Giúp người dân từ bỏ tà đạo

Thượng tá Trịnh Hà Tâm là một trong những người lính đầu tiên của Binh đoàn 15 có mặt và bổ những nhát cuốc trồng cây cao su, xây dựng Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 78 tại huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Dù trải qua nhiều cương vị công tác, nhưng đến đâu anh cũng được đồng đội và người dân các buôn làng khu vực Bắc Tây Nguyên nhắc đến với tình cảm thân thương, gần gũi.

leftcenterrightdel

Thượng tá Trịnh Hà Tâm (thứ hai, từ trái sang) cùng người dân thôn Tân Bình, xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi trên tuyến đường mới nâng cấp và đường điện lưới mới hoàn thành.

Năm 2014, khi nhận công tác tại Công ty 732, một trong những điều trăn trở nhất của Thượng tá Trịnh Hà Tâm là nhiều người dân vẫn bị ảnh hưởng bởi tà đạo Hà Mòn, khiến gia đình ly tán, con cái không ai chăm sóc, đời sống kinh tế kiệt quệ. Tà đạo Hà Mòn đã thâm nhập vào thôn Giăng Lố 2 từ năm 2005. Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của một số bà con người dân tộc thiểu số, các đối tượng phản động đã xúi giục, lôi kéo giáo dân nhằm chống phá chính quyền, lập nên nhà nước Đề Ga. Bà con vì mù quáng, tin rằng “có Đức Mẹ hiện hình” nên suốt ngày tụng kinh, dâng hoa cầu nguyện, không chịu đi làm nương rẫy. Có những người trước đây cần cù, chịu khó, nhưng vì tin theo tà đạo mà bỏ bê công việc, khiến cuộc sống thêm vất vả, khổ cực. “Khi tâm lý người dân còn bị hoang mang, dao động bởi tà đạo Hà Mòn, chưa yên tâm làm ăn, cải thiện đời sống gia đình thì buôn làng khó mà bình yên. Ngay khi nhận nhiệm vụ tại Công ty 732, tôi đã xác định phải tập trung giúp đồng bào thoát khỏi tà đạo này”-Thượng tá Trịnh Hà Tâm chia sẻ.

Người dân theo tà đạo Hà Mòn chủ yếu do bị những đối tượng xấu dụ dỗ. Già làng A Xem, người có uy tín của thôn Giăng Lố 2 cho biết: “Trước đây, vì ít người giải thích, tuyên truyền, nên dân làng không biết theo tà đạo Hà Mòn là sai trái. Họ không hiểu rõ, mù quáng tin theo những lời xúi giục của kẻ xấu. Nếu không có bộ đội tuyên truyền, vận động, giúp đỡ thì không biết bao giờ dân làng mới thấy được cái sai để trở về với gia đình”.

Cán bộ của Công ty 732 đã đến gặp từng người, vào từng nhà, rồi tổ chức các cuộc họp thôn, hội, đội… để cung cấp thông tin cho người dân về bản chất lừa lọc của tà đạo Hà Mòn. Đích thân Thượng tá Trịnh Hà Tâm đã nhiều lần đến nhà những người dân trong thôn, nắm bắt tâm tư, tình cảm của đồng bào, từ đó tìm cách giúp họ ổn định cuộc sống. Anh Tâm bộc bạch: “Muốn người dân thật sự rời bỏ tà đạo Hà Mòn thì không chỉ cần giúp họ nhận ra điều hay lẽ phải, mà phải tạo cơ hội để họ kiếm kế sinh nhai, tạo công ăn việc làm, sửa sang nhà cửa. Khi người dân có cuộc sống ổn định, có của ăn của để, tà đạo Hà Mòn sẽ không còn cơ hội quay lại buôn làng”.

Hai vợ chồng chị Y Phal và anh A Leah từng theo tà đạo Hà Mòn từ năm 2006. Anh A Leah kể: Theo tà đạo phải đi vào rừng, suốt ngày chỉ đọc kinh, lúc đói không có gì ăn, cũng không thấy những người từng hứa cho mình cuộc sống sung sướng đâu. Khi được cán bộ vận động, hai vợ chồng quay về làng, ngôi nhà của gia đình sau nhiều năm không có người trông nom đã dột nát, xuống cấp, 8 đứa con nheo nhóc, đói ăn. “Tìm hiểu, trò chuyện với Y Phal, A Leah, tôi khuyên họ nên tu tỉnh để làm ăn, nuôi dạy các con. Dân làng và công ty sẽ giúp đỡ để hai vợ chồng có việc làm, có đất canh tác”-Thượng tá Trịnh Hà Tâm chia sẻ.

Bây giờ, cuộc sống của gia đình anh A Leah đã đổi khác rất nhiều. Chị Y Phal và hai con trở thành công nhân thuộc Đội 10, Công ty 732, nhận khoán hơn 2ha đất trồng cao su, cà phê. Công ty 732 còn xây cho gia đình anh chị một ngôi nhà mới, kiên cố, không còn cảnh “nhà tranh vách đất”, rồi mua sắm giường chiếu, đồ dùng trong nhà. Đầu năm 2016, gia đình A Leah đã ký cam kết với thôn, với công ty, từ bỏ hẳn tà đạo Hà Mòn. Chúng tôi hỏi A Leah, nếu bây giờ tà đạo Hà Mòn quay lại, anh có đi theo nữa không? Người nông dân chất phác, hồn hậu khẳng định chắc nịch: “Không bao giờ tôi còn nghe theo những lời dụ dỗ của tà đạo Hà Mòn nữa”. Thôn Giăng Lố 2 có 34 hộ dân, những người theo tà đạo Hà Mòn đến nay đều đã quay về buôn làng và được nhận vào làm công nhân của Công ty 732.

Nhiều người dân trong thôn gặp khó khăn cũng được Thượng tá Trịnh Hà Tâm và Công ty 732 giúp đỡ. Năm 2015, căn nhà của gia đình chị Y Mít bị sập vì quá cũ nát, gia cảnh thêm chồng chất khó khăn khi chồng chị mất, một mình chị phải nuôi dạy ba con nhỏ. Biết hoàn cảnh của chị Y Mít, Thượng tá Trịnh Hà Tâm và cán bộ công ty đến thăm hỏi, quyết định trích từ nguồn kinh phí xây dựng nhà đồng đội, làm cho gia đình chị Y Mít căn nhà khá kiên cố. Nói về mối thân tình của Thượng tá Trịnh Hà Tâm với người dân trong thôn, già làng A Xem bộc bạch: “Bà con trong thôn ai có chuyện vui, chuyện buồn đều được A Tâm chia sẻ, giúp đỡ. Dù bận đến mấy, có lúc đang đi công tác, nhưng biết trong thôn có việc, A Tâm cũng tranh thủ có mặt cùng chung tay góp sức, chia sẻ buồn vui với dân làng”.

“A Tâm” gắn với tên đường, tên xóm

Con đường dẫn từ thôn Giăng Lố 2 vào nương rẫy vốn trước đây cứ mưa xuống thì lầy lội, nắng lên bụi mịt mù, khiến việc đồng áng của người dân trong thôn và cả các vùng lân cận gặp rất nhiều khó khăn. Có những lúc vào vụ thu hoạch, gặp thời tiết không thuận lợi, để đưa được hạt ngô, củ mì (sắn) từ nương rẫy về nhà, với người nông dân là cả chặng đường gian khó. Ngay khi nhận nhiệm vụ tại Công ty 732, đồng chí Tâm đã tính chuyện phải xây dựng một số hạng mục hạ tầng thiết yếu, để không chỉ góp phần nâng cao đời sống của người dân mà còn phục vụ trực tiếp công tác sản xuất của công ty. Lãnh đạo Công ty 732 đã họp bàn cùng với chính quyền 4 xã trên địa bàn đứng chân thuộc hai huyện Ngọc Hồi và Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) và đại diện người dân địa phương, quyết tâm bê tông hóa tuyến đường giao thông liên xã Đăk Kan-Rờ Kơi, dài hơn 2km. Đầu năm 2016, hơn 200 cán bộ, chiến sĩ Công ty 732 cùng nhân dân các xã đã đóng góp ngày công lao động cùng kinh phí gần 5 tỷ đồng từ sự hỗ trợ của công ty để hoàn thành tuyến đường này. “Tuyến đường xây dựng xong, niềm mơ ước của người dân chúng tôi bao lâu nay đã trở thành hiện thực. Từ nay, con em chúng tôi hằng ngày đi học không phải lội qua những con suối vào mùa mưa, đường không còn bụi đỏ mù mịt vào mùa khô; hạt lúa, củ khoai, trái bắp (ngô) từ các nương rẫy trong rừng được đưa về cất trong nhà, đưa đi tiêu thụ cũng thuận tiện hơn nhiều. Có đường, bà con được giao lưu, buôn bán các nông sản làm ra, đỡ bị tiểu thương ép giá. Cuộc sống của người dân ở các xã Đăk Kan, Rờ Kơi nói chung, thôn Giăng Lố 2 nói riêng sẽ bớt khổ hơn, cái đói, cái nghèo sẽ dần được đẩy lùi”- già làng A Xem bày tỏ. Con đường mới này, người dân thôn Giăng Lố 2 đặt tên là đường “A Tâm”, là sự ghi nhận cho những đóng góp của cá nhân Thượng tá Trịnh Hà Tâm và cán bộ, công nhân viên Công ty 732 với thôn làng.

Tại thôn Tân Bình, xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi, có một xóm nhỏ với khoảng 20 hộ dân, chủ yếu đến đây lập nghiệp từ năm 2005. Khó khăn lớn nhất của những gia đình nơi đây là chưa có điện lưới quốc gia; nguồn điện sinh hoạt của bà con hoàn toàn phụ thuộc vào ắc-quy, máy phát điện. Theo ông Lò Văn Nguyện, người dân tộc Thái, gia đình ông sống ở đây đã hơn 10 năm, phải quen với những chiếc đèn dầu leo lét, vất vả nhất là bơm nước tưới cho vườn cao su, cà phê vì phải sử dụng máy phát điện, vừa di chuyển khó khăn, vừa tốn kém. Khảo sát địa bàn các hộ dân trong xóm, Thượng tá Trịnh Hà Tâm nhận thấy nếu kéo đường dây điện từ nhà máy của công ty, chiều dài chỉ khoảng 1km, cộng với “trồng” cột điện, kinh phí không quá lớn, lợi ích mang đến lại rất nhiều. Không chỉ người dân được sử dụng điện, cải thiện điều kiện sinh hoạt, sản xuất mà còn phục vụ công việc của công ty, chăm sóc cho diện tích cao su, tạo thuận lợi cho việc thu hoạch mủ.

Khi biết công ty chuẩn bị kéo điện về xóm, bà Lò Thị Xuyên đi thông báo từng nhà. “Ai cũng mong chờ đến lúc có điện. Rồi những bóng đèn trong nhà được thắp sáng, nhiều đêm tôi mừng quá không ngủ được. Bao nhiêu năm lập nghiệp ở vùng đất Bắc Tây Nguyên này, chưa lúc nào người dân trong xóm có những ngày vui như thế”- bà Lò Thị Xuyên xúc động nhớ lại. Điện về với xóm đúng vào dịp Tết Nguyên đán Bính Thân, nhà nhà tranh thủ mua sắm những vật dụng thiết yếu mà từ trước đến nay chưa có điều kiện sử dụng như bóng đèn, nồi cơm điện, ti vi... Bây giờ mỗi lần có ai hỏi đến xóm nghèo ở thôn Tân Bình, xã Đăk Kan, người dân nơi đây đều khoe: Chúng tôi ở xóm A Tâm.

Đầu năm 2016, dân làng ở thôn Giăng Lố 2 tổ chức một buổi lễ để chính thức công nhận Thượng tá Trịnh Hà Tâm là con của làng. Mọi người trong thôn tề tựu đông đủ, niềm vui hiện rõ trên từng khuôn mặt. Già làng A Xem còn mời đại diện các thôn xung quanh, mời cán bộ ở xã, huyện về cùng chung vui. Có mặt trong buổi lễ đó, đồng chí Thao In, Phó bí thư Đảng ủy xã Sa Loong nói: Với dân làng chúng tôi, từ giờ không gọi là “Giám đốc Tâm” nữa, mà chỉ gọi là “A Tâm”- người con của làng thôi!

Những việc làm tình nghĩa, giúp đỡ dân, chăm lo cho dân của Thượng tá Trịnh Hà Tâm xuất phát từ tình cảm chân thành, gắn bó với đồng bào nơi đây. Tuy không phải là nơi “chôn nhau cắt rốn”, nhưng núi rừng Bắc Tây Nguyên đã trở thành quê hương thứ hai, thành “mái nhà” thân thương của anh...

Bài và ảnh: QUANG HỒI - MẠNH HƯNG