Sự kiện này càng trở nên có ý nghĩa sâu sắc hơn, đặc biệt hơn đối với các bạn sinh viên, khi rất đông trong số họ lần đầu tiên được đi bầu cử. Tham gia bầu cử không chỉ đánh dấu sự trưởng thành của mỗi cá nhân, mà còn là cơ hội để người trẻ đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Lá phiếu của người cử tri tuy khuôn khổ nó bé nhỏ, nhưng giá trị của nó thì vô cùng to lớn”. Vì vậy, mỗi cá nhân tham gia bầu cử cần phải tự ý thức được trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của bản thân đối với đất nước để từ đó có nhận thức đúng đắn hơn về tầm quan trọng của việc đi bầu cử.
Cầm lá phiếu trên tay, chắc hẳn mỗi người trẻ đều có những cảm xúc đặc biệt khi bản thân mình được lựa chọn, ghi vào lá phiếu bầu những người mà mình tin tưởng, có đủ “tâm, tài, đức, trí”. Đây là niềm vinh dự, là quyền làm chủ thực sự của người dân nói chung, của thế hệ trẻ Việt Nam nói riêng. Tuy vậy, không phải bạn trẻ nào cũng thấu hiểu và nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của bầu cử, vẫn còn một bộ phận thanh niên chưa thật sự coi trọng quyền và nghĩa vụ của bản thân đối với đất nước. Vì vậy, họ tham gia bầu cử với tinh thần, trách nhiệm không cao.
Sinh viên Trần Thị Thúy. Ảnh: TRƯỜNG GIANG.
Cầm lá phiếu đi bầu cử không chỉ là quyền lợi mà còn thể hiện trách nhiệm của công dân, trách nhiệm làm chủ đất nước, trách nhiệm lựa chọn và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Bởi vậy, khi nhận được lá phiếu, trách nhiệm của mỗi cử tri là phải theo dõi danh sách đại biểu, sáng suốt lựa chọn người có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ trở thành đại biểu của nhân dân. Trách nhiệm đó thể hiện từ những việc làm nhỏ nhất như đi bầu cử đúng giờ, bầu đủ số lượng đại biểu, suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi lựa chọn. Các bạn sinh viên cần tham gia tích cực vào việc tuyên truyền, phục vụ, bảo vệ quá trình tổ chức bầu cử, là cầu nối vận động gia đình, hàng xóm, bạn bè có trách nhiệm hơn trong cuộc bầu cử tới đây.
Theo tôi, không phải người trẻ không quan tâm đến các vấn đề chính trị, xã hội như quan điểm của nhiều người. Điều quan trọng là cần có định hướng cho họ tìm hiểu về các hoạt động chính trị-xã hội một cách đúng đắn. Tôi đề nghị cần tổ chức thêm nhiều diễn đàn, nhiều cơ hội để các bạn trẻ được cung cấp thông tin, hiểu rõ hơn vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. Từ đó, tự nâng cao nhận thức và hướng đến hoàn thiện bản thân. Cũng cần có thêm nhiều chương trình thực tiễn để người trẻ phát huy được năng lực của mình một cách hiệu quả.
Hiện nay, mạng xã hội trở nên phổ biến, hệ thống thông tin truyền thông cũng được nâng cao nên việc đóng góp ý kiến xây dựng và phát triển xã hội trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, người trẻ cần phải thực sự tỉnh táo để không rơi vào bẫy của những thế lực thù địch, để vừa có thể thỏa sức bày tỏ quan điểm, thể hiện năng lực, đưa ra chính kiến của bản thân mà vẫn có thể đóng góp cho sự tiến bộ của xã hội.
Trước đây, tôi từng chứng kiến người thân tham gia bầu cử, thấy mọi người thường xuyên nhắc đến tên đại biểu, theo dõi thông tin và hoạt động của họ. Đến ngày đi bầu cử, ai cũng hào hứng, cố gắng sắp xếp mọi công việc để đến địa điểm bỏ phiếu đúng giờ. Đây là năm đầu tiên tôi được tham gia bầu cử, tôi có những cảm xúc rất mới mẻ, vừa hồi hộp, vừa cảm thấy vinh dự và tự hào. Nhưng tôi cũng khá lo lắng vì bản thân phải suy xét để đưa ra quyết định lựa chọn đại biểu của riêng mình. Tôi cũng thường xuyên theo dõi những hoạt động vận động bầu cử của các ứng cử viên. Tôi nghĩ, không phải bỏ phiếu xong là hoàn thành trách nhiệm, nghĩa vụ của cử tri, mà sau bầu cử mình phải tiếp tục theo dõi, giám sát để có cái nhìn toàn diện và có thể đánh giá tốt hơn năng lực thực sự của người mà mình đã tin tưởng lựa chọn.
ĐỖ HƯNG (lược ghi)