Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND quy định, “việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND ở đơn vị bầu cử nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị bầu cử đó”. Ứng cử viên vận động bầu cử bằng các hình thức: Gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử và thông qua phương tiện thông tin đại chúng. Đây là hai “kênh” chủ yếu để ứng cử viên trình bày kế hoạch, chương trình hành động của mình khi trúng cử. Tuy nhiên, sử dụng hình thức vận động nào cũng cần tính đến hiệu quả thực tế, nhất là khi cử tri chưa hiểu, thậm chí chưa biết gì về mình ngoài một số thông tin trong bản lý lịch tóm tắt. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Ủy ban bầu cử TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Để vận động bầu cử đạt kết quả cao, trước hết ứng cử viên cần xây dựng kế hoạch sát thực tiễn, nêu bật mục tiêu mình sẽ thực hiện khi trở thành đại biểu của dân, vì lợi ích của dân. Muốn vậy, phải tìm hiểu kỹ tình hình kinh tế-xã hội địa phương nơi mình ứng cử; đặc trưng tâm lý, văn hóa, phong tục của người dân sở tại; tâm tư, nguyện vọng của dân, những điều họ quan tâm, muốn được giãi bày, gửi gắm, giúp đỡ… Ngoài nội dung chương trình hành động hợp lòng dân, khi trình bày còn phải có tâm thế tốt, tự tin, mạch lạc và có tinh thần cầu thị; trả lời câu hỏi, trao đổi vấn đề thể hiện rõ lập trường, chính kiến, không chung chung, ba phải mới thuyết phục được nhân dân tin tưởng, ủng hộ và bỏ phiếu cho mình”.
Thực tế cho thấy, đã có không ít ứng cử viên chuẩn bị kế hoạch, chương trình hành động sơ sài, không sát thực tế nên lúng túng khi thuyết trình và trả lời câu hỏi, chất vấn của cử tri. Điều này gây ấn tượng không tốt, khiến cử tri giảm sút lòng tin. Ngược lại, cũng có ứng cử viên “thao thao bất tuyệt”, trình bày dông dài toàn những điều “trên mây” theo kiểu “chém gió” khiến cử tri khó hiểu và có cảm giác hoài nghi những điều ứng cử viên hứa hẹn, dẫn tới mất điểm, giảm uy tín trước cử tri.
Gặp gỡ, tiếp xúc cử tri hay vận động bầu cử thông qua phương tiện truyền thông đại chúng thực chất là đến với dân, nói cho dân nghe, dân hiểu về những lợi ích mà mình sẽ mang lại cho dân nên nhất định phải chân thành, sát thực, tránh màu mè, hình thức thì dân mới tin, mới ủng hộ. Theo Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam-người có nhiều kinh nghiệm vận động bầu cử, khi ứng cử viên công bố chương trình hành động của mình nhất thiết phải tuân thủ pháp luật, không được vi phạm những điều cấm trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; đồng thời, chương trình phải sát thực, chuẩn mực, có tính văn hóa và có ý nghĩa chính trị-xã hội nhất định. Nội dung càng gần gũi, thiết thực với người dân càng củng cố được lòng tin ở dân; không nên hứa hẹn những điều quá to tát, viển vông, khi không thực hiện được sẽ mất uy tín trước nhân dân. Điều này là thất bại lớn nhất đối với một đại biểu của dân.
Trong một số cuộc bầu cử trước đây, do chưa nắm chắc những quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND nên vẫn có trường hợp ứng cử viên vi phạm pháp luật, khi vận động bầu cử đã tổ chức tặng quà từ thiện hoặc có lời nói chê bai, gièm pha ứng cử viên khác… Việc làm này đã vi phạm Điều 68, Chương VI (Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND) về những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử. Những hành vi bị cấm bao gồm: Lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân khác; lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử; lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình; sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.
Bởi vậy, các ứng cử viên phải hiểu luật để thực hiện đúng luật; đồng thời chứng tỏ tư duy, trí tuệ, tầm hiểu biết và hành vi văn hóa của mình trước cử tri. Để phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời những sai phạm đáng tiếc xảy ra, Luật sư Nguyễn Hữu Nam (Đoàn Luật sư Đồng Nai) cho rằng: Việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cần thực hiện đúng luật, đúng Hướng dẫn số 1971/MTTW-BTT ngày 19-4-2016 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ban Thường vụ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (cấp tỉnh trở xuống) cần phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân cùng cấp tại đơn vị bầu cử chuẩn bị chu đáo kế hoạch và tổ chức tốt hội nghị tiếp xúc cử tri; cung cấp các thông tin cần thiết về tình hình kinh tế-xã hội của địa phương, giúp người ứng cử thuận tiện xây dựng chương trình hành động của mình để trình bày trước cử tri; giám sát việc vận động bầu cử bảo đảm đúng luật và tạo điều kiện để cử tri tới dự hội nghị tiếp xúc cử tri được đông nhất, đúng, đủ thành phần…
Vận động bầu cử có vai trò rất lớn, tác động trực tiếp đến kết quả phiếu bầu. Do vậy, mỗi ứng cử viên cần chuẩn bị chu đáo, nắm chắc và thực hiện đúng luật, văn bản hướng dẫn; kết hợp vận dụng linh hoạt các hình thức vận động chính thống để đạt kết quả cao nhất trong cuộc bầu cử sắp tới.
HÀ BÌNH AN