Gương sáng học tập và làm theo Bác

Trong căn phòng nhỏ, là nơi nghỉ ngơi cũng là nơi làm việc của bà, điều tôi bất ngờ đó là số lượng bằng khen, giấy khen mà bà được các cấp trao tặng. Không nói về thành tích của mình, bà Thanh kể cho tôi nghe về “cơ duyên” với công việc thiện nguyện.

leftcenterrightdel

Bà Thanh kể lại những kỷ niệm giúp các em có hoàn cảnh éo le vươn lên trong cuộc sống. Ảnh: ĐOÀN VĂN

Sinh ra trong một gia đình gia giáo tại Hà Nội, bà Thanh kém may mắn hơn bạn cùng trang lứa vì thiếu sự chăm sóc của mẹ từ lúc hai tuổi. Tuổi thơ của bà là những ngày gian khó ở An toàn khu Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên). Đến năm 11 tuổi thì người cha cũng mất, cô bé Thanh lớn lên trong sự đùm bọc của người thân. Bằng nghị lực, sự phấn đấu không ngừng, năm 1960, sau khi tốt nghiệp phổ thông, cô nữ sinh Ngọc Thanh đi học sư phạm rồi trở thành giáo viên một trường phổ thông ở ngoại thành Hà Nội. Ít năm sau, cô giáo Thanh được điều về công tác tại Phòng Giáo dục huyện Thanh Trì. Với nhiều thành tích trong công tác, năm 1969, cô được cử đi học tại Liên Xô, chuyên ngành tâm lý xã hội; tốt nghiệp xuất sắc khi về nước, cô về nhận công tác tại Viện Khoa học giáo dục Việt Nam rồi được bổ nhiệm làm Phó ban Nghiên cứu cải cách mầm non, Bộ Giáo dục.

Năm 1987, Tổ chức SOS quốc tế và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thành lập dự án xây dựng Làng trẻ SOS Hà Nội với chức năng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục hướng nghiệp cho trẻ mồ côi không nơi nương tựa, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh và tình yêu với con trẻ, bà Thanh quyết định xin đảm nhiệm làm Giám đốc Làng trẻ SOS. Mười năm làm Giám đốc Làng trẻ em SOS, bà Thanh đã dành trọn tình yêu thương, sự đùm bọc và hết lòng dạy dỗ cho các em không may mắn dưới mái nhà SOS. Đến nay, nhiều em đã trưởng thành, có gia đình và cuộc sống riêng ổn định. Đó cũng là thành công, niềm hạnh phúc lớn nhất của bà Thanh.

Khi nghỉ hưu, hoạt động của bà cũng không vơi đi phần nhiệt huyết, sôi nổi. Bà Thanh nhanh chóng nhận được sự tín nhiệm của cấp ủy Đảng và nhân dân ở khu dân cư và được bầu là Bí thư chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ dân phố số 2, phường Dịch Vọng Hậu. 17 năm liền (1998-2015), bà là người bí thư chi bộ “đầu tàu” gương mẫu, góp phần đưa chi bộ đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh tiêu biểu; tổ dân phố đạt danh hiệu tiên tiến xuất sắc. Hằng sáng, bà đều dậy sớm, đi quanh ngõ để nhặt rác, góp phần giữ môi trường sạch đẹp, kết hợp với tập thể dục, rèn luyện nâng cao sức khỏe… Nhiều năm qua, bà luôn cần mẫn, cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao với tất cả tấm lòng của một người đảng viên tận tụy; là gương sáng để cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập, noi theo.

Việc làm và tấm gương của bà Thanh góp phần để tình cảm yêu thương giữa con người với con người ngày càng lan tỏa tại khu phố nơi bà sinh sống. Sự “khép kín” giữa các hộ gia đình trong khu dần được thay thế bằng tình cảm cởi mở, chân thành. Cả khu phố tăng cường đoàn kết, đẩy lùi tệ nạn xã hội, xây dựng nếp sống văn hóa.

Trái tim thiện nguyện

Còn sức là còn cống hiến! Bà Thanh tham gia Hội Chữ thập đỏ, Hội Khuyến học của phường. Gặp các cháu nhỏ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều em bố mẹ mất sớm, phải tự mình lo toan cuộc sống…, bà Thanh như thấy lại mình của thời thơ ấu với khát khao được đi học, được chia sẻ. Thấu hiểu và đồng cảm, bà luôn muốn san sẻ, đùm bọc, giúp đỡ các cháu nhiều nhất có thể. Bà chia sẻ: “Nhìn các cháu tôi nhớ lại khi mình còn nhỏ, cuộc sống khó khăn đã đành, nhưng sự cô đơn, buồn tủi còn đáng sợ hơn nhiều. Thương các cháu, nên tiền lương hưu, phụ cấp tôi đều dành dụm để giúp đỡ các cháu, chỉ mong cuộc sống của các cháu vơi đi khó khăn, thiếu thốn”.

Bền bỉ đã hơn 20 năm qua, hằng năm bà Thanh nhận đỡ đầu 15-16 cháu là trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ, hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các cháu được bà đùm bọc đến khi trưởng thành, tự lo được cho bản thân mới thôi. Cứ mỗi cháu trưởng thành thì sẽ có một cháu khác được bà nhận đỡ đầu. Khoản tiền hỗ trợ các cháu tăng cùng với đồng lương, phụ cấp của bà. Những năm đầu mỗi cháu được nhận 500-600 nghìn đồng/năm, hiện nay là 1,2 triệu đồng. Bà tâm sự: “Chỉ trông vào lương và phụ cấp, nên cũng chẳng được bao nhiêu, nhiều lúc tự mình xoay xở cũng khó khăn lắm, nhưng cứ nghĩ đến niềm vui của các cháu là tôi lại có động lực, thêm cố gắng”.

Qua các thông tin trên truyền hình, báo, đài, những địa chỉ cần giúp đỡ được bà Thanh xác định. Không chỉ các cháu ở trong phường Dịch Vọng Hậu được bà giúp đỡ mà có những cháu ở tận các tỉnh: Thái Nguyên, Nghệ An… Xúc động, bà Thanh kể lại: “Năm 2015, tôi lên huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên để trao xe đạp, sách vở tặng các cháu học sinh nghèo ham học. Theo kế hoạch là tặng cho các cháu học sinh THCS, nên tôi chuẩn bị toàn xe cỡ trung. Chuyện sẽ chẳng có gì nếu như không có một cháu đã học THCS rồi mà vẫn còi cọc, thấp hẳn so với chiếc xe, nhưng cháu ấy cứ một mực giữ chiếc xe mà không muốn chuyển sang phần quà khác. Khi ra về tôi vẫn thấy cháu ấy tay giữ chặt chiếc xe, khuôn mặt thể hiện rõ sự vui mừng. Giây phút ấy làm tôi không kìm được nước mắt”.

Chắc hẳn nhiều người muốn biết rằng, qua từng ấy năm, bà Thanh đã giúp đỡ được bao nhiêu cháu? Số tiền bà tích cóp giúp các cháu là bao nhiêu? Bà Thanh tâm sự: “Tôi chỉ mong giúp nhiều cháu được học hành đầy đủ, có cuộc sống tốt hơn và trưởng thành. Đó là điều quan trọng, tuyệt vời nhất đối với tôi”.

Nhờ sự đùm bọc của bà Thanh, rất nhiều trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn đã vững bước đến trường. Nhiều cháu vươn lên hoàn cảnh với thành tích học tập xuất sắc, thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Tạo nền tảng để các cháu có cuộc sống ổn định sau này, bà Thanh chia sẻ: “Từ hoàn cảnh khó khăn mà vươn lên thành đạt sẽ đáng quý hơn rất nhiều so với những người bình thường. Được tin các cháu trưởng thành tôi còn mừng hơn cả con cháu mình. Tôi tin rằng, các cháu sẽ vững vàng vượt qua mọi khó khăn để trở thành người có ích cho xã hội”.

Tìm hiểu tôi được biết, bà Thanh đã đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời. Đây là một nghĩa cử cao đẹp với mong muốn đem lại ánh sáng cho người khác. Nhìn sâu vào đôi mắt bà, tôi cảm nhận được sự tâm huyết của bà với công việc và những việc bà làm đều xuất phát từ sâu thẳm trái tim, rất bình dị mà cao quý.

Bên cạnh việc từ thiện của cá nhân, bà Thanh còn là một trong những người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng hoạt động của phong trào khuyến học phường Dịch Vọng Hậu đi vào nền nếp, hiệu quả thiết thực với nhiều hình thức phong phú. Tính từ khi thành lập (năm 2005) đến năm 2015, Hội Khuyến học của phường đã khen thưởng 420 lượt học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế, quốc gia, thành phố Hà Nội; hơn 26.200 lượt học sinh giỏi, thi đỗ đại học; cấp học bổng cho hơn 590 lượt học sinh nghèo vượt khó.

Bà Nguyễn Ngọc Ánh, Phó chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu, cho biết: “Bà Thanh là tấm gương điển hình tiêu biểu về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bà luôn hoàn thành tốt mọi công việc được giao, đặc biệt là lối sống và những việc làm thiện nguyện của bà khiến ai cũng ngưỡng mộ và trân trọng”.

Tháng 10-2016, bà Tạ Thị Ngọc Thanh là 1 trong 9 cá nhân vinh dự được trao tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2016.

ĐOÀN VĂN NAM