Trên mạng xã hội facebook, gần đây xuất hiện một trang tự nhận là “Trang tin chính thức về kỳ bầu cử Quốc hội Việt Nam 2016”. Nội dung của trang gần như trái ngược với tuyên bố của nó là “cung cấp thông tin hữu ích về ứng cử và bầu cử” mà chỉ đăng tải rất nhiều bài viết chứa đựng nội dung xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước. Cùng với trang thông tin “chuyên đề” này, còn không ít trang khác trước đây tập trung chống phá Đại hội XII của Đảng nay chuyển sang tập trung vào chủ đề phá hoại bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp. Trong đó, có không ít trang của một số người tự xưng là “nhà dân chủ”, “nhà hoạt động xã hội” như các trang: Việt Tân, Diễn đàn xã hội dân sự…
Hoạt động của các trang này nổi lên một số vấn đề đáng chú ý. Thứ nhất là cổ vũ phong trào “ồ ạt tự ứng cử” không nhằm mục đích xây dựng thực sự mà chỉ để xuyên tạc, bôi nhọ nền dân chủ XHCN của chúng ta. Cũng qua phong trào tự ứng cử này, họ coi là một kênh để tuyên truyền, đăng tải thông tin trái đường lối, quan điểm của Đảng; kêu gọi, thu hút sự hậu thuẫn từ bên ngoài. Họ kích động: “Cuộc bầu cử Quốc hội 2016 lần này, đứng trên mặt Đảng mà xét, sẽ chẳng có thay đổi gì, vì cơ chế là do Đảng đề ra...”. Thứ hai là kích động, lôi kéo một số gương mặt mà họ phong là các “nhà dân chủ” và cả những văn nghệ sĩ có tư tưởng bất mãn, đối lập. Thứ ba, sau khi có kết quả hiệp thương lần thứ 3, khi hầu hết những “gương mặt dân chủ” đều không lọt vào danh sách bầu cử, thì họ tuyên bố rằng muốn có dân chủ thực sự, muốn tìm được người tài đức thực sự thì phải xóa bỏ cơ chế “Đảng cử dân bầu”, xóa bỏ hiệp thương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; áp dụng mô hình bầu cử phương Tây mà thực chất xét cho cùng là xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng. Họ kêu gọi phải sửa quy định của pháp luật về bầu cử, thậm chí kêu gọi hậu thuẫn từ nước ngoài. Thứ tư, sau thất bại của phong trào tự ứng cử họ chuyển sang nói xấu cơ chế bầu cử, các cơ quan bầu cử rồi kêu gọi mọi người, nhất là giới trẻ “tẩy chay bầu cử”, “không đi bầu cử”.
Để đấu tranh làm thất bại các chiêu trò phá hoại bầu cử, trước hết, phải làm tốt công tác thông tin tuyên truyền về cuộc bầu cử, nhấn mạnh về những điểm mới, những nét tiến bộ trong công tác bầu cử. Theo tôi, đây là vấn đề cần tập trung vì so với các cuộc bầu cử trước đây, cuộc bầu cử lần này thể hiện rất rõ sự tiến bộ của Nhà nước pháp quyền XHCN. Chúng ta đã có một hệ thống pháp luật phục vụ cho công tác bầu cử hoàn thiện. Hệ thống pháp luật ấy bao gồm: Bản Hiến pháp mới được sửa đổi năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015...
Cũng cần tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể hơn để người dân hiểu biết về Quốc hội, vai trò đại biểu Quốc hội, văn hóa nghị trường. Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất nhưng vẫn còn nhiều người ít hiểu biết về chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội. Nên đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như có các bài học thực tế cho học sinh, sinh viên tham quan mô hình Quốc hội, nhập vai đại biểu Quốc hội… Báo chí phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nhất là khi đã có kênh Truyền hình Quốc hội, như nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Tôi muốn Quốc hội hoạt động như thế nào thì nhân dân đều được thấy như thế trên truyền hình”.
Cùng với đó, cần nâng cao chất lượng đội ngũ phóng viên phản ảnh về Quốc hội. Những người làm công tác này phải có kiến thức về chính trị, pháp luật, phải có kinh nghiệm và am hiểu về hoạt động của Quốc hội. Thực tế vẫn có không ít phóng viên ở một số báo còn non nớt về chính trị; có cả hiện tượng phóng viên viết trên báo một đằng nhưng lên mạng xã hội viết một nẻo khác về Quốc hội, nhất là về phát biểu của các đại biểu Quốc hội, các phiên chất vấn, làm giảm niềm tin của người đọc vào bộ máy Nhà nước.
Cần phải xử lý nghiêm các trang mạng thông tin xuyên tạc, phá hoại bầu cử. Các trang mạng xã hội hiện đang hoạt động như một tờ báo điện tử, thậm chí cử người xưng là “phóng viên” đi phỏng vấn một số người tự ứng cử, trong đó phần lớn là những nhân vật “xã hội dân sự”, hoạt động trái với Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động thông tin điện tử trên internet. Các cơ quan chức năng, trực tiếp là cơ quan an ninh cần sớm điều tra, làm rõ các hành vi sai phạm của các đối tượng liên quan, không để phát tán thông tin xấu, “gây nhiễu” và phá hoại bầu cử.
CHÍNH TÂM (lược ghi)