quê Việt Nam nhưng ông Uy nói nhà đông con, giờ về quê vợ con không biết làm gì mà sống nên quyết định ở lại Lào cho đến nay.
Hai anh em trong hai ngôi trường Việt
Lần theo bản lý lịch trích ngang của ông Hải, chúng tôi đi tìm hai người con của ông đang học ở Việt Nam. Đó là Khăm Vông (22 tuổi), sinh viên năm thứ tư, Khoa Phát triển nông thôn, Trường Đại học Hải Dương. Em gái Khăm Vông là Chăn Na Ly (18 tuổi), đang học năm thứ ba (lớp 12) tại Trường Văn hóa 1 Bộ Công an ở Thái Nguyên.
Trên đường từ Hải Dương đến Thái Nguyên, Khăm Vông tâm sự về người cha gốc Việt của mình: “Cha tôi từng đi dạy chữ Lào cho người già và trẻ nhỏ rồi làm Trưởng bản Khỉ Hét. Hồi đó, bản chưa có ai biết buôn bán, cha tôi bày cho họ ra huyện mua xăng về bán cho những người chạy thuyền máy trên sông Mê Công. Năm 2005, khi tỉnh Viêng Chăn làm xong nhà tình nghĩa, gia đình tôi chuyển từ bản Khỉ Hét ra bản Huổi Pa Mạ. Cha mẹ tôi sinh 12 người con, tôi thứ 8, Chăn Na Ly thứ 10”.
Nói về cảm nghĩ của một sinh viên gốc Lào tại trường đại học Việt Nam, Khăm Vông nở nụ cười hiền hậu: “Ngày xưa học cấp 3 bán trú ở huyện, tôi đi bộ từ bản Khỉ Hét ra trường huyện mất gần một ngày. Sau đó đến lượt em gái tôi đi bộ. Đợt sang đây học, cả huyện Mường Mẹc chỉ có hai anh em tôi. Niềm tự hào khó kể xiết”.
“Từ khi bộ đội quy tập sang đi tìm HCLS, chúng tôi được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ tận tình giúp đỡ, vận động dân biết mộ chỉ đường, tổ chức lực lượng phối hợp với bộ đội Việt Nam trong mọi hoàn cảnh. Đặc biệt không để bộ đội Việt Nam hy sinh trong thời bình vì địch rừng, địch ngầm của tàn quân phỉ. Một lần cùng anh em quy tập một ngôi mộ liệt sĩ còn tươi trong tăng, tôi càng thấm thía sự hy sinh cao cả của những người lính tình nguyện Việt Nam vì đất nước Lào. Khi Bí thư Tỉnh ủy Viêng Chăn Xổm Phết Thít Ma La biết chuyện cựu binh Hải ở bản Khỉ Hét, liền gửi kế hoạch làm nhà tình nghĩa lên Chính phủ Lào. Chính phủ Lào giao ba tỉnh Viêng Chăn, Na Khòn, Bô Ly Khăm Xay chung sức làm nhà, tặng máy cày, ti vi, tủ lạnh, bàn ghế và đồ dùng trong nhà. Tổng trị giá khoảng 300 triệu kíp (tương đương gần 1 tỷ đồng Việt Nam). Đây là món quà tri ân người lính tình nguyện Việt Nam đang sinh sống tại Lào”.
Thiếu tướng XIA ĐA LÒ, Tỉnh đội trưởng kiêm Phó bí thư Tỉnh ủy Viêng Chăn
|
Bài và ảnh: VŨ TOÀN