Phóng viên (PV): Một số địa phương như Tuyên Quang, Yên Bái, Quảng Nam… đạt tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu rất cao. Theo đánh giá bước đầu, nhờ đâu mà những tỉnh này đạt tỷ lệ cao như vậy, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc: Các địa phương này đạt tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu rất cao là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự vào cuộc tích cực của các ban bầu cử, các đoàn thể chính trị-xã hội, công tác tuyên truyền rất tốt, nên người dân rất tích cực đi bỏ phiếu. Đây là sự cố gắng rất lớn, bản thân người dân đã xác định rất rõ quyền của mình nên đã tích cực đi bỏ phiếu từ rất sớm.
Đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc trả lời phỏng vấn tại Trung tâm Báo chí, chiều 22-5. Ảnh: VĂN HẢI
PV: Đồng chí có thể cho biết việc mở thùng phiếu được thực hiện như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc: Việc mở thùng phiếu được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Các ứng cử viên, người được ứng cử viên ủy quyền, cơ quan của ứng cử viên, phóng viên báo chí được tiếp cận, chứng kiến việc mở hòm phiếu và kiểm phiếu để bảo đảm tính công khai, công bằng trong bầu cử. Chúng tôi cũng đã tổ chức tập huấn để tất cả các tổ bầu cử thực hiện việc kiểm phiếu theo đúng quy trình và đúng luật.
PV: Là người tham gia trực tiếp công tác chuẩn bị, lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị cho bầu cử từ đầu đến giờ, đồng chí rút ra được kinh nghiệm gì về công tác tổ chức bầu cử lần này?
Đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc: Thứ nhất, công tác chỉ đạo, hướng dẫn được thực hiện rất nhanh, kịp thời và cũng rất sâu sát. Ngoài việc giải đáp thông qua cuốn sách hỏi-đáp về bầu cử, Hội đồng Bầu cử quốc gia còn có 81 văn bản trả lời, hướng dẫn tất cả những vấn đề mà địa phương thấy vướng mắc.
Thứ hai, hoạt động quán triệt được thực hiện rất tốt. Những người tham gia công tác bầu cử mặc dù có lúng túng ban đầu, nhưng nhờ được tập huấn rất kỹ nên không còn lúng túng trong công tác.
Thứ ba, công tác tuyên truyền được thực hiện khá tốt, nhiều nơi có cách làm rất sáng tạo. Ví dụ, Hậu Giang chấm hết 187 điểm trên bản đồ. Từ đó, Ủy ban Bầu cử ngồi một chỗ nhưng có thể điều hành thông suốt từ trên xuống tận điểm bầu cử. Hà Nội có cách làm sáng tạo là in những bản trích ngang tiểu sử của người ứng cử cả 4 cấp gửi về từng gia đình. Buổi tối, khi ngồi ăn cơm hoặc uống nước, các thành viên trong gia đình có thể trao đổi, bàn luận với nhau về từng người ứng cử. Trên cơ sở đó, sáng ra, mỗi thành viên trong gia đình đều đã có sự lựa chọn cho riêng mình, nên việc bầu cử được thực hiện rất nhanh chóng. Đó là những cách làm rất tốt, tôi cho là nên phát huy.
Thứ tư, nhờ các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền rất tốt về việc bầu thay, bầu hộ là không đúng, nên cử tri đã nhận thức rõ được điều đó. Chúng tôi cũng yêu cầu phát huy vai trò của các tổ bầu cử, cán bộ chỉ phát một bộ phiếu bầu cử cho một cử tri, không phát nhiều bộ phiếu bầu cử cho một cử tri để tránh tình trạng bầu hộ, bầu thay.
Sau ngày hôm nay, chúng tôi sẽ tổng kết và rút ra những bài học, thậm chí có thể kiến nghị sửa Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu cần thiết.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
THÙY LÂM (thực hiện)