“Một túp lều tranh hai trái tim vàng”

Hà Nội vào đêm, muôn ánh đèn lung linh chiếu rọi phố phường, ngõ ngách. Nhưng chỉ riêng đoạn đường tàu gần 100m nối giữa hai con phố Nguyễn Thái Học và Điện Biên Phủ thì chẳng bao giờ sáng sủa. Ở đó, một túp lều hiện ra khi ánh đèn xe gắn máy của chúng tôi chiếu rọi. Bên trong có đôi vợ chồng già đang loay hoay sửa soạn... Túp lều chỉ rộng chưa đầy 5m2, cao không quá 2m. Nó được làm bằng tổng hợp những vật liệu đã cũ nát như mái tôn, những thanh sắt gỉ, giấy bìa, vỏ bao dứa, gạch ngói,… vô cùng tạm bợ.

Thấy có tiếng người lạ, ông lão bước ra, ôn tồn hỏi: “Các cháu có việc gì thế?”. Khi biết mục đích của chúng tôi, ông niềm nở mời khách tới ngồi tạm chiếc bàn cũ đặt bên hành lang đường tàu. Ông bảo thông cảm bởi lều bé quá chỉ dành để ngủ.

Ông tên là Phạm Ngọc Sơn, sinh năm 1935 ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Ông đã từng tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, rồi sau giải phóng làm một nhân viên ngành đường sắt nên dường như ông đã đặt chân đến khắp mọi miền đất nước.

Năm 2006, ông bị chấn thương sọ não do di chứng của chiến tranh. Cùng lúc đó, người bạn đời của ông-bà Nguyễn Thị Mận cũng bị căn bệnh phong ngứa. Hai ông bà phải khăn gói lên Hà Nội chữa bệnh. Tai họa liên tiếp xảy đến, khi đặt chân đến Hà thành, vợ chồng ông đã mất hết giấy tờ tùy thân. Vì bệnh tật nên tiền bạc của ông bà cũng nhanh chóng cạn kiệt. Phải bám trụ lại Hà Nội chữa bệnh, ông Sơn đành tới trình bày với ngành đường sắt xin một chỗ ven đường tàu để hai thân già trú ngụ qua ngày.

leftcenterrightdel

Vợ chồng ông Sơn bên túp lều ngay sát đường tàu. 

Ông bà bỗng trở thành những kẻ ngụ cư nghèo khổ bất đắc dĩ giữa chốn Hà thành. Hằng ngày, ông Sơn tham gia vào Đội Trật tự phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm với phụ cấp 600.000 đồng/tháng và thỉnh thoảng làm gác chắn đường tàu, làm ca nào được trả lương ca ấy, không có biên chế. Những lúc rảnh rỗi, ông còn sang chùa Bồ Đề, quận Long Biên để giúp các nhà sư quét dọn, hoặc làm những việc vặt. Còn bà Mận-vợ ông, những lúc khỏe mạnh thì đi nhặt đồng nát quanh khu vực ấy, cũng kiếm được ít tiền sống qua ngày.

Tuy nghèo khó và trải qua bao gian nan, vất vả nhưng ông Sơn, bà Mận vẫn rất thương người. Chỉ một thời gian ngắn sống trong túp lều thuộc phường Cửa Nam, ông Sơn đã được mọi người xung quanh quý mến. Ông cho hay: “Vợ chồng tôi ở đây một thời gian đã có rất nhiều người là cựu chiến binh, đảng viên về hưu, bà con khu phố đến trò chuyện hỏi thăm. Chính họ đã cho vợ chồng tôi một số vật liệu để dựng lên túp lều này. Thỉnh thoảng, các bác ấy còn mang cho gạo và nhiều đồ dùng sinh hoạt. Ông bà tận dụng xỉ than cho vào hộp xốp để trồng một số loại rau và cây thuốc, phục vụ cuộc sống cũng như chữa bệnh. Quan trọng hơn, ông tạo ra vườn rau, cây thuốc cũng nhằm làm cho các đối tượng hay đến đây phóng uế bừa bãi không dám nữa. Túp lều không có điện, chỉ có chiếc đài chạy pin cũ là tài sản quý giá nhất. Nó được ông bật suốt ngày để giúp cuộc sống thêm vui. Cảm nhận về hoàn cảnh của ông bà, chúng tôi thấy thật đúng với câu: “Một túp lều tranh hai trái tim vàng”.


“Bố nuôi” của đội lang thang, bụi đời

Đang tâm sự với chúng tôi, bỗng dưng ông Sơn buồn rầu khi mạch câu chuyện chuyển sang một hướng khác. Ông nhớ lại: “Đoạn đường sắt này luôn tối tăm vào ban đêm. Tuy chỉ dài gần 100m nhưng đã từ lâu, nơi đây trở thành bãi đáp của tệ nạn xã hội. Những con nghiện ma túy tìm đến đây vật vã trong cơn mê, gái mại dâm, đối tượng lang thang, trộm cắp tìm đến kiếm chỗ ngủ…”.

Ông nhớ lại: “Khi bắt gặp và có ý định cảm hóa, thuyết phục những con nghiện ma túy thì tôi đã phải đối mặt với bao nguy hiểm. Có đêm, 5, 6 thằng nghiện kéo đến vây quanh túp lều của vợ chồng tôi cảnh báo nếu chĩa mũi vào chuyện của chúng thì lều sẽ thành tro, còn người sẽ bị mất luôn xác…”.

leftcenterrightdel
 Giấy chứng nhận từ thiện Hội Chữ thập đỏ trao tặng ông Sơn.
Nhưng với tấm lòng thiện nhân, tâm lý, khuyên giải dần dần, những kẻ nghiện ngập, trộm cắp, lang thang cũng ăn năn và có chuyển biến tiến bộ... Nguyễn Văn Huy, một đối tượng nghiện nặng, sau khi được ông Sơn cảm hóa đã đi trại cai nghiện, giờ thì bỏ hẳn ma túy. Hiện nay, Huy đang làm ăn lương thiện bằng chính sức lao động của mình. Nhiều đối tượng nghiện ngập, trộm cắp khét tiếng như Thắng, Dần, Hoàng… cũng đã được ông cùng lực lượng an ninh khu vực cảm hóa.

 

Đang hàn huyên chuyện cũ thì có một người đàn ông đứng tuổi tiến vào túp lều và gọi ông Sơn bằng bố nghe rất thân mật. Chúng tôi được anh tự giới thiệu tên là Trần Lệ Lâm, người từ lâu đã coi ông Sơn như “bố nuôi”.

Trần Lệ Lâm sinh năm 1968, do cuộc sống có nhiều trắc trở, chán chường nên bỏ đi lang thang và dạt ra Hà Nội hành nghề trộm cắp để sống qua ngày. Tối đến đâu là nhà, ngã đâu là giường, cuộc đời Lâm chắc chắn sẽ tiếp tục đen tối nếu không gặp ông Sơn. Chính ở đoạn đường tàu này, sau nhiều đêm tâm sự, được sự động viên của ông Sơn, Lâm đã dần dần bừng tỉnh, nhận ra những lỗi lầm của mình. “Đời bố chẳng cần điều gì nữa cả, nghèo khổ đến vậy bố cũng chẳng sao. Bố chỉ mong con làm ăn chân chính, lương thiện, đừng sa ngã vào những con đường lầm lỗi như trước nữa”, ông Sơn đã khuyên bảo, tâm sự với Lâm và nhiều đối tượng lầm lạc khác như thế. Giờ đây, tối đến, anh Lâm thường ra trò chuyện với “bố nuôi” trước khi đến chỗ quen thuộc để hành nghề tẩm quất. Trong những ngày rét mướt vắng khách, anh Lâm lại đi khắp các phố để hành nghề đánh giày bằng vài hộp xi "bố nuôi" cho.

Anh Lâm có một tài lẻ là hát rất hay. Buổi tối hôm đó, có "bố nuôi" và những vị khách, như để ngỏ lời tâm sự, tri ân, anh đã hát cho chúng tôi nghe một số bài với chất giọng rất truyền cảm. Câu hát về xứ Huế ngân lên với chất giọng buồn buồn càng làm say đắm lòng người. Tôi nhận thấy, trong thâm tâm người đàn ông này vẫn khát khao trở về quê nhà dù rằng nơi đó đã từng làm tan nát trái tim anh.

Khi giọng hát của anh Lâm lắng dần, lại một người thanh niên khác bất ngờ xuất hiện và cũng gọi ông Sơn bằng bố. Đó là Trần Văn Quân, quê Bắc Ninh, cũng thuộc thành phần chán nhà, chán đời với bao cay đắng trong quá khứ, trôi dạt lên Hà Nội. Thấy Quân xuất hiện, ông Sơn ân cần hỏi ngay:

- Thế sao hôm qua con không về lấy chăn chiếu đi ngủ? Bố và mẹ cứ đợi mãi, không biết có chuyện gì xảy ra.

- Dạ! Hôm qua con gặp mấy người bạn vui quá, anh em có chút đồ ăn uống nên không về được-Quân đáp.

Ngày ngày, Quân lê bước khắp Hà Nội nhặt rác, tối mang về gom để ở cạnh túp lều, hôm sau bán cho hàng đồng nát. Đêm đến, anh lại lấy chăn chiếu ra đoạn hiên nhà quen thuộc nào đó ngủ. Ông Sơn bảo ở đây có vài trường hợp như Quân. Tuy chẳng có gì cho chúng nhưng ông thương và đều coi chúng là con của mình. Những hôm chúng không về, hay mưa bão, rét mướt đêm đông… ông lại lo lắng đứng ngồi không yên. Hay mới đây, bi thảm như bà Nguyễn Thị Tiến, quê ở huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, 60 tuổi đi nhặt phế liệu bị bọn côn đồ đánh cho dập lá lách và nằm bất động ở đoạn đường tàu này. Khi phát hiện ra, ông Sơn chẳng quản gian khó, gọi xe cấp cứu chở bà Tiến vào bệnh viện. Sau đó, ông còn đứng ra làm mọi thủ tục để xin giảm viện phí cho bà Tiến. Người dân ở đây cho biết, nếu không có ông Sơn thì bà Tiến đã mất mạng đêm đó. Thậm chí có nhiều đối tượng trôi dạt đi đào vàng 9, 10 năm vẫn tay trắng về khu đường sắt này nằm vật vã, đói khổ chờ tàu về quê. Có trường hợp khó khăn quá, ông phải bỏ số tiền tích cóp ít ỏi của mình ra mua vé cho họ kịp chuyến về quê. Không chỉ thế, ông Sơn còn đem thức ăn, nước uống ra cho họ. Người ta thường nói “lá lành đùm lá rách”, còn ông Sơn thì bảo “thôi thì lá rách ít đùm lá rách nhiều”.

Không chỉ làm công tác giữ gìn trật tự, những lúc rảnh rỗi, ông còn đến chùa Bồ Đề phụ giúp các nhà sư chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh, bệnh tật... “Đói cho sạch, rách cho thơm”, ông Sơn và bà Mận luôn luôn tâm niệm phải sống như thế. Tuy phải ăn đói, mặc rét nhưng tấm lòng của vợ chồng ông đối với mọi người vẫn luôn vẹn tròn, chan hòa, vô cùng đáng quý.

Vợ chồng ông Sơn, bà Mận thuộc diện người nghèo khổ nhất ở đất Thủ đô. Nhưng thật đáng quý khi ông cho tôi xem tập giấy chứng nhận của Thành hội Chữ thập đỏ Hà Nội về việc quyên góp, ủng hộ quần áo, đồ dùng cũ. Có thời gian rỗi, ông lại đi các nơi để xin về những bộ quần áo, chăn màn, giày dép cũ đóng thành từng hộp ngay ngắn gửi đi ủng hộ nơi khó khăn. Suốt 10 năm nay, đã có hàng trăm hộp đồ đầy tình thương như thế được gửi đến đồng bào bão lụt, người nghèo miền núi, học sinh khó khăn. Ông bảo: “Tôi biết có rất nhiều người trên đất nước này vẫn đang gặp khó khăn và cần đến đồ cũ nên tôi gửi”. Ông Sơn cũng có mong muốn là được vào chùa Bồ Đề sống, tiếp tục hành thiện nếu khu đường tàu bị giải tỏa. 

 

Bài và ảnh: NGUYỄN THỊ HƯỜNG